Một số tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực thanh toán bằng tín dụng chứng từ tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ tại việt nam hiện nay (Trang 67 - 73)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN QUỐC TẾ BẰNG TÍN DỤNG CHỨNG TỪ TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY

2.2. THỰC TIỄN THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ THANH TOÁN BẰNG TÍN DỤNG CHỨNG TỪ TẠI VIỆT NAM

2.2.3. Một số tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực thanh toán bằng tín dụng chứng từ tại Việt Nam

Tranh chấp phát sinh từ hành vi gian lận của nhà xuất khẩu và tính độc lập của L/C:

“Ngày 7/11/2006, công ty U – nhà nhập khẩu (Việt Nam) và công ty Galaxy – nhà xuất khẩu (Ấn Độ) đã ký hai hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Theo hợp đồng, công ty Galaxy có nghĩa vụ cung cấp cho công ty U 3000 thùng chứa tôm sú vỏ đông lạnh không đầu có tiêu chuẩn hạng nhất, tương đương 32.400 kg tôm nguyên liệu đông lạnh với tổng giá trị là 288.090 USD. Hai bên lựa chọn sử dụng phương thức TTQT là thư tín dụng. NHNN Ấn Độ là ngân hàng phục vụ nhà xuất khẩu. Ngày 16/12/2006, sau khi nhận được bộ chứng từ từ NHPH và mang chúng đến làm thủ tục nhận hàng. Tuy nhiên, khi kiểm tra lô hàng, công ty U phát hiện lô hàng không đảm bảo chất lượng theo thỏa thuận trong hai hợp đồng mua bán nêu trên. Vì vậy, công ty U đã khởi kiện Galaxy ra tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng vì lý do Galaxy đã vi phạm hợp đồng. Ngày 27/9/2006, tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp. Theo bản án sơ thẩm, thì Công ty U chỉ có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty Galaxy tiền mua hàng theo số lượng thực nhận với số tiền tương ứng với từng hợp đồng, tổng cộng số tiền thanh toán là 64.815,60 USD và yêu cầu Ngân hàng mở L/C tạm ngừng thanh toán số tiền mua hàng cho Công ty Galaxy đối với lô hàng tôm nhập khẩu theo hai hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế nêu trên. Tuy nhiên, trong khi NHPH đang phải thực hiện bản án thì NHNN Ấn Độ liên tục gửi điện yêu cầu NHPH thực hiện thanh toán tiền lô hàng theo quy định tại L/C vì ngân hàng này đã chiết khấu bộ chứng từ và thanh toán cho nhà xuất khẩu” [8].

Tranh chấp liên quan đến hiệu lực của L/C:

Ngày 07-6-2011, Công ty TNHH một thành viên A (Bên mua) và Công ty B (Bên bán) có ký Hợp đồng mua bán ngày 07-6-2011 với nội dung: Bên mua mua 1.000 tấn hạt điều với phương thức thanh toán 98% L/C trả chậm trong vòng 90 ngày, kể từ ngày giao hàng dựa trên vận đơn.

Thực hiện hợp đồng nêu trên, Công ty A đã yêu cầu và nộp số tiền ký quỹ là 1.313.308,85 USD để Ngân hàng Thương mại Cổ phần E phát hành L/C số 1801.

Khi hàng về đến cảng Thành phố Hồ Chí Minh, Bên mua đã yêu cầu Vinacontrol Thành phố Hồ Chí Minh giám định phẩm chất và chất lượng hàng hóa theo Điều 8, Điều 11 của hợp đồng.

Do tỷ lệ nhân hạt điều thu hồi thấp hơn so với thỏa thuận của Hợp đồng, nên Bên mua đã khiếu nại bằng hình thức mail cho Bên bán nhưng Bên bán không hợp tác. Vì vậy, Bên mua khởi kiện yêu cầu hủy Hợp đồng mua bán ngày 07-6-2011, trả lại toàn bộ lô hàng cho Bên bán và hủy bỏ nghĩa vụ thanh toán theo L/C số 1801 do Ngân hàng Thương mại Cổ phần E phát hành ngày 07-7-2011 và yêu cầu Ngân hàng Thương mại Cổ phần E hoàn trả lại số tiền ký quỹ là 1.313.308,85 USD để đảm bảo thanh toán L/C số 1801 ngày 07-7-2011.

