Bố cục trang trí

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trang trí đình làng Lâu Thượng và đình làng Hùng Lô (Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) (Trang 98 - 111)

Chương 3: BỐ CỤC, KHÔNG GIAN VÀ MÀU SẮC TRANG TRÍ ĐÌNH LÀNG LÂU THƯỢNG, ĐÌNH LÀNG HÙNG LÔ

3.1. Bố cục trang trí

3.1.1. Bố cục đối xứng

Trang trí bố cục theo dạng thức đối xứng được sử dụng rất phổ biến ở các nơi linh thiêng, trang trọng như các ban thờ, hậu cung, đền, chùa, miếu,… đây là lối bố cục kinh điển đặt chủ thể trang trí trên đường trục (ảo) ở giữa chia không gian ra thành hai phần có lối tạo hình tương đối giống nhau. Tuy nhiên, khi nhìn kỹ mỗi khu vực được trang trí lại có những chi tiết tạo nên sự khác biệt nhỏ chứ không phải sao chép đều tăm tắp như các hoa văn họa tiết mà ta thường thấy trên trống đồng thời kỳ Đông Sơn hay trên các sản phẩm công nghệ ứng dụng sau này như diềm tường, miệng bát, lọ hoa, khăn trải bàn,… Ở ĐLLT và ĐLHL đã sử dụng lối bố cục này một cách bài bản, vừa tuân thủ những thể thức trang trí quy lát tại nơi tôn nghiêm nhưng vẫn không kém phần hài hoà hợp lý để tạo ra sức hút gây ấn tượng cho người xem, nhưng vẫn không gây cảm giác bị cứng nhắc hay nhàm chán. Bố cục trang trí theo dạng thức đối xứng có mặt ở hầu hết trong cách bài trí kiến trúc, cách thể hiện trong nghệ thuật chạm khắc, cách trang trí đồ thờ, các hoành phi, câu đối… Cụ thể:

Ở ĐLLT: không có tòa tả vu và hữu vu, cũng không có nhà tiền tế giống như ĐLHL nhưng không vì thế mà nghệ thuật trang trí ở đây không có tính chất đối xứng. Cũng giống như ĐLHL hình thức trang trí tại nghi môn được trang trí đối xứng với hai cột trụ biểu, hai lối đi phụ với cổng nhỏ có mái che, xa là hai con Lân ngồi trên cột trụ biểu chầu vào giữa. Trên trụ biểu lớn được trang trí với nhiều tạo hình linh thú chầu 4 góc, chạm phù điêu 4 mặt và phượng chụm đuôi quay mỏ ra ngoài, phong cách được làm theo hình thức đắp nổi vôi vữa có gắn các mảnh sứ. Qua nghi môn là một khoảng sân rất rộng tiến vào tòa Đại đình, cây đại được trồng để điểm xuyết hai bên đối xứng với nhau tạo cảm giác hài

hòa. Ở khu vực tường bao được trang trí hai ô cửa hình tròn và toàn bộ cửa đình ở gian trái và phải được tạo những song thẳng đối xứng với nhau. Trên mái đình các đôi rồng chầu, đôi lân chầu, và các tạo hình rồng uốn cũng được trang trí bày biện theo bố cục thống nhất [PL3, H.5, tr.188]. Vì nghệ thuật trang trí ở khu vực ngoài kiến trúc phần lớn được ra đời sau này nên tính chất đối xứng trở nên thô cứng, tuy vẫn còn mạnh mẽ nhưng lại thiếu sự tinh tế trong cách thể hiện như những mảng chạm rồng ở nội đình, sự ra đời hàng loạt dẫn tới sự giống nhau trong phong cách tạo hình nên xét về giá trị tính nghệ thuật trang trí ở khu vực này không cao và tính biểu cảm cũng không nhiều.

