CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG KHUYẾN MẠI VÀ QUẢNG CÁO THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM
2. Thực trạng quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động quảng cáo thương mại
2.2. Quy định về đối tượng của hoạt động quảng cáo thương mại
Từ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Văn bản hợp nhất 47/VBHN-VPQH năm 2018: “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.”, có thể xác định đối tượng của hoạt động QCTM gồm có các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh của thương nhân được quảng cáo nhằm mục đích sinh lợi; hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của thương nhân và các tổ chức, cá nhân, thương nhân kinh doanh sản phẩm, dịch vụ.
2.2.1. Điều kiện quảng cáo thương mại
Dựa vào quy định về điều kiện hoạt động QCTM và tùy thuộc vào từng đối tượng của hoạt động QCTM mà pháp luật có những quy định khác nhau về điều kiện quảng cáo như đối với các quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì chủ thể thực hiện quảng cáo “phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để được thực hiện quảng cáo”; hay phải xuất trình được “giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản” khi thực hiện hoạt động quảng cáo về tài sản mà pháp luật quy định phải có các loại giấy tờ kể trên. Ngoài ra, đối với quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thì “phải cung cấp được các tài liệu chứng minh về sự hợp quy chuẩn của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên đối với hàng hóa, dịch vụ đặc biệt cũng có thêm những điều kiện khác để điều chỉnh các hoạt động QCTM về đối tượng này. Cụ thể đối với một số sản phẩm, dịch vụ như các loại thuốc, mỹ phẩm, hóa chất, các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ, các chất bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học hay dịch vụ khám chữa bệnh khi thực hiện hoạt động QCTM cần một số loại giấy tờ nhất định được quy định chi tiết tại Điều 20 Văn bản hợp nhất 47/VBHN-VPQH năm 2018.
2.2.2. Đối tượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm quảng cáo thương mại
Về nguyên tắc, các thương nhân được quyền quảng cáo để XTTM đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc quyền kinh doanh của mình. Tuy nhiên, nhằm thực hiện các chính sách về phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ lợi ích và giữ vững an ninh quốc gia, pháp luật về quảng cáo đã quy định về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm quảng cáo tại Điều 7 Văn bản hợp nhất 47/VBHN-VPQH năm 2018.
Theo đó, pháp luật cấm quảng cáo về các loại hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh và “cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế”
do các loại hàng hóa, dịch vụ này có thể gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, chính trị, an ninh quốc gia; xâm phạm đến lợi ích của quốc gia. Ngoài ra, một số loại hàng hóa nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh như “thuốc lá; rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực” cũng bị cấm quảng cáo. Do các tác hại từ rượu và thuốc lá đã được khoa học chỉ ra, Nhà nước cũng đưa ra nhũng
chủ trương, chính sách nhằm hạn chế việc sử dụng rượu và thuốc lá; do đó, việc cấm quảng cáo “thuốc lá và rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên” là hoàn toàn hợp lý.
“Các loại súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực” cũng có thể gây mất trật tự an ninh quốc gia hay gây nguy hiểm cho xã hội nên cũng cần phải cấm quảng cáo các loại sản phẩm, dịch vụ này.
Thêm vào đó, các “sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo” cũng bị pháp luật cấm quảng cáo. Theo Ngọc Anh (2009): “Nuôi con bằng sữa mẹ tốt cho cả hai mẹ con. Kết luận này được các nhà khoa học Canada rút ra sau khi tiến hành theo dõi khoảng 140.000 phụ nữ”. Việc nuôi con bằng sữa mẹ đem lợi nhiều lợi ích cho cả hai mẹ con đã được giới khoa học công bố từ lâu;
cho trẻ dưới 24 tháng tuổi bú sữa mẹ thay vì sử dụng các sản phẩm thay thế cũng được Bộ Y tế khuyến khích thực hiện. Quy định này nhằm mục đích khuyến khích các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ đến dưới 24 tháng tuổi và để các bà mẹ không bị ảnh hưởng bởi thông tin quảng cáo về các sản phẩm dinh dưỡng công thức này (Đời sống và Pháp luật, 2014). Vì vậy, quy định cấm quảng cáo các sản phẩm này là hoàn toàn hợp lý.
Quy định về cấm quảng cáo các sản phẩm “thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục” nhằm hạn chế các trường hợp lạm dụng thuốc hay tự ý sử dụng thuốc mà không sự hướng dẫn của bác sĩ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng về lâu dài.
Quy định về các điều kiện QCTM và cácsản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm QCTM là lần đầu được ghi nhận tại Luật Quảng cáo năm 2012, trước đó Pháp lệnh về Quảng cáo năm 2001 không có quy định cụ thể điều chỉnh về vấn đề này. Hai quy định này đều hướng tới một số loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt nhằm mục tiêu kiểm soát cả về số lượng và chất lượng cũng như đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Ngoài ra, việc cấm quảng cáo một số sản phẩm, dịch vụ trên cũng nhằm giảm lượng tiêu thụ của các mặt hàng đặc biệt này.