CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT CẠNH TRANH TRONG LĨNH VỰC NGÂN HÀNG Ở VIỆT NAM
2.1. THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT CẠNH TRANH TRONG LĨNH VỰC NGÂN HÀNG Ở VIỆT NAM
2.1.3. Quy định về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng
Kiểm soát hành vi CTKLM là một trong những vấn đề cốt lõi mà Nhà nước luôn hướng tới để tìm cách điều chỉnh sao cho phù hợp nhất.
Thứ nhất, xét về thực trạng số lượng điều luật quy định điều chỉnh về hành vi CTKLM trong LCT. Ở trên đã phân tích về thực trạng quy định về hành vi HCCT thì nhận thấy luật dường như vô cùng quan tâm, ưu tiên đến vấn đề này. Còn đối với các quy phạm điều chỉnh về và hành vi CTKLM cũng được quy định nhưng số lượng có vẻ chưa được nhiều. Cụ thể, về số lượng các điều luật về hành vi CTKLM chỉ là 10 điều từ Điều 39 đến Điều 48. Số lượng này là quá ít nếu đem so với số lượng 31 điều quy định về hành vi HCCT ở trên.
Xét đến nội dung các quy định về hành vi CTKLM trong LCT thì thấy rằng luật đã có giải thích thế nào là hành vi CTKLM nhưng còn khá trừu tượng. Xuất phát từ tính trừu tượng cùng với khó xác định và mang tính định tính “có thể bị quy kết là CTKLM” cần phải được nghiên cứu và quy định cụ thể hơn. Bởi lẽ, giải thích và xác định được một hành vi có phải là hành vi CTKLM hay không phụ thuộc vào cách thức giải thích của cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh. Thực trạng trên càng
làm cho các quy định pháp luật về chống CTKLM khó đi vào cuộc sống. Tuy nhiên nhà nước cũng đã và từng bước nỗ lực hoàn thiện quy định để chặt chẽ trong kiểm soát hành vi CTKLM theo hướng bỏ đi sự chồng chéo, xung đột của các quy định pháp luật mang lại sự thống nhất cho cả hệ thống pháp luật, dễ dàng áp dụng vào thực tiễn cuộc sống và cũng phù hợp với xu thế quốc tế hóa, không đi ngược với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Thứ hai, về thực trạng quy định về hành vi CTKLM trong pháp luật NH. Ngay từ khi bắt đầu chuyển đổi từ mô hình NH một cấp sang NH hai cấp thì vấn đề chống CTKLM trong lĩnh vực NH là vấn đề luôn Nhà nước quan tâm, song vẫn có sự khác biệt khá lớn về phương thức chống hành vi CTKLM trong LVNH.
Ở giai đoạn đầu chuyển đổi sang mô hình NH hai cấp, Nhà nước đã rất thận trọng trong việc xác định nội dung quyền “kinh doanh NH” của các đơn vị được thí điểm. Pháp lệnh NH thương mại, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính ngày 23/05/1990 của Hội đồng Nhà nước (nay là Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã có nhiều quy định hướng tới việc bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các tổ chức thực hiện hoạt động kinh doanh NH. Dù Pháp lệnh này không trực tiếp sử dụng thuật ngữ CTKLM trong hoạt động NH mà sử dụng từ “cấm”, nhưng nội dung chính yếu của nó đã đề cập được đến cả hai nội dung là: “chống hành vi HCCT” và “chống hành vi CTKLM”.
Theo quy định tại Điều 29 Pháp lệnh NH thương mại, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính “Cấm tổ chức tín dụng tham gia vào các hợp đồng hoặc sử dụng những cách thức nhằm giành cho mình vị trí khống chế trên thị trường tiền tệ, tài chính, ngoại hối, hoặc giành ưu thế không công bằng đối với bên thứ ba hay các tổ chức tín dụng khác”. Có thể coi Điều 29 Pháp lệnh NH thương mại, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính là quy định đặt nền móng cho tư tưởng về chống CTKLM trong hoạt động NH khi khẳng định cấm “giành ưu thế không công bằng đối với bên thứ ba hay các tổ chức tín dụng khác” –là những đối tượng sẽ bị thiệt hại từ hành vi giành ưu thế không công bằng đối với bên thứ ba hay các tổ chức tín dụng khác của tổ chức tín dụng. Nói như cách gọi ngày nay, việc cấm tổ chức tín dụng có hành vi
“giành ưu thế không công bằng đối với bên thứ ba hay các tổ chức tín dụng khác” là biểu hiện đặc trưng của hành vi CTKLM, bởi lẽ khi tổ chức tín dụng có hành vi “giành ưu thế không công bằng đối với bên thứ ba hay các tổ chức tín dụng khác” cũng có
nghĩa là nó đã dành ưu thế một cách không trung thực, không công bằng, không đàng hoàng như yêu cầu của tiêu chuẩn thị trường tối thiểu.