Ở ĐLHL: trang trí bố cục đối xứng được sắp xếp theo trục dọc và trục ngang của kiến trúc một cách linh hoạt và hài hòa, khi bước vào khu vực hành lễ, người hành hương cần qua một lối vào gọi là nghi môn, tại đây cột trụ biểu và chạm khắc tượng lân chầu đều được sắp xếp đối xứng nhau và chầu về giữa, sau nghi môn là tòa Tiền tế được dựng song song với tòa đại đình và đối xứng theo trục nằm ngang ở giữa là phương đình, hai bên phương đình lại được tiếp tục bố trí lầu chuông và lầu trống đối xứng nhau. Cứ như vậy, việc sử dụng bố cục đối xứng từ trước tới sau từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới để tạo nên một tổ hợp bố cục đạt tương quan chặt chẽ và thống nhất, từ đó giúp cho việc bày biện các đồ thờ tự, các mảng chạm khắc và tranh vẽ trên đó cũng được dễ dàng và đẹp mắt hơn [PL3, H.51, tr.210].

Phần lớn khi mới nhìn các bức chạm khắc trên cấu kiện kiến trúc gỗ ta chỉ có thể phát hiện ra các dạng bố cục theo dạng thức cơ bản như: hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác mà cấu kiện kiến trúc đã định hình sẵn, nhưng nếu phân tích một cách kỹ càng với cái nhìn bao quát, tất cả đều tuân thủ theo những quy luật cân phân với lối trang trí cân xứng được bố trí hầu khắp trên nóc mái đình, trên câu đầu, trên kẻ, bẩy, nghi môn, khám thờ. Nếu nhìn một cách khái quát sẽ thấy rất thú vị bởi quy luật đối xứng được sử dụng khá nhiều ở hai ngôi đình nơi đây, một vài điển hình rõ nét nhất như: Hạc bay trên trời biểu tượng là dương đối

xứng phía dưới là âm được tạo hình bởi con Rùa bơi dưới nước, hay như hai bức tượng ông cai ngồi trên cột cái ở ĐLLT một ông trong tạo hình hiền hòa nho nhã trong tư thế ngồm khom bó gối, còn ông ở cột cái bên kia là một ông trong vẻ mặt dữ tợn, hùng dũng oai phong trên lưng hổ. Trong mỗi mảng trang trí người nghệ nhân lại tiếp tục sử dụng lối bố cục theo dạng thức đối xứng trong các đồ án rồng chầu, hạc chầu.

Cụ thể trong một số mảng chạm khắc về Rồng ổ ở ĐLLT, tuy nhìn tổng thể, bức chạm đã tuân thủ bởi lối bố cục đối xứng rất rõ rệt nhưng khi quan sát tỉ mỉ ta lại thấy mỗi con rồng lại mang những dáng vẻ khác nhau, con thì chếch con thì xiên, con thì tai to mũi hếch, con thì tai vểnh mũi tròn, con thì râu vểnh ngược con râu vểnh xuôi, dáng vẻ con thì vồng ngực con lại có nhiều nhịp uốn, bên cạnh đó những con rồng nhỏ luồn lách xung quanh thân rồng mẹ thì chẳng con nào giống con nào, mỗi con một dáng vẻ, một điệu bộ, một hành vi khác nhau,… nên rõ ràng bố cục đối xứng chỉ mang tính chất tương quan, còn đi vào chi tiết sẽ thấy vô vàn sự sáng tạo của người nghệ sỹ dân gian [PL3, H.25, tr.197]. Nhìn chung, dạng bố cục này lấy tính tương đối, đặt tiêu chí cân đối và hài hòa làm chủ đạo đặc biệt được tận dụng triệt để tại các nơi mang tính chất trang nghiêm như nghi môn, ban thờ, thượng cung [PL3, H.15, tr.193].

Đối xứng trong cách sắp đặt đồ thờ: Cách sắp đặt đồ thờ tự ở ĐLLT và ĐLHL không phải tùy tiện hay tùy hứng mà cách sắp xếp đồ thờ theo một trật tự có chiều sâu không gian, được trang trí đối xứng với nhau thông qua các trục dọc, trục ngang, trục đứng, trục xiên. Nếu đi từ nghi môn vào tới tòa đại đình bước theo trục thần đạo vào tòa đại đình sẽ thấy toàn bộ hệ thống trang trí đồ thờ tự được sắp xếp và dàn trải theo mặt phẳng có quan hệ theo chiều sâu gồm nhiều các lớp lang như: từ lớp ngoài vào trong (bát bửu, rùa - hạc thờ, hương án, tượng thờ (ĐLLT), hậu cung), tương tự như vậy khi đứng trong lòng đình, các đồ thờ tự lại được bố trí từ trong ra ngoài, ngước mắt lên còn thấy luật bố cục dàn trải từ cao xuống thấp (lưỡng long chầu nhật ở trên mái đình, trong lòng đình có tượng,

