CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HÒA GIẢI THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
2.2. Thực trạng nội dung pháp luật về hòa giải thương mại ở Việt Nam hiện nay
2.2.4. Địa vị pháp lý của chủ thể hòa giải thương mại
* Tiêu chuẩn đối với hòa giải viên thương mại
Theo quy định tại Điều 7 NĐ 22/2017/NĐ-CP thì tiêu chuẩn để trở thành HGVTM bao gồm: “a) Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan; b) Có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên; c) Có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan”. Theo đó, để trở thành HGVTM, các chủ thể phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, để trở thành HGVTM các chủ thể phải là người có đầy đủ NLHVDS, đảm bảo có đủ khả năng, nhận thức để thực hiện các quyền cũng như gánh vác các nghĩa vụ do pháp luật quy định. Bên cạnh đó, HGVTM cũng phải là người có uy tín, có phẩm chất đạo đức tốt, do đó pháp luật về HGTM cũng đã quy định “các chủ thể là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì không được làm HGVTM”
(Khoản 4 Điều 7 NĐ 22/2017/NĐ-CP). Ngoài ra HGVTM cũng luôn phải đảm bảo sự độc lập, vô tư, khách quan để giúp các bên đạt được kết quả hòa giải công tâm nhất, do vậy HGVTM “không được đồng thời đảm nhiệm vai trò đại diện hay tư vấn cho một trong các bên, không được là trọng tài viên đối với cùng vụ tranh chấp đang hoặc đã tiến hành hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác" (Điểm đ Khoản 2 Điều 9 NĐ 22/2017).
Thứ hai, HGVTM phải những người có trình độ từ đại học trở lên, với năng lực, kiến thức tốt cũng như kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực được đào tạo là 02 năm để phục vụ tốt cho công tác hòa giải.
Thứ ba, HGVTM phải là người vừa có kiến thức pháp luật, có kĩ năng hòa giải, lại vừa hiểu biết về lĩnh vực tranh chấp cũng như các lĩnh vực liên quan. Đồng thời, họ cũng phải thông thạo các tập quán thương mại để phục vụ cho quá trình hòa
giải, đưa ra các giải pháp mang tính tham khảo, gợi ý cho các bên tranh chấp nhằm hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, cũng như trái với các tập quán thương mại của các địa phương, vùng miền khác nhau.
Như vậy, đây là những tiêu chuẩn tối thiểu mà pháp luật về HGTM Việt Nam đã đặt ra đối với các cá nhân khi muốn trở thành HGVTM cần phải đáp ứng. Tuy nhiên, “tổ chức hòa giải thương mại cũng có thể quy định tiêu chuẩn HGVTM của tổ chức mình cao hơn các tiêu chuẩn đã nêu trên”, nhưng không thể thấp hơn những tiêu chuẩn đó (Khoản 3 Điều 7 NĐ 22/2017/NĐ-CP). Ngoài ra, có một vấn đề cần lưu tâm mà Nghị định này chưa đề cập tới đó là quốc tịch của HGVTM, nên có thể hiểu pháp luật đang cho phép HGVTM là người nước ngoài được phép hành nghề hòa giải tại Việt Nam và họ cũng phải đáp ứng được đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu để trở thành HGVTM do pháp luật Việt Nam đã đặt ra.
Qua những phân tích trên có thể thấy, pháp luật về HGTM đang quy định theo hướng cụ thể hóa các tiêu chuẩn sàn đối với HGVTM, điều này là hoàn toàn phù hợp với tính chất định hướng trong bối cảnh HGTM vẫn còn quá non trẻ ở Việt Nam, tuy nhiên quy định này lại đặt ra khá nhiều tiêu chuẩn mang tính định tính, dẫn đến khó khăn khi thi hành trên thực tế nhất là khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ đăng ký hoạt động của HGVTM vụ việc (Đoàn Trung Kiên & Nguyễn Thị Vân Anh, 2019); Bên cạnh đó, khi nghiên cứu pháp luật của một số nước trên thế giới như Singapore, Úc, Đức…, nhận thấy pháp luật Việt Nam chưa tập trung quy định đến vấn đề đào tạo, huấn luyện đội ngũ HGVTM trong tiêu chuẩn đối với chủ thể này. Do đó, trên cơ sở tham khảo và học hỏi thêm kinh nghiệm của các nước trên thế giới, việc bổ sung thêm quy định này tại Việt Nam là hoàn toàn cần thiết.
