Khái quát về vùng đồng bằng sông Cửu Long

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Quản lý công: Thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (Trang 83 - 87)

Chương 3: THỰC TRẠNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN Ở VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

3.1. Khái quát về vùng đồng bằng sông Cửu Long

3.1.1. Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội

Vùng ĐBSCL là vùng cực nam của nước Việt Nam, là một bộ phận của châu thổ sông Mê Kông, còn được gọi là vùng đồng bằng Nam Bộ hoặc miền Tây Nam Bộ. Vùng có vị trí nằm liền kề vùng Đông Nam Bộ, phía Bắc giáp Campuchia với đường biên giới khoảng 330 km, phía Tây Nam là Vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là Biển Đông. Đây là vùng có vị trí, vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả nước; là nơi sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

3.1.1.1. Điều kiện tự nhiên

Vùng ĐBSCL là vùng sông nước với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Khí hậu cận xích đạo (mưa nhiều, nắng nóng) nên thuận lợi phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển trồng lúa nước và cây lương thực. Do vậy, công tác ĐTN cho LĐNT cần bám vào thế mạnh này để xác định danh mục nghề đào tạo và phương pháp ĐTN phù hợp.

Đáng quan tâm là sự biến đổi khí hậu thời gian qua, lượng mưa có xu hướng giảm trong mùa khô gây tình trạng khô hạn, tình trạng nước biển dâng gây ảnh hưởng đến sản xuất. Theo các nhà khoa học, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, trong đó ĐBSCL được đánh giá là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Kịch bản biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố: đến cuối thế kỉ 21, khi nước biển dâng lên 1m sẽ đe dọa 930.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và 40% diện tích đất trồng lúa ở ĐBSCL bị ảnh hưởng. Tình trạng suy thoái tài nguyên môi trường tự nhiên

73

gia tăng cùng với thiên tai, sâu bệnh ngày càng khắc nghiệt đã ảnh hưởng lớn đối với sản xuất và đời sống của nông dân, trong đó đối tượng chịu nhiều thiệt hại nhất là người nông dân. Ngoài ra, tác động ở thượng nguồn như nạn phá rừng và một loạt các đập nước đang đưa vào sử dụng ở Trung Quốc, Lào và Campuchia đã giảm thiểu lượng phù sa bồi đắp ở các cửa sông khiến các vùng ven biển bị ngập dần [39, tr.56-58]. Những biến đổi này ít nhiều ảnh hưởng đến công tác ĐTN.

3.1.1.2. Tình hình kinh tế

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, do đó kinh tế của khu vực này tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng GPD bình quân 11,7%/năm. Điều đó một mặt tạo các điều kiện vật chất cho hệ thống ĐTN, tạo sự phong phú, đa dạng trong các hoạt động ĐTN vừa là nguồn cho các hoạt động ĐTN nói chung, ĐTN cho LĐNT phát triển.

Mặc khác, xuất phát điểm của nền kinh tế ở khu vực ĐBSCL là thuần nông, chậm phát triển, các nguồn lực kinh tế còn hạn chế và nghèo nàn, cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch: tỷ trọng nông – lâm - ngư nghiệp chiếm 36,5%, công nghiệp – xây dựng chiếm 27,8% và dịch vụ chiếm 37,7% trong GDP [7]. Trục kinh tế của Vùng chưa đủ mạnh để đảm nhận chức năng bộ khung cho phát triển. Các tuyến hành lang, liên tỉnh, liên vùng chưa kết nối tốt và chưa thúc đẩy hàng hóa luân chuyển lớn. Đây là nguyên nhân tạo ra cát cứ địa phương khi từng tỉnh là đơn vị kinh tế độc lập. Cơ sở hạ tầng chưa phát triển, việc huy động nguồn lực trong Vùng còn hạn chế, các địa phương còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội chưa phát triển nên khả năng đầu tư ngân sách còn hạn chế trong khi nguồn lực từ trung ương chưa đáp ứng yêu cầu.

3.1.1.3. Tình hình xã hội

Tại ĐBSCL hiện có 53 dân tộc cư trú, trong đó người Kinh chiếm 91,86%, Khmer chiếm 6,93%, người Hoa chiếm 1,11%, Chăm chiếm 0,09%,

74

còn lại là các dân tộc khác. Toàn Vùng có 5.473.741 người sinh hoạt trong 14 loại tôn giáo khác nhau, trong đó Phật giáo 3.059.131 người (chiếm 55,89%), Phật giáo Hòa Hảo 1.414.035 người (chiếm 25,83%), Thiên Chúa giáo và Tin Lành có 587.610 người (chiếm 10,74%) [7]. Tuyệt đại đa số người dân tộc thiểu số thuộc thành phần lao động sản xuất nông nghiệp mang tính chất sản xuất nhỏ “tiểu nông”, mặt bằng dân trí thấp, thu nhập rất thấp, đời sống khó khăn ảnh hưởng đến việc tham gia của người dân trong thực hiện chính sách ĐTN cho LĐNT.

Một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc Khmer không biết chữ, trong khi cán bộ tuyên truyền còn thiếu kinh nghiệm và không thông thạo tiếng dân tộc. Cuộc sống người Khmer bình lặng với triết lý đạo Phật coi đời là cõi tạm nên bằng lòng, tin vào số phận. Chính đặc điểm tâm lý này ít nhiều ảnh hưởng đến động lực cạnh tranh vươn lên làm giàu, làm ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo, ĐTN và việc làm.

