Nội dung pháp luật điều chỉnh về hoạt động thanh toán bằng tín dụng chứng từ

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ tại việt nam hiện nay (Trang 27 - 33)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CHUNG VỀ THANH TOÁN QUỐC TẾ BẰNG TÍN DỤNG CHỨNG TỪ VÀ PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN QUỐC TẾ BẰNG TÍN DỤNG CHỨNG TỪ

1.2. KHÁI QUÁT PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN QUỐC TẾ BẰNG TÍN DỤNG CHỨNG TỪ

1.2.4. Nội dung pháp luật điều chỉnh về hoạt động thanh toán bằng tín dụng chứng từ

Hoạt động TTQT nói chung và TTQT bằng tín dụng chứng từ nói riêng là quan hệ vô cùng phức tạp, liên quan đến nhiều chủ thể tham gia, do đó dễ nảy sinh các rủi ro cũng như tranh chấp giữa các chủ thể. Để giảm thiểu điều đó, pháp luật điều chỉnh hoạt động thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ cần phải quy định một cách vừa bao quát, vừa cụ thể tất cả các vấn đề xung quanh hoạt động thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ.

Cụ thể, nội dung pháp luật điều chỉnh hoạt động thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ gồm các nhóm như sau:

Nhóm 1: Chủ thể tham gia quan hệ thanh toán.

“Chủ thể tham gia trong một quan hệ pháp luật là những bên tham gia quan hệ pháp luật, có các quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý theo quy định pháp luật”

[2].

Như vậy, chủ thể giam gia quan hệ thanh toán bằng tín dụng chứng từ là các cá nhân hay tổ chức, có năng lực pháp luật về TTQT và năng lực hành vi về TTQT,

tham gia vào quan hệ thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ, có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý trong giao dịch thanh toán quốc tế bằng tín tín dụng chứng từ.

Trong phương thức thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ, có rất nhiều chủ thể tham gia:

Các bên bắt buộc không thể thiếu:

- Người yêu cầu mở L/C: là bên mà L/C được phát hành theo yêu cầu của họ, thường là nhà nhập khẩu.

- Người thụ hưởng L/C: là bên được hưởng số tiền thanh toán hay sở hữu hối phiếu đã được chấp nhận thanh toán theo L/C, thường là nhà xuất khẩu.

- Ngân hàng phát hành: là ngân hàng thực hiện phát hành L/C theo đơn của người yêu cầu, nghĩa là nó đã cấp tín dụng cho người yêu cầu. NHPH thường được hai bên mua bán thỏa thuận và quy định trong hợp đồng. Nếu không có sự thỏa thuận thì nhà nhập khẩu được phép tự chọn NHPH.

- Ngân hàng thông báo (NHTB): là ngân hàng được NHPH ủy quyền thông báo L/C cho người thụ hưởng. NHTB phải là ngân hàng đại lý hay một chi nhánh của NHPH ở nước nhà xuất khẩu.

Các bên có thể tham gia:

- Ngân hàng xác nhận: là ngân hàng bổ sung sự xác nhận của mình vào L/C theo yêu cầu hoặc theo sự ủy quyền của NHPH.

- Ngân hàng được chỉ định: là ngân mà tại đó L/C có giá trị thanh toán hoặc chiết khấu. Đối với L/C có giá trị tự do, thì bất kỳ ngân hàng nào đều có thế trở thành NHĐCĐ. Trách nhiệm kiểm tra chứng từ của NHĐCĐ là giống như NHPH khi nhận được bộ chứng từ.

- Ngân hàng chuyển nhượng L/C: trong trường hợp L/C được phép chuyển nhượng thì ngân hàng này sẽ đứng ra làm thủ tục chuyển nhượng L/C từ người thụ hưởng thứ nhất sang người thụ hưởng thứ hai theo yêu cầu cầu của người thụ hưởng thứ nhất.

- Ngân hàng hoàn trả: là ngân hàng được NHPH ủy quyền hoàn trả cho NHĐCĐ khi nhận được xác nhận của ngân hàng này rằng “bộ chứng từ xuất trình phù hợp”.

Nhóm 2: Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia.

Quyền và nghĩa vụ của chủ thể tham gia quan hệ thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ tạo nên nội dung quan hệ thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ.

“Quyền pháp lý của chủ thể là khả năng xử sự (hành vi) của các chủ thể quan hệ pháp luật được quy phạm pháp luật quy định và được nhà nước đảm bảo thực hiện” [2].

