CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ THUYẾT
2.3 Các lý thuyết nền
2.3.2 Lý thuyết quản trị doanh nghiệp (Corporate Governance Theory – CG)
Mathiesen (2002) nhận định QTDN (Corporate governance - CG) nghiên cứu cách thức quản trị hiệu quả DN bằng việc sử dụng hợp đồng, cấu trúc tổ chức và quy chế, quy tắc. CG thường giới hạn trong phạm vi cải thiện hiệu suất tài chính, chẳng hạn, cách nào chủ sở hữu động viên giám đốc DN đem lại lợi suất đầu tư hiệu quả hơn.
Charreaux (1997) định nghĩa quản trị DN là tập hợp cơ chế tổ chức có tác dụng phân định quyền hạn và tác động quyết định quản lý (chi phối hành vi và giảm thiểu việc DN trình bày sai lệch các khoản mục kế toán).
Shleifer et al., (1997) nghiên cứu nhiều vấn đề liên quan đến QTDN như: sự ảnh hưởng của thể chế và luật pháp, cơ chế sở hữu tập trung, vai trò của nhà quản lý cấp cao tới giá trị DN và cổ đông. Morck (2005) nghiên cứu các đặc tính và khác nhau giữa các mô hình QTDN đã phát hiện các yếu tố ảnh hưởng đến QTDN: mô hình gia đình trị, tư tưởng, pháp luật, chính trị, vai trò của tập đoàn và sự phát triển của thị trường tài chính.
Cadbury Report (1992) phân tích tổng hợp QTDN trên phương diện tài chính và khuôn khổ pháp lý, vai trò HĐQT, hệ thống báo cáo, tài chính, kiểm toán, đặc biệt là
“quy tắc hành xử” để DN hoàn thiện. WB, OECD và ngân hàng khu vực phát triển Trung tâm nghiên cứu về QTDN. Năm 1999, OECD ban hành nguyên tắc QTDN làm chuẩn đánh giá mức độ tuân thủ của quốc gia trong tổ chức. Năm 2004, nguyên tắc sửa đổi và bổ sung phiên bản mới. Thông qua các nguyên tắc này, WB đánh giá tình hình tuân thủ của các quốc gia để cung cấp thông tin cho nhà đầu tư.
Áp dụng Lý thuyết quản trị DN cho nghiên cứu trước
Các nghiên cứu trước trình bày tác động của lý thuyết này đến quá trình áp dụng CMKTQT như cơ chế QTDN thông qua giảm thông tin bất cân xứng, cải thiện BCTC và giới thiệu quy định kiểm soát cùng với thực hành tốt nhất.
Thứ nhất, CMKTQT góp phần vào việc giảm thông tin bất cân xứng
Mức độ thông tin bất cân xứng là hạn chế trong QTDN vì tạo ra hành vi cơ hội tại DN. Trong khi CMKTQT tạo ra thông tin phong phú hơn, trình bày giải pháp hiệu quả để giảm thông tin bất cân xứng. Leuz and Verrecchia (2000) cho thấy áp dụng tự nguyện CMKTQT làm giảm thông tin bất cân xứng và chi phí vốn cho DN Đức. Dựa trên mẫu DN áp dụng CMKTQT năm 1999 và 2002, Dumontier et al., (1998) phân tích tác động của áp dụng CMKTQT về nội dung thông tin số liệu kế toán. Thông tin bất cân xứng giữa người quản lý và người ngoài được đo bằng giá thầu. Kết quả cho thấy, khi yếu tố khác không đổi, áp dụng CMKTQT dẫn đến giảm giá thầu. Việc áp dụng CMKTQT dẫn đến nội dung thông tin BCTC phù hợp hơn so với CMKT quốc gia. Áp dụng rộng rãi CMKTQT cho DN lớn niêm yết ở châu Âu có tác dụng tốt khi giảm thông tin bất cân xứng, đặc biệt đối với môi trường thông tin và số liệu kế toán.
