CHƯƠNG II. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI GỬI TIỀN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM
2.1. Thực trạng pháp luật về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại ngân hàng thương mại ở Việt Nam
2.1.3. Quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền trong một số trường hợp tổ chức lại ngân hàng thương mại và chấm dứt hoạt động ngân hàng thương mại
Là một chủ thể hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế, ngân hàng không phải là một hiện tượng bất biến không thay đổi, ngân hàng có sinh ra và cũng có mất đi. Có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, đến một thời điểm nào đó, ngân hàng có thể không còn hoạt động nữa. Hiện tượng đó có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, từ nền kinh tế, từ vai trò quản lí điều hành của Nhà nước hay xuất phát từ những vấn đề của chính bản thân ngân hàng thương mại.
2.1.3.1. Pháp luật về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất ngân hàng thương mại
Theo quy định tại Điều 201, Luật Doanh nghiệp 2020, Doanh nghiệp này có thể sáp nhập vào một Doanh nghiệp khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang doanh nghiệp nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập ban đầu.
Cùng với đó, theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Thông tư 36/2015/TT-NHNN Quy định việc tổ chức lại tổ chức tín dụng: “Sáp nhập tổ chức tín dụng là việc một hoặc một số tổ chức tín dụng (sau đây gọi là tổ chức tín dụng bị sáp nhập) chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang một tổ chức tín dụng khác (sau đây gọi là tổ chức tín dụng nhận sáp nhập), đồng thời chấm dứt sự tồn tại của tổ chức tín dụng bị sáp nhập.” (Ngân hàng Nhà nước, 2015).
Trong trường hợp này, ngân hàng thương mại nhận sáp nhập sẽ là chủ thể chịu trách nhiệm về các khoản tiền gửi của người gửi tiền, họ có nghĩa vụ hoàn trả đúng hạn và đầy đủ tiền gốc và lãi đối với người gửi tiền theo những quy định tại hợp đồng nhận tiền gửi đã ký với ngân hàng thương mại bị sáp nhập ban đầu.
Khoản 2, Điều 3 Thông tư 36/2015/TT-NHNN Quy định việc tổ chức lại tổ chức tín dụng: “Hợp nhất tổ chức tín dụng là việc hai hoặc một số tổ chức tín dụng (sau đây gọi là tổ chức tín dụng bị hợp nhất) chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp để hình thành một tổ chức tín dụng mới (sau đây gọi là tổ chức tín dụng hợp nhất), đồng thời chấm dứt sự tồn tại của các tổ chức tín dụng bị hợp nhất” (Ngân hàng Nhà nước, 2015).
Việc sáp nhập hay hợp nhất các tổ chức tín dụng nói chung và ngân hàng thương mại nói riêng phải tuân thủ theo một số nguyên tắc, điều kiện nhất định như: Không thuộc trường hợp tập trung kinh tế bị cấm, có đề án sáp nhập, hợp nhất được cơ quan có thẩm quyền thông qua. Sau khi hoàn thành quá trình này, ngân hàng thương mại sau sáp
nhập, hợp nhất cũng phải đảm bảo tuân thủ các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn, tỷ lệ phần vốn góp, sở hữu cổ phần và điều kiện hoạt động ngân hàng.
Chúng ta có thể nhận thấy nhiều trường hợp, ngân hàng thương mại sáp nhập hợp nhất nhưng vẫn đảm bảo được quyền lợi người gửi tiền, như một số vụ việc Hợp nhất ba ngân hàng NHTM cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Đệ nhất (Ficombank) và Ngân hàng Việt Nam Tín nghĩa; sáp nhập NHTM cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) vào NHTM cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB)…Tất nhiên đứng ở vị trí người gửi tiền, khi nghe ngân hàng nắm giữ khoản tiền gửi của mình có bất cứ vấn đề gì, tâm lí chung họ đều vô cùng hoang mang và việc đó có thể dẫn tới những bất ổn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng tới rất nhiều ngân hàng khác. Nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng đã có sự chỉ đạo đối với việc sáp nhập hợp nhất của các tổ chức tín dụng, cụ thể: “TCTD tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, đặc biệt quyền lợi của người gửi tiền tại từng TCTD tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại”.
