Chương 3: BỐ CỤC, KHÔNG GIAN VÀ MÀU SẮC TRANG TRÍ ĐÌNH LÀNG LÂU THƯỢNG, ĐÌNH LÀNG HÙNG LÔ
3.3. Màu sắc trang trí
3.3.1. Màu sắc tự nhiên của nguyên vật liệu
Màu sắc trang trí ở ĐLLT và ĐLHL có đặc điểm cơ bản nhất là mang tính tự nhiên. Xuất phát thực tiễn mùa vụ cấy hái quanh năm đầu tắt mặt tối “Bán mặt cho đất bán lưng cho trời” cùng thời tiết khắc nghiệt quanh năm hạn hán,
bão, lũ, lạnh giá,… nên trong văn hóa của người Việt dần hình thành nên tư tưởng sâu sắc hòa hợp với tự nhiên, lấy thiên nhiên làm gốc, do đó kiến trúc ĐLLT và ĐLHL cũng giống như những ngôi đình làng trên cả nước được phát triển theo chiều ngang, có thế cân bằng và vững chãi khi toàn bộ phần nền bám chặt xuống đất, tứ bề thông thoáng nên ánh nắng chan hòa ngập tràn trong không gian đình. Bên cạnh đó màu sắc trang trí trong kiến trúc ở ĐLLT và ĐLHL mang tính tự nhiên, có xu hướng trầm ấm khác hẳn với những gam màu tươi tắn, sáng rỡ của những màu sơn đỏ rực, xanh trên ngói ống, men vàng trên kiến trúc truyền thống của người Trung Hoa.
Nhìn bao quát từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài, phần lớn kiến trúc của ĐLLT và ĐLHL đều được sử dụng từ nguyên vật liệu mang tính tự nhiên, ngoài chất liệu gỗ trầm ấm, cho đến các nề, ngõa cũng có gam màu lạnh (mặc dù cũng có sự tham gia của các chất liệu khác như sành, sứ nhưng hiệu ứng thời gian làm cho tác phẩm có phần rêu phong), mái ngói được làm từ đất nung với nhiệt độ cao để thành ngói nên ngói có màu của nâu đỏ theo thời gian có ngả rêu đen càng tạo nên nét trầm cổ kính, nền đình ở ĐLLT được lát gạch màu xám nhạt, hai bên gian chái đình được tạo hình giật cấp và sàn có lát gỗ màu xám. Nhìn tổng thể ngôi đình với màu sắc mang tính tự nhiên nằm ấp ủ dưới tán cây không quá phô trương về màu sắc, kiến trúc mái lớn dàn trải sang hai bên nhưng không gây cảm giác nặng nề đã khiến ĐLLT và ĐLHL có xu hướng trầm ấm, mộc mạc, giản dị mà không kém phần trang nhã. Với lối trang trí và kiến trúc mang tính thuần Việt, đây chính là thành quả trong quá trình tích tụ văn hóa từ ngàn năm để tạo nên một bản sắc văn hóa mới nhưng không xa rời lịch sử, mang những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người dân tộc Việt Nam, như một số biểu hiện ban đầu trong văn hóa hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn trong thời kỳ đồ đá mới của người Việt, con người đã biết dùng các vật liệu thiên nhiên như cuội, đá để chế tác các công cụ lao động (rìu đá), dùng đất để làm gốm, ngoài ra người ta còn dùng xương động vật, gỗ để chế tác công cụ săn bắn, bước sang giai đoạn đồ
đồng thời kỳ Đông Sơn, một loạt các hiện vật được tìm thấy có liên quan tới các chất liệu lấy từ thiên nhiên như: rìu đá, trống đồng, thạp đồng, trang sức bằng thủy tinh, quan tài bằng gỗ (mộ Việt Khê),… sang các giai đoạn sau này như Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, các chất liệu nghệ thuật lấy từ thiên nhiên vẫn được khai thác triệt để nhất là nghệ thuật tạo tác gốm (được làm từ đất) đặc biệt rất được phát triển trong các giai đoạn Lý, Trần, Nguyễn, hay các công trình kiến trúc tôn giáo đều được làm từ gỗ như chùa, đền, đình, miếu,… ngoài kiến trúc tôn giáo được làm bằng gỗ thì còn có lối kiến trúc nhà ở theo kiểu “nhà tranh, vách đất” của người dân, hay như một số dòng tranh nổi tiếng vẫn tồn tại cho đến ngày nay là dòng tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh làng Sình (Huế), tranh Hàng Trống (Hà Nội) được làm từ giấy dó và màu vẽ lấy từ chất liệu thiên nhiên…
