Quy định về thẩm quyền quản lý nhà nước và thủ tục khuyến mại

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động khuyến mại và quảng cáo thương mại tại việt nam (Trang 42 - 45)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG KHUYẾN MẠI VÀ QUẢNG CÁO THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM

1. Thực trạng quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động khuyến mại

1.4. Quy định về thẩm quyền quản lý nhà nước và thủ tục khuyến mại

Cơ quan “quản lý nhà nước về các hoạt động XTTM” được quy định tại Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH năm 2019; Văn bản hợp nhất 22/VBHN-BCT năm 2020; Thông tư 04/2022/TT-BCT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Thông tư 04/2022/TT-BCT); và Nghị định 98/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương (sau đây gọi tắt là Nghị định 98/2017/NĐ-CP) như sau:

- Theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Văn bản hợp nhất 22/VBHN-BCT năm 2020, Bộ Công thương là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động khuyến mại ở trung ương. Theo đó, Bộ Công thương có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra về nội dung và điều kiện hoạt động khuyến mại của thương nhân trong và ngoài nước; đồng thời giải quyết việc đăng ký hoạt động “khuyến mại mang tính may rủi của thương nhân được thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên và đăng ký hoạt động khuyến mại theo các hình thức khuyến mại khác”.

- Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động khuyến mại ở địa phương: theo điểm đ khoản 5 Điều 2 Thông tư 04/2022/TT-BCT, Sở Công thương có nhiệm vụ tổ chức thực hiện thủ tục hành chính về hoạt động khuyến mại thuộc thẩm quyền; đồng thời

thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động khuyến mại của thương nhân. Sở Công thương còn có trách nhiệm kết hợp với cơ quan quản lý tài chính đồng cấp “tổng hợp, quyết toán số tiền theo quyết định thu và số tiền thực thu vào ngân sách nhà nước 50% giá trị đã công bố của giải thưởng không có người trúng thưởng của chương trình khuyến mại”. Ngoài ra, Sở Công thương có trách nhiệm giải quyết việc thông báo, đăng ký hoạt động khuyến mại của thương nhân thuộc thẩm quyền của mình:

+ Giải quyết việc thông báo hoạt động khuyến mại đối với các hình thức khuyến mại sau của thương nhân: “đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền; tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền; hình thức khuyến mại giảm giá; bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố; chương trình khách hàng thường xuyên”.

+ Giải quyết việc đăng ký hoạt động khuyến mại theo hình thức “bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình khuyến mại mang tính may rủi được thực hiện trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.

1.4.2. Thủ tục thực hiện hoạt động khuyến mại

Hiện nay, tùy thuộc vào quy mô, mức độ ảnh hưởng của các hình thức khuyến mại đối với lợi ích của người tiêu dùng và các thương nhân khác, pháp luật quy định khác nhau về thủ tục để thực hiện hoạt động khuyến mại. Thương nhân muốn tổ chức các chương trình khuyến mại cần thực hiện một trong hai thủ tục sau:

- Thủ tục thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại

Theo quy định tại Điều 17 Văn bản hợp nhất 22/VBHN-BCT năm 2020, thủ tục thông báo hoạt động khuyến mại áp dụng đối với các hình thức khuyến mại: “Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí vì mục đích khuyến mại; đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền; tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền; khuyến mại bằng hình thức giảm giá; bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ hoặc phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố; tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên”. Trước khi thực hiện các hoạt động khuyến mại theo các hình thức kể

trên, thương nhân thực hiện hoạt động khuyến mại cần gửi hồ sơ thông báo thực hiện hoạt động khuyến mại đến tất cả các Sở Công thương nơi tổ chức khuyến mại “tối thiểu trước 03 ngày làm việc trước khi thực hiện hoạt động khuyến mại”.

