CHƯƠNG II. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI GỬI TIỀN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM
2.1. Thực trạng pháp luật về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại ngân hàng thương mại ở Việt Nam
2.1.1. Quy định pháp luật về phòng tránh rủi ro và đảm bảo an toàn cho người gửi tiền tại ngân hàng thương mại ở Việt Nam
Người gửi tiền khi quyết định gửi tiền vào ngân hàng thương mại họ quan tâm tới nhiều vấn đề, nhưng chủ yếu vẫn là khoản tiền gửi của họ có được đảm bảo để họ có thể nhận lại khi hết thời hạn hoặc khi có nhu cầu hay không. Vì nhu cầu chủ yếu đó, họ quan tâm tới các thiết chế có thể bảo vệ quyền lợi của họ, để có thể kiểm soát được phần nào hành vi của ngân hàng khi sử dụng khoản tiền gửi của họ trong hoạt động kinh doanh.
Việc đảm bảo an toàn hoạt động của chính hệ thống tài chính ngân hàng và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền là những vấn đề lớn, mối quan hệ xung đột lợi ích này cần có sự can thiệp từ Nhà nước, cụ thể thông qua công cụ pháp luật và công cụ kinh tế tài chính ngân hàng, từ đó ngân hàng hạn chế được những hoạt động quá mạo hiểm để rủi ro chuyển sang hướng những người gửi tiền.
Các quy định về phòng tránh rủi ro và đảm bảo an toàn cho người gửi tiền là những biện pháp bảo vệ quyền lợi hữu hiệu đối với khách hàng gửi tiền tại ngân hàng. Hiện nay, công cụ quan trọng nhất để bảo vệ quyền lợi người gửi tiền là BHTG. Nhà nước cần hoàn thiện, bổ sung các quy định về BHTG để góp phần bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và hoạt động lành mạnh của NHTM.
Hoạt động ngân hàng là hoạt động có nhiều rủi ro, việc hạn chế rủi ro xảy ra đảm bảo an toàn là mục tiêu lớn đối với việc quản lí Nhà nước về tài chính ngân hàng. Hiện nay pháp luật đưa ra nhiều quy định về phòng tránh rủi ro cho người gửi tiền bằng cách quy định cụ thể về nghĩa vụ của NHTM đối với khách hàng, các tỷ lệ bảo đảm an toàn và biện pháp phòng tránh rủi ro trong hoạt động của NHTM. Bởi hoạt động của NHTM có an toàn, hiệu quả thì quyền lợi của người gửi tiền mới được đảm bảo. Các quy định
này rải rác ở các văn bản luật khác nhau, nhưng chủ yếu tập trung vào những nội dung chính sau đây:
Trách nhiệm tham gia bảo hiểm tiền gửi của các tổ chức tín dụng, trong đó có ngân hàng thương mại.
“Từ nền móng đầu tiên là Nghị định 89/1999/NĐ-CP năm 1999, tiếp đến là Nghị định 109/2005/NĐ-CP năm 2005 về BHTG, cơ sở pháp lý cho chính sách BHTG tại Việt Nam đã được nâng thành Luật BHTG, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Ngày 1/4/2016, BHTGVN chuyển đổi mô hình hoạt động, trở thành “tổ chức tài chính Nhà nước theo mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ” theo Quyết định số 527/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là những bước chuyển về hành lang pháp lý có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để BHTGVN - tổ chức trực tiếp thực thi chính sách BHTG thực hiện tốt vai trò bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của các TCTD” (20 năm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, 2019).
Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng được nhận tiền gửi của cá nhân.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 6, Luật bảo hiểm tiền gửi: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi” (Quốc hội, 2012). Như vậy việc tham gia bảo hiểm tiền gửi là trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong đó có ngân hàng thương mại, việc quy định tham gia bảo hiểm tiền gửi là trách nhiệm chính là một biện pháp, công cụ quan trọng bảo vệ quyền lợi khách hàng gửi tiền. Ngân hàng thương mại khi nhận một khoản tiề gửi nhất định sẽ phải tham gia đóng bảo hiểm trên tỷ lệ số tiền gửi nhận của khách hàng tại ngân hàng. Việc
tham gia bảo hiểm tiền gửi phải được ngân hàng thương mại công bố công khai tại trụ sở chính và các chi nhánh.
Theo quy định tại Điều 18, Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012: “Đối tượng được bảo hiểm chính là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.” (Quốc hội 2012). Bên cạnh việc bảo hiểm tiền gửi với đồng Việt Nam, cũng đặt ra yêu cầu cần thiết đối với vàng hay ngoại tệ được gửi tại tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi. Việc bảo hiểm cả ngoại tệ hay vàng một phần đảm bảo sự bình đẳng giữa những người gửi tiền với nhau, một phần giúp thu hút nguồn vốn bằng đồng ngoại tệ phục vụ cho nhu cầu giao dịch thanh toán quốc tế sử dụng đồng ngoại tệ. Đó cũng là đòi hỏi tất yếu khi giao dịch ngoại tệ ở nước ta ngày càng phổ biến và có xu hướng tăng.
