CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG KHUYẾN MẠI VÀ QUẢNG CÁO THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM
1. Thực trạng quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động khuyến mại
1.2. Quy định về hình thức và hạn mức khuyến mại
1.2.1. Các quy định về hình thức khuyến mại
Theo quy định tại Điều 92 Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH năm 2019, thương nhân có thể thực hiện hoạt động khuyến mại theo các hình thức sau đây:
* “Đưa hàng hóa, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền”.
Hình thức này phù hợp để áp dụng với các sản phẩm mới hoặc các sản phẩm đã được cải tiến mà thương nhân muốn giới thiệu đến người tiêu dùng. Do vậy, sản phẩm mẫu mà khách hàng được khuyến mại có thể là hàng đang hoặc sẽ được bán trong thời gian tới. Thông thường, sản phẩm được sử dụng làm hàng mẫu có giá trị không lớn, được thiết kế với dung tích nhỏ để dễ dàng phát miễn phí đến với người tiêu dùng.
Điều 8 Văn bản hợp nhất 22/VBHN-BCT năm 2020 hợp nhất nghị định quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động XTTM do Bộ Công thương ban hành ngày 20/03/2020 (sau đây gọi tắt là Văn bản hợp nhất 22/VBHN-BCT năm 2020), hình thức khuyến mại này cần đảm bảo các yêu cầu như: Sản phẩm mẫu cho khách hàng dùng thử phải là “hàng hóa, dịch vụ được kinh doanh hợp pháp”; ngoài ra thương nhân phải chịu trách nhiệm về chất lượng cũng như thông tin chính xác đến khách hàng về hàng hóa, dịch vụ mẫu đưa khách hàng dùng thử. Do đây là hình thức khuyến mại với mục đích giới thiệu sản phẩm, dich vụ nên hàng mẫu, dịch vụ mẫu là miễn phí, “khách hàng không phải thanh toán bất kỳ khoản nào khi dùng thử hàng mẫu, dịch vụ mẫu”.
Việc khuyến mại bằng hàng mẫu sẽ tạo điều kiện cho khách hàng được sử dụng thử sản phẩm mới miễn phí, từ đó giúp khách hàng có thể đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ, có sự so sánh sản phẩm mẫu với các sản phẩm cùng chủng loại khác trên thị trường hay với chính sản phẩm mà người tiêu dùng đang sử dụng; nhằm thăm dò thị trường, khảo sát sự đón nhận của người tiêu dùng với sản phẩm mới xâm nhập vào thị trường.
* “Tặng hàng hóa cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền”.
Theo Điều 9 Văn bản hợp nhất 22/VBHN-BCT năm 2020, các thương nhân có thể thực hiện hoạt động XTTM bằng việc tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho
khách hàng không thu tiền có “kèm hoặc không kèm theo việc khách hàng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ”. Điểm khác của hình thức khuyến mại này với hình thức khuyến mại đưa khách hàng dùng thử các sản phẩm mẫu là “hàng hóa, dịch vụ dùng làm quà tặng có thể là hàng hóa, dịch vụ mà thương nhân đang kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác”. Thương nhân phải đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ tặng khách hàng.
Ngoài ra, tuy giá trị hàng hóa, dịch vụ thương nhân dùng để khuyến mại không giới hạn về số lượng nhưng sẽ bị hạn chế về “giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại”. Theo đó, “tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại không vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại”.
* “Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã đăng ký hoặc thông báo (khuyến mại bằng hình thức giảm giá)”.
Đây là hình thức khuyến mại đã rất phổ biến và được thể hiện thông qua việc giảm trực tiếp một số tiền cụ thể trên giá trị của hàng hóa, dịch vụ đó. Theo quy định tại Điều 10 Văn bản hợp nhất 22/VBHN-BCT năm 2020, hoạt động “khuyến mại bằng hình thức giảm giá” phải đảm bảo các điều kiện như sau:
Khi thực hiện hình thức khuyến mại này, thương nhân thực hiện khuyến mại cần đảm bảo về mức giảm giá hàng hóa, dịch vụ. Theo đó, “mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại”. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng có quy định, đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quy định về giá thì thương nhân khi thực hiện khuyến mại các loại hàng hóa, dịch vụ này không được giảm giá sản phẩm xuống quá mức giá tối thiểu đã được Nhà nước quy định; đối với các sản phẩm, dịch vụ được Nhà nước quy định mức giá cụ thể thì không được áp dụng hình thức khuyến mại giảm giá đối với các sản phẩm dịch vụ này. Để tạo điều kiện cho thương nhân trong hoạt động khuyến mại, Luật Thương mại hiện hành đã có sự bổ sung quy định mới về mức giảm giá tối đa so với Nghị định 37/2006/NĐ-CP. Cụ thể, khi tham gia vào chương trình khuyến mại tập trung do cơ quan nhà nước chủ trì tổ chức, mức giảm
giá tối đa các mặt hàng, dịch vụ lên tới 100% do chương trình khuyến mại này được tổ chức “nhằm thực hiện các chính sách phát triển kinh tế có mục tiêu của Quốc gia, địa phương”. Các đợt khuyến mại theo hình thức này thường được tổ chức vào các
“dịp lễ, tết theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, “hạn mức giảm giá tối đa” khi khuyến mại bằng hình thức giảm giá sẽ không được áp dụng đối với: “hàng hóa dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước; hàng thực phẩm tươi sống; hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh”.
