CHƯƠNG 2 ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
2.4. Chính sách thương mại quốc tế của Trung Quốc với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
Cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ cuối năm 2007, sau đó kéo theo suy thoái kinh tế Mỹ, rồi lan ra toàn cầu từ năm 2008 đến nay đã tác
động sâu sắc đến nền kinh tế thế giới. Theo thông báo của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế thế giới năm 2008 phát triển chẳng mấy sáng sủa. Tăng trưởng GDP thế giới chỉ đạt 3,7%, thấp hơn 1,3% so với mức tăng 5% năm 2007 và thấp hơn 1,4% so với 5,1% năm 2006. Tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế lớn, kể cả 33 nước, vùng lãnh thổ vào loại giàu (GDP bình quân đầu người từ 22.000 đến 70.000 USD/ năm) đều giảm mạnh do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và ảnh hưởng lan toả của nó. Khủng hoảng tài chính thế giới đã tác động đến nền kinh tế thế giới qua các kênh thương mại, đầu tư nước ngoài.
“Cơn bão” khủng hoảng tài chính cũng tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Trung Quốc vốn được coi là một động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, sau nhiều năm tăng trưởng ở mức hai con số, năm 2008, tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ đạt 9,0%. Trong khi đó Mỹ chỉ tăng 1,1%, Đức 1,3% còn Nhật Bản -1,6%. Nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế của Trung Quốc như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, tiêu dùng, xuất khẩu cũng chịu sự tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Tần Cương cho biết, Trung Quốc sẵn sàng thảo luận đề nghị thành lập Quỹ dự trữ ngoại tệ khu vực 120 tỷ USD trong khuôn khổ "10+3" (ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) để giúp các nước trong nhóm bảo vệ đồng nội tệ, tham gia vào hoán đổi tiền tệ hai chiều, giải quyết vấn đề của khủng hoảng tài chính giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái. Ông Alvin Liew, chuyên gia kinh tế học tại ngân hàng Standard Chartered, nhận xét “quỹ chung này sẽ giúp vực dậy niềm tin và hỗ trợ cho các nước trong bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào.” Đồng nội tệ của nhiều nước châu Á đã suy yếu đi nhiều trong năm 2008. Điều này đe dọa đến ổn định của toàn khu vực. Kinh tế thế giới đi xuống đã ảnh hưởng rất nhiều đến nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu tại châu Á. 8/10 đồng
nội tệ được giao dịch tại các thị trường châu Á (không tính đến Nhật) đã hạ giá so với USD trong năm 2008. Đồng won Hàn Quốc hạ giá khoảng 37%, đồng rupi của Indonexia hạ 23%. Những đồng nội tệ này có khả năng còn tiếp tục sụt giảm sau khi đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm, nhà đầu tư trong nước ồ ạt bán tháo cổ phiếu và trái phiếu. Nếu Quỹ Tiền tệ châu Á ra đời với sự tham gia của ASEAN (hiện có sẵn khoảng 80 tỷ USD tiền mặt), Nhật Bản (nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới), Trung Quốc (nền kinh tế có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới) và Hàn Quốc (một nước công nghiệp mới NICs) thì trên thế giới sẽ xuất hiện thêm một thế lực tài chính mới vực dậy các nước trong cơn khủng hoảng.
Còn các chính phủ châu Âu phải vay tiền cho các khoản cứu trợ bởi lẽ tăng thuế không phải là giải pháp tối ưu trong thời kỳ suy thoái này. Vay một lượng tiền lớn như vậy sẽ gây ra sự tăng thuế trong tương lai không xa và tỷ lệ lãi suất cao hơn sẽ cản trở những bước đi của các nền kinh tế. Vì vậy, thay vì bán các khoản nợ cho Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác thì các nước châu Âu sẽ cho phép các công ty tài chính độc quyền của Trung Quốc và các nước mới nổi đầu tư trực tiếp vào các thị trường của họ. Do đó mà đầu tư thương mại từ các thị trường mới nổi có thể trở thành miếng mồi ngon lành hơn.
Nhưng liệu Trung Quốc và các nước khác sẽ cho phép các công ty của họ đầu tư nước ngoài một cách tự do như vậy? Họ sẽ lo lắng về việc nới lỏng kiểm soát tiền tệ, điều này sẽ gây ra những khó khăn cho việc ổn định tiền tệ nếu tiền tệ lưu thông một cách tự do. Nhưng, bằng việc cấp vốn cho các nước phương Tây, Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác có thể giúp đỡ các nước giàu nhất thế giới bình ổn tình hình và ngăn chặn một cuộc suy thoái thậm chí là suy thoái thảm hại.