hạc, dưới có rùa; hay nghi môn phát triển theo chiều cao, mái đình phát triển theo chiều ngang,…), bên cạnh đó cách xắp đặt đồ thờ lại được bố trí từ sáng vào sáng tối (ngoại đình sáng, nội đình tối; trung đình sáng, hậu cung tối), từ nhỏ tới lớn (nghi môn phía trước nhỏ, tòa đại đình lớn; mái đình lớn, lòng đình chia nhỏ), từ âm sang dương (mái đình dương, lòng đình âm; cột đình mang tính dương, bệ cột hình tròn mang tính âm),…Với cách bài trí theo bố cục đối xứng mang tính trật tự như vậy sẽ khiến không gian ngôi đình không bị rối, vừa trở nên có chiều sâu, vừa đạt được sự tĩnh tại cần thiết.

Mặt khác nếu xét về mặt tạo hình, bố cục trang trí đồ thờ trong đình được dàn trải chủ yếu sang hai bên chái đình tức theo trục ngang, một phần cũng bởi lối kết cấu kiến trúc cổ truyền của người Việt được phát triển theo chiều ngang thường thấy, mặc dù nhà có một tòa nhưng bên trong lại chia gian và hai chái (chùa trăm gian (Hà Tây) là một điển hình). Thần được thờ rất thấp, chỉ được đặt trên gác lửng, hoặc trong hậu cung tạo ra cảm giác rất gần với dân chứ không giống với kiến trúc ở thiên chúa giáo được phát triển theo chiều cao là chủ yếu (tiêu biểu như Nhà thờ Lớn Hà Nội mang đậm kiểu kiến trúc Gothicque Châu Âu – khoảng năm 1884 – 1886 là một công trình mô phỏng Nhà thờ Đức Bà Pari) với chiều cao lên tới khoảng 64,5m nhưng chiều rộng khoảng 20,5 tức là chiều cao gấp 3 lần chiều rộng, hai tháp chuông cũng cao tới 31,5m, trong lòng nhà thờ mỗi ô cửa sổ lại được trang trí bởi những bức tranh kính có màu sắc đẹp, ở khu vực hành lễ tiếp tục được trang trí bở các ô nhịp kéo dài lên cao, cột, tượng, cây thánh giá, ô nhịp cửa kính… tất cả đều có nhịp kéo dài tạo cảm giác bất tận mênh mông khiến không gian trở nên xa cách, con chiên khi hành lễ phải ngước mắt lên cao cầu nguyện chứ không như cách hành lễ gần gũi nơi cửa đình. Do đó, việc sử dụng bố cục đối xứng ở ĐLLT và ĐLHL chủ yếu được phát triển theo chiều ngang là phù hợp với tính chất dân dã của người Việt, nhìn toàn cảnh trên dưới hài hòa, sáng tối tranh chấp vừa phải sẽ khiến cho không gian nơi thờ tự nửa chìm vào bóng tối, nửa lấp lánh ánh sáng, vừa tránh lối bố cục rối rắm, rườm rà

vừa tạo điểm nghỉ mắt cần thiết cho người làm lễ chốn thâm nghiêm, thần vừa đủ cao cả, có thể che chở cho dân nhưng cũng rất gần gũi thân thiết với dân, thậm chí dân còn có thể thay áo, tắm rửa cho tượng, vệ sinh ngai, mũ mão… cho thần

