Chương 2: HÌNH THỨC, ĐỀ TÀI VÀ ĐỒ ÁN TRANG TRÍ ĐÌNH LÀNG LÂU THƯỢNG, ĐÌNH LÀNG HÙNG LÔ
2.2. Đề tài trang trí
Việc sử dụng đề tài trang trí ở ĐLLT và ĐLHL cũng là một trong những phương pháp để đa dạng hóa các đồ án trang trí được thể hiện ở trong hai đình, góp phần làm biến đổi về mặt tạo hình như: thay đổi về bố cục, đường nét, khối, không gian, màu sắc trang trí… Vì đề tài trang trí giữa hai đình có nhiều sự khác biệt, phần lớn nằm ở các bức chạm khắc và có nhiều điểm tương đồng ở những dạng đề tài trang trí ở khu vực: nghi môn, đồ thờ… nên NCS phân định ra các dạng đề tài chủ đạo được thể hiện trong hai ngôi đình cụ thể như sau:
2.2.1. Đề tài trang trí đình làng Lâu Thượng 2.2.1.1. Đề tài linh thú
Đề tài linh thú là một trong những dạng đề tài phổ biến và được thể hiện tràn ngập trên các hình thức trang trí ở ĐLLT như: chạm khắc, tượng trang trí, đắp nổi trên các vị trí quan trọng như: trên nóc mái đình, trên cấu kiện kiến trúc, trong không gian nội thất, trên câu đầu xà bẩy, trên hương án và ở nghi môn. Đề tài linh thú là một trong những dạng đề tài được sử dụng với tần xuất lớn và tạo nên sự thống nhất trong phương thức trang trí cho toàn bộ ngôi đình nơi đây. Trong đó:
- Rồng ổ: là đề tài nổi bật nhất được thể hiện rất nhiều trên các ván giong, những hình ảnh ẩn dụ của tình mẫu tử thiêng liêng được miêu tả trong cách
“gợi” về hình ảnh mẫu mẹ trong các mảng chạm rồng ổ, rồng đàn [PL3, H.29, H.30, tr.199]. Trong số 28 bức chạm hầu hết đều được chạm cảnh rồng ổ hay gia đình nhà rồng với các cách thể hiện vừa sinh động vừa gợi cảm và phong phú.
Rồng được chạm theo nhiều lối tạo hình khác nhau, con thì có vảy, con để trơn, con có sừng, con thì không. Trong đó rồng mẹ được chạm lớn nhất, nét mặt nom rất vui vẻ như đang “nô đùa” cùng đàn rồng con, còn những con rồng nhỏ, con thì nhìn thẳng, con nhìn nghiêng, con thì lao cổ vươn ra phía trước, con thì oằn mình
trườn bò trên tay rồng mẹ, con thì “nũng nịu”quẩn quanh không chịu xa rời. Tất cả những cử chỉ, những hành động mang tính nhân văn sâu sắc đó đã tạo nên cái tình rất lớn, phản ánh chân thực về cuộc sống quanh ta mà có thể gọi các bức rồng ổ thành một dạng đề tài cao cả thiêng liêng là tình mẫu tử.
Dựa trên ảnh chụp của Hà Văn Tấn trong cuốn Đình Việt Nam (1998), các hoạt cảnh gia đình nhà rồng gần như bị xuống cấp rất nặng nề, một số bức gãy vỡ đao mác, một số rồng con bị mất đuôi, một số cụm mây hoa lá gẫy vụn và không rõ họa tiết. Vì vậy, có thể khẳng định một điều rằng, tạo hình rồng được như hiện tại với những bộ phận đã được hoàn thiện, chắc chắn là sản phẩm đã được trùng tu, tôn tạo vào năm 2008.