Những người thợ chạm khắc ở ĐLLT và ĐLHL nói riêng vừa là nhà kiến trúc vừa là người thợ mộc, họ đưa các vật dụng lấy từ tự nhiên để đưa vào các tác phẩm nghệ thuật để làm vật liệu trang trí, họ đẽo gọt từng thân gỗ để làm cột đình, vuốt ve từng mảng chạm trên từng cấu kiện để làm các bức tranh sống động trên thân gỗ, cho tới việc dùng thước tầm giản dị để dựng đình,… thế nên qua thời gian, những ngôi đình cổ kính rêu phong không sử dụng vật liệu công nghiệp hay sơn vẽ màu sắc để làm vật liệu phủ lấp bề mặt gỗ càng cho thấy giá trị và sức hấp dẫn lạ kỳ, chẳng thế mà người ta ra sức bảo vệ những gì là thời gian và cả sự cổ kính. Theo như Pierre Gourou nhận định trong cuốn sách Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ: “nhà ở của người Bắc Kỳ không phải là những túp nhà dị dạng mà là những công trình tuân theo một kiểu cách và những quy tắc kiến trúc đã được thời gian thử thách, hài hòa với khung cảnh thiên nhiên”[134]
cho ta thấy cái nhìn rất chí lý, nhưng ý kiến này thực sự chưa đầy đủ mà cần phải mở rộng hơn khi những ngôi đình cũng mang màu sắc hài hòa với thiên nhiên trong khung cảnh nông thôn êm đềm.
3.3.2. Vẽ màu lên gỗ
Ban đầu, kỹ thuật dùng màu phủ lên gỗ chỉ là hình thức sơn son thếp vàng được sử dụng trong các khu vực như: hương án, ngai thờ, mâm bồng, hoành phi, câu đối,... sau này trong quá trình trùng tu tôn tạo di tích, hình thức vẽ màu được thêm vào và sử dụng rất nhiều ở các vị trí như: cột, kèo, xà, bảy (thậm chí cả trên tường bao và tượng lân trên cột trụ như ở ĐLHL),... Mặc dù khi bước chân vào đình ta sẽ thấy hình thức vẽ màu trên gỗ được sử dụng với số lượng lớn và rất nổi bật, song về bản chất kỹ thuật dùng màu không mang nhiều giá trị về thời gian và ít tính nghệ thuật. Hiện nay diện mạo của ĐLLT và ĐLHL đều đã sử dụng màu sắc để sơn phủ lên một số kiến trúc và chạm khắc. Dựa theo ảnh chụp trong cuốn Đình Việt Nam của Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự được xuất bản vào năm 1998, trong đó có những bức ảnh được chụp kiến trúc và chạm khắc của ĐLLT với một số bản chạm khắc gỗ có màu được trang trí bên cạnh những bức chạm khắc để mộc, qua ảnh cho thấy có một số ảnh chụp các bức rồng ổ trên ván giong chỉ được sơn phủ một màu đỏ ở phần nền còn toàn bộ phần chạm khắc để gỗ mộc, đánh giá bước đầu cho thấy các bức chạm trên hệ thống bộ vì nối với hậu cung có sử dụng màu để tô điểm nhưng theo thời gian màu sắc cũng không còn tươi thắm thậm chí một số khu vực cũng đã ngả màu. Như vậy dựa theo tư liệu rất xác thực trong cuốn Đình Việt Nam cho thấy hình thức vẽ màu trên gỗ ở ĐLLT có thể được ra đời vào những năm muộn về sau khi phong trào sơn màu cho kiến trúc phát triển mạnh mẽ. Tuy hình thức trang trí màu ở hai ngôi đình Lâu thượng và Hùng Lô cũng có nhiều vị trí và số lượng tương đối khác biệt song về bản chất cả hai ngôi đình đều mang những đặc điểm điển hình trong việc sử dụng hình thức này để trang trí, biểu hiện ở một số đặc điểm như sau:
