Chương 3: BỐ CỤC, KHÔNG GIAN VÀ MÀU SẮC TRANG TRÍ ĐÌNH LÀNG LÂU THƯỢNG, ĐÌNH LÀNG HÙNG LÔ
3.2. Không gian trang trí
Các hình thức trang trí ở ĐLLT và ĐLHL tương đối đa dạng vì thế NCS phân ra thành hai dạng hình thức trang trí không gian khác nhau bao gồm: không gian ngoại đình và không gian nội đình (bao gồm cả không gian chạm khắc), các hình thức không gian này lại phụ thuộc vào không gian tâm linh và không gian văn hóa. Biểu hiện cụ thể như sau:
3.2.1. Không gian trang trí ngoại đình
Không gian trang trí ngoại đình ở ĐLLT và ĐLHL là một hình thái trang trí không gian mang tính tổ hợp cao và có tính chất không cố định bởi vì loại hình không gian ở đây nằm trong một bối cảnh thực có xa có gần kết hợp với các hình thức không gian theo các thể thức trang trí khác nhau (không gian ảo), do vậy đặc điểm không gian trang trí nơi đây vừa mang tính lệ thực lại vừa mang tính ước lệ bởi tính chất thuộc phụ vào kiến trúc và không gian nơi thờ tự nên đã có sự biến đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn. Xét về công năng sử dụng, từ khi ĐLLT và ĐLHL ra đời cho đến nay, ngôi đình đã bao phen thay đổi về chức năng cũng như nghệ thuật trang trí, nhưng tựu chung lại đình có ba chức năng chính là: chức năng tín ngưỡng, chức năng văn hóa và chức năng hành chính…
vì thế không gian trang trí ở ngoại đình đều mang tính linh hoạt và không mang tính áp chế như phần lớn các công trình kiến trúc ở Trung Hoa (tiêu biểu như Tử Cấm Thành).
Ngoài ra, ĐLLT và ĐLHL được quy tụ ở nơi có địa thế đẹp và bằng phẳng trong làng, ĐLLT vẫn giữ nguyên 1 tòa còn ĐLHL theo thời gian được phát triển theo nhiều chiều cả trước, sau, trái, phải thậm chí cả hai bên tả vu và
hữu vu để trở thành một quần thể kiến trúc với nhiều hạng mục như: đầm nước, nghi môn, sân đình, tiền tế, phương đình, đại bái, lầu chuông, lầu trống, nhà Yến Lão, bệ Thần Nông, nhà Văn Chỉ, xung quanh được trang trí điểm xuyết bởi các cây như: cây đa, cây đại, cây cảnh khác (nói chung là các cây dạng um tùm và các cây có dáng nhỏ, thế đẹp để trang trí), việc sử dụng các cây để trang trí nhằm mục đích phô diễn vẻ đẹp tối đa của mái đình thêm nữa cũng như chứng minh rằng đất nơi đây là một vị trí thiêng liêng, là nơi đất lành nên sẽ tạo phúc an cư cho muôn đời, xung quanh là làng mạc thôn xóm để tạo thành một quần thể kiến trúc phức hợp như hiện nay ở ĐLHL. Trong một không gian mang đậm tính chất văn hóa làng xã với đối tượng nghiên cứu hẹp như ở ĐLHL, người nghiên cứu liên hệ với không gian làng xã của người Việt nói chung thì thấy có nhiều điểm tương đồng, nên các kiến trúc gia ở nước ngoài khi sang tới Việt Nam thường ca ngợi dạng không gian này là kiến trúc họa cảnh ý muốn nói lối kiến trúc đình làng Việt nằm trong một cảnh sắc đẹp như tranh và hình ảnh thân thương ấy từ lúc nào đã trở thành một biểu tượng văn hóa làng xã Việt và đi vào câu thơ: “Cây đa, bến nước, sân đình” trong văn hóa Việt Nam.
