CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ PHÁP LUẬT QUẢN LÝ THUẾ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
1.3. Kinh nghiệm quốc tế về quản lý thuế xuất khẩu, nhập khẩu
1.3.1. Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về quản lý thuế xuất khẩu, nhập khẩu
Là CQHQ tiên tiến hàng đầu thế giới, Hải quan Trung Quốc trực thuộc Chính Phủ, đứng đầu Tổng cục Hải quan là Cao ủy. Quy định về nhiệm vụ của Hải quan Trung Quốc bao gồm: (i) Quản lý và giám sát các hoạt động xuất nhập cảnh trên lãnh thổ Trung Quốc, (ii) Giảm sát và kiểm soát các phương tiện vận tải, hàng hóa, vật phẩm,... được nhập vào và xuất ra khỏi Trung Quốc, (iii) Thu thuế hải quan và các
loại thuế khác, (iv) Tổ chức quản lý, điều tra phát hiện và ngăn chặn buôn lậu, (v) Tổng hợp số liệu thống kê và xử lý các hoạt động hải quan khác6.
Tại Trung Quốc, cơ sở quản lý thuế là bằng hóa đơn. Theo mô hình truyền thống là quản lý thông qua hóa đơn có dấu của cơ quan thuế. Tuy nhiên cùng với việc cải cách quản lý thuế, Trung Quốc áp dụng việc điện tử hóa các con dấu, chữ ký và điện tử hóa hóa đơn. Hóa đơn điện tử ở Trung Quốc được định nghĩa là hóa đơn có thông tin được mã hóa, số hóa đưa lên trên mạng, do vậy nó hoàn toàn khác biệt với hóa đơn truyền thống bằng giấy. Trung Quốc có những công cụ xác nhận danh tính, chữ ký điện tử giúp đảm bảo độ chính xác thông tin trên mạng. Việc thay đổi đó tạo điều kiện thuận tiện hơn cho việc giám sát của cơ quan thuế do có thể giám sát tức thì thay vì giám sát hậu kỳ như trước đây, do có bộ phận đơn vị trong cơ quan thuế làm nhiệm vụ thống kê, phân tích các con số hằng ngày để đưa ra kết quả, và các kết quả phân tích sẽ tự động đưa ra cảnh báo. Việc tiến hành thanh kiểm tra diễn ra khá thuận lợi vì mức độ kiểm chứng dễ dàng. Hiện tại, Trung Quốc đã thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc. Mỗi hóa đơn có 1 mã QR, con dấu của cơ quan thuế và hệ thống mã ký hiệu, dùng để quét thông tin trên từng hóa đơn. Hiện nay Trung Quốc đang xây dựng Cục thuế điện tử nhằm thực hiện chiến lược số hóa quốc gia.
Tại Trung Quốc, do nhu cầu hàng hóa nhập khẩu của người tiêu dùng tăng cao, khách hàng thực hiện mua hàng bằng phương thức TMĐT ngày càng nhiều. Để tăng cường việc giám sát chất lượng sản phẩm và đảm bảo việc thu thuế của nhà nước, 8 bộ thuộc Chính phủ ban hành đã “Thông tư liên ngành về việc thúc đẩy giám sát nhập khẩu bán lẻ thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới” ngày 28/11/2018 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thành lập các cơ quan quản lý chất lượng riêng đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động TMĐT phát triển. Tại Trung Quốc, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động theo 2 hình thức: Nhập khẩu ngoại quan (hàng hóa được nhập khẩu trước lưu giữ tại khu vực riêng, sau khi có đơn hàng của người mua thì thực hiện thủ tục nhập khẩu để giao cho người mua hàng) và nhập
6 Luật Hải quan Trung Quốc
khẩu mua hàng trực tiếp (khi có đơn hàng giao dịch TMĐT hàng hóa được vận chuyển về Trung Quốc và thực hiện thủ tục nhập khẩu).
Ngoài ra, do đường biên giới đất nước dài nên nhằm đảm bảo phát hiện hành vi gian lận, trốn thuế Trung Quốc còn có kinh nghiệm về đội ngũ hải quan chuyên nghiệp. Trung Quốc có 22.000 km đường biên giới đất liền giáp với 14 quốc gia đồng thời, có đường bở biển kéo dài và vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không phát triển. Chính vì vậy Trung Quốc đã và đang xây dựng đội ngũ hải quan có đủ chất và lượng nhằm phục vụ công tác quản lý thuế xuất, nhập khẩu. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chính sách pháp luật và tăng cường hoạt động của các cơ quan có liên quan như: hải quan, biên phòng,...và đạt hiệu quả trong việc phát hiện, xử lý những hành vi gian lận, trốn thuế xuất, nhập khẩu. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành “Quy trình quản lý chống trốn thuế chung”, qua đó sẽ tăng cường hơn nữa việc phát hiện và điều tra hành vi trốn thuế nói chung và hành vi trốn thuế trong hoạt động xuất – nhập khẩu nói riêng.
