Giai đoạn phát triển (từ năm 1993 – nay)

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Các nhân tố tác động đến áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS/IFRS) tại Việt Nam - Nghiên cứu ở phạm vi quốc gia và doanh nghiệp (Trang 58 - 62)

CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ THUYẾT

2.1 Tổng quan quá trình hình thành và phát triển của Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS/IFRS)

2.1.1 Lược sử quá trình phát triển của CMKTQT

2.1.1.3 Giai đoạn phát triển (từ năm 1993 – nay)

Giai đoạn phát triển đánh dấu hai quá trình quan trọng đó là: giai đoạn từ 1993 – 2001 đánh dấu quá trình tái cấu trúc IASC để thành lập nên IASB, giai đoạn từ năm 2001 đến nay là quá trình đẩy mạnh sự phát triển và áp dụng CMKTQT trên toàn cầu.

a. Giai đoạn từ 1993 – 2001

Giai đoạn 1993 – 2001, để được công nhận từ thị trường chứng khoán lớn trên thế giới, IASC tái cấu trúc và tiếp tục nâng cấp CMKTQT. Do vậy, IASC tái cấu trúc thành lập IASB nhằm phát triển CMBCTC toàn cầu có chất lượng phục vụ nhà đầu tư (IFRS Foundation, 2012). Trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường vốn quốc tế, năm 1995, EU định hướng hoà hợp KTQT là tất yếu (EC, 2013). Năm 1997, IASC thành lập Nhóm công tác chiến lược soạn thảo chiến lược đổi mới. Bản công bố lấy ý kiến năm 1998 thừa nhận trong quá khứ, IASC chủ yếu hòa hợp, chọn xử lý kế toán có sẵn của các nước với vài sửa đổi rồi tìm kiếm sự thừa nhận quốc tế. Phương pháp này không phù hợp với yêu cầu thời kỳ mới và IASC cần thay đổi (IAS Plus, 2009). Năm 1999, Nhóm này đề xuất cải cách cơ cấu tổ chức và hoạt động, theo đó hướng đến xây dựng CMKTQT chất lượng cao cho thị trường vốn và thúc đẩy hội tụ kế toán toàn cầu (IASB, 2010).

Giai đoạn này, IASC đạt thành công nhất định. Đến cuối năm 2000, IASC có 156 thành viên là tổ chức nghề nghiệp từ 114 quốc gia, ban hành Khuôn mẫu lý thuyết kế toán và 41 CMKTQT, trong đó có 31 chuẩn mực có hiệu lực. IASC hoàn thành thỏa thuận với IOSCO với kết quả là năm 2000, Ủy ban Kỹ thuật của IOSCO khuyến cáo cơ quan quản lý thị trường vốn các nước cho phép DN nước ngoài chọn CMKTQT thay cho CMKT quốc gia (Damant, 2006). IASC cải tổ và thành lập IASB vào năm 2001. IASC hoạt động đến tháng 04/2001 sau khi đề xuất cơ cấu mới cho phép quốc gia cùng nhau làm việc để tiến tới hài hòa kế toán toàn cầu. IASB thông qua và giữ lại tất cả CMKTQT hiện hành và ban hành thêm IFRS với mục tiêu hướng dẫn lập và trình bày BCTC mang tính thống nhất, phù hợp được chấp thuận rộng rãi trên toàn thế giới. IASB được hỗ trợ bởi Hội đồng tư vấn chuẩn mực (Standards Advisory Council – SAC) khoảng 40 thành viên thuộc 29 nước và 05 tổ chức quốc tế. Cơ cấu có Ủy ban Quốc tế hướng dẫn chuẩn mực BCTC (IFRIC - International Financial Reporting Interpretations Committee) có 14 thành viên được IASCF bổ nhiệm. IASB thay đổi mục tiêu hoạt động đáng kể so với IASC, hướng đến hình thành CMKT toàn cầu, chất

lượng cao phục vụ nhà đầu tư trên thị trường vốn và các bên liên quan để đưa ra quyết định kinh tế; thúc đẩy hội tụ CMKT quốc gia với CMKTQT (IFRS Foundation, 2012).

b. Giai đoạn từ 2001 - nay

Năm 2005 bắt đầu kỷ nguyên quản lý kinh doanh toàn cầu và hoàn thành nỗ lực trong 30 năm (từ năm 1973 - 2005) bằng việc ban hành nguyên tắc lập BCTC cho thị trường vốn trên thế giới. Nhiều quốc gia chính thức áp dụng CMKTQT xây dựng phù hợp với quốc gia mình và bắt đầu áp dụng từ 01/01/2005 như Úc, Hồng Kông, các nước Châu Âu… CMKTQT chấp nhận rộng rãi và ủng hộ của tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc, Tổ chức quốc tế Ủy ban chứng khoán (IOSCO); Ủy ban ngân hàng trung ương Basel, Ngân hàng thế giới (World Bank); … Đặc biệt với DN lớn niêm yết, nhiều quốc gia bắt buộc áp dụng CMKTQT để lập và công bố BCTC. Một trong những bước đi quan trọng khi EU yêu cầu tất cả quốc gia thành viên áp dụng vào năm 2005.