“Người được bảo hiểm tiền gửi chính là các cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại các tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi” (Quốc hội, 2012). Hiện nay chưa có quy định về bảo hiểm đối với tổ chức, Chính sách bảo hiểm của Nhà nước là bảo hiểm cá nhân NGT nhỏ, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ chủ yếu những đối tượng là người có thu nhập trung bình, thấp, người làm công ăn lương. “Mặt khác, quy định chế độ bảo hiểm như hiện nay có ý nghĩa khuyến khích những người dân có vốn lớn, có khả năng kinh doanh nên đầu tư vốn vào kinh doanh để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, góp phần giải quyết việc làm, ổn định xã hội, tạo nhiều nguồn thu nhập cho ngân sách nhà nước.
Vì vậy pháp luật nên duy trì quy định bảo hiểm bắt buộc đối với đối tượng này” (Huỳnh Anh, 2010).
Vấn đề bảo hiểm đối với tổ chức không cần thiết sử dụng quy định bảo vệ bắt buộc, bởi họ không là đối tượng yếu thế cần sự che chở của xã hội. Bảo hiểm đối với tiền gửi cá nhân bởi đó đa phần là khoản tiết kiệm, dành dụm. Còn đối với các tổ chức kinh doanh thì đã kinh doanh cũng nên chấp nhận rủi ro. Đó là chưa đề cập đến các chủ thể này có khả năng nắm bắt thông tin tốt, có thể tự bảo vệ mình tốt hơn so với các chủ thể khác khi
có những bất ổn trong thị trường tài chính - tiền tệ. Do đó, việc bảo hiểm cho khoản tiền gửi đối với các chủ thể này nên để các TCTD tự nguyện tham gia, điều này tùy thuộc vào sự cạnh tranh cũng như năng lực của các TCTD, bởi bên cạnh việc đóng phí bảo hiểm, TCTD còn phải duy trì tài khoản dự trữ bắt buộc tại NHNN, điều này cũng ảnh hưởng đến nguồn vốn kinh doanh của TCTD.
Luật Bảo hiểm tiền gửi cũng quy định rõ ràng về việc chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền, về thời hạn chi trả bảo hiểm, mức chi trả bảo hiểm, số tiền được bảo hiểm, thủ tục trả tiền bảo hiểm.
Cụ thể, thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo quy định tại Điều 22 Luật Bảo hiểm tiền gửi: “Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền”(
Quốc hội, 2012).
Không phải trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không phải với trường hợp nào người gửi tiền cũng thuộc đối tượng được chi trả bảo hiểm. Một khi tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản hay mất khả năng chi trả sau khi đã áp dụng các biện pháp phục hồi từ phía Ngân hàng Nhà nước, nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền sẽ phát sinh.
Việc phát sinh nghĩa vụ này cần nhanh chóng kịp thời tránh hiệu ứng Domino gây ảnh hưởng toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng, củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.
Theo quy định tại điều 23, Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012: “Thời hạn trả tiền bảo hiểm được quy định là trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi” (Quốc hội, 2012).
Cũng theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012: “Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm” (Quốc hội, 2012).
Quyết định 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm. “Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng. Số tiền gửi vượt hạn mức nói trên sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của pháp luật” (Thủ tướng Chính Phủ, 2021).
Như vậy, hạn mức trả tiền bảo hiểm này đã tăng so với hạn mức bảo hiểm theo quy định tại Điều 3 Quyết định 21/2017/QĐ-TTg là 75.000.000 đồng. Việc quy định hạn mức chi trả BHTG hợp lý sẽ góp phần hạn chế nguy cơ rút tiền hàng loạt cũng như củng cố niềm tin đối với tổ chức huy động tiền gửi khi có khả năng rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán hoặc phá sản. Đặc biệt, hạn chế được tâm lý tin vào những tin đồn thất thiệt, dẫn đến hiện tượng khách hàng ồ ạt đi rút tiền, làm cho một TCTD đang hoạt động bình thường rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán và có thể ảnh hưởng chung đến toàn hệ thống TCTD.
Thủ tục trả tiền bảo hiểm được quy định tại Điều 26 Luật Bảo hiểm tiền gửi: “Tổ chức bảo hiểm tiền gửi trở thành chủ nợ của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với số tiền bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm tiền gửi. Số tiền chi trả sẽ được thu hồi trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật” (Quốc hội, 2012).
BHTG xuất hiện như một đòi hỏi khách quan của nền kinh tế, là cơ sở để củng cố niềm tin của người gửi tiền đối với các TCTD nói chung và đối với NHTM nói riêng.
