CHƯƠNG II. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI GỬI TIỀN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM
2.2.2. Những mặt hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh những mặt đạt được những ưu điểm kể trên, pháp luật về bảo vệ người gửi tiền vẫn còn những bất cập nhất định.
Hạn chế lớn nhất của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền là chưa thống nhất vấn đề trong một văn bản riêng biệt. Việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền còn nằm rải rác trong một số văn bản pháp luật chuyên ngành như Luật Các tổ chức tín dụng, Luật bảo hiểm tiền gửi, Luật Dân sự… Việc quy định rải rác trong các văn bản pháp luật khác nhau không những gây ảnh hưởng cho người gửi tiền trong quá trình tìm hiểu về chính những quyền lợi của mình đáng ra phải được hưởng, còn gây ra nhiều vấn đề cho chính những cơ quan có thẩm quyền trong việc tìm ra các văn bản pháp luật để áp dụng khi có sai phạm xảy ra. Thực tế, không phải chủ thể nào cũng có khả năng tiếp cận với các văn bản pháp luật khác nhau, việc quy định rải rác như vậy ảnh hưởng rất lớn tới nhiệm vụ cũng như quá trình bảo vệ người gửi tiền của Nhà nước cũng như các cơ quan có thẩm quyền.
“Trong mối quan hệ với ngân hàng, quyền lợi người gửi tiền thường bị xem nhẹ.
Việc tuân thủ các quy định về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền còn rất hạn chế” (Đào Thị Sao, 2014). Ngân hàng thương mại là tổ chức hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng, họ có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có các phòng ban với những nhiệm vụ khác nhau. Khi tranh chấp xảy ra, họ có đủ cơ chế khả năng để có thể tự bảo vệ mình, rủi ro
họ phải nhận thường thấp hơn rất nhiều so với người gửi tiền. Về phía người gửi tiền, họ có thông tin có kiến thức nhưng cũng là rất hạn chế, bởi thế khi tranh chấp xảy ra, họ hoang mang không biết liệu quyền lợi của mình có được đảm bảo hay không. Việc tranh chấp xảy ra có thể là lỗi từ phía ngân hàng, nhưng trong phần lớn các trường hợp, người gửi tiền rất khó để có thể chứng minh điều đó. Pháp luật nên có những quy định hỗ trợ cho người gửi tiền trong những trường hợp như vậy.
Quy trình triển khai các quy định pháp luật về Bảo hiểm tiền gửi còn nhiều khó khăn, các quy định của pháp luật còn nhiều bất cập.
Hạn mức chi trả bảo hiểm mặc dù đã có sự điều chỉnh, tuy vậy vẫn ở mức thấp.
Điều 3 Quyết định về Hạn mức trả tiền bảo hiểm Quyết định 21/2017/QĐ-TTG ngày 15/6/2017: “Hạn mức chi trả tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả cho mỗi khách hàng là 75 triệu đồng” (Thủ tướng Chính phủ, 2017). “Nếu khoản tiền gửi vượt quá hạn mức chi trả, phần còn lại sẽ được giải quyết trong quá trình xử lí tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm theo quy định của pháp luật” (Thủ tướng Chính phủ, 2017).
Có thể nói hạn mức chi trả dựa trên một số tiêu chí khác nhau trong đó phải kể đến việc phải bảo vệ được số đông người gửi tiền. Nhưng với tốc độ phát triển kinh tế những năm gần đây, tốc độ gia tăng tiêu dùng và tiết kiệm, đặc biệt xu hướng tiết kiệm ngày càng có xu hướng tăng do ảnh hưởng của đại dịch covid, thì mức chi trả bảo hiểm tiền gửi như trên được coi là khá thấp.
Thạch Huê (2015) có ý kiến cho rằng: “Bảo hiểm tiền gửi là công cụ góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, nhất là trong các trường hợp ngân hàng nhận tiền gửi lâm vào tình trạng phá sản hoặc mất khả năng chi trả. Tuy nhiên, hoạt động bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam hiện chưa tạo dựng được niềm tin, góp phần giữ sự ổn định cho hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là khi xử lý tổ chức tín dụng phá sản”.
Ngân hàng là chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù và có tính nhạy cảm cao.
