Nội dung pháp luật về quản lý thuế xuất khẩu, nhập khẩu

Một phần của tài liệu Pháp luật về quản lý thuế xuất khẩu, nhập khẩu ở việt nam hiện nay (Trang 24 - 29)

CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ PHÁP LUẬT QUẢN LÝ THUẾ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

1.2. Những vấn đề lý luận của pháp luật về quản lý thuế xuất khẩu, nhập khẩu

1.2.2. Nội dung pháp luật về quản lý thuế xuất khẩu, nhập khẩu

Khi nghiên cứu về pháp luật quản lý thuế xuất khẩu, nhập có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Trong phạm vi đề tài này, pháp luật quản lý thuế xuất khẩu, nhập khẩu được nghiên cứu gồm hai nhóm nội dung: (i) quy định về thủ tục hành chính thuế xuất khẩu, nhập khẩu (đăng kí, kê khai, ấn định thuế; nộp thuế; miễn thuế, hoàn thuế, giảm thuế và xóa nợ thuế, tiền phạt thuế); (ii) quy định về giám sát và đảm bảo tuân thủ thuế xuất khẩu, nhập khẩu (quản lý thông tin NNT; thanh tra, kiểm tra; quản lý nợ thuế; xử lý hành vi vi phạm về thuế). Cụ thể như sau:

1.2.2.1. Nội dung quy định về thủ tục hành chính thuế xuất khẩu, nhập khẩu Thứ nhất, quy định về đăng ký thuế, kê khai thuế, ấn định thuế

Cá nhân, hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa có nghĩa vụ phải đăng ký thuế với CQHQ. Nói cách khác, đăng ký thuế xuất khẩu, nhập khẩu là việc NNT thực hiện hoạt động khai báo sự hiện diện của mình và nghĩa vụ phải nộp một hoặc một số loại thuế với CQHQ (Phạm Thị Giang Thu, 2010, 34). Hiện nay, xu hướng chung của các nước trên thế giới là đơn giản hóa thủ tục đăng kí thuế cho NNT. Các dữ liệu đăng ký thuế được khai theo mẫu quy định. Cơ quan thuế sẽ cấp mã số thuế và chứng nhận đăng ký thuế cho NNT. Ở Việt Nam, theo quy định pháp luật hiện hành, mã số thuế đồng thời là mã số được sử dụng để đăng kí tờ khai hải quan.

Việc khai thuế đối với hàng hóa XNK được thực hiện theo từng lần phát sinh nghiệp vụ XNK. Hồ sơ khai thuế xuất khẩu, nhập khẩu đồng thời là hồ sơ hải quan.

Quản lý kê khai thuế xuất khẩu, nhập khẩu tại là việc cán bộ hải quan theo dõi, kiểm tra các tiêu chí khai báo về thuế của người khai báo hải quan trên tờ khai giấy hoặc khai báo điện tử; kiểm tra sự phù hợp giữa các loại chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan với việc khai báo thuế. Căn cứ vào nội dung khai báo hải quan của NNT tại tờ khai hải quan giấy hoặc dữ liệu khai báo điện tử, CQHQ tiến hành kiểm tra việc khai báo thuế trong quá trình làm thủ tục hải quan để xác minh tính chính xác của nội dung khai báo. Cụ thể tiến hành kiểm tra, đối chiếu nội dung khải hải quan với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan (số lượng, chủng loại, xuất xứ,...), từ đó kiểm tra các yếu tố tính thuế, căn cứ tính thuế, giá tính thuế,...

Ấn định thuế là việc CQHQ thực hiện quyền hạn trong việc xác định căn cứ tính thuế, giá tính thuế và số tiền thuế xác định phải nộp của NNT xuất khẩu, nhập khẩu trong một số trường hợp nhất định. Bao gồm: (i) NNT khai thuế, tính thuế dựa trên các tài liệu không hợp pháp; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, chính xác các nội dung liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế; (ii) Người khai thuế không tự tính được số thuế phải nộp; (iii) CQHQ có đủ cơ sở chứng minh việc khai báo trị giá hải quan của NNT không đúng với trị giá giao dịch thực tế; (iv) Các trường

hợp khác do CQHQ hoặc cơ quan có liên quan khác phát hiện việc kê khai tính thuế không đúng quy định pháp luật.