Tại điều 9 LCTCTD 2010 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định về hợp tác và cạnh tranh trong LVNH như sau: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.” Như vậy, các NH được phép tiến hành hợp tác và cạnh tranh theo quy định. Tuy nhiên luật cũng thể hiện rõ việc nghiêm cấm các NH tiến hàng các hành vi gây HCCT hay các hoạt động CTKLM khác gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại tới việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia cũng như đảm bảo an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, lợi ích của Nhà nước của xã hội, hay quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác trên thị trường. Hành vi CTKLM bao gồm:
2.1.3.1. Đưa thông tin sai sự thật làm tổn hại đến lợi ích của tổ chức tín dụng khác và của khách hàng
Tại khoản 2 Điều 45 LCT 2018 quy định về hành vi “đưa thông tin sai sự thật làm tổn hại đến lợi ích của tổ chức tín dụng khác và của khách hàng”. Thông tin sai sự thật sẽ trực tiếp gây ảnh hưởng uy tín, mà uy tín là thứ mà tất cả các tổ chức tín dụng luôn đặt lên hàng đầu bởi nó quyết định đến hoạt động kinh doanh tiền tệ, nghiêm trọng hơn có thể khiến tổ chức tín dụng sụp đổ. Riêng đối với NH, hành vi trên là một trong số ít những hành vi CTKLM có mức độ nguy hiểm cao. Đặc điểm của ngành NH là uy tín và lợi ích của mỗi một NH đều có tác động và ảnh hưởng mang tính “dây chuyền” đến lợi ích của cả một hệ thống các tổ chức tín dụng và ảnh hưởng cả tới khách hàng, những chủ thể gửi tiền vào NH thương mại, người vay tiền, .... và hơn cả nó có thể ảnh hưởng đến cả một nền kinh tế. Trong LVNH mang đặc trưng “tính nhạy cảm cao” và “sự ảnh hưởng mang tính chất dây chuyền” là mối bận tâm thường trực đối với những cơ quan nhà nước mang chức năng quản lý hoạt động cạnh tranh. Bởi mức độ nghiêm trọng thực sự khó tưởng tượng, nhiều lúc dù chỉ là những tin đồn thất thiệt không có căn cứ nhưng nếu được truyền đi rộng rãi trong dân chúng thì cũng có thể ngay lập tức gây khốn đốn cho các tổ chức tín dụng. Bởi dù cho thực sự không có căn cứ thì lòng tin của khách hàng cũng vì đó mà lung lay, khi mà khách hàng tiến hành rút tiền hàng loạt trong khi NH dự trữ mức tiền mặt ở mức có giới hạn, không thể trong một lúc mà thanh khoản hết cho toàn bộ khách hàng được và chỉ cần một NH
mất thanh khoản thôi thì khách hàng sẽ mất niềm tin vào NH, tiến hành rút tất cả tiền từ các NH vì tâm lý sợ mất tiền của người dân, họ sẽ đem tiền qua các nguồn khác mà họ cho là an toàn hơn.
2.1.3.2. Lôi kéo khách hàng bất chính
Theo khoản 1 Điều 88 Luật Thương mại 2005 quy định: “Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.” Nói cách khác, khuyến mại là phương thức mà các doanh nghiệp sử dụng để cạnh tranh với nhau trên thị trường nhằm kéo khách hàng về phía mình. Trên thực tế các hoạt động khuyến mại dành cho khách hàng điển hình như giảm giá hàng bán, dịch vụ; tặng quà tặng kèm; ... Tuy nhiên, những hoạt động này đều sẽ được pháp luật điều chỉnh trong khuôn khổ cho phép, thể hiện rõ trong Điều 100 Luật Thương mại 2005 về các hoạt động khuyến mại bị cấm. Đối việc làm rõ thế nào là khuyến mại bị cấm trong LVNH thì thực tế là chưa có. Vì vậy, về nguyên tắc nếu không có luật chuyên ngành điều chỉnh riêng thì việc xác định này phải căn cứ vào các chỉ dẫn tại Điều 100 Luật Thương mại 2005 và Điều 45 LCT năm 2018 về hành vi khuyến mại để CTKLM. Một trong những công cụ điển hình mà các NH sử dụng để xúc tiến thương mại chính là lãi suất. Trong quá khứ đã từng xuất hiện những sự kiện NH thương mại lạm dụng công cụ lãi suất để tiến hành cạnh tranh trong công cuộc huy động vốn cũng như là cho vay, làm ảnh hưởng đến kết quả tài chính. Hoặc tiến hành thu hút khách hàng bằng cách
“nới lỏng” điều kiện cho vay, điều này là vô cùng nguy hiểm, hậu quả có thể là cho vay nhưng không thể thu hồi. Việc mù quáng chạy đua này có thể gây suy giảm kinh tế, cầu vốn tín dụng nhỏ hơn cung vốn tín dụng, gây mất cân bằng trên thị trường NH.