Hiện nay, tổ chức trực tiếp thi hành chính sách bảo hiểm tiền gửi là tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV). Đây là tổ chức duy nhất được giao làm đầu mối triển khai chính sách BHTG nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, hỗ trợ các TCTD gặp khó khăn, kiểm soát và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng. “Thực
tế cho thấy, BHTGVN đã có những đóng góp tích cực vào tiến trình đổi mới nền kinh tế, tái cơ cấu hệ thống các TCTD, tiêu biểu là đối với hệ thống QTDND - nơi người gửi tiền chủ yếu ở khu vực nông thôn. Thông qua triển khai các hoạt động nghiệp vụ BHTG, quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền đã được đảm bảo, niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng ngày càng được củng cố, từ đó gia tăng uy tín, thúc đẩy quá trình huy động vốn của các TCTD” (Hoàn thiện cơ chế, phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi người gửi tiền của BHTGVN, 2021).
Theo Quyết định số 527/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, BHTGVN chuyển đổi mô hình hoạt động, trở thành “tổ chức tài chính Nhà nước theo mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ” (Thủ tướng Chính phủ). Đây là những bước chuyển về hành lang pháp lý có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để BHTGVN - tổ chức trực tiếp thực thi chính sách BHTG thực hiện tốt vai trò bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của các TCTD.
Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã chứng minh vai trò là công cụ quan trọng để tạo niềm tin cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG.
Ts. Đào Quốc Tính (2021) cho rằng: “Tính đến 30.9.2021, BHTGVN đang bảo vệ cho hơn 6,4 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Từ những chức năng, nhiệm vụ được giao, BHTGVN đã thực hiện kiểm tra tại chỗ theo kế hoạch đối với các tổ chức tham gia BHTG, triển khai kiểm tra một số tổ chức tham gia BHTG theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, giám sát từ xa đối với 100% tổ chức tham gia BHTG. Khi phát hiện các vấn đề sai sót, tồn tại cũng như các rủi ro, yếu kém, BHTGVN sẽ báo cáo NHNN để chấn chỉnh, xử lý. Nhờ vậy, từ năm 2015 cho tới nay chưa xảy ra đổ vỡ, phá sản tổ chức tham gia BHTG. Hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn, không có rủi ro lớn mang tính hệ thống. Do đó, quyền lợi của người gửi tiền hoàn toàn được đảm bảo”.
Song song với đó, BHTGVN tiến hành giám sát thường xuyên, liên tục, trong đó tập trung theo dõi đối với các QTDND yếu kém, đặc biệt là các quỹ tín dụng nhân dân
được Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Tham gia trực tiếp hoặc phối hợp với NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc xây dựng phương án xử lý các Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, đồng thời đề xuất kiến nghị với NHNN một số nội dung theo thẩm quyền nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền trong quá trình xử lý pháp nhân các QTDND. Trong thời gian qua, BHTGVN đã có những đóng góp tích cực trong việc theo dõi, kiểm tra chuyên sâu và đề xuất phương án xử lý đối với các TCTD dụng yếu kém với vai trò và nhiệm vụ mới được giao theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2017 nhằm tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN như: tham gia cho vay đặc biệt các TCTD, mua trái phiếu của ngân hàng hỗ trợ, tham gia kiểm soát đặc biệt, đánh giá phương án tái cơ cấu…
BHTGVN bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được BHTG thông qua các hoạt động nghiệp vụ của mình, từ đó góp phần hạn chế rủi ro, giúp các tổ chức tham gia BHTG hoạt động an toàn, hiệu quả hơn, đảm bảo an toàn tiền gửi của người được BHTG.
Ngân hàng thương mại hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc tham gia bảo hiểm tiền gửi là yêu cầu bắt buộc, là công cụ bảo vệ người gửi tiền khi ngân hàng thương mại gặp sự cố rủi ro thanh khoản. Trong hợp đồng bảo hiểm tiền gửi, người thụ hưởng là người gửi tiền dù chủ thể trực tiếp tham gia bảo hiểm tiền gửi lại là các ngân hàng thương mại. Khi ngân hàng thương mại có nghiệp vụ huy động vốn tiền gửi của khách hàng, họ bắt buộc phải tham gia bảo hiểm tiền gửi. Quyền lợi của NGT bị chi phối bởi ngân hàng thương mại, vì vậy bảo vệ NGT là quyền và nghĩa vụ của ngân hàng thương mại nhằm nâng cao niềm tin của người gửi tiền và từ đó tạo thuận lợi cho ngân hàng trong việc huy động. Khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc tuân thủ các quy định về Bảo hiểm tiền gửi giúp nâng cao niềm tin của người gửi tiền, giúp các ngân hàng gia tăng sức cạnh tranh hơn và tăng lợi nhuận.
NHTM phải thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn và phòng tránh rủi ro trong quá trình hoạt động.