Một số hình tượng rồng chủ đạo là rồng mặt ngắn, tai to, mắt lồi, miệng rộng răng thưa đều, môi rất dày và cong hình dấu ớ (^), không có răng nanh và trên đầu không có sừng, những tạo hình rồng như vậy là những con rồng cái, còn những con rồng đực có tạo hình mặt choắt lại, trên đầu có cặp sừng nhú vừa độ, miệng há lớn hình mõm thú có răng nanh sắc nhọn, dáng mặt dài nhô hẳn ra phía trước, thân rồng nổi khối uốn khúc mạnh mẽ, trên thân rồng còn lộ rõ đặc điểm thân rắn và một số có vẩy, tai khum như vỏ sò nhỏ và có hình dáng hơi tròn cũng chỉ lớn hơn mắt, đao mác tủa ra từ mang tai. Một điểm dễ dàng nhận thấy là phần lớn trên thân rồng mẹ đều có tạo hình bàn tay giống như tay người với những móng dài sắc nhọn, hàm răng đều tăm tắp giống như răng người, một số con có tai giống như tai lợn, trán rồng được trang trí bởi những cụm mây xoắn tròn, còn các con rồng nhỏ đều mang dáng trơn, không có vây giống như loài rắn nước, một số con cũng có tạo hình mặt khá khác nhau, con mặt ngắn giống như rồng mẹ, con mặt dài mõm thú trên đầu có sừng giống như rồng đực ở những bức chạm kế bên [PL3, H.28, H.30, tr.198-199],… từ những đặc điểm dễ nhận thấy này có thể thấy những con rồng ở ĐLLT được phân định theo giới tính đực và giới tính cái rất dễ nhận biết, tạo nên một phong cách chạm rồng rất riêng chứ không xuề xòa dễ dãi và mang đặc điểm chung chung như những bức chạm rồng
đơn thuần ở một vài ngôi đình khác trong tỉnh như Hùng Lô (Việt Trì), Đào Xá (Thanh Thủy), Cổ Tích (Hy Cương),…
- Các loài thú nhỏ: Khi quan sát kỹ hơn ta sẽ thấy rất nhiều con vật nhỏ bé khác được chạm lẫn trong các mảng chạm ở ván giong như: thằn lằn, rắn, hổ, voi, ngựa, phượng, cá, chuột, hay trên bộ vì nối với hậu cung là tập hợp các con vật linh như: rồng, lân, phượng, nghê, cá, khỉ. Một số con trong tư thế đang leo trèo và một số con vật với tạo hình khá ngộ nghĩnh như 1 chú chuột cầm lấy đuôi của mình [PL3, H.32, tr.200]. Tất cả những loài thú nhỏ này với tạo hình khiêm tốn và chỉ bé hơn tạo hình của con người chút ít, chính sự “vô lý” này đã ít nhiều làm tăng chất hóm hỉnh dân dã nơi thôn quê, vừa đủ để khiến người ta thấy sự hợp lý theo cách nhìn phương đông mà xuề xòa với những bất hợp lý theo lối nhìn phương tây. Chính sự hợp lý trong cái bất hợp lý ấy khiến cho bức chạm càng trở nên sinh động hơn, phản ánh vui nhộn về một cuộc sống thường nhật không cần hoa mỹ chốn đồng quê. Việc chạm những loài thú nhỏ này để trang trí điểm xuyết cùng các bức rồng ổ ở ĐLLT như là một trong những cách để khẳng định về vị thế của con rồng là của dân gian, rồng ở đây không gắn với quyền lực vương triều, không nhe nanh múa vuốt mà chúng vui sống hòa bình cùng các loài thú nhỏ, điều này được thể hiện qua cách miêu tả những con thú này, con thì chui rúc trong đao rồng, con thì chơi đùa cùng lũ rồng nhỏ, con thì ngồi thong dong dáng như đánh đàn,… tất cả tạo nên một hoạt cảnh huyên náo mang đầy chất tạo hình dân gian.