Thực tế không lấy gì làm vui mừng vì ngay cả khi không có các vấn đề toàn cầu hiện nay, bản thân Trung Quốc cũng đã đi vào quá trình giảm sút mạnh theo chu kỳ. Các sự kiện trên toàn cầu chỉ làm trầm trọng thêm những
sai lầm về cơ cấu phát triển của Trung Quốc trong thập kỷ qua2. Thế nhưng, Trung Quốc với tư cách là nước toàn cầu vẫn cố gắng hoàn thành vai trò của mình với thế giới.
Hẳn rất nhiều người còn nhớ đến vai trò tích cực của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997. Khi đó, Trung Quốc cố hết sức mình để ổn định thị trường, “gồng mình” dưới bao áp lực để duy trì giá trị đồng Nhân dân tệ. Sau đó 11 năm, năm 2008, Trung Quốc vẫn tích cực tham gia vào những nhiệm vụ quốc tế với lập trường và nguyên tắc không thay đổi:
là “người đứng mũi chịu sào”. Thế giới có thể cảm thấy vững tâm phần nào khi nghe Thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu ở NewYork ngày 23-9-2008:
“Trung Quốc nguyện cùng với cộng đồng thế giới đối phó với những biến động bất thường của cuộc khủng hoảng lần này”. Và tiếp sau đó, ngày 15-11- 2008, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Hồ Cẩm Đào phát biểu trong Hội nghị Kinh tế thế giới G20: “Là thành viên chịu trách nhiệm với thế giới, Trung Quốc luôn tích cực tham gia hợp tác với quốc tế đối phó với cuộc khủng hoảng, nhằm ổn định tiền tệ quốc tế, phát huy tác dụng tích cực trong
2 Một số sai lầm về cơ cấu của Trung Quốc trong những năm qua được Philip Bowring công bố trên Báo "International Herald Tribune" ngày 25-12-2008 gồm:
- Chi tiêu quá mức vào việc xây dựng các tòa nhà công cộng quá cao, đôi khi được tài trợ bằng các khoản vay từ các ngân hàng nhà nước.
- Đầu tư quá mức vào nhà cửa cho tầng lớp thượng lưu, sản xuất quá nhiều cho những người mua thuộc tầng lớp thượng và trung lưu khiến thị trường bị tràn ngập hàng hóa; trong khi không có sự đầu tư đầy đủ vào việc xây dựng nhà cho đa số người có thu nhập thấp hơn.
- Các công ty trông cậy quá mức vào đầu cơ để sinh lời.
- Đầu tư quá mức vào các ngành công nghiệp cần nhiều vốn và năng lượng.
- Đầu tư quá nhiều vào sản xuất cơ khí nhằm vào các hộ có thu nhập cao, như công nghiệp sản xuất ôtô.
- Sự chênh lệch về thu nhập ngày càng lớn đã góp phần làm suy yếu nhu cầu trong nước.
Những người thuộc nhóm có thu nhập cao có thiên hướng tiết kiệm cho giáo dục, y tế và sở hữu nhà. Lớp người có thu nhập thấp hơn có thiên hướng chi tiêu ít hơn.
việc thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển. Trung Quốc nguyện tiếp tục làm
“người đứng mũi chịu sào” tham gia ổn định thị trường tiền tệ quốc tế, thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm phát triển kinh tế thế giới, ủng hộ Quỹ tiền tệ quốc tế IMF tăng cường khả năng tài chính dựa theo những biến động của thị trường tiền tệ thế giới, tăng cường giúp đỡ các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng lần này. Chúng tôi nguyện tích cực tham gia vào những kế hoạch tài chính thương mại của các công ty tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới”.
Khi cam kết phát huy “tác dụng tích cực” trong cuộc khủng hoảng lần này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều nhấn mạnh, điều quan trọng nhất lúc này là cần phải “làm tốt việc của mình”: Trung Quốc làm tốt việc ổn định phát triển kinh tế trong nước là cống hiến to lớn đối với thế giới.
Xét về khía cạnh chính sách thương mại quốc tế, Trung Quốc đã chú trọng vào những vấn đề nào, đưa ra những chính sách thương mại quốc tế nào để ứng phó với cuộc khủng hoảng?
Về hoạt động xuất nhập khẩu, kinh tế Trung Quốc phát triển chủ yếu dựa vào xuất nhập khẩu. Chịu tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, tình hình xuất nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh. Điều này khiến rất nhiều nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa, hàng trăm nghìn công nhân mất việc làm và xu hướng này còn có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố tình hình xuất nhập khẩu ngoại thương của Trung Quốc hai tháng đầu năm 2009 khiến người ta không khỏi nản lòng: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 1- 2009 là 141,79 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó xuất khẩu là 90,45 tỷ USD, giảm 17,5%; nhập khẩu là 51,34 tỷ USD, giảm 43,1%;
thặng dư thương mại là 39,11 tỷ USD. Còn tháng 2-2009, tổng giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu của Trung Quốc là 124,949 tỷ USD, giảm 24,9% so với
cùng kỳ năm 2008. Trong đó, xuất khẩu là 64,895 tỷ USD, giảm 25,7%; nhập khẩu là 60,054 tỷ USD, giảm 24,1%; thặng dư thương mại là 4,841 tỷ USD.