Sau khi vụ án được xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao đã kết luận như sau và đưa bản án này trở thành án lệ số 13/2017/AL về hiệu lực thanh toán của thư tín dụng (L/C) trong trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cơ sở của L/C bị hủy bỏ:

- “Như vậy, theo đơn đề nghị mở L/C của Bên mua và nội dung L/C đã phát hành thì L/C số 1801 là một giao dịch riêng biệt đối với Hợp đồng mua bán hàng hóa ngày 07-6-2011; được chi phối và áp dụng theo UCP 600. Theo quy định của UCP 600, Ngân hàng Thương mại Cổ phần E với tư cách là Ngân hàng phát hành phải thanh toán khi xác định bộ chứng từ xuất trình là phù hợp tại Ngân hàng...”

[34]

- “Tòa án cấp sơ thẩm lại cho rằng phương thức thanh toán bằng L/C số 1801 là một phần không thể tách rời của Hợp đồng mua bán hàng hóa ngày 07-6-2011;

do vậy, khi hợp đồng này bị hủy toàn bộ thì các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng; từ đó quyết định L/C số 1801 không còn hiệu lực thanh toán và Ngân hàng Thương mại Cổ phần E không có nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng N theo L/C nêu trên; đồng thời buộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần E phải trả cho bên mua số tiền ký quỹ là 1.313.308,85 USD là chưa đủ cơ sở và chưa đúng với các quy định tại UCP 600" [34].

Án lệ trên có thể coi là một quá trình “tranh đấu” tự bảo vệ quyền lợi của NHTM trong vụ việc đã nêu trên. Trước khi được tòa án nhân dân tối cao quyết định bản án chính xác, phù hợp với các nguyên tắc của UCP và bản chất của thư tín dụng thì các tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã tuyên hủy bỏ L/C với lý do là hợp đồng cơ sở bị hủy bỏ. Như vậy, chính vì do sự thiếu căn cứ pháp lý đã làm cho tòa

án sơ thẩm, phúc thẩm khi xét xử vụ việc này đưa ra các quyết định chưa đúng với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Gây mất thời gian và thiệt hại cho các bên tham gia.

Án lệ số 13/2017/AL ra đời đã giải quyết hiệu quả được vụ việc này và là cơ sở để giải quyết các vụ việc tương tự về sau.

Đánh giá: mặc dù tín dụng chứng từ là phương thức chiếm ít rủi ro nhất trong các phương thức TTQT, nhưng trên thực tế vẫn có nhiều tranh chấp xảy ra do nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân phần lớn là do thiếu quy định điều chỉnh khiến các chủ thể lúng túng trong việc giải quyết tranh chấp, cùng với đó là rủi ro đạo đức từ các bên và một chút đến từ việc chưa nắm rõ các quy định pháp luật có liên quan điều chỉnh từ các chủ thể thực hiện quy trình thanh toán.

Đánh giá chung về thực tiễn thi hành pháp luật:

Ưu điểm:

Thứ nhất, mặc dù pháp luật Việt Nam chưa có quy định riêng hướng dẫn về hoạt động TTQT bằng tín dụng chứng từ, nhưng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ TTQT bằng tín dụng chứng từ phần lớn đã đầu tư vào việc tìm hiểu và áp dụng các văn bản quốc tế và các quy định pháp luật quốc gia có liên quan một cách nghiêm chỉnh.

Thứ hai, việc giải quyết tranh chấp trong hoạt động TTQT bằng tín dụng chứng từ nhìn chung được thực hiện khá tốt, các bản án cuối cùng đưa ra đã bảo đảm tốt quyền lợi của các bên tham gia.