Đối với cách trang trí bố cục đối xứng trong cách bài trí đồ thờ ở ĐLHL được sử dụng với tần xuất lớn, gian chính giữa đại bái được bố trí làm nơi thờ tự [PL3, H.59, tr.214], bên ngoài cửa thượng cung được làm bằng sàn gỗ, bên trên còn có hoành phi, hai bên cột rất nhiều câu đối, mỗi câu đối có những lớp nghĩa ứng đối với nhau tạo nên một khu vực hành lễ đậm chất tôn nghiêm. Trên xà đỉnh, chính giữa treo bức hoành phi có 3 chữ “Tối Linh Từ” (Ngôi đền linh thiêng nhất), hai bên đối xứng có 2 bức cuốn thư ghi: Hệ xuất thần minh (Nghĩa là dòng thần sinh ra đều thông minh), Hiển linh thiên tích (Nghĩa là: hiển hiện tích rồng tiên). Phía ngoài cột của hậu cung có treo 2 đôi câu đối: Tây linh anh thành lễ nhạc y quan nhất thủy, Nam bằng ty tố cương thường danh nghĩa thiên thu an (Tạm dịch nghĩa theo lý lịch di tích: Đình trông về phía Tây, khi tế có nhạc có áo xiêm, Thủy tổ nước Nam xây dựng danh nghĩa ngàn thu). Một đôi câu đối khác: Khai tịch hồng đồ cao đế nhất, Hóa sinh nguyên khí lập than tam (Tạm dịch nghĩa theo lý lịch di tích: Họ Hồng Bàng mơ hoang sớm nhất, khi bắt đầu thì thờ 3 vị). Ở các cột khác có rất nhiều câu đối nói về thờ thần, thờ tổ tiên có công dựng đình. Bên tả hạ ban đề: Báo bản phản thủy (Nghĩa là: Báo đáp cái gốc, để nhắc nhở mọi người). Bên hữu hạ ban đề: Kinh tôn ái thân (Nghĩa là:

Nhắc nhở mọi người phải biết kính trọng người trên, mọi người và thương yêu bố mẹ). Rõ ràng, nghệ thuật đối xứng không chỉ được vận dụng trong cách sắp đặt bày biện đồ thờ mà còn đa dạng trong cả hoành phi, câu đối.

Cũng giống như ở ĐLHL, nghệ thuật trang trí trong cách bài trí đồ thờ ở ĐLLT phần lớn cũng sử dụng lối bố cục đối xứng này nhưng có phần đơn giản hơn. Bởi vì kết cấu kiến trúc theo lối một tòa, hậu cung lùi về phía sau nhưng vẫn có dấu tích gác lửng nhưng không được trang hoàng tỉ mỉ như ở ĐLHL. Trên vị trí cao nhất trong gian thờ, tượng thành hoàng làng (tượng Hai Bà Trưng)

được coi là trung tâm của ngôi đình, xung quanh là các đồ thờ tự được sắp xếp đối xứng nhau qua trục dọc và có xu hướng tiến vào trung tâm, trên các đồ thờ, được chạm khắc từng đôi linh thú trong tư thế chầu vào gian giữa và trong tư thế ứng đối với nhau từng đôi một như đồ án: phượng – lân chầu, rùa – hạc chầu, rồng chầu, lân chầu. Điều khác biệt ở đây là ở ĐLHL không có tượng thờ như ở ĐLLT (tượng thờ ở ĐLLT được bổ sung vào sau này không phải thời trước).

Mặc dù trong nội đình có hai gian chái nhưng chỉ duy nhất gian giữa là có 1 đôi câu đối như ĐLHL và cũng không có ban thờ hai bên tả hữu. Duy chỉ có một câu đối trên bức cửa võng là được đối xứng nhau [PL3, H.15, tr.193]. Các đồ thờ trong di tích ĐLLT không có nhiều và không giữ được nguyên vẹn như ĐLHL.

