Đánh giá nhân tố tạo nên thành công

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xuất khẩu dịch vụ giáo dục đại học theo phương thức tiêu dùng ngoài lãnh thổ kinh nghiệm của một số nước và bài học cho việt nam (Trang 58 - 61)

CHƯƠNG 3: KINH NGHIỆM XUẤT KHẨU DỊCH VỤ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THEO PHƯƠNG THỨC TIÊU DÙNG NGOÀI LÃNH THỔ

3.2. Xuất khẩu dịch vụ giáo dục đại học theo phương thức tiêu dùng ngoài lãnh thổ tại Singapore

3.2.3. Đánh giá nhân tố tạo nên thành công

Mặc dù chưa phải là quốc gia xuất khẩu giáo dục hàng đầu thế giới nhưng Singapore có những chính sách chiến lược riêng để xuất khẩu dịch vụ giáo dục trong thị trường châu Á. 4 yếu tố giúp Singapore phát triển thành công giáo dục nội địa và vươn ra thế giới sẽ được phân tích cụ thể sau đây.

3.2.3.1. Nền giáo dục chất lượng

Nền giáo dục chất lượng là yếu tố đầu tiên hết sức quan trọng, cần sự đầu tư chú trọng lâu dài của cả một quốc gia. Có thể nói Singapore có nền giáo dục chất

lượng sánh ngang tầm các quốc gia phát triển trên thế giới là nhờ nhiều chính sách giáo dục kết hợp.

Phương pháp “dạy ít học nhiều” (TLLM) được áp dụng trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Thủ tướng Lý Hiển Long đã nói nhân dịp Quốc khánh 2004:

“Chúng ta phải dạy ít đi để sinh viên có thể học được nhiều hơn.”. “Dạy ít, học nhiều” là việc gia tăng tương tác giữa học sinh và giáo viên, tạo cơ hội cho các học viên bày tỏ ý kiến, chuẩn bị những kỹ năng thực tế trong cuộc sống chứ không chỉ vì thi cử. Phương pháp “dạy ít học nhiều” (TLLM) bao gồm 3 nội dung dành cho giáo viên: “Ghi nhớ tại sao chúng ta dạy học”, “Suy nghĩ về những gì chúng ta giảng dạy” và “Xem xét lại cách chúng ta dạy học”. “Ghi nhớ tại sao chúng ta dạy học” là giáo viên luôn tâm niệm không chỉ dạy nội dung mà còn dạy vì nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của người học; khuyến khích học sinh dám đam mê dám thất bại và xây dựng các khái niệm thiết yếu để học sinh chuẩn bị cho tương lai thay vì chuẩn bị cho một bài thi. “Suy nghĩ về những gì chúng ta giảng dạy” là giáo viên giúp học sinh có suy nghĩ, thái độ tích cực phục vụ cho cuộc sống; đánh giá quá trình học tập, sự tự tin, năng động chứ không phải điểm hay sản phẩm cuối cùng của học sinh; khuyến khích tư duy phê bình, sự tò mò và tìm kiếm của mỗi học sinh.

“Xem xét lại cách chúng ta dạy học” là giáo viên cần liên tục tự đổi mới phương pháp dạy riêng, gắn kết nhiều hơn với sinh viên, hướng dẫn học sinh tự học tập trong cuộc sống thực tế thay vì luôn sử dụng một bài giảng trong nhiều năm và quan trọng nhất là nâng cao khả năng gợi cảm hứng, đam mê thay đổi cải tiến của các học sinh. Hơn nữa, đến năm 2004, trong phương pháp “dạy ít học nhiều”, 5 nguyên tắc chính “Cách tân và dám nghĩ dám làm” (I&E) được thực hiện triệt để: mọi trẻ em, không phải một vài; khuyến khích, không phải chỉ thị; linh hoạt, có kỷ luật; biểu hiện, không phải bảng điểm; một quá trình khám phá, không phải một đích đến.

Hơn nữa, đội ngũ giáo viên chuẩn hóa và liên tục tự nghiên cứu, nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như khả năng giảng dạy. Giáo viên trong các trường học, nhất là bậc sau phổ thông phải đạt yêu cầu về cả chuyên môn và kinh nghiệm

Mặt khác, nền giáo dục ngày càng phát triển của Singapore không thiếu một phần quan trọng của việc cả nước tập trung đầu tư cho cơ sở vật chất trường lớp.