Thứ hai, quy định về nộp thuế

Nộp thuế XNK là nghĩa vụ tiếp theo của NNT sau khi kê khai thuế. NNT có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ nộp thuế XNK theo quy định của pháp luật. Theo pháp luật hiện hành, nộp thuế xuất khẩu, nhập khẩu chỉ phát sinh kể từ thời điểm NNT đăng kí tờ khai hải quan, trong đó xác định rõ số thuế họ phải nộp. Đây cũng là thời điểm bắt đầu để xác định thời hạn nộp thuế theo luật định (Nguyễn Phạm Quý Hương, 2014, 43). Quản lý việc nộp thuế XNK là khâu sau của quy trình thủ tục hải quan nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi lẽ việc NNT nộp thuế đúng hạn, đủ số tiền sẽ phản ánh hiệu quả công tác quản lý của CQHQ. Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ, đôn đốc, kiểm tra nghĩa vụ nộp thuế của NNT sẽ tránh tình trạng nợ thuế, gian lận thuế hoặc hạn chế các hành vi vi phạm phát sinh.

Thứ ba, quy định về miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế

Miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu là việc làm nhằm khuyến khích một số hoạt động thương mại theo định hướng của nhà nước và đảm bảo sự phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Trong một số trường hợp đặc biệt các loại hàng hóa XNK không cần thực hiện nghĩa vụ về thuế. Chẳng hạn như các hàng hóa do Chính phủ nhập khẩu với mục đích phục vụ cho phát triển kinh tế hoặc các loại hàng hóa, nông sản gửi qua các nước nhằm viện trợ hỗ trợ thực phẩm. Nhìn chung, các quy định về miễn thuế XNK xuất phát từ các giao dịch mà chủ thể thực hiện là cơ quan quản lý nhà nước và với mục đích phi lợi nhuận.

Giảm thuế xuất khẩu, nhập khẩu là một trong những ưu đãi mà nhà nước quy định dành cho NNT xuất khẩu, nhập khẩu. Khi hàng hóa XNK đang trong quá trình giám sát của CQHQ nếu bị hư hỏng, mất mát được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định chứng nhận thì được xét giảm thuế tương ứng với tỷ lệ tổn thất thực tế của hàng hóa.

Hoàn thuế xuất khẩu, nhập khẩu là việc trả lại cho NNT xuất khẩu, nhập khẩu một phần hoặc toàn bộ số thuế mà người nộp thuế đã nộp vào NSNN. Các trường hợp

hàng hóa XNK được xét hoàn thuế được quy định cụ thể trong Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hồ sơ xét hoàn thuế được phân thành hai loại: (i) hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau và (ii) hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau.

Thứ tư, quy định về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt

Xóa nợ thuế tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thuế xuất khẩu, nhập khẩu là việc cơ quan có thẩm quyền xóa bỏ nghĩa vụ phải nộp thuế, xóa bỏ tiền chậm nộp khi NNT chưa nộp thuế đúng thời hạn và xóa bỏ tiền phạt đối với hành vi VPPL về thuế xuất khẩu, nhập khẩu của NNT. Thẩm quyền xóa nợ thuế của các nước có sự khác nhau, một số nước việc ban hành quyết định xóa nợ thuế thuộc thẩm quyền của Chính phủ trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính như Trung Quốc, Nhật Bản,..., một số nước do Bộ Tài chính quyết định như Croatia, Indonesia, … tuy nhiên cũng có một số nước phân cấp theo giá trị của khoản nợ thuế được xóa như Hungary, Úc (Bộ Tài Chính, Báo cáo kinh nghiệm quốc tế về quản lý thuế, 2018). Ở Việt Nam hiện nay, thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt được phân cấp theo giá trị của khoản nợ thuế.

1.2.2.2. Nội dung quy định về giám sát và đảm bảo tuân thủ thuế xuất khẩu, nhập khẩu

Thứ nhất, quy định về quản lý thông tin NNT

Quản lý thông tin NNT xuất khẩu, nhập khẩu là việc CQHQ thiết lập hệ thống thông tin về NNT bao gồm những thông tin, tài liệu liên quan đến nghĩa vụ thuế của NNT, đây là cơ sở để đánh giá mức độ chấp hành pháp luật của NNT, ngăn ngừa và phát hiện hành vi VPPL về thuế xuất khẩu, nhập khẩu một cách nhanh chóng. Thông tin về NNT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quản lý thuế, quản lý hải quan, đây được coi là yếu tố quyết định cho việc áp dụng tự động hóa hải quan, làm căn cứ cho việc đưa ra quyết định trong công tác quản lý của CQHQ.

Trong công tác quản lý thuế, quản lý thông tin về NNT chủ yếu được đề cập trong hai nội dung chính: Trách nhiệm của người nộp thuế xuất khẩu, nhập khẩu trong

việc cung cấp thông tin liên quan đến việc các nghĩa vụ thuế và trách nhiệm quản lý, theo dõi về thông tin của người nộp thuế của CQHQ.

