NHU CẦU, ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ THANH TOÁN QUỐC TẾ BẰNG TÍN DỤNG CHỨNG TỪ

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ tại việt nam hiện nay (Trang 73 - 76)

CHƯƠNG 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ THANH TOÁN QUỐC TẾ BẰNG TÍN DỤNG CHỨNG TỪ TẠI VIỆT NAM

3.1. NHU CẦU, ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ THANH TOÁN QUỐC TẾ BẰNG TÍN DỤNG CHỨNG TỪ

3.1.1. Sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật về thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ tại Việt Nam

Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ là sự vận động phát triển tất yếu của khoa học pháp lý: quy định pháp luật sinh ra nhằm điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia vào các quan hệ pháp luật. Xã hội ngày càng phát triển, diễn biến hành vi và nhận thức của con người đối với từng hành vi đó ngày càng thay đổi. Các quy định pháp luật của 10 năm trước khó có thể trở thành quy chuẩn của hiện tại và tương lai. Việc đưa các chuẩn mực xã hội trở thành quy phạm pháp luật là sự lường trước của các mối quan hệ có thể xảy ra nhằm tránh những rủi ro chứ không phải đợi hiện tượng đó xảy ra rồi mới được quy định vào văn bản pháp luật. Do đó, pháp luật dù có quy định rõ ràng đến đâu thì việc cần phải hoàn thiện và phát triển chúng là điều dĩ nhiên, chưa kể, hệ thống pháp luật về TTQT bằng tín dụng chứng từ hiện nay tại Việt Nam còn chưa thực sự đầy đủ và cụ thể.

Thứ hai, xuất phát từ xu thế phát triển chung của thế giới: Với sự thuận tiện, an toàn của thư tín dụng, phương thức tín dụng chứng từ đã, đang và chắc chắn sẽ trở thành phương thức chủ yếu được sử dụng trong TTQT. Cũng như Việt Nam, hiện nay có rất nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chưa có quy định riêng về tín dụng chứng từ và dẫn chiếu đến việc áp dụng UCP. Điều này dẫn đến việc trong trường hợp xảy ra tranh chấp, tùy vào từng điều kiện cụ thể, tòa án lại áp dụng những nguyên tắc khác nhau khiến cho một trong các bên có thể bị thiệt hại do không lường trước được những nguyên tắc pháp lý mà tòa án có thể áp dụng. Đối với với một số nước đã có quy định riêng về tín dụng chứng từ, các tình huống và sự kiện phát sinh sẽ được lường trước và thể hiện công khai tại các văn bản pháp luật. Do

đó, trong quá trình xét xử, tòa án hoàn toàn dựa vào các quy định pháp luật đã có và các bên buộc phải chấp hành và quy định. Như vậy, sự minh bạch và rõ ràng của pháp luật trong bất kỳ trường hợp nào cũng sẽ tạo điều kiện cho các bên hiểu rõ những quyền hạn, trách nhiệm phải thực hiện, từ đó hạn chế các tranh chấp, rủi ro có thể xảy ra.

Do vậy, việc ban hành quy định riêng về tín dụng chứng từ sẽ là xu thế phát triển chung của thế giới, trong điều kiện số lượng các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế ngày càng tăng.

Thứ ba, xuất phát từ những hạn chế của pháp luật hiện hành: Như đã phân tích ở phần 2.1, Việt Nam chưa có quy định riêng cụ thể điều chỉnh hoạt động thanh toán bằng tín dụng chứng từ, chủ yếu các quy định được áp dụng đều là các quy định chung chung, một số được rải rác ở nhiều văn bản khác nhau. Ngoài ra, vẫn còn thiếu các quy phạm điều chỉnh nhiều hoạt động quan trọng như quyền và nghĩa vụ của các bên, quy trình thanh toán thanh toán cụ thể cho phương thức này,…

khiến cho các chủ thể tham gia quan hệ còn lúng túng và chưa xác định rõ các quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình, dẫn đến rủi ro pháp lý có thể xảy ra. Bên cạnh đó, hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra ngày càng nhiều dẫn đến việc sử dụng phương thức thanh toán L/C ngày càng rộng rãi. Do đó, việc hoàn thiện pháp luật về TTQT bằng tín dụng chứng từ tại Việt Nam là sự cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu khách quan, góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế quốc tế phát triển.

Thứ tư, xuất phát từ nhu cầu điều chỉnh của các ngành luật khác:

Ngày 22/04/2020, Tổng cục Thuế có văn bản số 1606/TCT-DNL chỉ đạo các cục thuế địa phương: “từ thời điểm Luật các Tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực (1/1/2011), L/C là hình thức thanh toán theo quy định tại khoản 15 điều 4 luật các Tổ chức tín dụng 2010, do vậy sẽ thuộc các đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.

Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế địa phương hướng dẫn các Tổ chức tín dụng thực hiện kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng. Toàn bộ các khoản thu liên quan đến nghiệp vụ L/C, không phân biệt có cam kết bảo lãnh hay không bảo lãnh đều phải chịu thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/1/2011)”

Tuy nhiên, tại cuộc họp trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo các Vụ, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc NHNN cùng đại diện các ngân hàng hội viên thuộc VNBA đều cho rằng việc áp thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ nghiệp vụ L/C như trên gây ra nhiều khó khăn cho các tổ chức tín dụng. Đại diện các tổ chức tín dụng đều cho rằng: “L/C là nghiệp vụ lưỡng tính: vừa là hình thức cấp tín dụng, vừa là hoạt động thanh toán. Do đó, nếu phải nộp thuế cho tất cả các khoản thu liên quan đến nghiệp vụ L/C thì không đúng với bản chất của L/C”. [13]

Như vậy, việc trái ngược quan điểm giữa các nhà thực hành pháp luật cùng với việc chưa có quy định cụ thể về bản chất của thư tín dụng đã gây khó khăn cho việc thu ngân sách nhà nước cũng như hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Mỗi ngành luật điều chỉnh một loại đối tượng khác nhau, nhưng việc điều chỉnh của ngành luật này cũng có mối liên hệ mật thiết đến ngành luật khác. Nếu hoạt động này không được quy định rõ ràng thì rất khó để điều chỉnh chúng trong một ngành luật khác. Chưa kể, pháp luật về TTQT bằng tín dụng chứng từ là một bộ phận của pháp luật ngân hàng, luật thuế là một bộ phận của luật ngân sách nhà nước, và cả hai bộ phận này đều thuộc ngành luật tài chính. Cùng một ngành luật nhưng đã cả hai bộ phận đã không thể đáp ứng được nhu cầu điều chỉnh của nhau thì việc cần có thêm quy định để bù đắp sự thiếu sót này là điều tất yếu.

3.1.2. Một số định hướng hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ tại Việt Nam

Phù hợp với đường lối chính sách của Đảng và nhà nước: Để pháp luật về TTQT nói chung và pháp luật về hoạt động TTQT bằng tín dụng chứng từ thực sự trở thành công cụ để nhà nước quản lý và điều tiết nền kinh tế theo đúng định hướng đề ra thì việc hoàn thiện pháp luật về TTQT bằng thư tín dụng cần phải được tiếp cận trên cơ sở nguyên lý của nền kinh tế thị trường, đảm bảo tính minh bạch và phù hợp với đường lối chính sách của Đảng và nhà nước.

Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu trong chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 kèm theo quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ, pháp luật về TTQT bằng

L/C cần phải đảm bảo sự hài hòa giữa an toàn hệ thống ngân hàng và đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các NHTM.

Phù hợp với thông lệ quốc tế: hòa nhập vào nền kinh tế quốc tế là tham gia vào một sân chơi chung, và để không nằm ngoài cuộc chơi thì các chủ thể tham gia cần phải tuân thủ luật chơi của sân chơi đó. Việc hoàn thiện và phát triển pháp luật về hoạt động TTQT bằng tín dụng chứng từ cần phải phù hợp với những nguyên tắc của pháp luật quốc tế. Đặc biệt, việc sửa đổi nên theo xu hướng thừa nhận và ngày càng hòa nhập với các quy định quốc tế, nhất là các tập quán, thông lệ quốc tế đã được thống nhất.

Đồng nhất với hệ thống pháp luật trong nước và có tính khả thi: dù là việc hoàn thiện, pháp triển bất kỳ pháp luật nào mục tiêu đầu tiên chắc chắn phải là đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước, nhằm phát huy tối đa khả năng là công cụ quản lý xã hội của nhà nước. Pháp luật về TTQT bằng tín dụng chứng từ cần phải đồng bộ với pháp luật về Ngân hàng nhà nước, luật thương mại, pháp luật về ngoại hối, luật các tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Ngoài ra, việc đổi mới, hoàn thiện pháp luật về hoạt động TTQT bằng tín dụng chứng từ cần phải có tính khả thi. Tính khả thi ở đây thể hiện ở việc nó đáp ứng những nhu cầu thực tế của các chủ thể tham gia quan hệ, và các quy phạm pháp luật đưa ra có chức năng giảm thiểu tối đa các tranh chấp và rủi ro xảy ra. Tránh tình trạng các quy định đưa ra vĩ mô nhưng lại không thể áp dụng, quá xa rời thực tiễn Việt Nam. Để đạt được điều này, các nhà làm luật cần phải tham khảo ý kiến của chính các chủ thể tham gia. Việc tăng tính khả thi cho quy định pháp luật không những đem lại hiệu quả lớn trong hoạt động của các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp mà còn làm tăng niềm tin của các chủ thể vào hệ thống pháp luật quốc gia.

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ tại việt nam hiện nay (Trang 73 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)