Sự cần thiết phải bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại ngân hàng thương mại bằng pháp luật

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại ngân hàng thương mại (Trang 35 - 39)

CHƯƠNG I. NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI GỬI TIỀN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VÀ PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI GỬI TIỀN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1.2. Những vấn đề lí luận pháp luật về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại ngân hàng thương mại

1.2.2. Sự cần thiết phải bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại ngân hàng thương mại bằng pháp luật

1.2.2.1. Hành vi vi phạm quyền lợi người gửi tiền tại ngân hàng thương mại ở Việt Nam

Hoạt động ngân hàng vốn là hoạt động mang nhiều rủi ro khi ngân hàng vừa là người đi vay vừa là người cho vay, nhưng với vai trò là trung gian tài chính, đôi khi ngân hàng thương mại chưa thật sự quan tâm tới lợi ích của người gửi tiền. Trong nhiều trường hợp để theo đuổi mục tiêu lợi nhuận khi hoạt động kinh doanh, ngân hàng vẫn đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của người gửi tiền. Thậm chí khi ngân hàng đưa ra các biện pháp tưởng như bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, nhưng cuối cùng lại là để bảo vệ lợi ích của chính ngân hàng.

Trong nhiều trường hợp khi đóng phí bảo hiểm tiền gửi, các ngân hàng đôi khi chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật bởi họ không muốn công khai hoạt động của mình nên cách tính phí cũng không được chính xác, điều ấy cũng gây trở ngại khó khăn cho hoạt động thanh tra giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Việt Nam vẫn là quốc gia trên đà phát triển, hội nhập kinh tế xã hội, trình độ phát triển kinh tế xã hội đã được cải thiện rất nhiều nhưng vẫn còn có nhiều bất cập, quyền lợi người gửi tiền nói chung vẫn chưa được quan tâm nhiều. Ngay cả khi là chủ thể mang quyền, người gửi tiền vẫn nghĩ là trong mối quan hệ này, chỉ có ngân hàng mang lại lợi ích cho mình nên đôi khi chính họ cũng không ý thức được hết những quyền lợi mà mình được hưởng.

Các ngân hàng thương mại do buông lỏng chế độ kiểm soát tín dụng, để cho các nhân viên tín dụng vì lợi ích của cá nhân, chạy tăng trưởng chỉ tiêu tín dụng đã bắt tay với khách hàng tiền vay để làm đẹp hồ sơ, cho vay vượt hạn mức số tài sản thế chấp.

Chính sách quản lý rủi ro kém, dẫn đến việc không quản lý tốt các dư nợ tín dụng dẫn đến phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn. Từ chính những nguyên nhân đó có thể gây ra những hậu quả nghiệm trọng cho người gửi tiền trường hợp ngân hàng bị phá sản hay bị kiểm soát đặc biệt.

Thị trường tài chính ngân hàng luôn rình rập những nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, thủ đoạn công nghệ ngày càng tinh vi, những điều ấy đã không ít trường hợp ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người gửi tiền cũng như ngân hàng.

Thực tế cũng không ít những vụ việc tiền gửi của người dân trong tài khoản “không cánh mà bay”. Hàng loạt các vụ việc “bốc hơi” tiền trong tài khoản ngân hàng gần đây là lời cảnh báo cho sự cảnh giác và vấn đề bảo mật của tổ chức tín dụng. Đồng thời, trách nhiệm các bên liên quan đối với tiền gửi của người dân cũng là yếu tố cần làm rõ. Trên thực tế, trong các vụ việc mất tiền trong tài khoản ngân hàng, người dân thường rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng và khá bị động. Ngân hàng thì đùn đẩy trách nhiệm thời gian xử lí khắc phục sai phạm thì kéo dài, trong khi người dân mở tài khoản và gửi tiền, ngân hàng quản lý và thu phí hàng năm. Khi ấy, ngân hàng có nghĩ vụ giữ tài sản của khách hàng và bảo mật thông tin tài khoản của khách hàng. Về nguyên tắc, khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, ngân hàng phải chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan công an chứ không phải khách hàng phải chủ động làm việc cơ quan chức năng để truy tìm thủ phạm.

Rõ ràng, khi gửi tiền tại ngân hàng thương mại, người gửi tiền là chủ thể “yếu thế”

hơn, họ ít hiểu biết hơn về hoạt động tài chính ngân hàng, cũng khó có thể dự đoán trước được những biến động từ thị trường có thể ảnh hưởng tới khoản tiền gửi của mình, họ đặt niềm tin vào phía ngân hàng nhưng khi xảy ra xâm phạm, họ lại hoàn toàn bị động và lúng túng trong khi ngân hàng hầu như ít có động thái trực tiếp bảo vệ quyền lợi, khắc phục những vi phạm đã xảy ra.