Thứ hai, áp dụng CMKTQT nâng cao chất lượng thông tin BCTC
Việc cải thiện chất lượng thông tin BCTC làm giảm hành vi lạm dụng của nhà quản lý dẫn đến cơ cấu QTDN tốt hơn. Cormier et al., (2009) cho thấy hành vi quản trị lợi nhuận được giảm nhẹ cho DN tuân thủ CMKTQT tại thị trường chứng khoán Thụy Sĩ. Trong bối cảnh đó, Barth et al., (2013) kết luận rằng DN áp dụng CMKTQT ít có khả năng thực hiện hành vi quản trị lợi nhuận để đạt dự toán (mục tiêu) và có nhiều khả năng để nhận ra sự tổn thất, làm tăng mối quan hệ giữa BCTC và lợi nhuận.
Áp dụng Lý thuyết QTDN cho nghiên cứu này
CMKTQT cải thiện chất lượng thông tin công bố bằng việc gia tăng sự minh bạch. Thực tế, hầu hết thông tin kinh tế tài chính được phản ánh bởi sự ra đời của khái niệm giá trị hợp lý. Để đạt mục tiêu minh bạch, IASB đã quyết định giảm lựa chọn kế toán, sử dụng phương pháp duy nhất cho quá trình ghi nhận theo nhóm của hoạt động và yêu cầu phổ biến thông tin mà trước đây chỉ dành cho giám đốc điều hành.
Thông tin tài chính công bố theo CMKTQT chi tiết hơn vì yêu cầu đặc biệt về số liệu chi tiết và các bên liên quan. Chẳng hạn, IFRS 8 (thay thế cho IAS 14) đòi hỏi DN để tiết lộ thông tin nhạy cảm về khả năng sinh lời của hoạt động (sản phẩm hoặc khu vực địa lý). IFRS 7 cũng yêu cầu thông tin chi tiết về rủi ro kinh doanh (rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và rủi ro thị trường); làm thế nào để quản lý rủi ro, bảo hiểm rủi ro và chiến lược đầu tư. Những thông tin này có liên quan đến nhà đầu tư, tạo điều kiện đánh giá DN quản lý rủi ro như thế nào và mức độ rủi ro giả định của nhà đầu tư.
Tóm lại, Lý thuyết QTDN góp phần giải thích tác động của các nhân tố đến áp dụng CMKTQT bao gồm: hoạt động mở cửa nước ngoài, quy mô DN, tăng trưởng kinh tế, sự tham gia của người nước ngoài trong Ban lãnh đạo… giúp nhà quản trị DN có thể nâng cao chất lượng BCTC và giảm sự bất cân xứng thông tin.
2.3.3. Lý thuyết tín hiệu (signalling theory) Nội dung của Lý thuyết tín hiệu
Spence giới thiệu lý thuyết lần đầu vào năm 1973, diễn tả hành vi hai bên tiếp cận thông tin khác nhau, phía cung cấp thông tin phải lựa chọn nội dung và phương pháp để chuyển tải thông tin, phía người nhận thông tin phải tìm cách hiểu thông tin như thế nào. Trong lĩnh vực kế toán, mức độ không hoàn hảo và bất cân xứng thông tin rất cao. Bởi vì kế toán “tạo” thông tin tài chính, là đối tượng bên trong tiếp cận thông tin nội bộ rõ ràng hơn, sớm hơn và biết rõ chất lượng thông tin cung cấp. Trong khi đối tượng sử dụng khó khăn hơn trong tiếp cận, xác định và đánh giá chất lượng thông tin kế toán DN công bố. Lý thuyết được áp dụng vào cung cấp thông tin kế toán, theo đó, DN cần cung cấp thông tin kế toán (tín hiệu) trung thực và minh bạch cho thị trường để đối tượng bên ngoài đánh giá đúng tình hình tài chính kinh doanh của DN
Áp dụng lý thuyết tín hiệu cho nghiên cứu trước
Bova and Pereira (2012) cho rằng nhà đầu tư nước ngoài tạo ra sự tuân thủ CMKTQT lớn hơn trong DN mà họ đầu tư vì cải tiến giám sát chặt chẽ và giảm bất
cân xứng thông tin. Kết quả cho thấy quyền sở hữu nước ngoài tác động tích cực với tuân thủ CMKTQT. Lee and Fargher (2010) chỉ rõ chính nhu cầu giảm rủi ro, nhà đầu tư nước ngoài thường chọn DN áp dụng CMKTQT để có BCTC chuẩn chung thế giới, thuận lợi cho đánh giá danh mục đầu tư ở quốc gia khác nhau. Ali et al., (2016) trên nền tảng lý thuyết tín hiệu đã khảo sát 89 DN công nghiệp lớn của Thổ Nhĩ Kỳ để xem xét tác động của nhân tố Sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên áp dụng CMKTQT của DN. Tác giả kết luận nhân tố sở hữu nước ngoài ảnh hưởng đáng kể đến DN quyết định áp dụng CMKTQT. Khi DN lập BCTC theo CMKTQT sẽ mang thông tin tin cậy hơn, từ đó thu hút được nhiều đầu tư hơn. Guggiola (2010) lập luận DN có lợi nhuận hay khả năng sinh lời cao muốn chứng minh độ tin cậy báo cáo bằng cách áp dụng CMKTQT. DN có khả năng sinh lời càng cao sẽ thu hút nhiều nguồn đầu tư hơn, đặc biệt từ nhà đầu tư nước ngoài. Điều này thúc đẩy DN lập BCTC có chất lượng thông tin cao mang tính quốc tế để giúp nhà đầu tư đánh giá và so sánh được. Vì vậy, áp dụng CMKTQT sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DN.