Nhược điểm:

Thứ nhất, các ngân hàng trong việc thực hiện nghiệp vụ TTQT bằng tín dụng chứng từ vẫn còn nhiều sai sót, đặc biệt là trong khâu kiểm tra bộ chứng từ, do chưa áp dụng đúng các quy định pháp luật về vấn đề này và kỹ năng nghiệp vụ chưa cao.

Thứ hai, một số tổ chức tín dụng chưa có quy định riêng hoặc quy định chưa đầy đủ về trình tự thực hiện nghiệp vụ TTQT bằng thư tín dụng, trách nhiệm, thẩm quyền của các bộ phận khi thực hiện nghiệp vụ này.

Thứ ba, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam khi tham gia vào hoạt động TTQT bằng tín dụng chứng từ vẫn chưa thực hiện tốt các quy định, đặc biệt là

các quy định về bộ chứng từ và việc xuất trình phù hợp, dẫn đến thiệt hại cho chính mình.

Thứ tư, các chủ thể khi tham gia vào quan hệ TTQT bằng tín dụng chứng từ chưa nắm bắt được các quy định pháp luật của nước ngoài về hoạt động này. Bởi TTQT bằng tín dụng chứng từ là quan hệ pháp luật quốc tế, các bên không chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam hay các điều ước, tập quán, thông lệ quốc tế mà Việt Nam tham gia mà còn có thể được điều chỉnh bởi quy định của pháp luật quốc gia khác. Do đó, nắm bắt các quy định pháp luật của quốc gia nơi đối tác của mình có quốc tịch là một lợi thế giúp các chủ thể Việt Nam chủ động hơn.

Thứ năm, một số tranh chấp không đáng có đã xảy ra khi một trong các bên không tuân thủ đúng các quyền và nghĩa vụ của mình.

Thứ sáu, một số tòa án sơ thẩm đã đưa ra các bản án chưa đúng với thực tiễn và thông lệ quốc tế khi giải quyết tranh chấp giữa các bên. Điều này dẫn đến thiệt hại và quyền lợi của các bên tham gia không được đảm bảo, gây mất thời gian cho các chủ thể khi yêu cầu phúc thẩm bản án để bảo về lợi ích của mình.

Như vậy, nhìn chung việc áp dụng các quy định pháp luật về hoạt động TTQT bằng tín dụng chứng từ của các chủ thể tại Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại. Nguyên nhân của những tồn tại này chủ yếu xuất phát từ việc các bên chưa nắm bắt được tốt các quy định pháp luật và thiếu các căn cứ pháp lý điều chỉnh. Điều này gây ra những thiệt hại vô cùng lớn và làm giảm uy tín của các tổ chức kinh tế tại Việt Nam.

TÓM TẮT CHƯƠNG 2

Dựa vào phần cơ sở lý luận đã được đưa ra ở chương 1, chương 2 đi vào việc đánh giá thực trạng pháp luật hiện hành về hoạt động TTQT bằng tín dụng chứng từ tại Việt Nam hiện nay. Trong đó bao gồm 2 vấn đề chính là các quy định pháp luật và việc thực thi pháp luật.

Đối với các quy định pháp luật hiện hành, ở chương này em đã chỉ ra, phân tích, và đánh giá các quy định hiện hành về hoạt động TTQT về tín dụng chứng từ tại Việt Nam hiện nay.

Về thực tiễn thi hành pháp luật, em đã chỉ ra thực trạng thi hành pháp luật về hoạt động TTQT bằng tín dụng chứng từ tại Việt Nam, đặc biệt là ở các tổ chức tín dụng. Nêu ra một số tranh chấp phát sinh và chỉ ra nguyên nhân phát sinh các tranh chấp đó. Sau đó, em đưa ra đánh giá chung về những ưu điểm và hạn chế của thực tiễn thi hành pháp luật.

Chương 2 là cơ sở quan trọng để đề xuất các giải pháp hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật ở chương 3.

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động thanh toán quốc tế bằng tín dụng chứng từ tại việt nam hiện nay (Trang 67 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)