Chương 2. PHÂN BIỆT TỪ ĐỒNG NGHĨA ĐỘNG TỪ TIẾNG HÁN VÀ TIẾNG VIỆT
2.5 Dãy từ đồng nghĩa cho, biếu và tặng
Về cơ bản, ba từ này đều là động từ, về mặt cú pháp, không khác mấy và khả năng kết hợp của chúng cũng tương đương như nhau, nên trong mục này, ta không bàn về việc so sánh cú pháp của ba từ này mà chủ yếu tập trung vào việc so sánh ngữ dụng, trong phần so sánh ngữ nghĩa chủ yếu trình bày quan điểm về ba từ này của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam.
2.5.1 So sánh ý nghĩa từ vựng của cho, biếu và tặng
Trong từ điển của Hoàng Phê, cho có nghĩa là: chuyển cái thuộc sở hữu của mình sang thành của người khác mà không đổi lấy gì cả [5, tr. 230]; biếu có nghĩa là: cho, tặng [thường người thuộc hàng trên, bậc trên] mang ý nghĩa trang trọng [5, tr. 95]; tặng có nghĩa là: cho, trao cho nhằm khen ngợi, khuyến khích hoặc để tỏ lòng quý mến và mang ý nghĩa trang trọng [5, tr. 1175].
Trong sổ tay từ đồng nghĩa tiếng Việt của Trí Tuệ, ba từ này được phân biệt như sau: cho – tự nguyện đưa một vật gì đó vốn của mình để người khác dùng và có quyền sở hữu [22, tr. 42]; biếu – cho vật gì mà đối tượng là người bậc trên đáng kính trọng [22, tr. 42]; tặng – cho đối tượng là người thân thường cùng lứa tuổi hoặc bậc dưới [22, tr. 43].
Nói tóm lại, ba từ này đều có ý nghĩa trao cho ai một vật gì đấy, chúng khác nhau ở chỗ là: cho mang sắc thái biểu cảm bình thường, thân mật, là thái độ của người cao hơn đối với người thấp hơn; tặng thể hiện sự long trọng, có ý nghĩa cao quý; biếu thể hiện sự tôn trọng của người dưới với người trên. Sự giải nghĩa về ba từ này của Hoàng Phê và Trí Tuệ trên đại khái là giống nhau. Nhưng chỉ có giải nghĩa này các học viên học tiếng Việt nước ngoài cũng khó để nắm vững được cách dùng của chúng. Dưới đây ta sẽ phân biệt ba từ này dưới bình diện dụng học.
2.5.2 So sánh ý nghĩa ngữ dụng của cho, biếu và tặng
Cho thường dùng trong cuộc giao tiếp với vai của người trao (có khi trùng
với người nói) cao hơn hoặc ngang hàng với vai của người nhận (có khi trùng với người nghe). Ví dụ như:
(1) Cách thương con đúng đắn nhất là cho con được thành người, chứ không phải cho con tiền của của bố mẹ. [Giáo dục thời đại]
Nhưng cũng có khi cách dùng của cho sẽ mang tính chất suồng sã, tức là người trao có vai thấp hơn người nhận, họ vẫn dùng cho. Khi đó, người ta đã vi phạm quy tắc giao tiếp. Ngoài ra, người nhận vốn có vai cao hơn người trao, họ cũng có thể tự nói về hành động cho của người trao đối với mình. Bởi vì các từ đồng nghĩa trong bài luận văn này chỉ giới hạn trong lĩnh vực xã hội, chính trị, chúng mang tính chất chình thức, rất ít khi sử dụng cho trong những trường hợp như trên đã nêu, nên ta không bàn nhiều về hai trường hợp đấy.
Khi người trao có vị thế thấp hơn hoặc bằng người nhận, người Việt thường dùng biếu để biểu thị thái độ kính trọng của người trao đối với người nhận. Ví dụ như:
(2) Thực hiện nghiêm kỷ luật hành chính, cấm uống bia, rượu trong giờ làm việc, buổi trưa; cấm biếu quà lãnh đạo trong dịp Lễ, Tết; cấm sử dụng xe công đi lễ hội; chấn chỉnh việc cấp biển số xanh cho ô tô doanh nghiệp và nhận ô tô do doanh nghiệp biếu tặng. [ Báo cáo tình hình KT-XH năm 2017 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018]
(3) ―Nhân dịp này, tôi xin biếu cụ một cái áo mà đồng bào đã biếu tôi..." Đối với người cao tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phản đối quan niệm "lão già an chi" và "lão lai tài tận" (tuổi cao thì an phận nghỉ ngơi, và tuổi càng cao thì tài cũng hết). [Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam]
Trong ví dụ (58), người biếu quà thường có vị thế thấp hơn lãnh đạo; Bác Hồ sỡ dĩ nói biếu trong ví dụ (59) là vì ―cụ‖ lớn tuổi hơn Bác, còn đối với đồng bào, có thể ngang hàng với Bác, Bác nói biếu để biểu thị sự tôn kính với đồng bào.