EU bắt đầu áp dụng CMKTQT với BCTC hợp nhất của DN lớn niêm yết ở EU từ năm 2005, sau đó khuyến khích mở rộng cho DN khác. Việc áp dụng này được quy định thành luật và áp dụng với tất cả các nước thành viên. Hiện tại, CMKTQT áp dụng cho DN trong lĩnh vực công nghiệp; ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính, DN bảo hiểm, quỹ đầu tư và DN chứng khoán; DN con có DN mẹ niêm yết ở thị trường ngoài EU; DN trong 2 năm liên tục có điều kiện về doanh thu trên 10 tỷ euro/năm và số lượng nhân viên bình quân trên 100 người/năm. Trong tương lai, EU có kế hoạch tiến tới áp dụng CMKTQT cho DN nhỏ và vừa (PWC, 2015).

Theo đó, Tổ chức Ủy ban CMKTQT (IASC Foundation – IASCF) được thành lập nhằm giám sát và cung cấp tài chính soạn thảo và ban hành CMKTQT. IASCF gồm 22 ủy viên quản trị đại diện tất cả khu vực và nhóm lợi ích liên quan đến kế toán tài chính. Việc phê duyệt thành viên của IASCF do Hội đồng giám sát thực hiện, cấu thành bởi đại diện của EU, IOSCO, SEC, Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật (Japan Financial Services Agency) và quan sát viên từ Ủy ban Ngân hàng Trung ương Basel.

IASB có chức năng thiết lập phê chuẩn chuẩn mực, dự thảo chuẩn mực và hướng dẫn. IASCF chỉ định hướng, xem xét chiến lược và hiệu quả hằng năm của IASB. Theo điều lệ, IASB gồm 14 thành viên và tăng lên 16 thành viên vào tháng 07/2012, trong đó có tối đa 03 thành viên làm việc bán thời gian. Các thành viên của IASB là những

người có chuyên môn sâu và có kinh nghiệm thực tiễn. Một số điều kiện khác cũng được quy định như khả năng phân tích, chính trực, khách quan… IASCF phải đảm bảo rằng IASB không bị thống trị bởi khu vực nào trên toàn thế giới.

Từ khi thành lập, IASB đã ban hành 09 chuẩn mực IFRS ngoài 41 chuẩn mực IAS trước năm 2001. Năm 2010, IASB ban hành khuôn mẫu lý thuyết cho lập và trình bày BCTC (IFRS Framework). CMKTQT có những đặc điểm cơ bản sau:

• CMKTQT có tính linh hoạt rất cao, thể hiện ở chuẩn mực “Khuôn mẫu chung”.

Đây là nguyên tắc cơ bản trong đo lường và công bố thông tin để xây dựng CMKT, dùng để tham chiếu khi áp dụng CMKT khác. Việc công bố thông tin ở báo cáo bộ phận khá linh hoạt, đặc biệt DN quy mô lớn khi hợp nhất kinh doanh và trình bày thông tin với các bên liên quan.

• CMKTQT đề cao giá trị hợp lý để đảm bảo thông tin kế toán trung thực và hữu ích cho người sử dụng. Nhiều CMKTQT cho phép lựa chọn mô hình giá gốc hay giá trị hợp lý, hoặc ưu tiên sử dụng giá trị hợp lý trong một số trường hợp như tài sản cố định, lợi thế thương mại, bất động sản đầu tư, đầu tư vào DN liên kết, BCTC hợp nhất.

Hai mục tiêu thường được nêu của CMKTQT là (i) nâng cao chất lượng báo cáo và (ii) cải thiện khả năng so sánh của BCTC giữa các nước. Quan điểm này được ghi nhận ngay cả trong Quy chế của Nghị viện châu Âu 1606/2002, trong đó yêu cầu EU áp dụng CMKTQT nhằm đạt được "mức độ cao của minh bạch và tính so sánh của BCTC hoạt động của thị trường vốn (EU) và thị trường nội địa đạt hiệu quả. Khẳng định những mục tiêu này, IASB nói rằng mục đích chính của mình là: “Để phát triển, vì lợi ích công cộng, BCTC chất lượng cao, dễ hiểu, thực thi và chuẩn mực được chấp nhận trên toàn cầu dựa trên các nguyên tắc xác định rõ ràng. Các chuẩn mực này phải có chất lượng cao, minh bạch thông tin và so sánh trong BCTC để giúp các nhà đầu tư trong các thị trường vốn khác nhau của thế giới có thể đưa ra quyết định kinh tế.”

Gần đây, việc áp dụng CMKTQT phát triển nhanh chóng với hơn 140 quốc gia trên thế giới đã chọn CMKTQT cho BCTC của DN trong nước. Tại châu Á, Singapore, Malaysia, Hong Kong, Campuchia…áp dụng gần như toàn bộ CMKTQT. Indonesia, Ấn Độ và Nhật Bản cam kết sẽ áp dụng CMKTQT trong tương lai gần. Tất cả tổ chức

quan trọng của kinh tế thế giới như G20, WB, IMF, Hội đồng ổn định tài chính quốc tế (FSB), IOSCO… đều ủng hộ và hỗ trợ việc áp dụng CMKTQT trên toàn cầu.