* “Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ để khách hàng được hưởng một hay một số lợi ích nhất định”.
Hình thức này được quy định tại Điều 11 Văn bản hợp nhất 22/VBHN-BCT năm 2020. Theo đó, hình thức khuyến mại này áp dụng với người tiêu dùng đã mua một lượng hàng hóa, dịch vụ nhất định của cá nhân, tổ chức khuyến mại và lượng hàng hóa, dịch vụ này đã đạt đến một hạn mức được quy định trước của chương trình khuyến mại. Khi đó, người tiêu dùng sẽ được khuyến mại bằng việc tặng “phiếu mua hàng” hoặc “phiếu sử dụng dịch vụ” mang tính chất được giảm giá hoặc tặng một mệnh giá nhất định dùng cho lần thanh toán sau hoặc được hưởng một lợi ích nhất định.Theo Bộ Công thương (2020) quy định, “Phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ tặng kèm có thể là phiếu để mua hàng hóa, nhận cung ứng dịch vụ của chính thương nhân đó hoặc của thương nhân, tổ chức khác”. Phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ chỉ có giá trị dùng khi thanh toán chứ không được quy đổi thành tiền.
Ngoài ra, các loại phiếu được tặng kèm khi mua một đơn vị hàng hóa, dịch vụ nhất định trong thời gian chương trình khuyến mại có giá trị “không vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại”.
* “Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố (hoặc các hình thức tổ chức thi và trao thưởng khác tương đương)”.
Đây là một trong những hình thức khuyến mại phổ biến hiện nay. Khác với hình thức khuyến mại bằng phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ; hình thức khuyến mại này sẽ “không bị giới hạn giá trị tính theo đơn hàng hóa” do khách hàng tham
gia có thể trúng hoặc không trúng thưởng phụ thuộc vào kết quả thi của họ. Do vậy, việc tổ chức cuộc thi và trao thưởng cho khách hàng phải được tổ chức công khai và có sự chứng kiến của đại diện khách hàng; đồng thời phải “thông báo cho Sở Công Thương nơi tổ chức thực hiện chương trình khuyến mại” khi giải thưởng của cuộc thi có tổng giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Chương trình khuyến mại phải được đảm bảo tổ chức, thực hiện theo thể lệ và giải thưởng đã công bố. Tuy nhiên phải đảm bảo rằng tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mà thương nhân dùng để khuyến mại không vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại; ngoài ra, “nội dung của chương trình thi phải bao gồm các thông tin liên quan theo luật định và không trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”.
* “Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố”.
Hình thức khuyến mại mang tính may rủi được quy định chi tiết tại Điều 13 Văn bản hợp nhất 22/VBHN-BCT năm 2020. Hình thức khuyến mại này khá giống với hình thức “bán hàng, cung ứng dịch vụ tặng kèm theo phiếu dự thi” nhưng khác ở chỗ hình thức này được thực hiện thông qua các chương trình may rủi, người trúng thưởng hoàn toàn dựa vào sự may mắn. Hình thức khuyến mại này đã đánh vào tâm lý muốn thử vận may của khách hàng để tăng lợi ích của chủ thể tổ chức chương trình khuyến mại. Từ tính chất may rủi của hình thức khuyến mại, việc xác định người trúng thưởng cần phải được tổ chức công khai, trung thực theo như thể lệ đã được công bố trước đó và “phải được lập thành biên bản.”; trong trường hợp khi kết thúc chương trình khuyến mại mà không tìm ra được người trúng thưởng, “thương nhân thực hiện chương trình khuyến mại phải trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước”. Các quy định này được đưa ra nhằm mục tiêu bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng vì hình thức khuyến mại này đã thu hút rất nhiều người tham gia, thúc đẩy số lượng hàng hóa bán ra, tăng lợi nhuận đáng kể cho thương nhân thực hiện khuyến mại. Trong khi đó, việc trúng thưởng của người tiêu dùng hoàn toàn dựa vào sự may mắn. Nếu không có quy định trên, rất có thể thương nhân sẽ chỉ đưa ra các
chương trình khuyến mại chứ không có giải thưởng thực sự.