Ở ĐLLT: không sử dụng các màu để tô vẽ thành tranh hay sơn lên cột cái và cột quân như ĐLHL mà màu chỉ được sử dụng trong việc sơn phủ lên bề mặt của một số bức chạm khắc, tượng thờ, tượng trang trí và bức cửa võng ở khu vực trung đình, còn lại toàn bộ hệ thống kiến trúc hay các phù điêu đắp nổi được để
mộc hoàn toàn. Một số cảnh trong các bức chạm khắc được sơn màu như: rồng ổ, người cưỡi thú, các tiên đồng ngọc nữ hầu thánh, các con thú, vật linh như rồng, rắn, và mây nước đao mác gắn trong chạm khắc nhằm tô điểm các chi tiết nhấn nhá hoặc trang trí để làm tăng ý đồ biểu cảm cho tác phẩm, phần lớn các mảng chạm khắc rồng được vẽ màu sắc bắt mắt như: vàng, trắng có nhấn nâu, đỏ, chàm…. [PL3, H.23, tr.197].
Ở ĐLHL: từ kiến trúc cho đến chạm khắc, tượng trang trí, đồ thờ tất cả đều sử dụng màu sắc để trang trí. Việc sử dụng màu sắc để trang trí trên các hình thức trang trí ấy không biết có từ bao giờ song qua một số tư liệu của ảnh từ những công trình đi trước như Đình Việt Nam (1998), Đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ (2013),… hay qua một số ảnh trong luận án của Trần Đình Tuấn về Hình tượng con người trong nghệ thuật chạm khắc đình làng vùng châu thổ sông Hồng (2012),.. tất cả đều cho thấy ĐLHL có hình thức sơn vẽ màu trên kiến trúc, (cho đến thời điểm hiện tại, người nghiên cứu cũng chưa tìm ra được tư liệu nào khác những tư liệu trên đây có ảnh chụp, nhằm chứng minh trước đây ĐLHL toàn bộ được để trơn thớ gỗ và không có hình thức vẽ màu, đây cũng là một sự thiếu sót về tư liệu trong quá trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu đi trước).
Ngoài hình thức vẽ màu trên kiến trúc và chạm khắc thì màu sắc được sử dụng ở ĐLHL phần lớn được thể hiện trên các tranh vẽ trang trí trên gỗ trong đó một số bức họa được thể hiện khá cầu kỳ và đẹp mắt, cũng cho thấy có nhiều sự đầu tư về tạo hình, tỉ lệ, phối màu hài hòa chứ không phải lối vẽ tùy hứng, tùy tiện và ít tính giá trị như một số cách vẽ màu trên tường ở những ngôi đình mới trong thời kỳ hiện đại. Xét về niên đại, theo một số lời các cụ kể lại, một số bức chạm bị hỏng nên được thay thế bởi các bức tranh trang trí bằng màu, nhưng tính về số lượng còn vượt trội hơn so với các bức chạm khắc nơi đây. Qua nghiên cứu điền dã thực tế cho thấy số lượng các bức vẽ trên gỗ hai bên gian trái, phải là ngang nhau, các vị trí sắp đặt cũng tương tự như nhau điều này cho thấy có thể trong thời gian đầu nó được lấp chỗ trống cho một vài bức chạm bị hỏng nhưng qua thời
gian, người ta chủ động vẽ thêm vào để trang trí cho đẹp mắt chứ không đơn thuần chỉ là hình thức che lấp như ban đầu nữa. Một số bức vẽ bạc màu chỉ thể hiện được một số ít phần hình và màu rất xỉn có nhiều khả năng được vẽ vào giai đoạn trùng tu lớn vào thời Nguyễn và một số bức có màu sắc tươi mới hơn như bức hổ, rùa cõng thư, rồng chầu… được sơn lại hoặc vẽ bổ sung trong các giai đoạn sau này, nhưng phong cách không quá chênh lệch chứng tỏ chúng có niên đại khá gần nhau chỉ khoảng TK XIX trở về đây.