- Phượng hàm thư: Tạo hình phượng hoàng tung cánh được miêu tả khá đẹp với phần mỏ phượng đang trong tư thế ngậm dây buộc cuốn thư, trên mình được chạm bộ lông vũ mềm mại với những hình uốn lượn cầu kỳ mang vẻ đẹp thanh cao đậm chất trang trí. Bức chạm được thể hiện ở trên kẻ, phía mặt trong bên gian trái ngay sát khu cửa ra vào ở tòa đại đình. Phượng hàm thư là một dạng đề tài ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa rất rõ, đã cho thấy sự khác biệt với các hoạt cảnh nhà rồng dân dã được thể hiện phổ biến ở những bức chạm phía
xung quanh, có lẽ bức chạm được thêm vào trong các giai đoạn sau này. Tác phẩm được chạm nổi với khối chạm không dày, kỹ thuật chạm cũng có phần khác biệt và không mang tính dân gian như những mảng chạm về rồng về Thánh trên các bức ván giong trong đình có niên đại khoảng cuối TK XVII, mặt khác tạo hình này cũng không có tính chất rườm rà rối rắm nhiều chi tiết vụn vặt như tạo hình rồng ở TK XIX, phượng ở đây được trang trí với nhiều họa tiết sắc sảo, mang tính diễm lệ và rất trau chuốt về tạo hình, ước chừng có niên đại khoảng cuối TK XVIII đầu TK XIX [PL3, H.35, tr.202]. Với tạo hình phượng cầu kỳ nhưng lại sử dụng kỹ thuật chạm nông khác biệt hẳn với những khu vực khác, vừa giúp cho thân kẻ vẫn có độ mềm mại uyển chuyển nhưng vẫn không bị phá vỡ cấu trúc về kiến trúc quá nhiều như cách tạo hình rồng ở bức cốn ở gian phải ngôi đình được miêu tả với phần đầu và thân rồng lao ra khỏi mảng chạm.
Nhìn chung, với sự góp mặt đa dạng các dạng đề tài linh thú ở ĐLLT đã phần nào giúp cho các bức chạm trở nên sinh động để tạo ra những chi tiết hấp dẫn cần thiết trong tương quan tổng thể của một khu vực được trang trí.
2.2.1.2. Đề tài có hoạt cảnh của con người
Ở ĐLLT hoàn toàn không có các bức chạm người với bố cục riêng rẽ để làm đề tài chính như ở ĐLHL. Hình tượng con người được chạm khắc ở đây được thể hiện không nhiều và chủ yếu được chạm lẫn trong các mảng chạm rồng ổ với tỷ lệ khá nhỏ bé so với tổng thể bức chạm, đáng chú ý trong số ít ỏi đó có 5 bức chạm có các hình tượng con người trong các tư thế như: Bức chạm thứ 1: có 1 người cưỡi ngựa (chạm khắc trên cốn phía trong cùng ở gian trái – mặt hướng ra ngoài); Bức chạm thứ 2: có 1 người cưỡi hổ (chạm khắc trên cốn phía trong cùng gian trái – mặt hướng vào trong); Bức chạm thứ 3: có 1 Tiên đồng quỳ lạy (chạm khắc trên cốn ở gian phải - mặt hướng vào trong); Bức chạm 4: có 1 Ngọc nữ trong tư thế chắp tay (trên ván ở gian trái – mặt hướng vào trong); Bức chạm thứ 5: gồm cảnh 2 nhóm người với hai hoạt động riêng rẽ gồm 2 người cưỡi voi theo sau là hình ảnh 2 người bắt rắn với kích thước lớn hơn chút và tất cả được
chạm chung trên một bức cốn ở gian phải – mặt hướng ra ngoài. Ngoài 5 bức chạm có hoạt cảnh của con người kể trên, luận án chưa tìm thêm được những hoạt cảnh khác nên tại thời điểm này có thể khẳng định hình tượng con người được chạm khắc ở ĐLLT là rất khiêm tốn và chủ yếu được thể hiện trong các đề tài về Thánh. Trong số các đề tài có hình tượng con người kể trên, nổi lên đáng chú ý có một vài bức thể hiện đề tài thuần phục các loài thú như sau:
Thứ nhất: Cảnh người thuần phục linh thú
