Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại

Một phần của tài liệu Pháp luật về hòa giải thương mại ở việt nam hiện nay (Trang 40 - 43)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HÒA GIẢI THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

2.2. Thực trạng nội dung pháp luật về hòa giải thương mại ở Việt Nam hiện nay

2.2.3. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại

Theo Điều 4 NĐ 22/2017/NĐ-CP quy định “nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng HGTM bao gồm: 1. Các bên tranh chấp tham gia hoà giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ; 2. Các thông tin liên quan đến vụ việc hoà giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp có thoả thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; 3. Nội dung thoả thuận hoà giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba”. Theo đó, các chủ thể khi tham gia vào quan hệ HGTM, phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, nguyên tắc tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các bên tranh chấp (Khoản 1 Điều 4 NĐ 22/2017/NĐ-CP). Tính tự nguyện trước hết thể hiện ở việc các bên hoàn toàn tự nguyện thỏa thuận việc sử dụng HGTM trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp bằng một thỏa thuận hòa giải mà không có bất kỳ sự ép buộc nào từ các chủ thể về việc tham gia hòa giải (Lưu Hương Ly, 2011). Cùng với đó, trong suốt quá trình hòa giải ý chí của các bên trong quan hệ hòa giải được đảm bảo ở mức tối cao, việc quyết định có đi đến thống nhất phương án hòa giải hay không là do họ quyết định. Hơn nữa, pháp luật còn cho phép các chủ thể được chấm dứt việc giải quyết tranh chấp bằng HGTM bất cứ lúc nào mà không cần chứng minh. Khi tham gia thủ tục hòa giải các bên tranh chấp đều bình đẳng với nhau, họ đều được hưởng các quyền và gánh vác các nghĩa vụ như nhau. Muốn vậy, trước hết với tư cách là chủ thể trung lập, hỗ trợ các bên, HGVTM phải có trách nhiệm thiết lập và duy trì sự công bằng, độc lập, vô tư, khách quan trong suốt quá trình hòa giải để đảm bảo các bên được đối xử như nhau và có được kết quả công tâm nhất, dung hòa được lợi ích của các bên tranh chấp.

Thứ hai, nguyên tắc bảo mật thông tin trong HGTM. Chế độ bảo mật thông tin trong HGTM có ý nghĩa giúp các bên thoải mái hơn trong việc chia sẻ các thông tin, tài liệu cũng như mong muốn của mình trong quá trình hòa giải bởi thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng HGTM cho thấy, các bên rất khó “trải lòng” với nhau và với HGVTM nếu các thông tin, tình tiết của vụ việc không được bảo mật. Do đó có thể nói chế độ bảo mật thông tin chính là điểm thu hút và có tính quyết định thành công của việc giải quyết tranh chấp bằng HGTM. Nhìn chung, về vấn đề chủ thể có nghĩa vụ bảo mật, pháp luật Việt Nam cũng có hướng tiếp cận tương đối thống nhất với pháp luật của các nước trên thế giới khi đã đặt ra trách nhiệm bảo mật đối với tất cả các chủ thể tham gia vào thủ tục hòa giải. Bên cạnh đó, pháp luật về HGTM Việt Nam còn nêu ra các trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc này, theo đó, việc tiết lộ thông tin sẽ không bị coi là vi phạm pháp luật khi các bên có thỏa thuận cho phép tiết lộ bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định phải tiết lộ thông tin.

Thứ ba, nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba (Khoản 3 Điều 4 NĐ 22/2017/NĐ-CP). Về nguyên tắc, nếu một thỏa

thuận có nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái với đạo đức xã hội thì giao dịch đó sẽ bị vô hiệu (Điều 123 BLDS năm 2015), do đó pháp luật đã đặt ra nguyên tắc này nhằm tránh tình trạng các thỏa thuận trong quá trình hòa giải bị vô hiệu làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên tranh chấp. Nếu xem xét một cách kĩ lưỡng thì việc quy định “vi phạm điều cấm của pháp luật” có lẽ là quá rộng và có phần không tương thích với pháp luật dân sự - khi chỉ quy định là “vi phạm điều cấm của luật” (Điểm c Khoản 1 Điều 117 BLDS 2015). Bởi lẽ “vi phạm điều cấm của pháp luật” sẽ rộng hơn “vi phạm điều cấm của luật”, pháp luật được hiểu là tổng hợp các quy phạm pháp luật trong toàn bộ hệ thống pháp luật của một quốc gia, theo đó pháp luật sẽ được biểu hiện dưới các hình thức khác nhau như luật, văn bản dưới luật (gồm nghị định, pháp lệnh, thông tư,…) và được ban hành bởi các cơ quan khác nhau. Trong khi đó,

“luật” chỉ bao gồm các quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành được thể hiện dưới một hình thức duy nhất là văn bản luật. Điều này vô tình làm cho các giao dịch, thỏa thuận trong quá trình hòa giải của các bên có nguy cơ bị vô hiệu sẽ cao hơn và các bên có thể phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi do thỏa thuận vô hiệu (Mai Hùng Nhân, 2019). Qua những phân tích trên có thể thấy, pháp luật luôn tôn trọng quyền tự do ý chí và sự tự định đoạt của các bên tranh chấp, tuy nhiên những thỏa thuận đó phải đảm bảo trong giới hạn là không vi phạm điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ cũng như xâm phạm đến quyền của bên thứ ba.

Như vậy, có thể nói, đây chính là những nguyên tắc mang tính chỉ đạo, định hướng cho các chủ thể xuyên suốt trong quá trình hòa giải, đồng thời cũng là căn cứ để xây dựng các quy định về quyền, nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể khi tham gia vào quá trình hòa giải. Tuy nhiên, xem xét một cách tổng quát thì các nguyên tắc này chưa thể hiện đầy đủ những nguyên tắc cần phải có của quá trình hòa giải một vụ tranh chấp kinh doanh thương mại độc lập ngoài tòa án, chưa đề cập đến các nguyên tắc dành cho HGVTM như nguyên tắc độc lập, khách quan và công bằng, hay một nguyên tắc khác như nguyên tắc giải quyết tranh chấp hiệu quả, linh hoạt (Lê Hương Giang, 2017). Điều này cần sớm được bổ sung và hoàn thiện trong thời gian sắp tới.

Một phần của tài liệu Pháp luật về hòa giải thương mại ở việt nam hiện nay (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)