* Đăng ký và xóa tên hòa giải viên thương mại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Theo quy định tại Điều 8 NĐ 22/2017/NĐ-CP, để được công nhận trở thành HGVTM vụ việc, người có đủ tiêu chuẩn HGVTM theo quy định của pháp luật phải tiến hành đăng ký tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó thường trú, hoặc nơi người đó tạm trú nếu người đề nghị đăng ký là người nước ngoài bằng cách gửi đến Sở Tư pháp một bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ được quy
định tại khoản 2 Điều 8 NĐ 22/2017/NĐ-CP. Còn đối với HGVTM quy chế sẽ không phải đăng ký với Sở Tư pháp mà chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn do tổ chức HGTM đề ra và thường là cao hơn tiêu chuẩn do pháp luật quy định.
Trường hợp HGVTM vụ việc không còn muốn tiếp tục hành nghề hòa giải dưới tư cách độc lập thì chỉ cần thực hiện thủ tục thông báo đến Sở Tư pháp nơi người đó đăng ký HGVTM vụ việc để cơ quan này sẽ xóa tên HGVTM ra khỏi danh sách HGVTM vụ việc của Sở (Khoản 5 Điều 8 NĐ 22/2017/NĐ-CP). Còn trong trường hợp HGVTM để các chủ thể khác phát hiện ra mình không còn đủ điều kiện làm HGVTM vụ việc theo quy định của pháp luật hoặc vi phạm một trong các quy định cấm đối với HGVTM là thì cần thông báo cho Sở Tư pháp nơi người đó đăng ký và cơ quan này sẽ tiến hành xác thực và xem xét xóa tên HGVTM đó ra khỏi danh sách HGVTM vụ việc của Sở (Khoản 5 Điều 8 NĐ 22/2017/NĐ-CP). Các hành vi bị cấm đối với HGVTM bao gồm: “(i) Tiết lộ thông tin về vụ việc, khách hàng mà mình biết được trong quá trình hòa giải trừ trường hợp được các bên đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; (ii) Vi phạm quy tắc đạo đức của HGVTM; (iii) Nhận hoặc đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ bên ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận; (iv) Các hành vi khác theo quy định của pháp luật”
(Điều 10 NĐ 22/2017/NĐ-CP)
2.2.4.2. Quy định pháp luật về tổ chức hoà giải thương mại
Theo quy định tại điều 18 NĐ 22/2017/NĐ-CP, tổ chức HGTM ở Việt Nam tồn tại dưới hai hình thức là: “(i) trung tâm HGTM được thành lập và hoạt động theo pháp luật về HGTM và (ii) trung tâm trọng tài được thành lập và hoạt động theo pháp luật về trọng tài thương mại và có đăng ký hoạt động HGTM theo quy định tại NĐ 22/2017/NĐ-CP”.
* Trung tâm hòa giải thương mại
Thứ nhất, trong bối cảnh hội nhập, việc pháp luật hiện hành cho phép thành lập các trung tâm HGTM cung cấp dịch vụ hòa giải chuyên nghiệp là hoàn toàn hợp lý, các tổ chức HGTM sẽ là chủ thể hỗ trợ đắc lực cho các bên trong quá trình thỏa thuận và tìm ra phương án tối ưu để dàn xếp mâu thuẫn của họ, đặc biệt là các vụ tranh chấp có tính phức tạp, phi biên giới cần đến những chủ thể chuyên nghiệp như
trung tâm HGTM. Hơn nữa, đây cũng là xu thế chung của thế giới, các nước thường hướng tới việc xây dựng các trung tâm HGTM hoạt động hiệu quả và thậm chí là trở thành trung tâm hòa giải kiểu mẫu như Trung tâm hòa giải Singapore, Trung tâm hòa giải Hồng Kông, Trung tâm giải quyết tranh chấp hiệu quả của Anh (CEDR)…
Thứ hai, với tư cách là chủ thể cung cấp dịch vụ hòa giải chuyên nghiệp cho xã hội,“tổ chức HGTM là tổ chức có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng và hoạt động không vì mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận” (Khoản 1, 2 Điều 19 NĐ 22/2017/NĐ-CP). Về cơ cấu tổ chức của Trung tâm HGTM sẽ do điều lệ của Trung tâm quy định bởi đây là vấn đề nội bộ nên pháp luật sẽ không can thiệp sâu. Trong đó, người đứng đầu của trung tâm HGTM là chủ tịch của trung tâm với yêu cầu phải là một HGVTM (Khoản 4 Điều 19 NĐ 22/2017/NĐ-CP). Bên cạnh đó, pháp luật về HGTM còn cho phép“trung tâm HGTM được thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài” (Khoản 3 Điều 19 NĐ 22/2017/NĐ-CP).