Tóm lại, bố cục theo dạng thức đối xứng ở ĐLLT, ĐLHL được thể hiện sinh động, từ những lớp trang trí nương theo kiến trúc cho tới những trang trí tùy hứng vẫn tuân thủ lối đối xứng một cách khéo léo có thể theo hàng lối hoặc những lớp lang khác nhau, nhìn xa vẫn đảm bảo tính trật tự nhưng đi vào chi tiết lại cho thấy sự khác biệt trong từng chủ điểm và chủ yếu được sắp đặt theo quy luật đối xứng một cách tương đối nhưng vẫn đảm bảo sự chặt chẽ theo một hệ thống nhất định, bố cục phần lớn được trải dài theo chiều ngang, bên cạnh đó vẫn phát triển theo các chiều dọc, chiều sâu để tạo nên các lớp lang trước – sau, trái phải, trên – dưới, trong – ngoài, ngang – dọc, ẩn – hiện,… ít nhiều sẽ đạt được sự hài hòa trong tổng thể không gian kiến trúc. Với lối bố cục theo dạng thức đối xứng, vị trí các đồ thờ tự hay các cách trang trí bày biện như vậy, phần nào sẽ làm tăng tính nghiêm trang cho các vị thành hoàng chốn thờ tự, lối bố cục được trải dài và phát triển chủ yếu theo hàng ngang làm cho tính chất thần linh không bị đẩy lên cao, có cảm giác thần rất gần với dân nên sự hiện diện của thần linh luôn luôn hiện hữu. Và quan trọng nhất đó chính là tạo cảm giác thần tiên đối với người hành hương khi bước chân vào đình sẽ dấy lên lòng tôn kính và bày tỏ sự thành kính khi hành lễ nhưng cũng đủ tạo sự gần gũi, thân thiện giữa thần và dân.

3.1.2. Bố cục phân tầng

Như chúng ta đã biết, vũ trụ luôn trong trạng thái chuyển động không ngừng, từ tính chất chuyển động ấy mà sinh ra vạn vật, vạn vật được tồn tại theo nhiều hình thức, theo thời gian lại trở về với thiên nhiên và hòa vào vũ trụ. Dựa theo quy luật chuyển động của vạn vật tự nhiên ấy người xưa chia ra vũ trụ thành nhiều tầng. Theo quan điểm của Balamon giáo chia thế giới thành 3 tầng Thiên, Không, Địa, còn cách chia thế giới trong Phật giáo có sự biến thể để thích ứng với việc tu thiền định trong cảnh giới tinh thần mỗi chúng sinh Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Qua một vài quan niệm về sự phân tầng của các tôn giáo trong và ngoài khu vực, rõ ràng sự phân tầng đã nằm sâu trong lớp văn hóa cổ cũng như phổ biến trong các giáo phái khác nhau để từ đó nghệ thuật trang trí ra đời cũng vì thế mà biến đổi cho phù hợp. Nếu nói về sức ảnh hưởng trong việc phân tầng vũ trụ phải kể đến sức ảnh hưởng sâu rộng nhất trong các quan điểm của Nho giáo về việc chia thế giới thành ba tầng gồm: thiên, địa, nhân (nghĩa là:

tầng trời, tầng đất và tầng người) quan niệm này ảnh hưởng rất sâu rộng trong nghệ thuật trang trí ở Việt Nam nhất là nghệ thuật trang trí cổ truyền và đình làng cũng nằm trong số đó. Vì thế, xét trên góc độ nghệ thuật trang trí của người Việt mà cụ thể là nghệ thuật trang trí ĐLLT và ĐLHL thì tính trang trí chủ yếu dựa theo quy luật tồn tại của vạn vật trong thế giới tự nhiên nhằm khai thác vẻ đẹp của các tầng trong vũ trụ, đây cũng là một trong những nét đặc trưng tiêu biểu của nền nghệ thuật trang trí nơi này đã được thể hiện thống nhất trên tất cả các khu vực cũng như chất liệu trang trí ở nghi môn, mái đình, chạm khắc, phù điêu, tranh vẽ trang trí. Trên mỗi khu vực người ta lại tuân theo quy luật phân tầng để tiếp tục lựa chọn và sử dụng các chủ đề trang trí sao cho hợp lý nhất.

Bố cục phân tầng ở ĐLLT và ĐLHL được thể hiện theo 3 tầng cơ bản gồm: tầng trên là trời với những hình tượng nghệ thuật mang ý niệm và tạo hình có gắn liền với những ý niệm sâu xa của thiên nhiên vũ trụ như: mặt trời, mặt trăng, mây, cùng các đao mác tua tủa biểu thị cho sấm chớp, các tạo hình này tuy

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trang trí đình làng Lâu Thượng và đình làng Hùng Lô (Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) (Trang 98 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(253 trang)