Việc sử dụng màu để trang trí kiến trúc ở ĐLHL được sử dụng rất nhiều trong khi đó ở ĐLLT toàn bộ hệ thống kiến trúc được để mộc và chỉ sơn phủ rất ít ở một số vị trí như hoành phi, câu đối trên bức cửa võng mà thôi. Màu sắc được sử dụng phần lớn là những gam màu khá bắt mắt chủ yếu là những màu có sắc ánh đỏ và vàng để tạo nên một kiến trúc lộng lẫy sơn son thếp vàng. Khi mới thoạt nhìn, ở một số đầu ráp nối của kiến trúc cũng được sơn vẽ theo hoạ tiết trang trí trên đó, một số các đường chỉ, đường gờ cũng được nhấn nhá bằng những bảng màu cơ bản như trắng, đỏ, vàng, xanh. Toàn bộ hệ thống màu còn được nhấn nhá trên cửa ra vào, cùng một số vật dụng trong các đồ thờ như bát bửu, chấp kích, tam sơn, hoành phi, câu đối, rùa - hạc, cờ, lọng. Còn ở ĐLLT màu sắc tuy cũng được điểm ở một số khu vực như khu vực khám thờ, các đồ thờ, tượng thờ, cờ, lọng, song màu sắc có độ trầm hơn và số lượng sử dụng cũng không nhiều nên khi nhìn tổng thể sẽ thấy sự mộc mạc choán ngợp nơi đây.
Việc sử dụng màu để tô điểm trang trí trên các bức chạm khắc đều được sử dụng triệt để trong ĐLLT và ĐLHL, gam màu có phần giống với các bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống. Nếu trên các bức chạm khắc màu sắc được điểm xuyết nhấn nhá bằng những màu sắc trông bắt mắt, thì màu sắc trên một số bức tranh vẽ có sự hài hòa với những gam màu trầm hơn, bên cạnh đó các màu xanh được sử dụng phần lớn trên chất liệu sứ và sắc nâu đỏ vàng được sử dụng trong các sắc phong và một số đồ thờ. Nhìn chung, bảng màu phần lớn được sử dụng là các màu cơ bản, ít pha trộn, thường chỉ có năm
đến sáu màu (vàng, đỏ, nâu, trắng, chàm, lục, xanh than). Trên một số mảng chạm rồng ổ màu đỏ được sơn phủ trên nền, thân rồng được tô vẽ màu vàng nhạt, móng và răng rồng có màu trắng sứ, còn một số các họa tiết khác được nhấn nhá bởi màu xanh, đỏ, vàng đã bạc màu theo thời gian.
Đối với nghệ thuật vẽ tranh trang trí trên gỗ, trong thời điểm hiện tại duy chỉ có ở ĐLHL được trang trí theo hình thức này, tuy nhiên theo tài liệu của Chu Quang Trứ đã viết Về phong cách và niên đại Đình Lâu Thượng vào năm 1969 [106] (hiện đang lưu hành nội bộ tại Viện nghiên cứu Mỹ thuật (Hà Nội)) cho biết ở ĐLLT có hình thức vẽ màu trên gỗ (có thể giống như các bức tranh trang trí ở ĐLHL) và khẳng định nó rất mờ nhưng rất tiếc tác giả cũng không nêu được cụ thể về hình thức này có đề tài gì, màu sắc được sử dụng ra sao, bố cục được sắp xếp như thế nào… khiến cho việc nghiên cứu về tranh vẽ màu trên gỗ ở đây càng trở nên khó khăn hơn. Qua quá trình khảo sát thực tế, NCS không phát hiện ra bức vẽ nào theo như mô tả của Chu Quang Trứ, cũng có thể qua nhiều đợt trùng tu tôn tạo, các bức tranh vẽ trên gỗ đã bị hỏng nên người ta bỏ đi. Dù là lý do nào đi chăng nữa thì chí ít cũng là manh mối khá xác thực trong việc khẳng định đã từng tồn tại hình thức vẽ màu trên gỗ ở ngôi đình này.