1.3.1.2. Kinh nghiệm của Nhật Bản
Là CQHQ có trình độ quản lý hiện đại trong khu vực và trên thế giới, cơ cấu tổ chức của Hải quan Nhật Bản gồm cơ quan trung ương và 9 hải quan vùng. Cấp trung ương là Tổng cục Hải quan và Thuế quan Nhật Bản trực thuộc Bộ Tài chính.
Bất kỳ doanh nghiệp nào muốn nhập khẩu hàng hóa vào Nhật Bản phải thực hiện khai báo với Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nhật Bản để được phép nhập khẩu. Giấy phép nhập khẩu sẽ được cấp sau khi cơ quan Hải quan Nhật Bản thực hiện các thủ tục kiểm hóa hàng hóa cần thiết đối với hàng hóa liên quan. Các doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện đầy đủ các thủ tục thanh toán thuế hải quan và thuế tiêu thụ đặc biệt để được thông quan hàng hóa. Có thể thấy quy trình nhập khẩu hàng hóa vào Nhật Bản được quản lý, kiểm tra vô cùng chặt chẽ, các thủ tục hành chính về thuế xuất khẩu, nhập khẩu được hoàn thành trước khi giải phóng hàng hóa.
Về mô hình quản lý KTSTQ, điểm nổi bật mô hình quản lý KTSTQ của Nhật Bản là mô hình tổ chức KTSTQ được bố trí theo mô hình dọc, có cấp Trung ương và cấp vùng. Bên cạnh đó, bộ máy được chia thành 3 phòng nghiệp vụ để hỗ trợ lẫn nhau là: Phòng Kiểm soát, Phòng Kiểm tra tại doanh nghiệp và Phòng Thông tin. Phòng
Kiểm soát có chức năng điều chỉnh và trao đổi thông tin về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cho tất cả các đơn vị KTSTQ. Phòng Kiểm tra tại doanh nghiệp thực hiện kiểm toán doanh nghiệp và những tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động XNK. Phòng Thông tin có nhiệm vụ thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp các thông tin cần thiết để hỗ trợ cho Phòng Kiểm tra thực hiện kiểm toán tại doanh nghiệp.
Việc lựa chọn đối tượng KTSTQ được dựa trên nền tảng CNTT hiện đại kết hợp với hệ thống tiêu chí quản lý rủi ro đầy đủ, chi tiết. Với mô hình quản lý như vậy, công tác KTSTQ của Nhật Bản luôn được diễn ra kịp thời, nhanh chóng, đạt hiệu quả cao (Hoàng Trung Dũng, 2017).
1.3.1.3. Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Trong suốt quá trình hoạt động, Hải quan Hàn Quốc đã đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Từ năm 1994, Hải quan Hàn Quốc đã phát triển hệ thống thông quan tự động (hệ thống UNI – PASS), sau nhiều giai đoạn nghiên cứu, nâng cấp bởi các công nghệ mới, đến nay hệ thống UNI –PASS đã được tích hợp dựa trên công nghệ di động nhằm tạo ra một hệ thống quản lý hải quan thông minh. Hiện nay Hải quan Hàn Quốc cũng đang phát triển hệ thống để quản lý TMĐT như: nghiên cứu và áp dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) trong trao đổi C/O điện tử với các nước, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giám sát hàng hóa,..
Ở Hàn Quốc để chống gian lận thương mại và thất thu thuế, tất cả các loại hàng hóa nhập khẩu phải chịu thuế nhập khẩu, đối tượng nộp thuế phải nộp thuế trước khi thông quan hàng hóa hoặc phải có ký quỹ, bảo lãnh nộp thuế và phải có sự chấp thuận của cơ quan hải quan. Bên cạnh đó, Hải quan Hàn Quốc còn xây dựng đội ngũ thanh tra và kiểm tra sau thông quan, phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm soát nội địa. Điều này góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống gian lận thương mại và thất thu thuế.