Do vậy, quyền của chủ thể trong quan hệ thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ là khả năng hành động trong thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ mà pháp luật đảm bảo cho cá nhân, tổ chức đó được tiến hành nhằm thỏa mãn quyền lợi của họ.

“Nghĩa vụ pháp lý của chủ thể quan hệ pháp luật là hành vi xử sự bắt buộc được quy phạm pháp luật quy định trước, mà một bên của quan hệ pháp luật đó phải thực hiện nhằm đáp ứng quyền của các chủ thể khác” [2].

Từ đó, có thể suy ra, nghĩa vụ của chủ thể trong thanh toán tín dụng chứng từ là cách xử sự bắt buộc do pháp luật thanh toán tín dụng chứng từ bắt buộc mà một bên phải thực hiện để đáp ứng việc thực hiện quyền của bên kia trong quan hệ thanh toán tín dụng chứng từ.

Hình 1.3: Sơ đồ 3 quan hệ hợp đồng trong L/C [12]

Hợp đồng 1: là quan hệ hợp đồng giữa người mua và người bán được thể hiện bằng các điều khoản quy định trong hợp đồng mua bán, bao gồm các chi tiết liên quan đến số lượng và chất lượng hàng hóa, cơ sở của giá cả, ngày gửi hàng và ngày dự kiến hàng đến nơi. Ngoài ra, còn có điều khoản về phương thức thanh toán. Nếu cả hai bên nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu đều đồng ý chọn phương thức tín dụng chứng từ thì nó cũng phải được thể hiện thành điều khoản trong hợp đồng mua bán.

Hợp đồng 2: là quan hệ hợp đồng giữa nhà nhập khẩu và NHPH. Nó được thể hiện bởi tất cả hoặc bất cứ một trong các loại hợp đồng sau đây:

- Các điều kiện hoặc điều khoản được thể hiện trong đơn mở LC được ký bởi người mua gửi NHPH.

- Các điều kiện và điều khoản chung được ký kết bởi nhà nhập khẩu về biện pháp bảo đảm tín dụng, trong đó có điều khoản thể hiện việc thế chấp về số hàng hóa liên quan cho NHPH.

- Các điều kiện và điều khoản quy định trong bất kỳ thủ tục nào được ký bởi nhà nhập khẩu, trên cơ sở đó, ngân hàng phát hành LC trên danh nghĩa người mua.

Các điểm trên không chỉ cung cấp mức độ an toàn cao nhất có thể cho NHPH, mà còn cho phép NHPH tự động ghi nợ tài khoản của người mua để thanh toán bất kỳ khoản tiền nào liên quan đến giao dịch LC.

NGÂN HÀNG PHÁT HÀNH

NGÂN HÀNG THÔNG BÁO

NGƯỜI YÊU CẦU MỞ LC

NGƯỜI THỤ HƯỞNG

Hợp đồng 1

Hợp đồng 2

Hợp đồng 3: Bao gồm quan hệ hợp đồng giữa NHPH và nhà xuất khẩu. Mối quan hệ này là hệ quả của hai mối quan hệ trên, nhưng lại là một nghĩa vụ hợp đồng độc lập của NHPH, thể hiện cam kết của NHPH với nhà xuất khẩu, và là cơ sở để thanh toán khi nhà xuất khẩu xuất trình được bộ chứng từ phù hợp.

Từ ba quan hệ hợp đồng trên, có thể thấy, không giống như các quan hệ pháp luật thông thường, nội dung quan hệ thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ được xây dựng bởi các quyền và nghĩa vụ của các bên tương ứng trong 3 loại hợp đồng xây dựng nên quan hệ thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ.

Nhóm 3: Chứng từ thanh toán và quy trình thanh toán tín dụng chứng từ.

Chứng từ thanh toán trong TTQT bằng tín dụng chứng từ là bộ chứng từ mà các bên (có thể là người thụ hưởng, NHXN hoặc NHĐCĐ) phải xuất trình và xuất trình phù hợp để được thanh toán.

Trong thanh toán tín dụng chứng từ, đối tượng cấp “tín dụng” là bộ chứng từ của nhà nhập khẩu chứ không phải là hàng hóa, do vậy khi nhận mở thư tín dụng cho nhà nhập khẩu, ngân hàng chỉ kiểm tra bộ chứng từ chứ không thẩm định hay định giá hàng hóa, bộ chứng từ là đại diện cho hàng hóa.

