Quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ tại việt nam hiện nay (Trang 42 - 50)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN QUỐC TẾ BẰNG TÍN DỤNG CHỨNG TỪ TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY

2.1. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN QUỐC TẾ BẰNG TÍN DỤNG CHỨNG TỪ TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY

2.1.2. Quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên

Như đã đề cập ở phần 1.2.2, có thể thấy quan hệ TTQT bằng tín dụng chứng từ là sự thỏa thuận của nhiều bên tạo thành, mặc dù vậy, các hợp đồng trong quan hệ thanh toán quốc tế L/C thường có xu hướng độc lập. Do đó, quyền và nghĩa vụ của các bên cũng được gắn theo từng hợp đồng cụ thể, bao gồm: quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng ngoại thương, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng giữa nhà nhập khẩu và NHPH, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng giữa NHPH và nhà xuất khẩu.

Hiện nay tại Việt Nam, chưa có một văn bản quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên trong TTQT bằng tín dụng chứng từ mà chỉ là những quy định chung áp dụng cho hoạt động thanh toán. Do đó, việc phân tích các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên trong TTQT bằng tín dụng chứng từ chủ yếu dựa vào các quy định chung liên quan đến hoạt động TTQT bằng tín dụng chứng từ như Bộ luật dân sự, luật thương mại và các văn bản pháp luật quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Thứ nhất, quyền và nghĩa vụ giữa nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu trong hợp đồng ngoại thương.

Trong hợp đồng ngoại thương giữa nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu, hai bên có rất nhiều quyền và nghĩa vụ phải thực hiện, như về thời gian, địa điểm thực hiện hợp đồng… tuy nhiên, để phù hợp với phạm vi nghiên cứu của bài khóa luận thì em sẽ chủ yếu đưa ra các quy định về vấn đề quyền và nghĩa vụ của hai bên trong thực hiện thanh toán hợp đồng.

Theo quy định của pháp luật, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa chủ yếu được điều chỉnh trong Bộ luật dân sự 2015 và luật thương mại 2005.

Theo điều 440 bộ luật dân sự 2015 về nghĩa vụ trả tiền:

“1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.

2. Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.

3. Trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này.”

Theo điều 50 luật thương mại 2005 về thanh toán:

“1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận.

2. Bên mua phải tuân thủ các phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự, thủ tục đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.”

Theo các quy định trên có thể suy ra, bên mua trong hợp đồng ngoại thương có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng đúng thời hạn theo như đã thỏa thuận trong hợp đồng, thời hạn thanh toán thỏa thuận có thể tại thời điểm ngay khi bên mua nhận hàng, khi hợp đồng có hiệu lực hoặc thanh toán chậm trả.

Thứ hai, quyền và nghĩa vụ của NHPH và nhà nhập khẩu trong thanh toán L/C.

Trong TTQT bằng thư tín dụng, quyền và nghĩa vụ của NHPH và nhà nhập khẩu là một điều rất quan trọng. NHPH và nhà nhập khẩu cần tuân thủ đúng các quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định để bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia cũng như để việc phát hành L/C có hiệu lực.

Quan hệ TTQT bằng tín dụng chứng từ giữa NHPH và nhà nhập khẩu thực chất là một quan hệ hợp đồng, cụ thể là hợp đồng dịch vụ. Trong đó, NHPH chính là bên cung ứng dịch vụ còn nhà nhập khẩu là bên sử dụng dịch vụ. Do đó, các bên phải tuân thủ các quyền và nghĩa vụ của mình được quy định tại các quy phạm pháp luật về hợp đồng dịch vụ.

Theo như quy định của bộ luật dân sự 2015 về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dịch vụ, quyền và nghĩa vụ của NHPH và nhà nhập khẩu trong hợp đồng dịch vụ TTQT bằng tín dụng chứng được thể hiện như sau:

Nghĩa vụ của nhà nhập khẩu:

- Cung cấp cho NHPH thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc việc thực hiện công việc đòi hỏi.