Pháp luật là phương tiện chính thức hóa các giá trị xã hội, các quyền đó được pháp luật hóa và mang tính bắt buộc, được xã hội thừa nhận, bảo vệ. Nếu không có sự thừa nhận của xã hội thông qua pháp luật thì quyền của người gửi tiền chưa trở thành quyền thực sự. Vì thế, việc đưa ra các quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền là cần thiết, họ cần có những thiết chế mang tính áp dụng bắt buộc chung như các quy định của pháp luật bảo vệ.

1.2.2.2. Hệ thống quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền còn nhiều bất cập

Ở nước ta hiện nay chưa có văn bản cụ thể thống nhất nào để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, nội dung này nằm rải rác trong các luật như Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo hiểm tiền gửi… và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy vậy, trong nội dung các văn bản pháp luật này chưa đầy đủ và chủ yếu hướng dẫn xử lý một số trường hợp như sáp nhập, mua lại, phá sản ngân hàng và đặc biệt là thiếu hướng dẫn cách xử lý tranh chấp.

Để quyền lợi người gửi tiền được đảm bảo và những quy định của pháp luật đi vào đời sống cần phải có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này một cách hoàn thiện và thống nhất. Hiện nay ta thấy, ngoài Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ quản lí tiền tệ trong phạm vi cả nước, trong đó có vấn đề người gửi tiền, thì có một tổ chức có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền đó là tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Bảo hiểm tiền gửi có chức năng nhiệm vụ chính là bảo vệ quyền lợi người gửi tiền khi ngân hàng hay tổ chức tín dụng khác tham gia bảo hiểm tiền gửi gặp rủi ro. Người gửi tiền là chủ thể rất dễ gặp thiệt hại, nhưng đôi khi thiệt hại ấy không đến từ phía họ, hoặc họ không thể lường trước và khắc phục được. Chúng ta đã có Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012, theo đó quy định tại khoản 2 Điều 4: “Người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.”

Tổ chức bảo hiểm tiền gửi bảo vệ quyền lợi người gửi tiền thông qua các nghiệp vụ của mình. Trong phạm vi hoạt động của mình, luật Bảo hiểm tiền gửi cũng đã quy định rõ những trường hợp khách hàng sẽ được chi trả một phần hoặc toàn bộ khoản tiền gửi nhưng chỉ trong các trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào các tình trạng như phá sản hay lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán…

Tuy vậy, quyền lợi người gửi tiền không chỉ đặt ra khi các ngân hàng lâm vào tình trạng xấu, trong giao dịch tiền gửi với ngân hàng, rất nhiều trường hợp quyền lợi người gửi tiền cần được bảo vệ nhưng không hề có một quy định pháp luật thống nhất để áp dụng.

Trong một số trường hợp đặc thù khác, quyền lợi người gửi tiền cũng được bảo vệ thông qua các quy định của pháp luật của một số ngành luật chuyên ngành như: Luật các tổ chức tín dụng, Luật chứng khoán hay Luật Ngân hàng Nhà nước hay Bộ luật dân sự…

Việc chưa có một văn bản pháp luật thống nhất về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền cũng là một trong những yêu cầu bức thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay, thị trường tài chính ngân hàng đang ngày càng bất ổn, Nhà nước với vai trò là đại diện của quần chúng nhân dân cần có những biện pháp cụ thể, khẩn trương để quyền lợi người gửi tiền được đảm bảo.

Để đảm bảo thực hiện tốt các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người gửi tiền thì hệ thống các văn bản bảo vệ quyền lợi người gửi tiền phải có đủ các chế định pháp luật, quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực nhận tiền gửi giữa người gửi tiền và ngân hàng. Theo đó bất kỳ một quan hệ xã hội nào phát

sinh trong lĩnh vực này đều có quy phạm pháp luật điều chỉnh. Thế nhưng bản thân pháp luật dù hoàn thiện đến mấy cũng không thể dự liệu hết được tất cả tình huống xảy ra trên thực tế. Chính vì vậy thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải cố gắng xây dựng được một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người gửi tiền ngày càng có ít

“khoảng trống” trong pháp luật và được xây dựng trên nền tảng những nguyên tắc nhất định để có thể từ các nguyên tắc cơ bản đó áp dụng trong các trường hợp chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh.

Một phần của tài liệu Pháp luật việt nam về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại ngân hàng thương mại (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)