Các nhân tố ảnh hưởng đến việc điều chỉnh chính sách thương mại quốc tế của Trung Quốc từ sau khi gia nhập WTO

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Những điều chỉnh chính sách thương mại quốc tế của Trung Quốc từ sau khi gia nhập WTO đến nay và gợi ý với Việt Nam (Trang 42 - 48)

CHƯƠNG 2 ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

2.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến việc điều chỉnh chính sách thương mại quốc tế của Trung Quốc từ sau khi gia nhập WTO

Từ sau khi gia nhập WTO năm 2001, Trung Quốc tăng cường cải cách thể chế thương mại quốc tế. Bằng việc xây dựng hệ thống quản lý theo các

nguyên tắc của WTO, xây dựng một loạt những khung và chế độ luật pháp trong quản lý xuất nhập khẩu sao cho phù hợp với tình hình trong nước và các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, cải cách chế độ phê duyệt hành chính, điều chỉnh cơ chế trợ cấp xuất khẩu, và tỷ giá hối đoái, hoàn thiện hệ thống thúc đẩy thương mại quốc tế, Trung Quốc đã tạo một môi trường thuận lợi phát triển thương mại quốc tế, đưa nền kinh tế mở của Trung Quốc bước sang một giai đoạn phát triển mới.

2.2.1. Cải cách cơ cấu tổ chức quản lý hành chính phù hợp với yêu cầu mới sau khi gia nhập tổ chức Thương mại thế giới

Trung Quốc xây dựng một môi trường, thể chế phù hợp hơn với nhu cầu của nền kinh tế thị trường XHCN mà mấu chốt là chuyển đổi chức năng của chính phủ. Mục đích chính của cải cách mở cửa ở Trung Quốc là thực hiện những chuyển đổi chức năng của chính phủ, xây dựng một cơ chế quản lý kinh tế phù hợp hơn, thích ứng hơn với yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường XHCN, từng bước xoá bỏ hiện tượng “mỗi bộ, ngành quản lý một sản phẩm, mỗi tỉnh thành nắm một khu vực kinh tế". Trên tinh thần đó, từ sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã xoá bỏ 789 hạng mục xét duyệt hành chính, trong đó có 560 hạng mục liên quan công tác quản lý kinh tế. Việc thanh lọc và sắp xếp lại đối với các tổ chức trung gian xã hội đã khiến các tổ chức này không bị lệ thuộc vào các cơ quan chính phủ. Việc xây dựng chính phủ điện tử đã nâng cao tính minh bạch trong chính sách, công khai công việc của chính phủ, có lợi cho việc truyền đạt thông suốt chính sách và pháp lệnh của nhà nước, nâng cao hiệu quả làm việc của chính phủ, cải thiện quan hệ giữa chính phủ với người dân và tránh hiện tượng “đi đêm”.

Trong thời gian dài, thương mại trong nước và thương mại quốc tế của Trung Quốc chịu sự quản lý giám sát của Nguyên Uỷ ban Thương mại kinh tế quốc gia, Nguyên Uỷ ban Quy hoạch quốc gia và Nguyên Bộ Hợp tác kinh tế

thương mại quốc tế. Thể chế quản lý này phân biệt giữa thương mại trong và ngoài nước, phân biệt giữa thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, hạn ngạch xuất và nhập khẩu không còn phù hợp với yêu cầu mới sau khi gia nhập WTO, cũng không phù hợp với yêu cầu xây dựng một hệ thống thị trường hiện đại, thống nhất, mở cửa, cạnh tranh có trật tự.

Tháng 3-2003, Quốc vụ viện tiến hành một loạt những thay đổi mới.

Xoá bỏ Bộ Hợp tác kinh tế thương mại quốc tế, thành lập Bộ Thương mại. Bộ Thương mại tổng hợp chức năng của Nguyên Uỷ ban Thương mại kinh tế quốc gia, Uỷ ban Quy hoạch quốc gia và Bộ Hợp tác kinh tế thương mại quốc tế. Bộ Thương mại chủ yếu phụ trách việc nghiên cứu và đưa ra những quy tắc thị trường, lưu hành những luật lệ chính sách một cách có trật tự, thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thị trường, lưu thông sâu những cải cách thể chế, quản lý thương mại quốc tế và phát triển hợp tác kinh tế quốc tế.

Việc cải cách này là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kinh tế thị trường XHCN, cũng rất có lợi cho việc thống nhất thị trường trong và ngoài nước, có lợi cho việc Trung Quốc thực hiện những cam kết với WTO và cũng đem lại lợi ích cho nền kinh tế Trung Quốc phát triển trên hai thị trường trong và ngoài nước.

