CHƯƠNG 3: MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC THI CHẾ ĐỘ THAI SẢN Ở CÔNG TY
3.2. Một số kiến nghị hoàn thiện Pháp luật về chế độ thai sản
Bộ Luật lao động năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được ban hành với các quy định được đánh giá là sự tiến bộ vượt bậc của pháp luật về chế độ thai sản ở Việt Nam, Đó là kết quả của quá trình kế thừa, phát huy những điểm mạnh của pháp luật giai đoạn trước, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động nói chung và cho lao động nữ nói riêng. Có thể thấy một số quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về chế độ thai sản đã cơ bản tiệm cận với quy định của quốc tế cũng như các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới. Tuy nhiên để đánh giá về độ hoàn thiện của hệ thống các quy định pháp luật này, tác giả cho rằng vẫn còn một số điểm cần bổ sung để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất về chế độ thai sản đối với người lao động nhằm bảo đảm hiệu lực thực thi khi áp dụng trong thực tiễn đời sống xã hội.
3.2.1. Về điều kiện hưởng chế độ thai sản: như đã phân tích ở mục 2.2. Chương 2, Pháp luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về điều kiện tối thiểu được hưởng chế độ thai sản là có tham gia đóng bảo hiểm xã hội, có sự kiện thai sản và có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu trước khi sinh 12 tháng (3 hoặc 6 tháng với các trường hợp khác nhau). Đây là một quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo sự ổn định của quỹ bảo hiểm xã hội, gắn quyền lợi với trách nhiệm của người lao động. Tuy
80
nhiên từ thực tiễn áp dụng tại công ty TNHH Sankoh Việt Nam thuộc KCN bờ trái sông Đà, tỉnh Hòa Bình (như đã nêu tại mục 3.3.2.1. Chương 3) có thể thấy chính sự chặt chẽ này vô tình khiến cho những đối tượng như: người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, những cặp vợ chồng hiếm muộn phải nhờ sự can thiệp của y khoa thụ tinh nhân tạo; những người mẹ bị bệnh lý khi mang thai như: tiểu đường thai nghén, tiền sản giật, u nang,...không có đủ điều kiện để được xét hưởng chế độ thai sản mặc dù nhiều trường hợp đã có thâm niên đóng bảo hiểm xã hội lâu năm, điều này phá vỡ nguyên tắc mỗi cá nhân trong xã hội đều được hưởng các quyền an sinh xã hội bình đẳng, không phân biệt đối xử. Vì vậy theo quan điểm của tác giả cần sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng chế độ thai sản theo hướng linh hoạt hơn, đặc biệt ở điều kiện về thời gian tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội trước khi sinh, cụ thể: đối với các đối tượng người lao động làm việc theo thời vụ hay người mẹ có hoàn cảnh, tình trạng sức khỏe đặc biệt khi mang thai thì yếu tố hàng đầu là xét đến thời gian quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, nếu đủ từ 5 năm trở lên có thể xem xét không áp dụng điều kiện thời gian tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội trước khi sinh;
còn với những trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội chưa đủ 5 năm thì cho phép áp dụng theo hướng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (có thể người lao động tự đóng hoặc phía người sử dụng lao động đóng cho người lao động ngay cả trong thời gian người lao động nghỉ làm không hưởng lương để điều trị trong quá trình thai nghén).
3.2.2. Quy định về trợ cấp y tế: Chăm sóc y tế là một nội dung cốt lõi của chế độ thai sản mà Tổ chức ILO đã ghi nhận, theo Công ước số 103 thì lao động nữ có quyền được “tự do lựa chọn thầy thuốc và tự do lựa chọn bệnh viện công cộng hay tư nhân” (khoản 3, Điều 4), trợ cấp y tế cũng là vấn đề được các quốc gia trên thế giới quan tâm, chú trọng. Như đã phân tích ở mục 2.3.4. Chương 2 chế độ trợ cấp y tế là rất cần thiết cho lao động nữ trong quá trình mang thai, sinh con và nuôi con sơ sinh, không chỉ nhằm đảm bảo sức khỏe cho lao động nữ mà còn góp phần tái tạo sức lao động. Có thể thấy việc Luật Bảo hiểm xã hội 2014 không quy định về chế độ trợ cấp y tế cho lao động nữ trong thời kỳ thai sản là một điểm thiếu sót của pháp luật Việt Nam. Đồng thời qua thực tiễn áp dụng tại Công ty TNHH Sankoh Việt
81
Nam thể hiện rõ sự bất cập, thiếu đồng bộ giữa Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế đã gây khó khăn trong việc tổ chức, thực hiện khiến cho quyền lợi của lao động nữ không được đảm bảo toàn diện, gây thiệt thòi, ảnh hưởng đến tâm lý, thái độ và tác phong làm việc của người lao động. Chính vì vậy theo quan điểm của tác giả Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cần bổ sung quy định cụ thể về trợ cấp y tế cho lao động nữ trong thời kỳ thai sản, đồng thời sửa đổi quy định về các trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế tại Điều 23, Luật Bảo hiểm y tế 2014 sao cho phù hợp với quy định về đối tượng được hưởng chế độ thai sản theo Luật Bảo hiểm 2014.