Áp dụng lý thuyết tín hiệu cho nghiên cứu này
Lý thuyết tín hiệu đặt ra vấn đề cơ bản khi nghiên cứu các nhân tố tác động đến áp dụng CMKTQT trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đó là yếu tố liên quan đến hệ thống pháp lý, kinh tế và chất lượng kiểm toán. Vấn đề cần quan tâm là nhà soạn thảo văn bản cần ban hành quy định rõ ràng, thống nhất về cách thức xử lý, quy định từ lĩnh vực liên quan cần phù hợp, yêu cầu công bố thông tin và DN cần áp dụng, tuân thủ quy định nghiêm ngặt để mang lại thông tin kế toán hữu ích, đáp ứng yêu cầu đối tượng sử dụng. Lý thuyết này giúp giải thích yếu tố liên quan đến đối tượng tiếp cận thông tin bên ngoài DN là nhà đầu tư, chủ nợ như ngân hàng hay tổ chức tín dụng khác. Do vậy, nhân tố sự đầu tư của nước ngoài, vay vốn từ nước ngoài, khả năng sinh lời cũng chịu sự tác động của lý thuyết tín hiệu.
2.3.4. Lý thuyết thể chế (Institutional theory).
Nội dung của Lý thuyết thể chế
Theo Douglas North (1990), thể chế là luật lệ cuộc chơi trong xã hội (rules of the game) do con người tạo ra để ràng buộc, điều chỉnh và định hình tương tác của mình.
Hệ thống thể chế gồm ba cấu thành quan trọng là thể chế chính thức (thành văn như luật
lệ); thể chế phi chính thức (bất thành văn như tục lệ, quy tắc xử thế); cơ chế và biện pháp chế tài. Trong suốt thập kỷ 70, Douglas North luận điểm rằng thể chế, đặc biệt hệ thống sở hữu phát triển hoàn chỉnh, là yếu tố quan trọng giải thích thay đổi về tăng trưởng kinh tế. Khi nhiều nhóm người trong xã hội nhìn thấy cơ hội thu lợi nhuận cao hơn so với trật tự thể chế hiện tại, họ sẽ tập hợp nhau lại và thay đổi luật chơi để đạt lợi nhuận cao hơn.
Áp dụng Lý thuyết thể chế trong các nghiên cứu trước
Lý thuyết thể chế được chấp nhận rộng rãi theo Scott (2008) nhấn mạnh sự hợp lý, đẳng cấu, và tính hợp pháp. Tác giả nhận định lý thuyết thể chế "Hoạch định chính sách nhấn mạnh đến khía cạnh hình thức pháp lý của cơ cấu chính phủ”. Để tồn tại, tổ chức phải phù hợp với quy tắc và hệ thống niềm tin phổ biến trong môi trường (DiMaggio and Powell, 1983; Meyer and Rowan, 1977); bởi vì đẳng cấu thể chế, cơ cấu và thủ tục, sẽ thành lập nên tổ chức hợp pháp. Tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại các nước với môi trường thể chế khác nhau sẽ đối mặt với nhiều áp lực. Một trong số áp lực trong môi trường thể chế là chủ sở hữu tác động chiến lược cạnh tranh (Martinsons, 1998) và phương thức quản lý nguồn nhân lực (Rosenzweig and Singh, 1991).