Không gian ngoại đình Lâu Thượng và Hùng Lô khác với không gian ở các ngôi chùa, đền, miếu cũng bởi một phần công năng sử dụng của nó, đình là nơi để ban bố chính lệnh của triều đình nên gắn bó mật thiết với nhân dân, là nơi đại diện cho quyền thống trị của triều đình tại làng quê, còn chùa là nơi thực hành các nghi thức tôn giáo tín ngưỡng của đạo Phật, nơi người ta thành tâm hướng về Phật để ước cầu sự bình an trong kiếp luân hồi, còn đền là nơi thờ các anh hùng dân tộc có công với làng xã với nhân dân,… xuất phát từ những công năng sử dụng mang tính đặc trưng ấy mà sẽ chi phối tới nghệ thuật trang trí ở mỗi công trình kiến trúc khác nhau, chùa và đền được trang trí nhiều cây cỏ vì thế khi bước chân vào chùa, đền đều gây cho người hành lễ như bước vào một không gian khác nơi sự thư thái dễ chịu và những nhọc nhằn trong cuộc sống ngoài kia như bị bỏ lại bên ngoài, hay nói theo cách của Trần Lâm Biền “như tìm lại được bản chất nguyên sơ của
chính mình, chìm trong tâm mà nghe tiếng thì thầm của vũ trụ”... Vì đình có mối liên hệ mật thiết với nhân dân nên khi bước chân vào đình, người ta có cảm giác rất gần gũi thân thương và không quá nhiều sự thay đổi đột ngột trong môi trường sống, sau này khi nền kinh tế tư nhân có phần phát triển hơn so với trước, nhu cầu sử dụng đình cũng đa dạng hơn người ta dần quây kín ngôi đình giống như đền vì vậy đình còn có thêm chức năng như của đền nữa, vì thế ĐLHL mới có hoành phi đề rằng “Tối linh từ” (tức là ngôi đền linh thiêng nhất).
Việc trang trí không gian ngoại đình của ĐLLT và ĐLHL còn chịu sự ảnh hưởng của luật không gian thấu thị (hay còn gọi là không gian thực), cả hai ngôi đình đều chịu tác động của loại không gian có xa có gần, sáng tối và chịu theo quy tắc gần tỏ xa mờ,… có thể khẳng định rằng, luật thấu thị là một trong những nguyên tắc mang tính vật lý khoa học, do đó sự tác động tới không gian ngôi đình sẽ là cơ sở để phân tích không gian trong nghệ thuật trang trí ĐLLT và ĐLHL mang nhiều hình thức không gian khác nhau. Bên cạnh sự chi phối của không gian thấu thị theo nguyên tắc vật lý, ở ĐLLT và ĐLHL còn thể hiện hình thức không gian mở, trước khi bước vào hai ngôi đình, chúng ta sẽ đắm chìm trong cảnh vật tự nhiên cùng cỏ cây hoa lá (như cây đa trước cổng ĐLHL cây đại trước ĐLLT) [PL3, H.51, H.52, tr.210], nơi không gian mà ánh sáng chan hòa tự nhiên có thể ào vào không gian đình (lòng đình rộng nên nhận được nhiều ánh sáng tự nhiên nhất, còn khu gian chái ở ĐLLT có hệ thống song cửa nên ánh sáng lọt vào có phần hạn chế hơn), thậm chí có những khu vực ánh sách luồn lách, len lỏi trên các cấu kiện kiến trúc và đồ thờ để tạo nên một không gian nửa thực nửa ảo. Thêm nữa, ĐLLT và ĐLHL ngay khi mới khởi dựng, đều có lối kiến trúc hình chữ nhất với tứ bề thông thoáng mà không có hình thức tường bao che, lối kiến trúc này rất phù hợp cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân ở làng quê nói chung và làng quê Phú Thọ nói riêng, cứ mỗi khi hội đến xuân về ở trước cửa đình người ta lại tụ tập bất kể các tầng lớp già trẻ gái trai tất thảy đều nô nức đi chảy hội, vui thích với lễ nghi đón rước cùng những màn diễn xướng dân gian đặc
sắc như: tế lễ, hát cửa đình (những cảnh diễn xướng này đã được khắc họa rất sinh động trong nghệ thuật chạm khắc và tranh trang trí trên ván gỗ ở ĐLHL).