Trường đại học Công nghệ Nanyang (NTU) được xây dựng với kinh phí lên tới 914 triệu đô la Singapore hay trường đại học Quốc gia Singapore (NUS) vô cùng rộng lớn với các trang thiết bị cao cấp, tạo sự tiện nghi nhất cho sinh viên. Năm 2016, Chính phủ Singapore chi cho giáo dục và đào tạo 12,8 tỷ SGD, gần gấp đôi so với 10 năm trước (chi phí dành cho giáo dục chiếm khoảng 18,5% GDP).

Ngoài ra, hầu hết các chương trình học, nhất là những ngành đang chiếm ưu thế về nhu cầu nhân lực đều được đầu tư chú trọng. Các ngành học mới độc đáo cũng được phát triển nhằm thu hút một lượng sinh viên quốc tế đến theo học. Các sinh viên hoàn tất chương trình tại Singapore vẫn được nhận những bằng cấp quốc tế.

3.2.3.2. Tiếng Anh bắt buộc

Trong xu thế toàn cầu hóa, tiếng Anh – ngôn ngữ quốc tế được chính thức đưa vào giảng dạy tại các trường học Singapore từ năm 1987 mặc dù 3 thứ tiếng chính của quốc gia này là tiếng Malaysia, tiếng Hoa và tiếng Tamil. Điều này tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho các sinh viên quốc tế đến với Singapore nhất là trong cộng đồng đa sắc tộc như Singapore. Thứ nhất, tiếng Anh bắt buộc cũng là cơ hội cho sinh viên quốc tế tiếp cận mọi thông tin tại Singapore hết sức dễ dàng. Thứ hai, sinh viên quốc tế sử dụng tiếng Anh tại Singapore sẽ giảm bớt được một phần gánh nặng về tinh thần tâm lý khi đi du học tại nước ngoài.

3.2.3.3. Chính sách hỗ trợ sinh viên quốc tế

Để xuất khẩu dịch vụ giáo dục, các trường đại học thường thành lập các hội đồng giúp đỡ sinh viên về mọi lĩnh vực đời sống, thậm chí tạo điều kiện hết sức cho mọi học sinh tham dự thi vào trường. Tại Việt Nam, 2 trường đại học NTU và NUS thông qua mạng Internet để chọn lọc hồ sơ và tổ chức thi vào trường ngay tại các thành phố lớn của Việt Nam.

Mặt khác, Chính phủ cũng có nhiều hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Mọi sinh viên quốc tế được nhập học tại 2 trường NTU và NUS đều được cấp học bổng lên

tới 100%, đồng thời vẫn được đăng ký vay thêm từ các tổ chức khác. Các sinh viên còn lại hoàn toàn có thể đăng ký chương trình vay nợ hay trợ cấp tương đối dễ dàng.

Chính sách bảo vệ sinh viên được áp dụng và sinh viên được quyền nhận lại học phí khi cơ sở giáo dục không hoạt động vì lý do phá sản hoặc lý do pháp luật.

Ngoài ra, các chương trình chứng nhận chất lượng giáo dục đảm bảo sinh viên được tiếp cận nguồn thông tin chính xác nhất và quyền khiếu nại cũng như phản hồi của sinh viên với mỗi trường.

3.2.3.4. Hoạt động xúc tiến thương mại

Giáo dục Singapore được quảng bá rộng rãi đã trở thành quen thuộc với các nước châu Á. Hàng loạt chương trình hội thảo, giao lưu văn hóa hay các cuộc thi giành học bổng trên diện rộng giúp mọi sinh viên cũng như phụ huynh có những thông tin cần thiết để chuẩn bị đi du học.

Từ năm 2003, nhằm giúp các sinh viên quốc tế quyết đinh đến Singapore, chính phủ Singapore đã thành lập diễn đành Giáo dục Singapore với sự tham gia của 5 cơ quan then chốt.

- Tổng cục du lịch Singapore (STB) – Cơ quan xúc tiến giáo dục: quảng bá và tiếp thị giáo dục Singapore tại nước ngoài.

- Cục phát triển kinh tế Singapore (EDB): thu hút các học viện nổi tiếng thế giới thành lập học xá tại Singapore

- Doanh nghiệp quốc tế Singapore (IE): giúp các trường danh tiếng của Singapore phát triển và thành lập học xá.

- Spring Singapore: quản lý việc cấp chứng nhận chất lượng cho tổ chức giáo dục tư nhân.

- Bộ giáo dục Singapore (MOE): quản lý hệ thống trường công ở Singapore.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xuất khẩu dịch vụ giáo dục đại học theo phương thức tiêu dùng ngoài lãnh thổ kinh nghiệm của một số nước và bài học cho việt nam (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)