Đây là lần đầu tiên số liệu tăng trưởng ngoại thương Trung Quốc giảm liên tiếp 4 tháng. Hơn nữa, so với thặng dư thương mại Trung Quốc tháng 1-2009 là 39,1 tỷ USD, thì tháng 2-2009 giảm gấp 9 lần. Tính đến cuối năm 2009, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Trung Quốc là 2207,27 tỷ USD, trong đó xuất khẩu là 1201,67 tỷ USD, nhập khẩu là 1005,6 tỷ USD, thặng dư thương mại là 96,07 tỷ USD.
Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tại thị trường chính là Mỹ và châu Âu “đóng băng”. Theo Bloomberg, trong năm 2009, xuất khẩu tới các thị trường lớn nhất của Trung Quốc là Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm 17,4%, tới Mỹ giảm 9,8%. Đặc biệt, xuất khẩu hàng máy móc và thiết bị điện tử của Trung Quốc có thể giảm 21%, thép giảm 32,5% và đồ chơi giảm 14,7%.
Để giải toả áp lực mà ngoại thương phải đối mặt, Trung Quốc đã giảm thuế xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong một số chính sách hỗ trợ thuế được quốc tế công nhận. Hiện nay, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn đang diễn ra, những chính sách kiểm soát vĩ mô của Trung Quốc đến nay chỉ là “dấu phẩy”, chưa phải là “dấu chấm”. Trung Quốc dựa vào từng bước biến động của tình hình thế giới mà từng bước có những chính sách phù hợp, từng bước giảm dần gánh nặng cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Chính phủ Trung Quốc đã tăng tỷ lệ hoàn thuế giá trị gia tăng cho các nhà xuất khẩu hàng dệt may nước này từ 14% lên 15%. Trong tháng 2-2009, Bắc Kinh đã công bố gói hỗ trợ ngành công nghiệp ôtô, trong đó có các biện pháp khuyến khích phát triển công nghệ sạch. Ngày 11-2-2009, Chính phủ Trung Quốc lại thông qua gói kích thích thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu. Theo đó, từ nay đến năm 2012, chính phủ sẽ tăng số tiền hỗ trợ cho những người
mua tàu, tăng hỗ trợ tài chính cho những tàu trọng tải lớn, giảm thuế nhập khẩu đối với những thiết bị chính của tàu.
Về hoạt động đầu tư ra nước ngoài, nhằm duy trì sự ổn định của ngoại thương, bảo vệ tự do thương mại toàn cầu, Trung Quốc tăng cường các bước đầu tư ra nước ngoài. Năm 2008, tổng khối lượng vốn đầu tư ra nước ngoài của các công ty Trung Quốc đạt 52,1tỷ USD, tăng gần gấp đôi năm 2007.
Doanh thu từ các dự án liên kết với nước ngoài đạt 56,6 tỷ USD, giá trị những hợp đồng mới ký đạt 104,6 tỷ USD, tăng khoảng 35%. Hiện nay, ngoài việc tích cực mua lại các dự án về tài nguyên ở nước ngoài, Trung Quốc còn cố gắng thu mua những thương hiệu nổi tiếng và mạng lưới thương mại của một số nước. Cách làm này rất được nhiều nước hoan nghênh. Gần đây, Bộ Thương mại Trung Quốc còn tổ chức một đoàn gồm 50 doanh nhân đi khảo sát thị trường. Hiện nay các doanh nhân này đang thương lượng hợp tác với rất nhiều nước ở châu Âu trong các lĩnh vực máy móc, ô tô, công nghiệp nhẹ, dệt may thông qua nhiều hình thức như tham gia mua cổ phần hoặc thôn tính, sát nhập v.v… Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc còn ký Hiệp định bảo hộ thương mại đầu tư song phương với hơn 120 quốc gia, nhằm bảo vệ cho các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Ngoài ra, Bộ Thương mại còn chuẩn bị những hướng dẫn về đầu tư cho hơn 200 tham tán thương mại Trung Quốc ở các nước, nhằm làm giảm tỷ lệ thất bại và mù quáng trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp. Việc tăng cường các bước đầu tư ra nước ngoài có quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của Trung Quốc và cũng có lợi đối với sự ổn định kinh tế thế giới. Do đó, Trung Quốc sẽ mở rộng quy mô ở nước ngoài một cách thích hợp, bao gồm cả quy mô về tài khoản ưu đãi, tăng cường hỗ trợ thích hợp về tiền tệ cho các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.