3.2.3. Về thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản
Từ thực tiễn thực hiện chế độ thai sản đối với người lao động tại công ty TNHH Sankoh Việt Nam có thể thấy 100% lao động nữ sinh con nghỉ hết thời hạn quy định và được công ty xét chế độ nghỉ dưỡng sức, do tính chất ngành nghề là sản xuất linh kiện điện tử, môi trường làm việc của người lao động phải tiếp xúc nhiều với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, đặc biệt là hóa chất, cơ thể người phụ nữ sau sinh nếu chưa phục hồi hoàn toàn sức khỏe sẽ dễ mệt mỏi, căng thẳng; buồn nôn làm tăng nhạy cảm chất hóa học, khó khăn khi thao tác, nguy cơ gây ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là rất cao. Vì vậy theo quan điểm của tác giả Luật Bảo hiểm xã hội cần có quy định về thời gian nghỉ thai sản phù hợp với hai đối tượng, cụ thể như sau: nếu làm việc trong điều kiện bình thường thời gian thai sản là 6 tháng; những người làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được hưởng thời gian thai sản 7 tháng.
Như đã phân tích ở mục 2.2.5. Chương 2 chế độ nghỉ thai sản đối với trường hợp nhận nuôi con nuôi, Luật Bảo hiểm xã hội mới chỉ đưa ra quy định chung về thời gian nghỉ việc khi người lao động nhận nuôi con nuôi mà chưa có sự phân tách cụ thể dựa trên số lượng con nhận nuôi giống với trường hợp sinh đôi trở lên. Vì thực tế cùng một lúc nhận nuôi nhiều con dưới 6 tháng tuổi là khó khăn, vất vả hơn so với nhận nuôi 01 con; nếu như Pháp luật chỉ quy định mức thời gian nghỉ chung sẽ không đảm bảo cho những đứa trẻ được nhận nuôi được chăm sóc trong điều
82
kiện tốt nhất. Do đó tác giả kiến nghị cần bổ sung quy định về thời gian nghỉ cho người lao động nhận nuôi con nuôi, theo hướng: Trường hợp nhận nuôi 01 con dưới 06 tháng tuổi thì người lao động được nghỉ chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi, nếu nhận nuôi từ 02 con trở lên thì mỗi một con người lao động được nghỉ thêm 01 tháng.
3.2.4. Về mức hưởng chế độ thai sản
Như đã phân tích quy định của pháp luật về mức hưởng chế độ thai sản ở mục 2.3. Chương II và từ thực tiễn áp dụng tại công ty TNHH Sankoh Việt Nam ở Chương III, có thể thấy với mức hưởng chế độ thai sản trên thực tế bằng khoảng 50% thu nhập của người lao động đã tạo ra những khó khăn, áp lực về kinh tế không hề nhỏ đối với một gia đình có thêm thành viên mà mức thu nhập lại bị giảm sút. Trong khi đó khoản trợ cấp 1 lần đối với lao động nữ sinh con bằng 02 lần mức lương cơ sở như hiện nay là 2.980.000 đồng, với mức trợ cấp này chỉ đủ sắm những vật dụng cần thiết cho em bé, chứ không có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng bữa ăn nhằm phục hồi sức khỏe cho người mẹ và bảo đảm sữa cho con. Vì vậy theo quan điểm bản thân tác giả, cần tăng mức trợ cấp một lần bằng 5 lần mức lương cơ sở, để đảm bảo tốt hơn mục tiêu chăm sóc người mẹ và trẻ sơ sinh.
Đối với trường hợp lao động nữ ốm đau có xác nhận của cơ sở y tế vì nguyên nhân mang thai phải nghỉ làm, đề nghị xem xét, giải quyết trường hợp này là nghỉ thai sản với mức hưởng chế độ là 100% mức lương
3.2.5. Về thời gian nhận trợ cấp: Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cần quy định cụ thể về thời gian nhận trợ cấp sau một tháng kể từ khi lao động nữ sinh con, nhằm đảm bảo cho công tác chi trả được thống nhất, các khoản trợ cấp kịp thời đến tay người lao động, nhằm bù đắp phần nào chi phí phát sinh khi lao động nữ mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ.
3.2.6. Kiến nghị phê chuẩn các Công ước tế của ILO về chế độ thai sản
Đến nay Việt Nam mới chỉ gia nhập khoảng 21 trên gần 200 Công ước của ILO và chưa phê chuẩn bất kỳ Công ước nào của ILO về chế độ thai sản. Mặc dù
83
các chế định về chế độ thai sản tại Việt Nam đã tiệm cận và tiếp thu tinh thần của các Công ước, thậm chí một số quy định còn đảm bảo quyền cao hơn. Tuy nhiên, xét ở một mức độ nào đó Pháp luật Việt Nam vẫn chưa thể hiện hết nội dung của Công ước, ví dụ như chế độ chăm sóc y tế cho bà mẹ và trẻ sơ sinh đây là nội dung cốt lõi mà tổ chức ILO ghi nhận trong các Công ước về chế độ thai sản và có điều chỉnh mở rộng theo từng thời kỳ. Trong khi đó Pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về chế độ trợ cấp y tế trước, trong và sau khi sinh, thậm chí còn có sự bất đồng về các trường hợp được hưởng chế độ thai sản với các trường hợp được hưởng trợ cấp y tế; hay trường hợp người lao động ốm đau khi mang thai lại không được xem xét hưởng chế độ thai sản. Vì vậy theo quan điểm của tác giả, cần có lộ trình xem xét việc phê chuẩn các Công ước quốc tế về chế độ thai sản để làm cơ sở pháp lý căn bản cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về chế độ thai sản ở Việt Nam nhằm đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực thi.