2.2.2. Xây dựng khung luật pháp quản lý xuất nhập khẩu phù hợp với tình hình trong nước và cũng phù hợp với quy tắc của WTO

Để đáp ứng yêu cầu cải cách thể chế thương mại quốc tế để phù hợp với thể chế thương mại thế giới, trên tinh thần hòa nhập quốc tế, Trung Quốc đã dựa vào những quy tắc trong WTO “xây dựng, sửa đổi, xoá bỏ” một loạt luật, bộ luật và những quy định luật trong hệ thống luật xuất nhập khẩu hàng hoá trước đây. Xoá bỏ hơn 2.300 bộ luật và luật. Ngày 10- 12- 2001, Trung Quốc đưa ra “Điều lệ quản lý xuất nhập khẩu hàng hoá”, phù hợp với điều lệ

của hơn 10 ban ngành khác trên tất cả các mặt trong thể chế quản lý xuất nhập khẩu của Trung Quốc [96]. Dựa vào thông tri tháng 9-2001, các cơ quan ở địa phương dựa trên yêu cầu thống nhất chế độ pháp luật, công khai minh bạch cũng đã tiến hành xoá bỏ các quy định mang tính địa phương liên quan đến thương mại, những quy tắc trong vùng và các chính sách có liên quan khác.

Ngày 6-4-2004, Uỷ ban thương vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc khoá X công bố sửa đổi “Luật thương mại quốc tế nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa”, bước đầu hình thành hệ thống khung pháp luật 3 cấp trong quản lý thương mại quốc tế. Ngày 1- 7-2004, luật này có hiệu lực thi hành [93]. Tất cả việc quản lý điều chỉnh các sản phẩm xuất nhập khẩu đều phải dựa vào bộ luật và luật có liên quan.

2.2.3. Cải cách chế độ phê duyệt hành chính

Sau khi gia nhập WTO, việc sử dụng quyền hạn hành chính của Trung Quốc buộc phải đi theo quy tắc tương quan của Tổ chức Thương mại thế giới và của các nước phát triển. Những quy tắc tương quan của WTO quy định nghiêm ngặt việc phê duyệt hành chính thương mại xuất nhập khẩu của các nước thành viên. Trung Quốc buộc phải từng bước nới lỏng hạn chế trong kinh doanh, đi từ chế độ phê duyệt hành chính sang chế độ đăng ký quốc tế.

Dựa theo “Luật thương mại quốc tế nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa” mới kể từ ngày 1-7-2004, Trung Quốc xoá bỏ chế độ phê duyệt quyền kinh doanh thương mại quốc tế, thực hiện chế độ đăng ký kinh doanh thương mại quốc tế theo luật [93]. Sau đó, Bộ Thương mại ban hành “Những biện pháp đăng ký hồ sơ của các nhà kinh doanh thương mại quốc tế” [98]. Từ đó, Trung Quốc thực hiện quyền thương mại xuất nhập khẩu đối với tất cả các thực thể kinh tế, đảm bảo thực hiện những cam kết với WTO.

2.2.4. Điều chỉnh cơ chế trợ cấp xuất khẩu và chế độ tỷ giá hối đoái Kể từ năm 2003, Trung Quốc tích cực thúc đẩy quá trình quốc tế hoá đồng nhân dân tệ (NDT), nới lỏng những hạn chế trong việc người dân mang

tiền ra nước ngoài, nâng cao hạn ngạch dùng tiền mặt, từng bước nới lỏng hạn chế trong việc mua bán phi thương mại của các doanh nghiệp. Từ tháng 7- 2005, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chế độ ngoại hối thả nổi có quản lý trên cơ sở cung cầu thị trường có sự tham gia điều tiết của một rổ tiền tệ. Cải cách thị trường hoá đồng NDT, ở trình độ nhất định, nâng cao được hiệu quả phối hợp trong thị trường ngoại hối, nâng cao tính chủ động trong chính sách tiền tệ trong nước, giúp vận hành tốt nền kinh tế vĩ mô.

Năm 2004, Trung Quốc xây dựng cơ chế mới là Trung ương và địa phương cùng nhau phụ trách việc trợ cấp xuất khẩu [97]. Năm 2005, đối mặt với tình hình mới: những thành phố cảng và một số khu vực chịu gánh nặng quá lớn trong việc hoàn (miễn) thuế xuất khẩu, chính phủ Trung Quốc tăng cường hoàn thiện hơn nữa chính sách và cơ chế trợ cấp xuất khẩu. Cơ chế mới này không những đảm bảo các doanh nghiệp được trợ cấp kịp thời mà còn tạo lòng tin cho doanh nghiệp với nhà nước, tăng tính tích cực và chủ động của cơ quan địa phương trong việc tham gia quản lý, thúc đẩy thương mại quốc tế và kinh tế phát triển tốt hơn nữa [104].