Vì vậy, hình thức và nội dung của chứng từ là bộ phận quan trọng để hình thành nên quan hệ thanh toán tín dụng chứng từ mà pháp luật không thể không quy định, nhằm đồng nhất việc thực hiện hoạt động thanh toán tín dụng chứng từ cũng như giảm thiểu rủi ro cho các bên khi thanh toán quốc tế bằng thư tín dụng.

Việc thanh toán bằng tín dụng chứng từ vô cùng phức tạp và được thực hiện bởi nhiều chủ thể, do đó, việc đồng nhất quy trình thanh toán cũng là một điều quan trọng. Quy trình thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ là một quá trình bao gồm các công việc được thực hiện theo thứ tự bởi các bên tham gia vào thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ nhằm thực hiện việc thanh toán.

Nhóm 4: Tranh chấp và giải quyết tranh chấp trong quan hệ tín dụng chứng từ.

Trong bất kỳ quan hệ pháp luật nào, tranh chấp xảy ra là không thể tránh khỏi, đặc biệt là tranh chấp trong thương mại quốc tế, cụ thể là quan hệ TTQT bằng tín dụng chứng từ.

Tranh chấp trong quan hệ thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ là tranh chấp phát sinh do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ.

Trên thực tiễn cho thấy, để giải quyết tranh chấp trong hoạt động thương mại quốc tế nói chung và hoạt động thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ nói riêng thì cần có cơ chế giải quyết tranh chấp hợp lý. Đó là các quy định cụ thể về các phương thức giải quyết tranh chấp, chủ thể tham gia giải quyết tranh chấp, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp.

Nhóm 5: Quy định về phương tiện thanh toán

Trong TTQT, các phương tiện thanh toán thường dùng bao gồm séc, hối phiếu và kỳ phiếu.

Séc theo công ước Giơnevơ 1931 là “tờ mệnh lệnh trả tiền vô điều kiện do khách hàng của ngân hàng kí phát cho ngân hàng đó yêu cầu trích từ tài khoản của mình số tiền nhất định để trả cho người cầm tờ mệnh lệnh hoặc cho người được chỉ định trên tờ mệnh lệnh đó”.

Hối phiếu là “tờ lệnh đòi tiền vô điều kiện do một người kí phát cho một người khác, yêu cầu người này khi nhìn thấy lệnh hoặc đến ngày cụ thể nhất định hoặc đến ngày có thể xác định trong tương lai phải trả số tiền nhất định cho người nào đó; hoặc theo yêu cầu của người này trả cho người khác hoặc trả cho người cầm lệnh đó” [4].

Kỳ phiếu là “giấy nhận nợ hứa trả tiền vô điều kiện do người lập phiếu phát ra trả số tiền nhất định cho người hưởng lợi hoặc theo lệnh của người này trả cho người khác theo quy định trong kỳ phiếu đó” [4].

Nhóm 6: Xử lý vi phạm pháp luật trong thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ.

“Vi phạm pháp luật là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm hại các lợi ích được bảo vệ bằng ngành luật tương ứng hoặc trái với các quy định trong ngành luật ấy, do người có năng lực trách nhiệm pháp lý và đủ tuổi chịu trách nhiệm pháp lý thực hiện một cách có lỗi” [2]

Xử lý vi phạm pháp luật được hiểu là việc xem xét, quyết định áp dụng các hình thức trách nhiệm pháp lý đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật.

Như vậy, xử lý vi phạm pháp luật trong thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ là việc xem xét, đưa ra quyết định áp dụng hình thức trách nhiệm pháp lý trong thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ đối với các cá nhân, tổ chức có năng lực trách nhiệm pháp luật, có lỗi, làm trái quy định của pháp luật về thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ.

Cũng như các quan hệ pháp luật khác, việc vi phạm pháp luật của các chủ thể, tùy vào mức độ vi phạm sẽ dẫn việc phải chịu các loại trách nhiệm pháp lý sau:

- Trách nhiệm kỷ luật.

- Trách nhiệm hành chính.

- Trách nhiệm dân sự.

- Trách nhiệm hình sự.

Pháp luật quy định về biện pháp xử lý vi phạm pháp luật trong thanh toán quốc tế tín dụng chứng từ nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia quan hệ thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ, nhằm giúp các bên thực hiện quá trình TTQT một cách nghiêm túc, giúp cho hoạt động TTQT nói riêng và hoạt động mua bán hàng hóa xuyên biên giới được thực hiện một cách an toàn, hiệu quả.

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ tại việt nam hiện nay (Trang 27 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)