CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN QUỐC TẾ BẰNG TÍN DỤNG CHỨNG TỪ TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY
2.1. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN QUỐC TẾ BẰNG TÍN DỤNG CHỨNG TỪ TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY
2.1.1. Quy định về điều kiện của chủ thể tham gia
Nhìn chung, các chủ thể tham gia quan hệ thanh toán quốc tế bằng thư tín dụng được chia làm hai loại: bên yêu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán bằng tín dụng chứng từ và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán bằng thư tín dụng.
Quan hệ thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ bản chất là một quan hệ hợp đồng, do đó, các chủ thể tham gia vào quan hệ này phải đáp ứng điều kiện chung về chủ thể để giao dịch dân sự có hiệu lực.
Theo khoản 1 điều 117 Bộ luật dân sự 2015: “Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: a. Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; b. Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;…”
Như vậy, để giao dịch thanh toán bằng tín dụng chứng từ có hiệu lực pháp luật thì các chủ thể tham gia cần có năng lực chủ thể và hoàn toàn tự nguyện. Năng lực chủ thể ở đây bao gồm năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Khi tham gia vào giao dịch thanh toán L/C, chủ thể hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa đối, ép buộc.
Ngoài yêu cầu chung về chủ thể trong giao dịch dân sự, để đủ điều kiện tham gia vào quan hệ thanh toán bằng tín dụng chứng từ thì các bên tham gia quan hệ này còn phải đáp ứng các điều kiện riêng của từng loại chủ thể:
Thứ nhất, bên có nhu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán bằng tín dụng chứng từ:
hoạt động TTQT có thể thực hiện nhằm mục đích thương mại hoặc phi thương mại, tuy nhiên, khi lựa chọn hình thức TTQT là tín dụng chứng từ, bên có nhu cầu được cung ứng dịch vụ thanh toán thường là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, do đó, bên yêu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán L/C phải đáp ứng điều kiện của chủ thể trong hoạt động ngoại thương.
Cụ thể, theo điều 3 về quyền tự do kinh doanh xuất nhập khẩu Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định một số điều chi tiết của luật quản lý ngoại thương:
“ Thương nhân Việt Nam không là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện các hoạt động khác có liên quan không phụ thuộc vào ngành, nghề đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định này; hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu khác theo quy định của pháp luật; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu”.
“Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam khi tiến hành hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này phải thực hiện các cam kết của Việt Nam trong các Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Danh mục hàng hóa và lộ trình do Bộ Công Thương công bố, đồng thời thực hiện các quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan”.
Theo quy định trên, chủ thể tham gia vào hoạt động ngoại thương phải là thương nhân, có thể là thương nhân Việt Nam hoặc là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Theo khoản 1 điều 6 luật thương mại 2005: “thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”.
Như vậy, theo như các quy định trên, chủ thể là bên yêu cầu sử dụng dịch vụ TTQT qua thư tín dụng có thể là các cá nhân, tổ chức, được thành lập hợp pháp, có thể có hoặc không có tư cách pháp nhân, có thể là doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, chỉ cần hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.
Thứ hai, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán bằng thư tín dụng: tín dụng chứng từ là một phương thức thanh toán của TTQT, do đó, để tổ chức có thể cung ứng dịch vụ thanh toán quốc tế bằng thư tín dụng thì cần phải đáp ứng điều kiện để được thực hiện hoạt động TTQT.
Theo điều 98 Luật các tổ chức tín dụng số 07/VBHN-VPQH năm 2017, một trong các hoạt động ngân hàng của NHTM là “thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế và các dịch vụ thanh toán khác sau khi được Ngân hàng Nhà Nước chấp thuận”.
Theo điều 123 Luật các tổ chức tín dụng số 07/VBHN-VPQH năm 2017,
“thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế và các dịch vụ thanh toán khác sau khi được Ngân hàng Nhà Nước chấp thuận” cũng là một trong những nội dung hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Ngoài ra, theo quy định về nội dung hoạt động của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô thì các tổ chức này không được thực hiện hoạt động TTQT.
Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, để một chủ thể được phép cung ứng dịch vụ TTQT bằng phương thức tín dụng chứng từ thì phải là Ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động TTQT. Việc để được thực hiện hoạt động TTQT cần phải có sự cho phép của NHNN thể hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và cả hoạt động ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bởi TTQT là hoạt động vô cùng phức tạp, đòi hỏi quy trình nghiệp vụ chặt chẽ, do đó phải là tổ chức đáp ứng các điều kiện vật chất cũng như đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ tốt để quản lý và thực hiện.
Đánh giá: Nhìn chung, các quy định về chủ thể tham gia hoạt động TTQT bằng tín dụng chứng từ khá bao quát, tuy nhiên chưa được cụ thể. Chủ yếu căn cứ vào các quy định trong các luật chung như Bộ luật dân sự, luật các tổ chức tín dụng… Trong đó, hoạt động TTQT bằng tín dụng chứng từ là hoạt động đòi hỏi nghiệp vụ phức tạp hơn các hình thức TTQT khác như chuyển tiền hay nhờ thu, mà pháp luật chưa đưa ra quy định riêng về hình thức này, điều này có thể dẫn đến việc các ngân hàng gặp nhiều sai sót khi thực hiện nghiệp vụ TTQT bằng L/C do chưa đủ kỹ năng, nghiệp vụ, bên cạnh đó, còn gây khó khăn trong công tác quản lý hoạt động TTQT bằng tín dụng chứng từ.