Thứ hai, quy định về thanh tra, kiểm tra thuế

Thanh tra thuế là hoạt động kiểm tra của tổ chức chuyên trách của cơ quan thuế đối với đối tượng thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hành vi trái pháp luật. Kiểm tra thuế là hoạt động của cơ quan thuế trong việc xem xét tình hình thực tế của đối tượng bị kiểm tra, từ đó đối chiếu với chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra đối với đối tượng này để có những đánh giá về tình hình chấp hành nghĩa vụ thuế của họ (Nguyễn Thị Mai Dung, 2021, 53).

Bên cạnh việc thu thuế thì thanh tra và kiểm tra thuế được xác định là một trong các nội dung quan trọng của pháp luật quản lý thuế xuất khẩu, nhập khẩu. Đối tượng chịu sự thanh tra, kiểm tra thuế là cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực hiện hoạt động XNK có nghĩa vụ nộp thuế xuất khẩu, nhập khẩu cho nhà nước.

Việc thanh tra, kiểm tra thuế xuất khẩu, nhập khẩu nhằm: (i) xác định mức độ chính xác và trung thực việc kê khai hàng hóa, mức độ tuân thủ pháp luật của NNT;

(ii) phát hiện và xử lý các trường hợp sai phạm nhằm giảm bớt những tổn thất cho Nhà nước và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Bên cạnh đó, hoạt động này nhằm phát hiện những thiếu sót, bất cập trong văn bản pháp luật thuế và quá trình tổ chức thực hiện pháp luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu, từ đó tìm ra những hướng giải quyết nhằm hoàn thiện công tác quản lý thuế có hiệu quả.

Thứ ba, quy định về quản lý nợ thuế

Vấn đề quản lý các khoản nợ thuế là một nhiệm vụ quan trọng của công tác quản lý thuế. Nợ thuế xuất khẩu, nhập khẩu được hiểu là trường hợp NNT có nghĩa vụ phải nộp thuế nhưng đến thời hạn mà chưa nộp bởi một số lý do nào đó. Nghiên cứu quy định của các nước nhận thấy, trong trường hợp đối tượng nộp thuế vi phạm thời hạn nộp thuế và làm phát sinh nợ thuế, thì phần lớn các quốc gia hiện nay sử dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế (Campuchia, Indonesia, Hàn Quốc,...), ngoài ra các quốc gia cũng sử dụng biện pháp tịch thu tài sản của chủ nợ (Trung Quốc, Xing-ga-po, Thái Lan,...) (Bộ Tài Chính, Báo cáo kinh nghiệm quốc tế về quản lý

thuế, 2018). Còn ở Việt Nam, theo quy định pháp luật hiện hành, việc quản lý nợ thuế xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện bẳng cả hai biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế và biện pháp tịch thu tài sản.

Thứ tư, quy định về xử lý VPPL thuế

Trong hoạt động quản lý thuế xuất khẩu, nhập khẩu, xử lý VPPL về thuế không phải mục tiêu chính mà pháp luật hướng tới, tuy nhiên đây là cơ sở để hướng NNT thực hiện sự tuân thủ pháp luật thuế. Nếu mọi trường hợp kh ông tuân thủ pháp luật thuế đều được phát hiện kịp thời, xử lý chính xác, nghiêm khắc sẽ có tác dụng hiệu quả trong việc đẩy lùi hành vi VPPL, là bài học để NNT hướng tới sự tuân thủ pháp luật. Hầu hết các quốc gia đều đưa ra quy định về xử lý VPPL về thuế đối với các hành vi không nộp tờ khai thuế đúng hạn, không nộp thuế đúng hạn, không khai báo chính xác nghĩa vụ thuế,...Quy định về xử lý VPPL thuế của các quốc gia là không giống nhau: Tại Phi-lip-pin, Thái Lan đối với hành vi khai thuế giả mạo hoặc gian lận hoặc không nộp tờ khai thuế, thời hiệu xử phạt là 10 năm kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm3; tại In-đô-nê-xi-a4 đối với hành vi gian lận nộp thiếu số tiền thuế, thời hiệu xử phạt là 05 năm kể từ thời điểm bắt đầu nghĩa vụ thuế của đối tượng nộp thuế; tại Pháp5 trong trường hợp trốn thuế, thủ tục tố tụng hình sự có thể được tiến hành trong 06 năm kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện (Bộ Tài Chính, Báo cáo kinh nghiệm quốc tế về quản lý thuế, 2018).

Một phần của tài liệu Pháp luật về quản lý thuế xuất khẩu, nhập khẩu ở việt nam hiện nay (Trang 24 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)