2.2.5. Một số những nhận xét về những nhân tố ảnh hướng đến quá trình cải cách chính sách thương mại quốc tế của Trung Quốc từ sau WTO

Từ năm 2001 trở lại đây, Trung Quốc nắm bắt cơ hội gia nhập WTO, tập trung lợi dụng nguồn tài nguyên ở hai thị trường trong và ngoài nước, ưu hoá cơ cấu, nâng cao chất lượng, sáng tạo trong cách nghĩ, để việc cải cách thể chế thương mại quốc tế dành được những thành tựu mang tính lịch sử, đưa nền kinh tế mở cửa của Trung Quốc bước sang một giai đoạn phát triển mới.

Trong giai đoạn này, thương mại quốc tế của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng nhanh và ổn định. Năm 2007, lần đầu tiên, tổng giá trị xuất nhập khẩu thương mại quốc tế của Trung Quốc vượt qua 2.000 tỷ USD, đạt 2.173,8 tỷ USD, đưa Trung Quốc đứng từ thứ 5 năm 2002 lên thứ 3. Theo số liệu của

Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 13-1-2009, tổng giá trị xuất nhập khẩu thương mại quốc tế của Trung Quốc năm 2008 đạt 2.561,63 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2007. Chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của Trung Quốc năm 2008 ở tình trạng trước cao, sau thấp. Lần đầu tiên sau 7 năm gia nhập WTO, tốc độ tăng trưởng dưới 20% [89]. Dự trữ ngoại hối năm 2007 đạt 1.530 tỷ USD, đứng đầu thế giới. Theo số liệu của Cục quản lý ngoại hối quốc gia, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc vẫn tăng đều, năm 2008 là 1.946,030 tỷ USD, năm 2009 là 2.399,2 tỷ USD, năm 2010 là 2.847,3 tỷ USD, đến cuối tháng 9 – 2011 đạt 3,2 nghìn tỷ USD [102]. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng từ 52,7 tỷ năm 2002 lên đến 74,7 tỷ năm 2007, giữ vị trí thứ nhất trong các nước đang phát triển liên tục 15 năm liền. Đến năm 2008 là 92,395 tỷ USD, tăng 23,58%. Còn đến năm 2010, nước này thu hút được 106 tỷ USD tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài, chưa tính các khoản đầu tư thông qua biện pháp tài chính như cổ phiếu, tăng 17,4% so với năm 2009. Con số đó nhiều hơn cả quay ngược xu hướng giảm 2,3% vì suy thoái toàn cầu trong năm trước đó [100]. Lợi dụng vốn đầu tư nước ngoài đi từ loại hình mở rộng số lượng sang tăng cường hiệu quả chất lượng. Càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc “đi ra ngoài”, mở rộng kinh doanh quốc tế hoá.

Theo đúng tư tưởng chiến lược đi từ thấp lên cao, Trung Quốc cơ bản hình thành cục diện thương mại quốc tế mới: xuất khẩu các sản phẩm tập trung sức lao động ổn định; tăng cường xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng, hạn chế xuất khẩu các sản phẩm có độ ô nhiễm cao, sử dụng nhiều năng lượng và sử dụng nhiều tài nguyên, tích cực mở rộng nhập khẩu nguồn năng lượng và các thiết bị kỹ thuật tiên tiến. Sản phẩm cơ điện và các sản phẩm kỹ thuật cao mới là điểm nóng tăng trưởng xuất khẩu. Đồng thời, dần dần mở cửa đối ngoại trên các lĩnh vực dịch vụ như vận chuyển hàng hoá, dịch vụ thông tin và thư tín, tiền tệ và du lịch văn hoá v.v…

Hiện nay, Trung Quốc đang tăng cường đáp ứng yêu cầu toàn cầu hoá kinh tế, từng bước hội nhập với quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới, cải cách sâu hơn nữa thể chế thương mại, nâng cao hơn nữa hiệu quả hành chính thương mại quốc tế, cải cách dịch vụ của chính phủ, hợp lý hoá thể chế thương mại quốc tế, thay đổi phương thức tăng trưởng thương mại, cải thiện môi trường thể chế kinh doanh thương mại quốc tế, cải cách chế độ phân công quản lý và thẩm duyệt đầu tư trực tiếp nước ngoài, minh bạch hơn nữa trình tự quản lý đầu tư nước ngoài, xây dựng hệ thống dịch vụ công trong đầu tư nước ngoài, cải cách thể chế quản lý hoàn thiện ngành dịch vụ thương mại và phát triển thương mại dịch vụ. Vậy cụ thể chính sách thương mại Trung Quốc được điều chỉnh như thế nào?

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Những điều chỉnh chính sách thương mại quốc tế của Trung Quốc từ sau khi gia nhập WTO đến nay và gợi ý với Việt Nam (Trang 42 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)