Sự đổ vỡ của một doanh nghiệp thông thường có thể chỉ dẫn tới ảnh hưởng của chính doanh nghiệp đó và có thể một vài doanh nghiệp cùng thị trường, nhưng sự đổ vỡ của một ngân hàng thương mại có thể dẫn tới sự ảnh hưởng của toàn hệ thống ngân hàng, lan ra có thể ảnh hưởng cả nền kinh tế. Vai trò của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc xử lý đổ vỡ ngân hàng thông qua các hoạt động nghiệp vụ như hỗ trợ tài chính (quy trình, thủ tục, tính chủ động trong việc hỗ trợ), thanh lý tài sản (hoạt động của hội đồng thanh lý) còn hạn chế. Đặc biệt, một số nghiệp vụ để tổ chức bảo hiểm tiền gửi thực hiện việc xử lý đổ vỡ pháp luật còn bỏ trống như quy định về vấn đề mua lại nợ, ngân hàng bắc cầu… Công tác thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi bị phá sản, quá trình rà soát, phân tích các khoản nợ và làm việc với các bên liên quan để tìm biện pháp thu hồi tiền cho các chủ nợ (gồm cả tiền chi trả bảo hiểm của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam) cũng gặp rất nhiều khó khăn do những hạn chế về hạ tầng công nghệ ngân hàng cũng như sự phối hợp giữa tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam với các cơ quan thanh tra, giám sát để giải quyết những khó khăn của tổ chức tín dụng.
Hợp đồng tiền gửi vẫn còn những thông tin không rõ ràng. Bản chất của hoạt động nhận tiền gửi chính là hoạt động vay tài sản. Nếu đối với hợp đồng vay tài sản thông thường, trong hợp đồng thường quy định rất rõ về quyền cũng như nghĩa vụ các bên, nhưng với trong trường hợp nhận tiền gửi, thường không có hoặc rất ít những quy định về điều này. Cụ thể, khi khách hàng muốn gửi tiền tiết kiệm, người gửi tiền sẽ đến ngân hàng điền những thông tin theo một tờ mẫu mà ngân hàng cung cấp, sau đó nhân viên ngân hàng sẽ thực hiện các công việc nghiệp vụ của mình, sau cùng người gửi tiền sẽ nhận lại được một cuốn “sổ tiết kiệm”. Nhưng hầu như trên sổ tiết kiệm, ngoài những thông tin có bản của người gửi tiền, về số tiền gửi, kỳ hạn gửi, thì hầu như những điều khoản còn lại là để bảo vệ quyền lợi của chính ngân hàng thương mại. Nếu có xảy ra tranh chấp giữa hai bên chủ thể, căn cứ đầu tiên để xác định chính là hợp đồng, nhưng trong trường hợp này, sổ tiết kiệm chính là mẫu hợp đồng giữa hai bên lại không có đủ thông tin cũng như các quyền cũng như nghĩa vụ của người gửi tiền. Bởi vậy, người gửi
tiền khó có thể bảo vệ quyền lợi của mình khi xảy ra tranh chấp với ngân hàng thương mại.
Về vấn đề bảo mật thông tin khách hàng, Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 và Luật các tổ chức tín dụng 2010 chỉ ghi nhận nghĩa vụ giữ bí mật thông tin về khách hàng gửi tiền, gửi tài sản và các giao dịch khác, nhưng các giao dịch khác gồm những giao dịch nào thì vẫn chưa có các hướng dẫn cụ thể, mà vẫn sử dụng các văn bản hướng dẫn từ năm 2001. Trong quá trình giao dịch với nhiều khách hàng khác nhau, ngân hàng có thể yêu cầu những thông tin liên quan tới những bí mật kinh doanh, tình hình tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh, một khi những thông tin này không được đảm bảo bí mật có thể ảnh hưởng rất lớn tới khách hàng.
2.2.2.2. Nguyên nhân
Các ngân hàng thương mại chưa quan tâm đúng mức tới quyền lợi người gửi tiền.
Ngân hàng thương mại là chủ thể kinh doanh, việc ngân hàng thương mại ưu tiên tìm kiếm lợi nhuận là điều dễ hiểu, tuy vậy cần hiểu rằng ngân hàng kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù, việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền cần được quan tâm một cách đúng mực.