WB công bố từ năm 2010 đến 2016, bảy quốc gia mới nổi lớn nhất thế giới là Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Trung Quốc, Indonesia, Mexico, Nga và Ấn Độ chiếm 24% sản lượng kinh tế thế giới (những năm 1990 là 14%). Trong khi Nhóm G7 giảm từ 60% xuống 48% sản lượng kinh tế thế giới. IFRS Foundation cho biết hơn một phần ba giao dịch tài chính xảy ra bên ngoài quốc gia. WB đề ra mục tiêu là duy trì tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo đói ở quốc gia mới nổi. WB khẳng định CMKTQT đóng vai trò quan trọng vì BCTC chất lượng cao giúp giao dịch thương mại và vốn minh bạch, mạnh mẽ hơn, thu hút đầu tư và đẩy mạnh kinh tế phát triển. Tháng 5/2017, IFRS Foundation ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với WB hỗ trợ áp dụng IAS/IFRS và khuyến khích các nước đang phát triển đóng góp nhiều hơn vào IFRS Foundation. Chủ tịch IFRS Foundation Trustees - Michel Prada nhận định "Số lượng nền kinh tế đang phát triển áp dụng CMKTQT đang tăng và cần được hỗ trợ khi triển khai liên quan đến CMKTQT".

Thử thách lớn trong quá trình hội tụ CMKTQT tại quốc gia là sự khác biệt pháp lý, can thiệp từ thể chế chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội hay khác biệt với nguyên tắc hay CMKT tại nước sở tại. Chẳng hạn tại Mỹ, nguyên tắc kế toán kế toán quy định trên cơ sở quy định (rules-based) và bị chi phối bởi luật chứng khoán trong khi CMKTQT tuân thủ theo nguyên tắc kế toán (principles-based). Tuy vậy, Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) có thái độ tích cực khi từng bước hội tụ CMKTQT phù hợp tình hình thực tế.

Tháng 07/2011, Chủ tịch SEC tuyên bố ủng hộ xây dựng CMKT trên cơ sở CMKTQT.

Hội kế toán thành phố Hồ Chí Minh báo cáo vào tháng 10/2016 cho biết các nước trong Đông Nam Á đã áp dụng CMKTQT hoặc có kế hoạch chuyển đổi. Singapore gần như áp dụng toàn bộ CMKTQT. Malaysia áp dụng cho DN có vốn đầu tư nước ngoài, phần còn lại bắt đầu hội tụ từ tháng 01/2012. Philippines hội tụ CMKTQT nhưng có điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Lào đã có kế hoạch hoặc hội tụ CMKTQT từ năm 2012. Tại Việt Nam, áp dụng CMKTQT là bắt buộc với ngân hàng Nhà nước, cho phép áp dụng với ngân hàng thương mại, Bộ Tài chính đang cập nhật chuẩn mực hiện hành, xây dựng CMKT mới theo CMKTQT.

IASB báo cáo tại năm 2016, CMKTQT được áp dụng hầu như hoàn toàn tại Úc, New Zealand và Hồng Kông. 14/20 nước nhóm G20 yêu cầu áp dụng hoàn toàn CMKTQT cho thị trường vốn, 6 nước còn lại (Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Saudi Arab, Trung Quốc và Indonesia áp dụng cho một số vấn đề cụ thể). Thổ Nhĩ Kỳ hay 27 quốc gia trong EU yêu cầu áp dụng CMKTQT cho DN lớn niêm yết với một số loại trừ…

Canada, Nga hay Mỹ đang trong quá trình chuẩn bị để tiến tới áp dụng CMKTQT.

Trong tương lai, IASB tập trung vào lập báo cáo (đổi thành trình bày BCTC).

Trước tiên là thông qua phân tích tài sản để ghi nhận doanh thu, nợ phải trả thay vì hiện nay tập trung vào doanh thu đã thu tiền và nghiệp vụ đã thực hiện. Việc này sẽ ảnh hưởng đến thời điểm ghi nhận doanh thu theo các giai đoạn thông qua chu trình nghiệp vụ, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận. IASB xem xét lại các CMKT liên quan đến hợp nhất kinh doanh, nỗ lực hội tụ CMKT của Mỹ với IAS/IFRS…

Quá trình áp dụng CMKTQT đã thay đổi cách thức đo lường, ghi nhận và trình bày BCTC giúp DN được chấp nhận trên thị trường chứng khoán thế giới vì tăng chất lượng thông tin cung cấp cho nhà đầu tư, tăng khả năng so sánh của thông tin tài chính, giảm sự bất định trong đầu tư, tăng hiệu quả thị trường, giảm rủi ro đầu tư và giảm chi phí vốn. Từ đó, áp dụng CMKTQT giúp mở rộng giao dịch chứng khoán toàn cầu.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Các nhân tố tác động đến áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS/IFRS) tại Việt Nam - Nghiên cứu ở phạm vi quốc gia và doanh nghiệp (Trang 58 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(295 trang)