Sự cần thiết phải bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại ngân hàng thương mại

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại ngân hàng thương mại (Trang 22 - 27)

CHƯƠNG I. NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI GỬI TIỀN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VÀ PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI GỬI TIỀN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1.1. Những vấn đề lí luận về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại ngân hàng thương mại

1.1.2. Sự cần thiết phải bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại ngân hàng thương mại

Xuất phát từ mối quan hệ giữa người gửi tiền với ngân hàng thương mại trong quá trình thực hiện giao dịch gửi tiền cũng như đặc điểm của hai bên chủ thể, việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền là thực sự cần thiết, vì:

Từ tình trạng bất cân xứng thông tin, cần thiết bảo vệ quyền lợi người gửi tiền để đảm bảo cân bằng lợi ích giữa người gửi tiền và ngân hàng thương mại.

Ngân hàng thương mại là trung gian tài chính trong nền kinh tế, đóng vai trò là người đi vay và người cho vay lại. Trong hoạt động cấp tín dụng của mình, thông thường

để đẩm bảo khả năng hoàn trả nợ cả gốc lẫn lãi của khách hàng, ngân hàng sẽ có những yêu cầu về cầm cố hay thế chấp tài sản bảo đảm. Điều này có ý nghĩa trong việc đảm bảo lợi ích của ngân hàng trong trường hợp khách hàng không có khả năng hoàn trả khoản nợ, phía ngân hàng có thể xử lí tài sản bảo đảm để thu hồi lại một phần hay toàn bộ khoản vay trước đó.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tại bộ luật dân sự cũng có những quy định về hợp đồng cho vay tài sản và những biện pháp bảo đảm khi vay. Tuy nhiên đó là với những mối quan hệ cho vay và đi vay thông thường, còn đối với hoạt động nhận tiền gửi của ngân hàng thương mại, vì mặc dù xét về bản chất ngân hàng thương mại đang là người đi vay và người gửi tiền là người cho vay, nhưng trong mối quan hệ này, người gửi tiền lại là người có thể nói là chịu nhiều bất lợi hơn.

Người gửi tiền quyết định gửi tiền vào ngân hàng thương mại đôi khi chỉ vì uy tín niềm tin vào chính ngân hàng đó. Cũng trong mối quan hệ nhận tiền gửi này, người gửi tiền là bên cho vay nhưng không nhận bất kỳ tài sản bảo đảm từ phía ngân hàng thương mại. Từ đó có thể thấy rằng, cũng bản chất là mối quan hệ cho vay tài sản nhưng khi gửi tiền, khách hàng không nắm giữ những biện pháp bảo đảm nhằm đảm bảo những lợi ích của mình trong trường hợp ngân hàng không có khả năng hoàn trả. Bởi khi phá sản hay lầm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, người gửi tiền không thể sử dụng uy tín hay niềm tin của mình để có thể xử lí nhằm thu hồi một phần hay toàn bộ khoản tiền gửi ban đầu.

Hoạt động cấp tín dụng là một trong những hoạt động chủ yếu của ngân hàng thương mại, hoạt động này cũng yêu cầu những giấy tờ thủ tục khắt khe, trải qua nhiều bước, nhiều khâu thẩm định đánh giá, khách hàng đủ điều kiện mới có thể giải ngân cho vay. Nhưng đối với hoạt động nhận tiền gửi, người gửi tiền có thể dễ dàng hoàn thành các thủ tục gửi tiền một cách nhanh chóng, không qua nhiều bước, không tốn quá nhiều thời gian.

Ngoài ra trong mối quan hệ với ngân hàng nhận tiền gửi, người gửi tiền ở vị trí yếu thế hơn, trong khi tổ chức nhận tiền gửi nắm giữ những thông tin về khách hàng của mình, nắm giữ tiền gửi của người gửi tiền, trong khi đó hầu như người gửi tiền không biết hoặc biết rất hạn chế về hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại, đặc biệt là những rủi ro trong hoạt động tài chính ngân hàng, nên quyền lợi của họ dễ bị xâm phạm hơn. Người gửi tiền cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những điều kiện xấu của kinh tế xã hội.

Từ những lí do trên, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai bên chủ thể người gửi tiền và ngân hàng thương mại, pháp luật cần thiết nên có những quy định dể bảo vệ quyền lợi người gửi tiền trong mối quan hệ này.

Bảo vệ quyền lợi người gửi tiền cũng góp phần đảm bảo hoạt động của ngân hàng thương mại, từ đó đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính ngân hàng góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Ngân hàng thương mại hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng, là trung gian tài chính giúp lưu thông nguồn vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu, trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh của mình, ngân hàng thương mại nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của người gửi tiền. Bởi lẽ để có thể tồn tại và phát triển, để có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh, nguồn tiền gửi đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với ngân hàng thương mại. Trên thực tế, ngân hàng có nhiều kênh để có thể huy động vốn ngoài nghiệp vụ nhận tiền gửi, ngân hàng có thể đi vay từ tổ chức tín dụng khác, đi vay từ phía Ngân hàng Nhà nước, phát hành các giấy tờ có giá, thực hiện các dịch vụ tài chính ngân hàng khác… nhưng huy động qua nghiệp vụ nhận tiền gửi vẫn là kênh huy động chủ yếu và biến hiện nay trong hoạt động của các ngân hàng.