Màu sắc sử dụng trong trang trí trên kiến trúc ở ĐLLT và ĐLHL mang tính chất tương phản rõ rệt, trong đó chủ yếu tương phản về màu sắc giữa những sắc nóng, sắc lạnh và các đậm nhạt khác nhau của màu sắc, thậm chí nghệ thuật sử dụng màu sắc ở hai ngôi đình còn thể hiện tính chất tương phản theo quy luật âm dương rõ nét, trong đó âm là sắc tối, dương là sắc sáng, âm là sắc lạnh, dương là sắc nóng. Việc sử dụng càng nhiều màu nóng thì càng tích tụ nhiều năng lượng dương và ngược lại tô điểm nhiều sắc lạnh sẽ khiến cho không gian trở nên tĩnh tại. Trong cả hai đình, phần lớn việc sử dụng các sắc sáng, tối, nóng, lạnh được phối hợp một cách hài hòa gây nên cảm giác dễ chịu cho mắt, tuy nhiên, xét về tổng thể, màu sắc nóng được sử dụng phần lớn ở ĐLHL, từ màu son đỏ trên cánh cửa cho tới màu đỏ của cột, màu son trên tranh vẽ, màu đỏ nâu
điểm nhấn trong các bức chạm…, sắc lạnh chỉ được điểm xuyết trong một số bức chạm khắc,... Lý giải về điều này, có thể do ngôi đình có bộ mái thấp và lòng đình hẹp nên nguồn sáng lọt vào đình không nhiều nên việc sử dụng các màu nóng phần nào sẽ giúp cân bằng lại về hai sắc nóng – lạnh chăng?. Theo quan niệm dân gian, việc điều tiết về âm – dương hòa hợp bằng hai sắc nóng – lạnh là một trong những cách có thể miêu tả quá trình vận động của vũ trụ để từ đó thuận lợi cho sự sinh sôi và phát triển của muôn loài.
Bên cạnh các màu sắc cơ bản được sử dụng ở hai ngôi đình thì tương quan cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công trong việc sử dụng màu sắc để gia tăng tính chất trang trí, nhất là tương quan về đậm nhạt (sắc độ của màu sắc). Trong nghệ thuật vẽ màu trên ván gỗ ở ĐLHL các nghệ nhân dân gian đã sử dụng màu một cách rất khéo léo, với bảng màu nguyên chất tưởng như sống sượng nhưng dưới con mắt và bàn tay tài hoa các nghệ sỹ đã tạo ra các tác phẩm trang trí mang tính thẩm mỹ thực sự, các màu đặt cạnh nhau rất hài hoà và ăn ý, những cặp màu có tính chất đối lập như đỏ – vàng đã được sử dụng là gam màu chủ đạo, xuyên suốt trong các bức vẽ màu, ngoài ra điểm xuyết bởi các màu sắc khác như: xanh, đen, trắng tiêu biểu trong một số bức như hoa sen, hổ phù, ông Bành Tổ câu cá [PL3, H.83, tr.226].
Qua một số bức tranh vẽ màu trên ván gỗ ở ĐLHL như: ông Bành Tổ câu cá hay các bức tranh phong cảnh điểm người [PL3, H.82, tr.225] đã cho thấy ít nhiều có sự ảnh hưởng về đề tài cũng như phong cách thể hiện của lối vẽ quốc họa Trung Hoa. Có thể thấy một số tấm ván giong trong ĐLHL được sơn vẽ theo các điển tích ở Trung Hoa, tuy nhiên cách vẽ cùng hòa sắc họa tiết được thể hiện theo lối trang trí mảng phẳng và sử dụng các gam màu ấm làm trọng tâm có nhiều nét dân gian dung dị như trong những bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống ở Việt Nam.
Ngoài ra, việc sử dụng màu sắc để trang trí trong cả hai đình đều được khai thác khá nhiều, nếu có cũng chỉ có thể được sử dụng từ TK XIX. Còn lại