Trên cơ sở lý thuyết thể chế; quốc gia có chiều hướng thay đổi tương thích, đồng bộ với môi trường xã hội, một số nước xu hướng lựa chọn cách thức áp dụng CMKTQT giống với các nước có đặc điểm văn hóa tương đồng, có môi trường thể chế tương tự nhau (Iwona, 2012)
Martinsons (1998) phát triển Lý thuyết về sự thiếu hụt về thể chế (Theory of institutional deficiencies - TIDE) cho rằng quan hệ thương mại trong thị trường dựa trên nguyên tắc luật lệ sẽ không phát triển mạnh do khiếm khuyết về thể chế. Martinsons (2008) mở rộng TIDE hiển thị sự phát triển quan hệ dựa trên thương mại điện tử ở Trung Quốc, chỉ rõ sự thiếu tin cậy trong việc thi hành quy định về kinh doanh tại nước này.
Ông nhận định kết nối cá nhân (thương mại điện tử tại Hoa Kỳ, guanxi ở Trung Quốc, Blat ở Nga,…); thông tin không chính thức, và quan hệ kinh doanh chính phủ mập mờ (khuyến khích tham nhũng) hạn chế sự chuyển đổi từ thị trường thực sang thị trường trực tuyến. Knetter (1989) đưa ra bằng chứng loại hình DN khác nhau của nền kinh tế phản ứng không giống nhau với thách thức tương tự. Xã hội, kinh tế và chính trị tạo thành cấu trúc thể chế cụ thể cho DN. DN có xu hướng hoạt động hiệu quả hơn nếu nhận
được sự hỗ trợ thể chế từ nhà nước. Khi các thiết chế pháp lý kém hiệu quả và không được DN tin tưởng, xuất hiện tình trạng mà Douglas North đã dự báo trước đây.
Áp dụng lý thuyết thể chế cho nghiên cứu
Với đặc điểm trên, lý thuyết thể chế là khung lý thuyết phù hợp và được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu kế toán, đặc biệt phân tích về áp dụng CMKTQT và sự thay đổi, cải tiến hệ thống kế toán (Albu et al., 2011). Iwona (2012) thừa nhận áp dụng CMKTQT là lộ trình thể chế hóa mà DN phản ứng lại áp lực bắt buộc phải thay đổi, và áp dụng CMKTQT được xem là công cụ để DN tăng thêm hình ảnh hợp pháp và hợp trào lưu quốc tế. Áp dụng lý thuyết này, Otchere and Agbeibor (2012) xác định DN là tác nhân quan trọng nhất tác động đến khả năng áp dụng thành công CMKTQT.
Khi Nhà nước bắt buộc áp dụng CMKTQT từ áp lực bên ngoài (WB, hiệp hội chuyên môn nghề nghiệp, thị trường vốn quốc tế, nhà đầu tư, cổ đông hay từ đối thủ cạnh tranh) nếu DN không nhận thức được thách thức và lợi ích, không đủ nguồn lực thì việc tuân thủ chỉ mang tính hình thức và không hiệu quả. Ngoài ra, kết nối chặt chẽ giữa quy định kế toán với văn bản pháp luật, đặc biệt chính sách thuế tác động lớn đến áp dụng CMKT. Nghiên cứu DN không niêm yết tại Thụy Điển, Haller et al., (2013) cho thấy tổ chức chuyên môn nghề nghiệp và mức độ tự nguyện áp dụng CMKTQT của DN cùng ngành tác động đến tự nguyện áp dụng CMKTQT. Albu et al., (2012) áp dụng khái niệm áp lực thể chế bắt buộc, bắt chước và quy phạm đề xuất hướng áp dụng CMKTQT và đánh giá kết quả áp dụng với quốc gia có nền kinh tế mới nổi.