3.1.2. Tổng quan về lực lượng lao động nông thôn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

Theo niên giám thống kê năm 2016, dân số vùng ĐBSCL hiện nay là 17.660.700 người với dân số ở nông thôn là 13.209.900 chiếm 75% dân số Vùng. Trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 10.519.300 người, đứng thứ 3 so với các vùng trong cả nước. Với số liệu này, rõ ràng vùng ĐBSCL đang ở thời kỳ “dân số vàng” với mức tăng dân số cao ổn định và lực lượng lao động khá dồi dào. Nếu biết cách đào tạo và sử dụng thì cơ cấu dân số này sẽ trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng cho cả Vùng.

Tạm gác lại thuận lợi về số lượng lao động, hãy thử đánh giá chất lượng lao động của Vùng. Một cách khái quát có thể thấy chất lượng lao động đang ở mức thấp với tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 12%, thấp nhất so với cả nước (trung bình cả nước là 20,6%). Nói cách khác, nếu không có những

75

chính sách thay đổi cơ bản thì chất “vàng ròng” trong cơ cấu dân số của ĐBSCL có thể nhanh chóng trở thành “vàng thau” và vì thế không những không đóng góp được một cách tích cực mà còn trở thành gánh nặng cho kinh tế của Vùng trong việc tạo ra công ăn việc làm và an sinh xã hội sau này khi những người lao động hiện nay đến tuổi về hưu.

Bảng 3.1. Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo Đơn vị tính: %

Vùng 2013 2014 2015 2016

Đồng bằng sông Hồng 24,9 25,9 27,5 28,4

Trung du và miền núi phía Bắc 15,6 15,6 17 17,5

Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 15,9 16,4 19,4 20

Tây Nguyên 13,1 12,3 13,3 13,1

Đông Nam Bộ 23,5 24,1 25,3 26,2

ĐBSCL 10,4 10,3 11,4 12

Cả nước 17,9 18,2 19,9 20,6

Nguồn: Tổng cục Thống kê 2016

Bảng 3.1 cho thấy, tỷ lệ người qua đào tạo có tăng qua các năm nhưng không cao và còn thấp hơn so với tỷ lệ bình quân cả nước. Điều này là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp của Vùng cũng đứng vào loại cao.

Cũng theo niên giám thống kê 2016, tỷ lệ thất nghiệp hiện nay của Vùng là 2,89% (trong đó, thành thị: 3,73%; nông thôn: 2,62%). Tỷ lệ này đang cao nhất cả nước, mật độ trung bình cả nước là 2,33%. Bên cạnh đó, tỷ lệ thiếu việc làm cũng khá cao với 3,05% (thành thị: 1,33%; nông thôn: 3,6%) cũng là tỷ lệ cao nhất cả nước (trung bình tỷ lệ thiếu việc làm cả nước là 1,66%).

Ngoài ra, số liệu thống kê về lao động phân theo kỹ năng cũng cho thấy có tới gần 88% lao động của ĐBSCL không có chuyên môn kỹ thuật. Tỷ lệ lao động được ĐTN qua các chương trình dạy nghề ngắn hạn, dài hạn, và trung học chuyên nghiệp đều rất thấp, khoảng 5% trong tổng số 12% lao động

76

được đào tạo vào năm 2016. Việc lao động phổ thông không có chuyên môn quá lớn, đồng thời thiếu hụt lao động có kỹ năng chắc chắn sẽ tiếp tục là một rào cản to lớn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế của mỗi tỉnh cũng như của toàn Vùng. Một điểm đáng lưu ý nữa là cũng giống như cả nước, ở ĐBSCL đang xuất hiện tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Bằng chứng là tỷ lệ lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm tới 7%, cao hơn hẳn so với các bậc lao động có kỹ năng thấp hơn (từ dạy nghề ngắn hạn đến trung cấp).

Mặc khác, hàng năm, ĐBSCL còn đối mặt với một thực trạng đó là một lượng lớn lao động nói chung, lao động có trình độ và kỹ năng nói riêng dịch chuyển sang các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu hoặc Đồng Nai với tỷ suất xuất cư thuần năm 2017 là 4,6%. Thực trạng này đã được nhìn nhận tại Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, “nhân lực chất lượng cao đang có xu hướng dịch chuyển sang các địa phương khác”.

Với những số liệu thống kê trên cho thấy, vùng ĐBSCL có dân số cao, lực lượng lao động dồi dào vừa tạo ra lợi thế về nguồn lao động trong khai thác các nguồn lực tự nhiên của Vùng vừa tạo ra những áp lực lớn về lao động và việc làm cho địa phương. Đặc biệt, với tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp nhất cả nước, tỷ lệ thất nghiệp thiếu việc làm cao nhất cả nước, tỷ suất xuất cư cao và đang có xu hướng gia tăng đặt ra rất nhiều vấn đề khó khăn cho công tác giáo dục, đào tạo nói chung, công tác ĐTN cho LĐNT nói riêng.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Quản lý công: Thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (Trang 83 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(227 trang)