Để phát triển một nền tài chính an toàn và bền vững, phải gắn quyền lợi của ngân hàng với người gửi tiền. Trong nhiều trường hợp ngân hàng trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm tiền gửi hoặc có đóng nhưng không đầy đủ, có thể nguyên nhân xuất phát từ chính phía ngân hàng muốn trốn tránh trách nhiệm nhưng cũng không thể phủ nhận một phần từ phía cơ quan nhà nước, cơ quan có thẩm quyền nới lỏng trongg hoạt động thanh tra giám sát của mình.
Hiểu biết về quyền lợi của người gửi tiền còn hạn chế
Hầu hết những người gửi tiền chọn ngân hàng và tin tưởng ngân hàng khi quyết định sẽ gửi một khoản tiền nào đó. Họ thường không hiểu biết quá nhiều về hoạt động của thị trường ngân hàng, về hoạt động kinh doanh của ngân hàng, bởi thế họ thường
nương theo những quy định từ phía ngân hàng, chính những điều đó đôi khi họ vô tình hoặc không để ý tới những quyền lợi đáng ra mình được hưởng.
Hạn chế về khoa học công nghệ của phần lớn người gửi tiền cũng là một trở ngại đối với việc tiếp cận những quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.
Chính vì những hạn chế như trên người gửi tiền ít có hoặc thậm chí là không có khả năng bảo vệ mình, đòi hỏi các cơ quan nhà nước hay những cơ quan có thẩm quyền thực thi nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật, nên có thêm những hướng dẫn đối với người gửi tiền để trong một số trường hợp quyền lợi của họ được đảm bảo tối ưu nhất có thể.
Một trong những nguyên nhân gây nên những mặt hạn chế cũng xuất phát từ các văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề bảo vệ quyền lợi người gửi tiền còn nhiều bất cập.
Pháp luật về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền là lĩnh vực pháp luật tương đối mới, việc xuất hiện những bất cập cũng là điều có thể hiểu được. Thời gian cũng như yêu cầu bức thiết từ thực tế ngày càng góp phần đưa pháp luật bảo vệ người gửi tiền hoàn thiện và phát triển hơn. Các quy định về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền còn nằm rải rác ở các văn bản luật khác nhau, cần thiết phải có một văn bản thống nhất và đồng bộ.Việc thống nhất và đồng bộ các quy định về người gửi tiền trong một văn bản thống nhất, vừa giúp các cơ quan có thẩm quyền có thể dễ dàng tìm kiếm áp dụng mỗi khi giải quyết các vụ việc thực tế, vừa có thể giúp người gửi tiền có thể dễ dàng tiếp cận với những quy định của pháp luật, từ đó chủ động dễ dàng trong việc biết đến những quyền lợi của mình trong mối quan hệ gửi tiền với ngân hàng.
Điều kiện kinh tế xã hội
Việt Nam vẫn là quốc gia trên đà phát triển, trình độ phát triển kinh tế xã hội đã được cải thiện rất nhiều song vẫn còn nhiều những khó khăn, bất cập cần được cải thiện.
Quyền lợi người gửi tiền nói chung ngày càng được chú ý tuy vậy vẫn có những điểm cần quan tâm đúng mực. Trong mối quan hệ tiền gửi với ngân hàng, cả phía ngân hàng
và phía người gửi tiền đều có lợi. Trên thực tế nhiều ngân hàng huy động lãi suất tiền gửi ở mức khá cao, điều ấy không chỉ đem đến quyền lợi cho người gửi tiền, mà ngân hàng cũng chính nhờ công cụ lãi suất để thực hiện hoạt động kinh doanh của mình. Nếu ngân hàng không đáp ứng được khả năng thanh khoản, điều ấy có thể ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống ngân hàng sau cùng không những có thể ảnh hưởng cho cả nền kinh tế mà còn gây ảnh hưởng sâu rộng tới vấn đề an sinh xã hội, ổn định xã hội.
TIỂU KẾT CHƯƠNG II
Bên cạnh việc trình bày khái quát về những quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, tác giả đã tập trung làm rõ những quy định liên quan khác đặc biệt là những mặt đạt được và những vấn đề còn hạn chế bất cập. Tác giả cũng đưa ra những nguyên nhân cho những mặt hạn chế còn tồn tại, đây là một trong những cơ sở để tác giả đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền ở những nội dung sau.
Thực tiễn thi hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người gửi tiền của tổ chức tín dụng đã phát sinh nhiều bất cập, hạn chế, có ảnh hưởng trực tiếp sự ổn định của hệ thống ngân hàng.