- Trả tiền dịch vụ cho bên NHPH theo thỏa thuận.

Quyền của nhà nhập khẩu:

- Yêu cầu NHPH thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.

- Trường hợp NHPH vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì nhà nhập khẩu có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Nghĩa vụ của Ngân hàng phát hành:

- Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.

- Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc nếu không có sự đồng ý của nhà nhập khẩu.

- Bảo quản và phải giao lại cho nhà nhập khẩu tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc.

- Báo ngay cho nhà nhập khẩu về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc.

- Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

- Bồi thường thiệt hại cho nhà nhập khẩu nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.

Quyền của ngân hàng phát hành:

- Yêu cầu nhà nhập khẩu vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc.

- Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của nhà nhập khẩu mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho nhà nhập khẩu, nhưng phải báo ngay cho nhà nhập khẩu

- Yêu cầu nhà nhập khẩu trả tiền dịch vụ.

Ngoài quy định chung về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng cung ứng dịch vụ, nghĩa vụ của NHPH đối với nhà nhập khẩu cũng được quy định trong UCP600 thông qua việc quy định cam kết của NHPH:

Điều 7 UCP600 quy định:

- Với điều kiện là các chứng từ quy định được xuất trình tới ngân hàng chỉ định hoặc tới NHPH và với điều kiện là việc xuất trình phù hợp, NHPH phải thanh toán nếu thư tín dụng có giá trị thanh toán.

- NHPH bị ràng buộc không thể hủy ngang đối với việc thanh toán kể từ khi ngân hàng đó phát hành thư tín dụng.

Cam kết trên thể hiện 2 nghĩa vụ của NHPH đối với nhà nhập khẩu là phải thay mặt nhà nhập khẩu thanh toán cho nhà xuất khẩu nếu thư tín dụng có giá trị thanh toán và nghĩa vụ của NHPH là không được hủy ngang giao dịch L/C. Ngoài ra, để thư tín dụng có giá trình thanh toán thì việc xuất trình L/C phải là xuất trình phù hợp. Xuất trình phù hợp được hiểu là “việc xuất trình chứng từ phù hợp với các điều khoản được áp dụng của L/C, với các điều khoản được áp dụng của UCP và với các tập quán ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế ISBP” [12].

Về nghĩa vụ kiểm tra chứng từ của NHPH, điều 14 UCP600 quy định:

- “… NHPH phải kiểm tra việc xuất trình, chỉ dựa trên cơ sở chứng từ để giải quyết định chứng từ, thể hiện trên bề mặt của chúng, có tạo thành một xuất trình phù hợp hay không”.

- “… NHPH có tối đa cho mỗi ngân hàng là 5 ngày làm việc ngân hàng tiếp theo ngày xuất trình để quyết định xem việc xuất trình có phù hợp hay không. Thời hạn này không bị rút ngắn hoặc không bị ảnh hưởng bằng cách nào khác, nếu ngày hết hạn hay ngày xuất trình cuối cùng rơi đúng vào hoặc sau ngày xuất trình”.

Như vậy, sau khi nhà xuất khẩu xuất trình chứng từ thì NHPH có nghĩa vụ phải kiểm tra chứng từ có phù hợp không trong vòng 5 ngày. Việc quy định nghĩa vụ kiểm tra chứng từ của NHPH nhằm đảm bảo giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng, vì việc thanh toán bằng L/C chỉ thực hiện dựa trên chứng từ hàng hóa chứ không phải hàng hóa, do đó kiểm tra chứng từ xuất trình là một nghĩa vụ vô cùng quan trọng cần quy định.

Quyền của NHPH đối với nhà nhập khẩu:

- Được quyền từ chối thanh toán hoặc thương lượng thanh toán nếu xác định được rằng việc xuất trình là không phù hợp. (khoản a điều 16 UCP600).