Mặt khác, không gian trang trí ngoài kiến trúc ĐLLT và ĐLHL còn mang tính ước lệ cao, đây là hình thức không gian mà có thể dựa theo một hình thể nhất định nào đó để làm hình thù ngăn cách, đó có thể là đồ vật, hình vẽ, tượng, ván giong, cửa võng, bình phong để làm giới hạn ước lệ hoặc dùng sự liên tưởng hay trí tưởng tượng của con người mà thành. Nghệ thuật ước lệ là sản phẩm của tư duy nghệ thuật cổ nhằm miêu tả hiện thực theo lối tượng trưng không đi theo lối tả thực đem lại cho không gian trang trí thêm phần trang nhã, có phần cô đọng xúc tích. Trong nghệ thuật trang trí ngoài không gian kiến trúc đình làng, người ta hay mượn dùng một số đồ vật có các hình thể khác nhau để làm cớ nhằm ngăn cách các đối tượng giữa các khu vực trang trí như: cây cối, chất liệu, ánh sáng, nguồn nước, gò đồi, bãi bồi, bình phong. Đối với nghệ thuật trang trí trong không gian kiến trúc người ta dùng giới hạn ước lệ bởi các đồ thờ, hương án, cửa võng, ánh sáng, bậc giật cấp. Còn nghệ thuật trang trí trên kiến trúc thì không gian ước lệ được giới hạn bởi các đường hướng, màu sắc, tỉ lệ, đậm nhạt, hình thể… Cụ thể:
Trang trí ngoài không gian kiến trúc ĐLLT và ĐLHL xung quanh khu vực đình đều có trồng một số cây xanh biểu tượng cho sự sống và trục thông linh nối giữa tầng trời và tầng đất như: ở ĐLLT xung quanh khu vực ngoài tường bao ở nghi môn được trang trí bởi 2 hàng cây bàng rợp bóng mát, cạnh cây bàng là các cây ăn quả và lấy bóng mát như xoài, bạch đàn, đi vào trong sân đình người ta trồng hai bên gian trái và gian phải đình gồm hai cây đại, kế bên là cây cau với dáng thẳng, phía sau hậu cung cũng được điểm xuyết bởi cây đại lớn. Còn ở ĐLHL phía trước nghi môn có một đầm nước gọi là đầm cửa đình, cạnh đó có trồng một cây đa rất lớn, sau nghi môn được trồng hai cây đại, quanh trong khuôn viên đình được điểm xuyết bởi rất nhiều các loại cây có dáng nhỏ khác nhau. Bên cạnh hệ thống trang trí bằng cây cối, hai ngôi đình còn được sử dụng
các nguồn ánh sáng từ tự nhiên tràn vào trong lòng đình trên hương án là hệ thống đèn nến với nguồn ánh sáng ấm cũng là một trong những chất liệu để tạo nên một không gian mang tính ước lệ vừa thực vừa hư trong không gian thờ tự.
Xét về mặt vật lý nguồn ánh sáng biểu thị cho nguồn năng lượng dương tràn vào, lòng đình biểu thị cho năng lượng âm vì thế mà âm dương hòa hợp, hoặc hệ thống đầm nước là biểu hiện của thủy tụ của năng lượng âm, sau lưng đình thường dựa vào vách núi hoặc chân đồi trong thế sơn chầu biểu thị của nguồn năng lượng dương, mái đình biểu thị là bầu trời, nền đình được ví như mặt đất.
Cứ như vậy từng cặp đôi âm dương đối ứng nhau, cặp này có liên kết với cặp kia để tạo nên một không gian có âm dương hòa hợp trong tổng thể không gian kiến trúc của ngôi đình.
3.2.2. Không gian trang trí nội đình
Từ không gian mở bên ngoài kiến trúc ĐLLT và ĐLHL, khi bước vào trong lòng đình lập tức ta lại chìm ngay vào không gian mang tính chất tâm linh - không gian tâm linh là một trong những không gian tồn tại ngoài không gian vật lý. Theo Phật giáo, Thiên chúa giáo, Balamon giáo hay bất kỳ các tôn giáo nào trên thế giới đều thống nhất cho rằng, vũ trụ ngoài các thể vật chất trong giới tự nhiên còn có một thế giới khác tồn tại độc lập và và có cuộc sống như cõi thực, tùy theo từng tôn giáo mà trong đó có thể là những Thiên Thần, Chúa, Phật, nơi mà cây cỏ hoa lá, nhà cửa muông thú cũng nhộn nhịp không kém cõi trần gian. Tuy nhiên, tính chất tâm linh không thể chỉ tồn tại độc lập mà bản thân mỗi người khi diện kiến các vị thần làng cũng tự đã có một cõi tâm linh của riêng mình nó phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức chủ quan của mỗi người, có niềm tin vào các vị thần để bày tỏ lòng cầu ước, đây là nút thắt quan trọng nhất, là cửa ngõ để hai thế giới vật lý và thế giới tâm linh gặp nhau. Xuất phát từ truyền thống nông nghiệp gắn với đời sống trồng tỉa, cuộc sống của người nông dân chỉ xoay quanh cấy hái và mùa vụ, cho nên hàng năm trước hay sau mỗi mùa vụ
người ta tổ chức các lễ hội để tế trời đất, để báo cáo hay cầu ước một năm mưa thuận gió hòa thông qua các tục như tục cầu mưa, tục cầu mùa, tục rước nước.