Từ đó, không còn đơn thuần là hoạt động khuyến mại để tăng sức cạnh tranh nữa mà trở thành hành vi “lôi kéo khách hàng bất chính” theo quy định tại khoản 5 Điều 45 LCT 2018, là hành vi CTKLM điển hình.
2.1.3.3. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác
Thực tế cho thấy, LCT của Việt Nam chủ yếu quy định theo kiểu liệt kê, mà liệt kê như vậy thì không thể bao gồm được hết tất cả những hành vi CTKLM được, đặc biệt là nó có thể xuất hiện theo sự thay đổi của thị trường, của nền kinh tế. Vì vậy, cụm
từ “các hành vi CTKLM khác” không cụ thể là gồm những hành vi CTKLM gì, nhưng nó lại được pháp luật dự liệu trong khoản 7 Điều 45 LCT 2018.
Từ quy định của pháp luật hiện hành về CTKLM trong LVNH chúng ta có những nhận xét sau đây:
Một là, quan niệm về CTKLM trong LVNH ở Việt Nam chính thức được ghi nhận về mặt pháp luật là kể từ khi có LCTCTD năm 2010 (sửa đổi bổ sung 2017).
Quan niệm trên được xác lập dựa trên quy định về hành vi CTKLM được quy định trong LCT. Về phương pháp tiếp cận, các hành vi CTKLM trong LVNH được tiếp cận dưới góc độ là các hành vi tiêu cực cần được ngăn cấm. Các biểu hiện không lành mạnh trong cạnh tranh của các NH được xác định dựa trên cơ sở hoạt động NH, gắn liền với các dịch vụ mà NH được quyền cung ứng.
Hai là, các quy định về hành vi CTKLM trong LVNH ở Việt Nam hiện nay mới dừng lại ở những nguyên tắc chung, chưa có văn bản nào quy định một cách cụ thể. Trong điều kiện chúng ta chưa xây dựng được hệ thống các quy phạm PLCT nhằm điều chỉnh hành vi CTKLM trong LVNH thì khi xử lý các hành vi CTKLM của các NH cơ quan nhà nước sẽ phải “vận dụng” và chủ động giải thích “tính không lành mạnh của hành vi cạnh tranh” để có thể đưa ra phương án xử lý phù hợp nhất. Tuy nhiên, việc “vận dụng” quy định của LCT để giải quyết có thể không phản ánh đúng bản chất của quan hệ cạnh tranh vốn có và do đó, khó có thể giải quyết tốt tình trạng CTKLM trong LVNH.
Ba là, LCTCTD đưa ra quy định về thẩm quyền quy định cụ thể các hành vi CTKLM trong LVNH và hình thức xử lý đối với hành vi này cho Chính phủ, song cho đến nay, Chính phủ vẫn chưa ban hành được văn bản quy định cụ thể liên quan đến vấn đề “hành vi CTKLM trong hoạt động NH”. Đây là thiếu khuyết lớn cần nhanh chóng thực hiện để tạo lập công cụ pháp lý cho việc chống hành vi CTKLM trong LVNH.
Bốn là, do chưa có văn bản hướng dẫn nên hiện nay, chúng ta vẫn chưa có được quan điểm thống nhất về xử lý vi phạm đối với các hành vi CTKLM trong LVNH.
Điều đấy có nghĩa là khi tiến hành xử lý vi phạm đối với NH thì vẫn tiến hành xử lý theo PLCT. Các NH vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Đồng thời việc giải quyết vụ việc CTKLM có hai hướng, một là tại cơ quan quản lý cạnh tranh
hai là tại tòa án nhân dân với hai loại việc là giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi CTKLM gây ra, công nhận một hành vi cạnh tranh trong hoạt động NH là hành vi CTKLM và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi CTKLM đủ yếu tố cấu thành tội phạm.