- Thủ tục đăng ký thực hiện hoạt động khuyến mại được quy định tại Điều 19 Văn bản hợp nhất 22/VBHN-BCT năm 2020. Theo đó, khi các thương nhân muốn thực hiện chương trình khuyến mại theo các hình thức: “chương trình khuyến mại mang tính may rủi và khuyến mại theo các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận” thì cần phải tiến hành đăng ký thực hiện hoạt động khuyến mại tại cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có thẩm quyền. Các chương trình khuyến mại này của thương nhân chỉ có thể được thực hiện khi có “sự cho phép bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền”.

Đối với các chương trình khuyến mại mang tính may rủi phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền tùy thuộc vào phạm vi chương trình khuyến mại được tổ chức: Nếu chương trình khuyến mại được tổ chức “trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” thì đăng ký tại Sở Công thương; đối với hoạt động khuyến mại tổ chức trên hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì đăng ký với Bộ Công thương. Ngoài ra, với chương trình khuyến mại theo “hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận” thì phải được đăng ký tại Bộ Công thương.

Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về thương mại sẽ xem xét và “trả lời hồ sơ đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại của thương nhân trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ”. Trong trường hợp hồ sơ đăng ký hoạt động khuyến mại của thương nhân không được xác nhận, cơ quan quản lý nhà nước phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Đối với các hình thức khuyến mại phải thực hiện thủ tục đăng ký chương trình khuyến mại tại Bộ Công thương, sau khi hồ sơ đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại được xác nhận, Bộ sẽ “cung cấp cho Sở Công Thương nơi thương nhân tổ chức khuyến mại nội dung của chương trình đã được xác nhận để phối hợp quản lý”.

Sau khi hết thời hạn khuyến mại, các chương trình khuyến mại theo các hình thức kể trên thì thương nhân thực hiện khuyến mại phải “báo cáo kết quả chương

trình khuyến mại với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về thương mại và thông báo công khai kết quả trúng thưởng” theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, nội dung thông báo, đăng ký chương trình khuyến mại và hồ sơ đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại được quy định cụ thể trong văn bản hợp nhất 22/VBHN- BCT năm 2020.

Văn bản hợp nhất 22/VBHN-BCT năm 2020 có hiệu lực giải quyết những vướng mắc, bất cập trong các quy định trước đây về việc tổ chức tiếp nhận, xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực XTTM tại Nghị định số 37/2006/NĐ- CP và nới lỏng khá nhiều thủ tục đăng ký khuyến mại, cụ thể: Trường hợp doanh nghiệp có “chương trình khuyến mãi có tổng giá trị giải thưởng dưới 100 triệu đồng, thương nhân không phải thông báo cho Sở Công Thương địa phương”, mà được linh hoạt thực hiện ngay; thủ tục thông báo hoạt động khuyến mại được gửi đến Sở Công Thương cũng được rút ngắn “tối thiểu trước 3 ngày làm việc” thay cho 7 ngày làm việc trước đây; giảm thời hạn xác nhận hồ sơ đăng ký chương trình khuyến mại của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ 7 ngày làm việc xuống còn 5 ngày làm việc.Ngoài ra, quy định “Trường hợp Bộ Công thương là cơ quan xác nhận đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại, Bộ Công thương sẽ cung cấp cho Sở Công thương nơi thương nhân tổ chức khuyến mại nội dung chương trình đã được xác nhận để phối hợp quản lý” đã khắc phục được hạn chế của Nghị định 37/2006/NĐ-CPkhi quy định về việc doanh nghiệp thực hiện chương trình khuyến mại “có trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho Sở Thương mại nơi thực hiện chương trình khuyến mại kèm theo bản sao văn bản xác nhận của Bộ Thương mại trước khi thực hiện chương trình khuyến mại trong trường hợp Bộ Thương mại là cơ quan xác nhận việc thực hiện chương trình khuyến mại”. Những sự sửa đổi này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân thực hiện hoạt động khuyến mại.

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động khuyến mại và quảng cáo thương mại tại việt nam (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)