Về chính sách tiền tệ, ngày 19-6-2010 Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố áp dụng chính sách linh hoạt đối với tỷ giá đồng nhân dân tệ
(NDT), tức là chấm dứt chính sách buộc NDT vào đồng đô la Mỹ (USD) với một tỷ giá hầu như cố định và sẽ lên giá từ từ nhưng liên tục.
Chính sách lần này thật ra chỉ là sự vận dụng mềm dẻo hơn chính sách đã áp dụng từ tháng 7-2005 đến tháng 7-2008. Từ khoảng năm 2003, trước tình hình nhập siêu ngày càng tăng, Mỹ đã phê phán chính sách tỷ giá của Trung Quốc.
Để đối phó với áp lực này, vào tháng 7-2005, Trung Quốc tăng giá NDT 2% (từ 8,28 lên 8,11 NDT/USD) và cho tỷ giá dao động trong biên độ 0,3%, sau đó tăng lên 0,5%. Từ đó Trung Quốc theo chế độ thả nổi có quản lý đồng NDT, mỗi ngày định tỷ giá chuẩn (bench mark) và chỉ cho dao động trong biên độ 0,5%.
Sau ba năm áp dụng chính sách này, NDT tăng giá thêm khoảng 20%
(trung bình mỗi năm độ 6%) và tỷ giá vào tháng 7-2008 là 6,83 NDT/USD.
Trước khuynh hướng bất ổn ngày càng mạnh của kinh tế thế giới, Trung Quốc quyết định không cho tỷ giá biến động, giữ cố định ở mức 6,83 NDT/USD. Dĩ nhiên Mỹ phê phán chính sách này và gây áp lực mạnh. Đó là bối cảnh đưa đến quyết định mới của Trung Quốc.
Gọi là chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý nhưng trên thực tế yếu tố "quản lý" mạnh hơn. Mỗi ngày ngân hàng trung ương nước này công bố tỷ giá chuẩn và cho NDT dao động với biên độ 0,5%. Khác với thời kỳ 2005-2008, lần này Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tham khảo tỷ giá cuối ngày hôm trước để định tỷ giá chuẩn của từng ngày trước khi thị trường ngoại hối mở của.
Nếu liên tục lấy tỷ giá cuối ngày hôm trước làm tỷ giá chuẩn cho ngày hôm sau thì, với quy mô xuất siêu của Trung Quốc hiện nay (năm 2009 xuất siêu trong cán cân ngoại thương là 195,6 tỉ đô la, trong cán cân vãng lai là 284,1 tỉ đô la), tỷ giá của NDT sẽ tăng hết biên độ 0,5% và như thế NDT sẽ
tăng rất nhanh, lên đến khoảng 3% trong một tuần và trên 10% trong một tháng.
Nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ không để NDT tăng nhiều như vậy.
Tuy tuyên bố sẽ tham khảo tỷ giá cuối ngày hôm trước nhưng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn có thể chọn lựa và đưa ra một tỷ giá chuẩn phù hợp với tình hình kinh tế và với khả năng và tốc độ điều chỉnh các chính sách kinh tế khác.
Trước áp lực của Mỹ và thế giới, Trung Quốc không thể không cho tăng tỷ giá NDT, nhưng tăng với tốc độ như thế nào? Yếu tố lớn nhất để Trung Quốc quyết định tốc độ tăng tỷ giá là khả năng thích ứng của doanh nghiệp xuất khẩu. Trước khi đưa ra quyết định về chính sách tỷ giá lần này, Trung Quốc đã cho điều tra tình hình doanh nghiệp xuất khẩu và kết quả cho thấy nếu mỗi năm tỷ giá tăng 3-4% thì hầu như không có ảnh hưởng.
Theo Tiến sĩ C. H. Kwan, chuyên gia hàng đầu về kinh tế Trung Quốc, tác giả cuốn sách China as Number One, trong những năm tới, NDT có lẽ sẽ tăng mỗi năm 5-6%. Nói chung, NDT sẽ không tăng đột biến như trường hợp đồng Yên của Nhật vào đầu thập niên 1970 và giữa thập niên 1980 nhưng tăng từ từ và liên tục trong nhiều năm tới.
Khuynh hướng này sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào? Đây là vấn đề quan trọng cần nghiên cứu sâu. Trước mắt tôi có vài suy nghĩ sơ bộ như sau:
Thứ nhất, trong ngắn và trung hạn, nhiều mặt hàng công nghiệp của Trung Quốc sẽ giảm khả năng cạnh tranh, xuất khẩu sẽ chững lại. Thêm vào đó, tiền lương ở Trung Quốc đang tăng và có thể sẽ tăng nhanh trong thời gian tới nên những ngành có hàm lượng lao động cao sẽ gặp khó khăn. Mặt khác, sức mua trong thị trường nội địa và nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng.
Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, giảm áp lực nhập khẩu và cải