Ngày nay, người gửi tiền càng ngày càng quan tâm nhiều hơn về quyền lợi của mình khi tham gia gửi tiền vào ngân hàng thương mại, điều ấy càng thúc đẩy ngân hàng có những chính sách riêng nhằm thu hút khách hàng, đó có thể là lãi suất, các ưu đãi, nâng cao chất lượng phục vụ… nhưng trên hết việc thực hiện nghiêm túc và hiệu quả

những quy định về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền là một trong những biện pháp giúp người gửi tiền có niềm tin, đặt sự tin tưởng vào ngân hàng thương mại. Khi đã có lòng tin, sự tin tưởng của khách hàng, ngân hàng mới có nguồn vốn để đem đi thực hiện các hoạt động kinh doanh để có thể tồn tại và phát triển. Cũng theo đó, khi người gửi tiền nhận thấy quyền lợi của mình không được đảm bảo họ sẽ không lựa chọn ngân hàng thương mại nữa, họ sẽ lựa chọn những tổ chức khác bảo vệ quyền lợi của họ tốt hơn, điều này ảnh hưởng cực kỳ nặng nề với chính ngân hàng thương mại và thậm chí có thể đẩy ngân hầng thương mại vào những tình trạng xấu như phá sản hay tình trạng mất khả năng thanh toán. Chính việc nhận thức quan tâm về quyền lợi người gửi tiền của chính các ngân hàng thương mại hay các tổ chức tín dụng khác tạo ra môi trường cạnh tranh để từ đó các tổ chức này ngày càng nâng cao ý thức trong câu chuyện bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, cũng là điều kiện để kinh tế đất nước phát triển bền vững.

Trong hoạt động kinh doanh của mình cũng như các chủ thể kinh doanh khác, ngân hàng thương mại cũng kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận. Lợi nhuận là mục tiêu hướng tới của các chủ thể kinh doanh, để đạt được mục tiêu ấy, các chủ thể đôi khi sẽ có những quyết định đem đến rủi ro cực kỳ lớn. Đối với ngân hàng thương mại, việc sai sót trong quá trình cấp tín dụng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi người gửi tiền. Ngân hàng có được nguồn vốn tiền gửi từ các chủ thể trong xã hội, sau đó thực hiện hoạt động cho vay và hưởng chênh lệch lãi suất, nhưng khi họ dễ dàng hay không xem xét đánh giá kỹ lưỡng trước khi quyết định cấp tín dụng dãn đến việc không thu hồi được khoản tiền cho vay, điều ấy có thể đem tới rủi ro cho chính ngân hàng và người gửi tiền. Chính từ việc có những quy định bảo vệ quyền lợi người gửi tiền sẽ hạn chế hơn những trường hợp sai phạm hoặc cố ý sai phạm của ngân hàng.

Giữa các tổ chức tín dụng với nhau luôn tồn tại tính liên kết và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Bởi thế, giống như phản ứng Domino khi một ngân hàng gặp rủi ro đổ vỡ sẽ kéo theo là sự ảnh hưởng theo dây chuyền tới các tổ chức tín dụng khác. Khi ấy không chỉ ngân hàng gặp rủi ro dẫn đến việc mất khả năng thanh toán hay buộc chấm dứt hoạt

động mà các ngân hàng khác các tổ chức tín dụng khác cũng sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán, kinh doanh.

Hoạt động ngân hàng được coi như huyết mạch của nền kinh tế, giúp lưu thông tiền tệ từ nơi cần sang nơi thiếu, vì thế khi một bộ phận trong đó sụp đổ có thể sẽ dẫn tới sự sụp đổ của toàn hệ thống tài chính ngân hàng. Một khi hệ thống được xem là huyết mạch có vấn đề, hậu quả nặng nề nhất có thể kéo theo cả một nền kinh tế sụp đổ. Chúng ta đã chứng kiến những cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, từ sự khủng hoảng của một quốc gia dẫn tới một cuộc khủng hoảng quy mô rộng lớn, gây ảnh hưởng sâu sắc và nặng nề kéo dài cho nền kinh tế các quốc gia. Chính vì vậy đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng là cực kỳ cần thiết và quan trọng.

Việc tăng cường bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền để tạo lòng tin cho họ là một trong những biện pháp quan trọng để có thể giúp nền kinh tế tận dụng được nguồn vốn cùng những cơ hội thuận lợi trên đà phát triển. Việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền góp phần rất lớn vào việc đảm bảo an toàn cho hệ thống các tổ chức tín dụng. Khi người gửi tiền có niềm tin vào ngân hàng, có niềm tin vào các quy định pháp luật có thể bảo vệ được quyền lợi của mình, họ sẽ dễ dàng và có xu hướng chấp nhận việc gửi tiền vào ngân hàng thương mại hơn, từ đó các ngân hàng sẽ có được nguồn tiền huy động thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của mình. Hơn thế, việc người gửi tiền tin tưởng vào ngân hàng sẽ hạn chế được những trường hợp đôi khi chỉ vì những tin đồn mà người gửi tiền đồng loạt ồ ạt đến ngân hàng yêu cầu rút tiền, hay có tổ chức tín dụng nào khác trên thị trường lâm vào tình trạng tạm thời hoặc thật sự lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, người gửi tiền khi ấy vì tâm lí hoang mang mà đồng loạt tới các ngân hàng rút tiền… đe dọa tới an toàn của toàn hệ thống, ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế.

Để có thể dễ dàng huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, cần tạo được niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, cần cho người gửi tiền thấy rằng họ sẽ được bảo vệ bằng những quy định những quy chế pháp luật từ Nhà nước. Điều này thật sự có ý nghĩa to lớn không chỉ trong hoạt động của chính các ngân hàng mà còn trong

công cuộc quản lí nhà nước về kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng cao.

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại ngân hàng thương mại (Trang 22 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)