Khi người trao có vị thế cao hơn người nhận mà vẫn dùng biếu, lúc đó thì hơi giống nguyên tắc ―xưng khiêm hô tôn‖ trong cách xưng hô khi giao tiếp của
người Việt. Ví dụ như:
(4) Về phần mình, Hồ Chí Minh đã "xung phong gửi chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ǎn của tôi".
[Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam]
Như nội dung trình bày về cho và biếu ở trên, ta có thể thấy những gì được cho hoặc biếu thường mang giá trị vật chất hoặc có ý nghĩa sử dụng, rất ít khi được sử dụng với những từ ngữ chỉ vật chất là những cái mang giá trị tinh thần.
Khi dùng tặng, quan hệ về vị thế giao tiếp giữa người trao và người nhận có thể cao, thấp hơn hoặc bằng nhau, ví dụ như:
(5) Nghị định số 99/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Nghị định số 102/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài. Tổ chức chu đáo việc tặng quà nhân các dịp lễ, Tết; đã chi trên 355 tỷ đồng tặng quà nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh liệt sĩ. [Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019]
(6) Điều đáng tiếc trong việc tặng trẻ thùng quà thật to nhưng rỗng ruột đã khiến trẻ cảm thấy mình phải đóng vai diễn viên trên sân khấu nhằm đạt mục đích nào đó cho người lớn. [Tiền phong]
(7) Khám phá biệt thự trăm tỷ bạn trai tặng Hoa hậu đẻ nhiều con nhất showbiz Việt. [Báo mới]
(8) Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ gửi lời khen ngợi và tặng cụ mấy chữ: "Một nhà trung hiếu, Muôn thuở thơm danh". [Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam]
(9) Chúng em sẽ mãi biết ơn thầy cô. Chúng em sẽ cố gắng dành tặng cho thầy cô những đóa hoa điểm mười chứa đựng sự biết ơn sâu sắc nhất của
chúng em vào những ngày 20/11. [Đời sống pháp luật]
Ví dụ (61), nhà nước với tư cách là người trao có vị thế cao hơn ―người có công với cách mạng‖ với tư cách là người nhận; ví dụ (62), nhà trường có vị thế cao hơn trẻ em; vị thế của người trao và người nhận trong ví dụ (63) là bằng nhau;
ví dụ (64) Bác Hồ ít tuổi hơn ―cụ‖, hiển nhiên vị thế cũng sẽ thấp hơn; ở ví dụ (65), học sinh có vị thế thấp hơn các thầy cô.
Thông qua các ví dụ trên, ta có thể nhận thấy các vật được tặng thường là những cái mang giá trị tinh thần. Ngược lại, nếu các vật để tặng mang giá trị tinh thần cao quý, chúng ta chỉ có thể dùng tặng, mà không được dùng cho hoặc biếu, ví dụ (64) và (65) chẳng hạn.
Tóm lại, ba từ này đều có nghĩa trao vốn của mình để người khác có quyền sở hữu vĩnh viễn mà không đòi hoặc đổi lấy lại một cái gì. Chúng khác nhau ở chỗ là:
Cho – vị thế giao tiếp của người trao thường cao hơn hoặc bằng người nhận, vật được trao thường có giá trị vật chất và giá trị sử dụng.
Biếu – vị thế giao tiếp của người trao thường thấp hơn hoặc bằng người nhận, vật được trao thường mang giá trị vật chất và giá trị sử dụng, thường với thái độ tôn kính hay trân trọng.
Tặng – vị thế giao tiếp của người trao có thể cao hơn, thấp hơn hoặc ngang bằng với người nhận, vật được trao thường mang giá trị tinh thần để khen ngợi, khuyến khích hay tỏ lòng quý mến.