Đầu tiên là áp lực cưỡng chế, DN có chủ sở hữu là người nước ngoài có nhiều khả năng tuân thủ CMKTQT. Họ ý thức rõ áp lực bắt buộc phải tuân thủ CMKTQT được thừa nhận rộng rãi để đáp ứng mong đợi của xã hội. DiMaggio and Power (1991) khẳng định sự phụ thuộc về nguồn lực là nguồn gốc của áp lực cưỡng chế.
Guerreiro et al., (2012) cho rằng DN con thường thực hiện hay áp dụng hành vi được sự cho phép của DN mẹ. Trong tổ chức phức tạp gồm nhiều DN con, để đảm bảo sự thống nhất trong nội bộ, DN mẹ thường chuyển giao quy tắc tổ chức cho DN con và trực tiếp cưỡng chế DN con áp dụng CMKT và thông tin tài chính như nhau.
Như vậy, theo lý thuyết thể chế và nghiên cứu thực nghiệm, nhu cầu áp dụng CMKTQT là kết quả của áp lực cưỡng chế, áp lực bắt chước và áp lực quy phạm.
Áp lực cưỡng chế nảy sinh khi DN có sự đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài, khi này áp dụng CMKTQT mang lại thông tin tài chính minh bạch, tin cậy và được thừa nhận rộng rãi. Do đó, lý thuyết thể chế cung cấp cơ sở hình thành nên nhân tố tác động đến việc áp dụng CMKTQT chính là văn hóa, hệ thống pháp luật, sự kết nối giữa kế toán và thuế và sự đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
2.3.5. Lý thuyết ảnh hưởng chính trị (Political theory) Nội dung Lý thuyết ảnh hưởng chính trị
Lý thuyết cho rằng quản lý nhà nước ra quyết định liên quan đến lợi ích DN (chính sách thuế, hạn chế độc quyền, cạnh tranh, …) dựa trên thông tin công bố. Bối cảnh chính trị tác động đến mức độ giàu có thông qua thu thuế hoặc áp đặt loại thuế mới (Watts and Zimmerman, 1986). DN áp dụng CMKTQT sẽ công bố thông tin tình nguyện nhiều hơn để hạn chế chi phí chính trị. Quy mô DN và độ sinh lời khuyến khích DN công bố nhiều thông tin hơn để giảm chi phí này. DN lớn hơn phải chịu chi phí chính trị cao hơn, dẫn đến mức độ công bố thông tin lớn hơn.
Lý thuyết ảnh hưởng chính trị mang lại cách tiếp cận phát triển sự ủng hộ về bầu cử từ cổ đông, thay vì mua quyền bỏ phiếu. Do đó ảnh hưởng chính trị có thể chỉ đạo QTDN trong tổ chức. Sự quan tâm của công chúng rất quan trọng vì chính phủ tham gia vào quá trình ra quyết định của DN, có tính đến thách thức về văn hoá. Mô hình chính trị nêu bật sự phân bổ quyền lực của DN, lợi nhuận và đặc quyền được xác định thông qua sự ủng hộ của chính phủ. Lý thuyết ảnh hưởng chính trị có tác động to lớn đến sự phát triển của nhà quản trị. Trong những thập kỷ qua, chính phủ của một quốc gia đã được nhìn thấy có tác động chính trị mạnh mẽ đến DN. Do đó, đường lối chính trị có sự tác động vào cơ cấu quản trị hoặc cơ chế của DN (Hawley and Williams, 1996).
Lý thuyết này đề cập nội dung quan trọng là độ lớn chi phí chính trị được đo bằng quy mô DN. DN lớn có thể trải qua nhiều áp lực từ chính phủ hơn DN có quy mô nhỏ hơn. Nguyên nhân DN lớn nhạy cảm hơn với áp lực chính trị so với DN nhỏ. Trường hợp này, áp dụng CMKTQT là giải pháp tránh chi phí chính trị bổ sung. Dumontier and Raffournier (1998) lập luận rằng chi phí chính trị và áp lực từ thị trường vốn nước ngoài để giải thích việc áp dụng tự nguyện chuẩn mực kế toán quốc tế của các doanh nghiệp Thụy Sĩ. Sự suy giảm chi phí chính trị của DN lớn hơn có thể là yếu tố để áp dụng CMKTQT.