- Thuần phục rồng: đây là một dạng đề tài trang trí quen thuộc trong nghệ thuật trang trí đình làng nói chung. Bức chạm người thuần phục rồng được miêu tả với hình ảnh một người đàn ông được chạm trong tư thế săn rồng (một đề tài phi thực tế song lại phổ biến trong giai đoạn này), người đàn ông cao lớn với bộ râu rất dài, đầu đội mũ, mình mặc áo giáp, cưỡi ngựa, hai tay cầm đao lớn, tay phải giơ lên cao, tay trái cầm đao trong tư thế đang kè cổ một con rồng to lớn, con rồng được miêu tả trong tư thế dáng nhoài cổ, lao một phần thân ra ngoài mảng chạm, cỡ 30 cm khiến không gian bức chạm trở nên thay đổi nhiều chiều, sự vật lộn cũng vì thế mà căng thẳng hơn. Một vài ý kiến cho rằng đây là cảnh
“Vua Hùng đi săn” [PL3, H.40, tr.204], một trong những đề tài gắn với vị vua trong dân gian ở nơi thờ tự của người. Tuy nhiên, bức tượng trang trí nhỏ này đã bị đánh cắp vào tháng 8/2018, hiện chỉ còn trơ lại một trụ gỗ nhỏ để gắn tượng, khi quan sát tổng thể bức chạm ở thời điểm hiện tại, phần nào đã mất đi lớp nghĩa về ước mơ chế ngự thiên nhiên và các loài thú ở miền rừng của con người thay thế cho lớp ý nghĩa đơn thuần hơn như các bức rồng ổ được thể hiện ở trong đình.
- Thuần phục hổ: Cảnh người thuần phục hổ là dạng đề tài quen thuộc trong dân gian đã được sử dụng 2 lần liên tiếp trong hình thức chạm khắc và tượng trang trí ở ĐLLT, trong đó có 1 bức chạm tượng trang trí người đàn ông ngồi trên lưng hổ với dáng ngồi oai phong (tượng gắn trên cột ở gian trái) và một bức chạm khắc trên cốn ở gian trái (mặt hướng vào trong) tả cảnh một người đàn
ông với lối ăn mặc dân dã trong tư thế cưỡi trên lưng hổ, người đàn ông đó một tay ôm cổ hổ, một tay giơ cao như đang tri hô điều khiển để loài thú dữ này tiến về phía trước. Đây là một dạng đề tài với chất liệu dân gian được sử dụng trong một số ngôi đình làng khác ở miền Bắc như: đả hổ (Hùng Lô); đấu hổ, điều voi đả hổ ở đình Chảy (Hà Nam)… Việc sử dụng cảnh thuần phục hổ trong nghệ thuật trang trí ở ngôi đình là một trong cách để thể hiện những ước mơ chế ngự được thiên nhiên, chế ngự được những loài thú dữ của người xưa [PL3, H.34, tr.201].
Nhưng xét về mặt nghệ thuật tạo hình, bố cục người cưỡi hổ trong bức chạm rồng, hay người ngồi trên lưng hổ bức tượng được gắn trên cột đều có tác dụng như một điểm nhấn về trang trí, giúp bố cục thêm phần chặt chẽ và thú vị hơn.
- Thuần phục rắn: là đề tài được thể hiện duy nhất ở một bức chạm trên cốn gian phải ở ĐLLT. Cảnh này được thể hiện thông qua động tác của hai người lội nước đang trong tư thế đi bắt rắn, cả hai đều mặc quần áo màu chàm, người đi trước tóm lấy đầu rắn, người đi sau vui thích với biểu hiện mặt cười hoan hỉ, phía dưới chân là một đầu hình con rùa ngó ra nhìn, cảnh bắt rắn được tạc trong khung cảnh đầm sen với việc mô phỏng một bông sen vươn cao lên tới đầu người. Theo như bố cục chung của bức cốn, cảnh tượng này đã tạo nên một góc nhọn hợp lý cho bức chạm để tạo thành hình tam giác vuông, sự có mặt của hình chạm người ở đây tăng thêm sự hoàn chỉnh cho bố cục, vì thế nó có thể là sản phẩm cùng thời với bức cốn chạm rồng chứ không phải được thêm vào trong các giai đoạn sau này [PL3, H.33, tr.201].