Từ những đặc trưng cơ bản về văn hóa này, nên từ kiến trúc đình làng cho tới trang trí kiến trúc đình làng của người Việt nói chung, ĐLLT và ĐLHL nói riêng đều lấy sự hòa hợp với thiên nhiên làm gốc, trong không gian đó cùng với lối trang trí, tất cả đều được gửi gắm những ước vọng, niềm tin của những người lao động về một năm thuận lợi thông qua nhiều hình thức trang trí như chạm khắc, tranh trang trí trên gỗ, phù điêu, tượng,... Không gian tâm linh được bao trùm bởi khói hương nghi ngút trên ban thờ cùng các đồ trang trí lộng lẫy ở các đồ thờ tự sẽ đưa ta lạc trong cõi thâm nghiêm. Rồi từ những hoạt cảnh dân dã cho tới những con rồng, con lân, con hổ được chạm khắc theo nhiều tư thế khác nhau ở nhiều vị trí như trên hương án, cửa võng, cốn, bảy, kẻ. Bên cạnh những con vật linh được bày biện, chạm khắc, hay vẽ theo lối tối giản thì hình ảnh các Tiên Đồng, Ngọc Nữ chắp tay hầu thánh, hầu thần cưỡi những linh thú và trong tư thế chầu cũng là một trong những biểu tượng làm tăng tính chất uy linh nơi thần điện. Trong toàn bộ lòng đình được bày biện bởi các đồ thờ tự như bát bửu, chấp kích và sự hiện diện của các vị Thành Hoàng làng dường như rõ hơn khi được thể hiện bằng hình thức tượng thờ (ĐLLT) hay ngai thờ và mũ thờ (ĐLHL), qua các đồ thờ tự và nhìn ngắm các mảng chạm khắc ít nhiều cũng khiến tâm hồn ta thư thái, thảnh thơi và trào dâng lên lòng tự hào dân tộc trong không gian văn hóa Việt Nam.
3.2.2.1. Không gian ước lệ
Nếu hình thức ước lệ được trang trí ngoại đình ĐLLT và ĐLHL được sử dụng các chất liệu thiên nhiên như: đầm nước, nghi môn, ánh sáng, tả vu, hữu vu, bãi bồi, cây cối,… để lấy cớ ngăn cách cách đối tượng giữa các khu vực được trang trí thì hình thức trang trí đại đình mang nhiều tính ước lệ có phần khác biệt hơn được sử dụng đa dạng trên các hình thức trang trí khác nhau như: tòa đại đình làm bằng gỗ mang tính ấm, nề ngõa được đắp nổi cùng tường bao xây bằng xi
măng mang tính hàn, cho tới cách dùng các màu sắc nóng, lạnh trên các đồ thờ, tranh vẽ, hay các mảng chạm khắc,… tất cả lại chịu sự tác động của nguồn sáng mạnh yếu khác nhau bởi ánh sáng tự nhiên hay ánh sáng của đèn nến. Dưới ánh sáng, các khối hình to nhỏ, tương quan có đậm, nhạt được biểu hiện rất rõ nét, ánh sáng mạnh các khối hình trở nên rõ ràng khúc triết, ánh sáng yếu khối hình màu sắc trở nên mờ ảo nhạt nhòa hơn, kết hợp với tính ước lệ của cây hương như một vật dẫn, là trục tiếp nối giữa tầng trời và đất. Trong không gian mang tính ước lệ ấy, hệ thống các cột dựng lên để tạo lực đỡ mái nhưng cũng là một cách ước lệ chia không gian nơi thờ tự thành 3 gian như ở ĐLHL hay 5 gian như ở ĐLLT chia thành 5 gian, cửa võng chia đôi ngăn cách giữa khu vực hành lễ với nội cung.
Mặt khác tính ước lệ còn được thể hiện trong các hình tượng nghệ thuật trang trí, vẫn là hình ảnh những cây cối, con vật, con người, khối hình vật dụng ấy nhưng nằm trên một diện phẳng như trong các bức tranh trang trí hoặc diện 2 chiều như trong các bức phù điêu hay thậm chí cả 3 chiều như các bức tượng mà tính chất ước lệ ở đây được sử dụng với lối tạo hình mang tính nghệ thuật cao chứ không phải sự bắt chước hay sao chép từ thực tiễn, nhờ đó mà người thưởng thức có thể tưởng tượng ra vô vàn những lớp nghĩa trong cùng một tác phẩm trang trí. Tính ước lệ ở ĐLLT và ĐLHL mặc dù có sự tối giản trong cách nhìn tổng thể nhưng vẫn cô đọng hàm súc trong các chi tiết, một chi tiết như giơ tay trong cảnh người đấu hổ (Hùng Lô), hay tư thế chắp tay (Lâu Thượng), hay dáng tay rồng mẹ như tóm lấy rồng con,… cũng đủ để gợi cho người xem hình dung ra những hành động ấy rất đỗi thân thuộc trong cuộc sống đời thường.
Ngoài ra, phương pháp ước lệ còn thể hiện trong việc lựa chọn hoạ tiết, họa tiết được cách điệu đơn giản, giữ lại những đặc điểm chính và lược bỏ chi tiết thừa theo đúng cách thức của các nguyên tắc trang trí, một số con vật như:
trâu, lợn, khỉ, rùa, cá, chuột, thạch sùng, rắn đều được đem ra sử dụng để trang trí nhưng ở mức thể hiện tối giản, tuy một khu vực có phần cầu kỳ chi tiết nhưng tựu chung đều đã được cách điệu hóa và mang ý nghĩa biểu tượng cao chứ không