- Khi NHPH từ chối thanh toán một cách phù hợp và đã gửi thông báo thì có quyền đòi lại tiền, kể cả tiền lãi và bất cứ khoản phí nào mà NHPH đã thực hiện thay cho nhà nhập khẩu.

Thứ ba, quyền và nghĩa vụ của NHPH và nhà xuất khẩu trong thanh toán L/C.

Như đã nói ở phần trên, quan hệ giữa NHPH và nhà xuất khẩu là hệ quả của hợp đồng ngoại thương và hợp đồng giữa nhà nhập khẩu và NHPH. Tuy nhiên, quan hệ giữa NHPH và nhà xuất khẩu là độc lập với 2 hợp đồng trên. Do đó, việc pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ của NHPH và nhà xuất khẩu trong mối quan hệ này là cần thiết.

Theo tìm hiểu của em, pháp luật Việt Nam chưa có một văn bản nào quy định về quyền và nghĩa vụ giữa NHPH và người xuất khẩu.

Đối với pháp luật quốc tế, việc quy định quyền và nghĩa vụ giữa NHPH và nhà xuất khẩu chủ yếu quy định trong các bản UCP, mà UCP mới nhất là bản UCP600.

Nghĩa vụ của NHPH với nhà xuất khẩu:

Điều 7 UCP600 quy định:

- “Với điều kiện là các chứng từ quy định được xuất trình tới ngân hàng chỉ định hoặc tới ngân hàng phát hành và với điều kiện là việc xuất trình phù hợp, ngân hàng phát hành phải thanh toán nếu thư tín dụng có giá trị thanh toán…”.

- “NHPH bị ràng buộc không thể hủy ngang đối với việc thanh toán kể từ khi ngân hàng đó phát hành thư tín dụng”.

Quy định trên vừa là nghĩa vụ của NHPH với nhà nhập khẩu và cũng là nghĩa vụ của NHPH với nhà xuất khẩu, vì nghĩa vụ của NHPH là không hủy ngang, do đó, khi đã thỏa thuận trong hợp đồng mở thư tín dụng với nhà nhập khẩu là sẽ thanh toán cho nhà xuất khẩu, thì việc thanh toán của NHPH vừa là nghĩa vụ thực hiện hợp đồng với nhà nhập khẩu và cũng là nghĩa vụ thanh toán với nhà xuất khẩu.

Quyền của NHPH trong quan hệ với nhà xuất khẩu:

- Được quyền từ chối thanh toán hoặc thương lượng thanh toán nếu xác định được rằng việc xuất trình là không phù hợp. (khoản a điều 16 UCP600).

Nghĩa vụ của nhà xuất khẩu với NHPH:

Tại khoản a điều 7 UCP600 cũng quy định: “Với điều kiện là các chứng từ quy định được xuất trình tới ngân hàng chỉ định hoặc tới ngân hàng phát hành và với điều kiện là xuất trình phù hợp, ngân hàng phát hành phải thanh toán nếu thư

tín dụng có giá trị thanh toán”. Theo quy định này, để được thanh toán thì nhà xuất khẩu cần xuất trình chứng từ tới ngân hàng chỉ định hoặc ngân hàng phát hành, và việc xuất trình chứng từ này phải là xuất trình phù hợp, tức là nó phải phù hợp với các điều kiện thỏa thuận trong L/C, trong UCP và ISBP.

Quyền của nhà xuất khẩu:

- Được thanh toán nếu xuất trình chứng từ phù hợp. (khoản a điều 7 UCP600).

Thứ tư, quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan.

Ngoài 3 bên chính là nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu và NHPH thì các bên khác tham gia vào quan hệ thanh toán bằng tín dụng chứng từ cũng có các quyền và nghĩa vụ của mình để thực hiện hoạt động thanh toán. Đó là ngân hàng thông báo, ngân hàng xác nhận, ngân hàng được chỉ định, ngân hàng chuyển nhượng L/C và ngân hàng hoàn trả. Hiện tại, pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định riêng về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể này. Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể này chủ yếu được quy định tại UCP600:

Quyền và nghĩa vụ của ngân hàng thông báo:

- Phải thông báo chính xác các điều kiện và điều khoản của thư tín dụng và sự sửa đổi đã được nhận (khoản a điều 9 UCP600).