- Thuần phục voi: được mô tả với hành động người cưỡi voi (hay người quản tượng) bức chạm được thể hiện sát ngay phía trước cảnh bắt rắn (mà NCS đã mô tả ở trên). Cảnh thuần phục voi là một trong những đề tài trang trí khá phổ biến ở những ngôi đình khác như cảnh điều voi đấu rồng, điều voi đả hổ ở đình Chảy (Hà Nam); tượng người cưỡi voi trên cột cái ở đình Ngọc Than; tượng người và voi ở đình Phùng (Hà Nội),… Tuy nhiên, sự đặc biệt ở đây chính là hình ảnh 2 người cùng cưỡi trên một lưng voi ở ĐLLT với sự miêu tả ghế kiệu
được trang trí cầu kỳ và tư thế hai người cưỡi voi khá oai hùng. Dựa theo nhiều tích chuyện còn được lưu truyền trong bản lược kê lý lịch di tích ở ĐLLT thì bức chạm rất có thể là câu chuyện kể về tích Hai Bà Trưng cưỡi voi xung trận, nhận định này thêm phần rõ nét hơn khi ngôi đình còn tạc chân dung Hai Bà thành tượng được đặt ngay ngắn trên ngai và được thờ chính ở gác lửng. Đồng thời Hai Bà cũng là 2 trong số 4 vị thành hoàng làng được thờ phụng chính ở nơi đây [PL3, H.33, tr.201].
Thứ 2: Cảnh các Tiên Đồng – Ngọc Nữ
Các Tiên Đồng (mang hình hài người con trai) [PL3, H.39, tr.204] và Ngọc Nữ (mang hình hài người con gái) ở ĐLLT [PL3, H.31, tr.200] được biểu đạt phần lớn trong tư thế tôn nghiêm, người thì trong tư thế quỳ hai tay chắp trên đầu vái lạy với dáng vẻ tôn kính, người thì chắp tay đưa ra phía trước dáng như tuân lệnh phục tùng. Tiên đồng, Ngọc nữ là hai hình ảnh rất thanh tao nơi tiên cảnh, là người giúp việc cho Thánh, được ví như “tay quỳnh tay quế” thường đi theo hầu hạ các đức Thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ mà ta thường thấy trong các buổi hầu đồng. Phần lớn, các Tiên Đồng đều ăn vận giản dị chỉ với áo đơn giản, dáng quần trơn, nhưng Ngọc Nữ được mặc những bộ cánh bắt mắt hơn với đầu tóc gọn gàng, có mũ đội trang trí hai bên tai và cả trang sức như vòng tay, ve áo được diễn tả cầu kỳ đẹp mắt, các nhân vật này được chạm xen kẽ bên cạnh các mảng chạm rồng vừa như điểm xuyết cho bức chạm thêm phần thay đổi vừa tăng tính chất thiêng liêng cho các vị thánh thần nơi thờ tự. Theo như quan sát, các nhân vật trong bức chạm có phong cách giản lược nhưng vẫn tạo ra được vẻ hoa mỹ của phong cách chạm TK XVII, thêm nữa là lại nằm trong một bố cục có tổng thể hình tam giác vuông gọn gàng nên tạo hình đều có sự tính toán kỹ lưỡng, những vị trí đặt tượng trang trí đều có chủ đích, nó hiển nhiên là một phần của bức chạm chứ không phải là sản phẩm được thêm vào của thời kỳ trùng tu sau này.