*“Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên, theo đó việc tặng thưởng cho khách hàng căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng thực hiện được thể hiện dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận sự mua hàng hóa, dịch vụ hoặc các hình thức khác”.
Theo Điều 14 Văn bản hợp nhất 22/VBHN-BCT năm 2020, hình thức khuyến mại này áp dụng với khách hàng thường xuyên mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của thương nhân thực hiện khuyến mại; việc tặng thưởng dựa trên “số lượng hoặc trị giá hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng đã mua” thể hiện dưới dạng thẻ khách hàng hay phiếu ghi nhận. Thương nhân khi thực hiện khuyến mại theo hình thức này phải tuân thủ việc thông báo công khai các thông tin liên quan đồng thời có trách nhiệm xác nhận về sự tham gia của khách hàng đối với chương trình khách hàng thường xuyên.
Ngoài ra, thẻ khách hàng hay phiếu ghi nhận phải đầy đủ nội dung như “tên thẻ/phiếu, thông tin khách hàng, cách thức ghi nhận sự tham gia chương trình khách hàng thường xuyên của khách hàng” và “điều kiện chi tiết về số lượng, sản phẩm do khách mua, sử dụng để được nhận thưởng”.
Hình thức khuyến mại này nhằm mục đích tri ân các khách hàng thân thiết, đồng thời thu hút các khách hàng khác thường xuyên mua hàng, sử dụng dịch vụ để được hưởng các ưu đãi nhất định. Như vậy, lợi ích mà khách hàng nhận được ở đây có thể là lợi ích vật chất hoặc phi vật chất: khách hàng có thể được tặng những phần quà hay được sử dụng dịch vụ miễn phí khi mua hàng, sử dụng dịch vụ với một số lượng nhất định.
* “Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại”.
Khuyến mại bằng hình thức này là việc thương nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ “tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác”
thu hút khách hàng tham dự nhằm mục đích quảng cáo, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tạo sân chơi cho các khách hàng đã sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình. Khi tổ chức khuyến mại bằng hình thức này, thương nhân thực hiện hoạt động khuyến mại cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến các lĩnh vực văn hóa, nghệ
thuật cũng như đảm bảo các chương trình quảng cáo không ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.
* “Các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận”.
Ngoài các hình thức khuyến mại kể trên, thương nhân có thể thực hiện các
“hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận”. Một số hình thức khuyến mại khác phổ biến hiện nay như:
- Gói hàng chung là hình thức khuyến mại khi mua một số lượng hàng hóa, dịch vụ nhất định sẽ có thể được mua với giá ưu đãi so với giá ấn định được ghi trên bao bì sản phẩm. Ví dụ như mua hai lốc sữa chua sẽ được tặng một hộp hay mua mười gói dầu gội đầu sẽ được tặng thêm hai gói dầu gội đầu cùng loại....
- Quà tặng kèm khi mua sản phẩm, dịch vụ nhằm quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ hay chính doanh nghiệp đó hoặc hình thức khuyến mại trực tuyến: “khuyến mại hàng hóa, dịch vụ mà trong quá trình thực hiện có sử dụng internet, thiết bị điện tử hay ứng dụng công nghệ thông tin”...
So với các quy định về hình thức khuyến mại tại Nghị định 37/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động XTTM (sau đây gọi tắt là Nghị định 37/2006/NĐ-CP), Văn bản hợp nhất 22/VBHN-BCT năm 2020 đã bổ sung thêm hình thức “Tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền có kèm theo việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ” trong hình thức khuyến mại “tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền”. Sự bổ sung này nhằm phân biệt rõ hơn hai hình thức “tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền” và “đưa hàng hoá mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền”, đồng thời thể hiện được mục đích quan trọng của việc tặng hàng hóa là thu hút sự chú ý khách hàng, thúc đẩy hành vi mua hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khuyến mại. Hình thức khuyến mại này đã đánh vào tâm lí muốn chọn mua hàng hóa đang được khuyến mại giữa hai loại hàng hóa tương đương.
Ngoài ra, Văn bản hợp nhất 22/VBHN-BCT năm 2020 đã nâng “tổng thời gian thực hiện hình thức khuyến mại giảm giá với một loại nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 120 ngày trong một năm”, quy định về tổng thời gian này không bao gồm thời gian khuyến mại giảm giá trong khuôn khổ các chương trình khuyến
mại tập trung hay “chương trình, hoạt động XTTM do Thủ tướng Chính phủ quyết định”, kéo dài hơn 30 ngày so với quy định ở Nghị định số 37/2006/NĐ-CP, điều này là phù hợp với thực tiễn thực hiện “hình thức khuyến mại giảm giá của các thương nhân”.