Thứ ba, về thủ tục thành lập và chấm dứt hoạt động của trung tâm HGTM Một là, về trình tự thủ tục thành lập trung tâm HGTM ở Việt Nam sẽ trải qua các bước cơ bản sau:
1. Cá nhân là công dân Việt Nam hội đủ các điều kiện trở thành HGVTM nếu muốn thành lập trung tâm HGTM cần gửi một bộ hồ sơ xin cấp phép thành lập đến Bộ Tư pháp. Sau khi kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của bộ hồ sơ, Bộ Tư pháp sẽ ra quyết định cấp Giấy phép thành lập, nếu từ chối cấp phép Bộ Tư pháp phải thông báo bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do (Khoản 1, 2 Điều 21 NĐ 22/2017/NĐ-CP).
2. Tiếp theo, trung tâm phải gửi hồ sơ đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp nơi trung tâm đặt trụ sở trong thời hạn do luật định, nếu hết thời hạn này mà trung tâm không thực hiện thì Giấy phép thành lập sẽ hết hiệu lực, trừ trường hợp có lý do chính đáng (Khoản 1 Điều 22). Sở Tư pháp có trách nhiệm cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm HGTM nếu bộ hồ sơ hợp lệ; trường hợp từ chối cấp thì cũng phải giải thích rõ lý do bằng văn bản cho trung tâm (Khoản 3 Điều 22 NĐ 22/2017/NĐ-CP).
3. Kết thúc thủ tục thành lập trung tâm HGTM bằng việc bắt đầu thực hiện hoạt động hòa giải và thủ tục công bố thông tin Trung tâm HGTM với mục đích là để
các trung tâm HGTM công bố công khai với dân chúng về việc một trung tâm HGTM mới được ra đời (Khoản 5 Điều 22 NĐ 22/2017/NĐ-CP).
Như vậy, có thể thấy, trình tự thủ tục thành lập trung tâm HGTM theo pháp luật hiện hành của Việt Nam có nhiều nét tương đồng với việc thành lập một doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện, đều phải trải qua ba bước là đề nghị cấp phép thành lập, đăng ký hoạt động và công bố thông tin.
Hai là, về vấn đề chấm dứt hoạt động, theo quy định tại Khoản 1 điều 31 NĐ 22/2017/NĐ-CP:“Trung tâm hòa giải thương mại chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây: (i) Tự chấm dứt hoạt động; (ii) Bị thu hồi giấy phép thành lập theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 NĐ 22/2017”. Trường hợp 1: Để tự chấm dứt hoạt động của trung tâm phải thực hiện hai nghĩa vụ sau: (i) Thông báo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp về việc chấm dứt hoạt động chậm nhất là 30 ngày trước ngày chấm dứt hoạt động (Khoản 2 Điều 31 NĐ 22/2017/NĐ-CP); (ii) Phải hoàn tất việc thanh toán các khoản nợ, các nghĩa vụ tài sản khác, xử lý xong các vụ việc đã nhận trong vòng 60 ngày kể từ ngày có quyết định chấm dứt hoạt động, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (Khoản 2 Điều 31 NĐ 22/2017/NĐ-CP). Trường hợp 2: Theo quy định tại khoản 1 điều 30 NĐ 22/2017/NĐ-CP, các trường hợp trung tâm HGTM bị thu hồi giấy phép gồm: (i) trung tâm HGTM tiếp tục có hành vi vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động HGTM dù trước đó đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý về hành vi này. (ii) Trong thời hạn 05 năm liên tiếp kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập, Trung tâm HGTM không thực hiện bất kỳ hoạt động nào; (iii) Trừ trường hợp có lý do chính đáng, Trung tâm HGTM không thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp nơi Trung tâm đặt trụ sở trong thời hạn luật định.