2.1.3.2. Pháp luật về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng thương mại chấm dứt hoạt động.
Việc chấm dứt hoạt động được thể hiện dưới hình thức: giải thể hay phá sản. Việc chấm dứt hoạt động dù dưới bất kỳ hình thức nào đều ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng, nhưng hơn hết khi lâm vào những trường hợp như vậy, pháp luật có những quy định ra sao để có thể bảo vệ quyền lợi người gửi tiền một cách tối ưu nhất.
Giải thể Ngân hàng thương mại
Theo quy định tại Điều 207, Luật doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau:
“Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác” (Quốc hội, 2020).
Giải thể và phá sản nói chung đều là chấm dứt hoạt động của ngân hàng, nhưng về bản chất, hai trường hợp này hoàn toàn khác nhau. Nếu như phá sản là cuộc đòi nợ tập thể, giải quyết theo trình tự thủ tục tại Tòa án, giải thể là việc chấm dứt hoạt động, giải quyết theo thủ tục hành chính tại cơ quan đăng kí kinh doanh.
Khoản 2, Điều 207, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định rõ rằng: “Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp” (Quốc hội, 2020).
Trong trường hợp này, khi ngân hàng rơi vào tình trạng giải thể, tức là phía ngân hàng đã đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ cũng như các nghĩa vụ tài sản khác, trong đó có nghĩa vụ thanh toán các khoản tiền gửi của người gửi tiền đầy đủ cả gốc và lãi theo thời hạn ghi trong hợp đồng trước đó. Tiền gửi của khách hàng phải được thanh toán trước khi ngân hàng tiến hành thủ tục giải thể. Việc pháp luật quy định như vậy giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của chủ nợ và người lao động khi ngân hàng lâm vào tình trạng giải thể.
Ngân hàng thương mại phá sản
Bản chất của giao dịch nhận tiền gửi là giao dịch vay tài sản, người gửi tiền là chủ nợ của các tổ chức tín dụng, hơn nữa là chủ nợ không có tài sản bảo đảm.
Phá sản ngân hàng là câu chuyện không hề đơn giản. Phá sản ngân hàng là câu chuyện cuối cùng khi mọi nỗ lực trước đó của Ngân hàng Nhà nước không thành công.
Khi nhận thấy ngân hàng lâm vào tình trạng phá sản, người gửi tiền có thể chủ động nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với ngân hàng thương mại.
Dù vậy, việc ngân hàng thương mại là chủ thể hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng là một trong những lĩnh vực đặc thù và nhạy cảm, việc can thiệp của Ngân hàng Nhà nước trước khi để Ngân hàng thương mại thực hiện các thủ tục phá sản tại Tòa án. Ngân hàng thương mại sẽ có giai đoạn kiểm soát đặc biệt trước khi thực hiện giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản. Thủ tục phá sản khi TCTD lâm vào tình trạng phá sản chỉ có thể tiến hành khi có văn bản của về việc không áp dụng hoặc chấm dứt các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán đối với TCTD, ngay cả trường hợp NGT có nộp đơn yêu cầu phá sản TCTD trước đó rất lâu.
Tiền của người gửi được coi là một khoản nợ của ngân hàng thương mại, vì vậy trong thủ tục phá sản có việc thanh lí tài sản và các khoản nợ. Nếu ngân hàng rơi vào tình trạng phá sản, trong quá trình xử lí tài sản cần chú tâm tới việc đảm bảo các khoản nợ đặc biệt từ khoản tiền gửi của người gửi tiền được hoàn trả một cách đầy đủ nhất.
Ngoài ra, khi ngân hàng thương mại hay tổ chức tín dụng khác lâm vào tình trạng phá sản, quyền lợi người gửi tiền còn được đảm bảo bởi một tổ chức chính là tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Như vậy, đối với trường hợp NHTM bị phá sản, ngoài việc hoàn trả tiền của người gửi tiền theo thủ tục thanh lí tài sản và các khoản nợ của Luật phá sản, người gửi tiền còn được thanh toán tiền gửi theo quy định của Luật BHTG.