- Nếu quyết định không thực hiện thông báo theo yêu cầu, cần phải thông báo lại cho ngân hàng mà từ đó đã nhận được thư tín dụng, sửa đổi hoặc thông báo (thường là NHPH) (khoản b điều 9 UCP600).

- Không chịu trách nhiệm về những hậu quả phát sinh do sự chậm trễ hoặc mất mát chứng từ trên đường đi tới NHPH thư tín dụng.

Quyền và nghĩa vụ của ngân hàng xác nhận:

- Ngân hàng xác nhận phải thanh toán nếu thư tín dụng có giá trị thanh toán tại ngân hàng xác nhận và việc xuất trình chứng từ là phù hợp (khoản a điều 8 UCP600).

- Phải chuyển chứng từ cho NHPH sau khi nhận được từ người thụ hưởng.

- Không được hủy bỏ việc thanh toán kể từ khi ngân hàng xác nhận thực hiện xác nhận thư tín dụng (khoản b điều 8 UCP600).

- Phải hoàn trả tiền cho một ngân hàng được chỉ định khác mà ngân hàng này đã thực hiện việc thanh toán hoặc thương lượng thanh toán cho một xuất trình phù hợp và chuyển giao chứng từ cho ngân hàng xác nhận (khoản c điều 8 UCP600).

- Phải thông báo cho NHPH nếu được NHPH ủy quyền xác nhận một thư tín dụng nhưng không sẵn sàng làm việc đó (khoản d điều 8 UCP600)

Quyền và nghĩa vụ của ngân hàng được chỉ định:

- Kiểm tra chứng từ theo ủy quyền của NHPH hoặc ngân hàng xác nhận đúng thời hạn quy định (điều 14 UCP600).

- Nghĩa vụ thanh toán hay thương lượng thanh toán không phát sinh với ngân hàng được chỉ định trừ khi ngân hàng được chỉ định chính là ngân hàng xác nhận (điều 12 UCP600).

Ngoài ra, cần chú ý đến quyền và nghĩa vụ của NHPH với các chủ thể còn lại:

- Phải hoàn trả tiền cho một ngân hàng được chỉ định mà ngân hàng này đã thanh toán hoặc thương lượng thanh toán cho một xuất trình phù hợp và đã được chuyển giao các chứng từ cho NHPH (khoản c điều 7 UCP600).

- Chịu các chi phí của ngân hàng hoàn trả trong trường hợp các bên thỏa thuận hoàn trả tiền giữa các ngân hàng mà không theo quy tắc của ICC, trừ khi chi phí đó do người thụ hưởng chịu, và trong trường hợp này NHPH có nghĩa vụ phải ghi rõ điều đó trong thư tín dụng và văn bản ủy quyền hoàn trả (điều 13 UCP600).

Đánh giá: Qua các phân tích trên, có thể thấy các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào quan hệ TTQT bằng tín dụng chứng từ chưa được pháp luật Việt Nam quy định rõ mà chủ yếu là nằm rải rác trong các quy định về quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thương mại chung. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ chủ yếu được xác định dựa vào UCP. Trong khi đó, UCP là văn bản quy định rõ nhất về quyền và nghĩa vụ của các bên nhưng lại chưa thực sự rõ ràng, chưa có các quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu phát hành L/C và người thụ hưởng mà chỉ chủ yếu hướng đến việc điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các tổ chức tín dụng tham gia vào quan hệ này. Điều này dẫn đến việc phát sinh những tranh chấp không đáng có

và cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tâm lý e ngại việc sử dụng L/C là công cụ thanh toán.

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ tại việt nam hiện nay (Trang 42 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)