* Trung tâm trọng tài được thành lập và hoạt động theo pháp luật trọng tài thương mại được cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại
Thứ nhất, việc pháp luật hiện hành của Việt Nam cho phép chủ thể là trung tâm trọng tài được cung cấp dịch vụ HGTM là rất hợp lý. Bởi điều này vừa phù hợp với tinh thần khuyến khích các bên hòa giải ở bất kỳ thời điểm nào trong quá trình sử dụng TTTM theo pháp luật về TTTM, lại vừa tận dụng được những ưu thế sẵn có của các trung tâm trọng tài. Với kinh nghiệm, uy tín sẵn có trong việc giải quyết tranh
chấp thì các trung tâm trọng tài sẽ giúp hòa giải hoạt động hiệu quả hơn, qua đó mà phương thức HGTM sẽ nhanh chóng được nhiều người biết đến và sử dụng bởi trong bối cảnh phương thức HGTM còn quá mới mẻ ở Việt Nam thì TTTM đã có lịch sử hình thành lâu đời hơn và cũng phần nào được các bên tranh chấp tin tưởng lựa chọn hơn (Vũ Huy Hoàng & Ngô Thị Thu Huyền, 2021).
Thứ hai, quy định về đăng ký và chấm dứt hoạt động hòa giải của trung tâm trọng tài thương mại
Về thủ tục đăng ký hoạt động hòa giải của trung tâm trọng tài có hai trường hợp: (i) Trường hợp 1: đối với việc đăng ký hoạt động HGTM của trung tâm trọng tài đã được cấp Giấy phép thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật TTTM thì chỉ cần gửi bộ hồ sơ hợp lệ đến Bộ Tư pháp. Sau khi được Bộ Tư pháp ra quyết định bổ sung hoạt động HGTM thì trung tâm trọng tài phải đăng ký thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp nơi trung tâm đăng ký hoạt động (khoản 1 Điều 23 NĐ 22/2017/NĐ-CP). (ii) Trường hợp 2: đối với việc thành lập trung tâm trọng tài mới và muốn đồng thời cung cấp dịch vụ hòa giải thì các sáng lập viên khi nộp hồ sơ đề nghị thành lập trung tâm trọng tài phải gửi Dự thảo Quy tắc hòa giải kèm theo bộ hồ sơ với nội dung không được trái với quy định của pháp luật (Khoản 2 Điều 24 NĐ 22/2017/NĐ-CP).
Theo quy định tại khoản 5 điều 31 NĐ 22/2017, Trung tâm trọng tài có thể chấm dứt hoạt động HGTM trong các trường hợp sau: Một là,“Trung tâm trọng tài chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại”. Hai là,
“Trung tâm trọng tài chấm dứt việc thực hiện hoạt động HGTM theo Điều lệ của Trung tâm”. Ba là, “Trung tâm trọng tài không tiến hành bất kỳ hoạt động hòa giải thương mại nào trong vòng 05 năm, kể từ ngày quyết định bổ sung hoạt động hòa giải thương mại của Bộ Tư pháp có hiệu lực”. Bốn là, “Trung tâm trọng tài có hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động HGTM theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà tái phạm”.
* Tổ chức hoà giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam
Bên cạnh hoạt động của hai chủ thể trên, pháp luật còn cho phép tổ chức HGTM nước ngoài được hoạt động tại Việt Nam. Theo quy định pháp luật hiện hành,
tổ chức HGTM nước ngoài được thành lập chi nhánh và văn phòng đại diện tại Việt Nam (Khoản 1, 2 Điều 33 NĐ 22/2017/NĐ-CP). Theo Khoản 1 Điều 34 NĐ 22/2017/NĐ-CP, Chi nhánh và văn phòng đại diện đều là đơn vị phụ thuộc của tổ chức HGTM nước ngoài. Về bản chất, chi nhánh và văn phòng đại diện chưa có sự độc lập về mặt tài sản với tổ chức HGTM nước ngoài và thực hiện nhiệm vụ theo sự ủy quyền của tổ chức HGTM nước ngoài nên “tổ chức HGTM nước ngoài phải chịu trách nhiệm về hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện trước pháp luật Việt Nam” (Khoản 1, 2 Điều 34 NĐ 22/2017/NĐ-CP). Tuy nhiên, chỉ có chi nhánh là chủ thể được cung cấp dịch vụ hòa giải ở Việt Nam, còn văn phòng đại diện sẽ“không được thực hiện HGTM mà chỉ được thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá hoạt động HGTM theo quy định của pháp luật Việt Nam nhằm tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội hoạt động HGTM tại Việt Nam” (Điểm c Khoản 2 Điều 35 NĐ 22/2017/NĐ-CP).
Ngoài ra pháp luật về HGTM còn quy định thêm các vấn đề như tên gọi và vấn đề thay đổi tên gọi chi nhánh, văn phòng đại diện; Thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện; Các trường hợp chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện ở Việt Nam và thủ tục giải quyết vấn đề chấm dứt hoạt động…(Điều 34, 38, 39, 40 NĐ 22/2017/NĐ-CP).