Dãy từ đồng nghĩa vừa, mới, vừa mới

Một phần của tài liệu SO SÁNH các từ ĐỒNG NGHĨA TIẾNG hán và TIẾNG VIỆT TRONG LĨNH vực CHÍNH TRỊ, xã hội và ỨNG DỤNG TRONG VIỆC dạy TIẾNG VIỆT CHO học VIÊN TRUNG QUỐC (Trang 72 - 76)

Chương 3. PHÂN BIỆT TỪ ĐỒNG NGHĨA PHÓ TỪ VÀ DANH TỪ TIẾNG HÁN VÀ TIẾNG VIỆT

3.3 Dãy từ đồng nghĩa vừa, mới, vừa mới

Vì khi vừa, mới làm tính từ (cái áo này vừa với nó; cái áo này còn mới), chúng rất dễ để phân biệt, còn khi làm phó từ, chúng có nét nghĩa giống nhau, khó phân biệt, nên trong mục này, ta không phân biệt trường hợp khi chúng làm tính từ, mà chỉ tập trung vào việc so sánh cách dùng của các từ này khi chúng làm phó từ.

Theo Nguyễn Đức Tồn, vừa, mới biểu thị sự việc hoặc quá trình diễn ra trong quá khứ gần nhất so với thời điểm nào đó (có thể là hiện tại).

Sự khác nhau của chúng là: vừa được sử dụng để biểu thị quá trình hay sự việc đã xảy ra rồi, tuy khoảng thời gian là liền ngay trước hiện tại (hoặc trước thời điểm nào đó), cách hiện tại (hoặc thời điểm nào đó) rất ngắn; trong khi đó, mới lại biểu thị quá trình, sự việc đã xảy ra, hoặc đã bắt đầu xảy ra trong khoảng thời gian cách hiện tại (hoặc thời điểm nào đó), chưa lâu lắm (hoặc cảm thấy là chưa lâu lắm), chưa trở thành cũ, và cũng chưa mất tính thời sự, vẫn còn chưa hết tác dụng, hoặc vẫn còn tiếp diễn [9, tr. 158].

Nhưng Nguyễn Đức Tồn không so sánh hai từ này với vừa mới, dưới đây chúng tôi sẽ so sánh cả ba từ này dưới các khía cạnh ý nghĩa từ vựng, ý nghĩa ngữ pháp và ý nghĩa ngữ dụng.

3.3.1 So sánh ý nghĩa từ vựng của vừa, vừa mới, mới

Trong quyển Tiếng Việt cơ sở dành cho người nước ngoài (quyển 2), chỉ giải thích sự giống nhau của chúng – phó từ chỉ thời gian, đứng trước động từ để biểu thị hành động diễn ra trong quá khứ gần với thời điểm nói [20, tr. 72], chứ không có nội dung về sự khác nhau của chúng.

Trong từ điển của Hoàng Phê, khi làm phó từ, vừa biểu thị sự việc xảy ra liền ngay trước thời điểm sự việc vừa được nói đến, thường là chỉ trước một thời gian ngắn, coi như không đáng kể [5, tr. 1478].

Vừa mới có nghĩa là ngay trước đây [hoặc trước đây] không lâu [5, tr.1478]

Khi làm phó từ, mới được giải thích như: 1. biểu thị sự việc hoặc thời gian xảy ra không lâu trước thời điểm nói, hoặc trước một thời điểm nào đó trong quá

khứ. 2. Biểu thị tính chất quá sớm của thời gian, hoặc quá ít của số lượng, mức độ [5, tr. 844].

Thông qua sự giải nghĩa của Hoàng Phê, ta có thể biết ba từ này đều gồm nghĩa sự việc hoặc thời gian xảy ra không lâu, nhưng mới có nét nghĩa tính chất quá ít của số lượng, mức độ mà hai từ kia không có.

3.3.2 So sánh ý nghĩa ngữ pháp của vừa, vừa mới, mới 3.3.2.1 Sự giống nhau

Ba từ này đều là phó từ, đều có thể đứng trước động từ để bổ nghĩa cho chúng.

Trong tất cả 36 ví dụ được khảo sát, tần số kết hợp với trạng ngữ biểu thị thời gian của vừa mới là cao nhất trong ba từ này, tần số kết hợp với trạng ngữ biểu thị thời gian của vừa mới là tương đương như nhau. Các ví dụ cụ thể như sau:

(38) Không những chúng ta cần biết giấc mơ có những ý nghĩa gì, chúng ta còn cần biết là trong những trường hợp nào những giấc mơ rõ ràng đầy ý nghĩa, tại sao và vì mục đích nào mà chúng ta lại thấy trong giấc mơ những biến cố vừa xảy ra trong ngày. [Phân tâm học nhập môn. Sigmund Freud.

ebooks.vdcmedia.com.59]

(39) Nàng không hề thấy rằng người đàn ông đó chẳng phải ai khác hơn là chồng nàng vừa mới cưới chừng vài tuần. [Phân tâm học nhập môn. Sigmund Freud.

ebooks.vdcmedia.com.59]

(40) Nhiều giấc mơ bị quên ngay sau khi thức dậy và nếu có còn được nhớ lại thì cũng mờ dần đi; trái lại có những giấc mơ mà người ta nhớ mãi, nhất là những giấc mơ trẻ con, đến nỗi ba mươi năm sau mà còn rõ ràng như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. [Phân tâm học nhập môn. Sigmund Freud.

ebooks.vdcmedia.com.59]

(41) Bà Tèo - chị cả của anh Tưu - nói: ―Nó vừa mới gọi điện về hôm thứ năm, rằng chủ nhật này vào tới cảng, tháng sau sẽ về Hải Phòng.‖ [Tuổi Trẻ.

2004-02-10]

(42) Anh ta sẽ nói: ―Sự việc xảy ra chiều hôm qua‖ hay ― Điều này làm tôi nhớ lại

việc mới xảy ra gần đây.‖ [Phân tâm học nhập môn. Sigmund Freud.

ebooks.vdcmedia.com.59]

Cả ba từ này đều kết hợp với đã và tạo thành kết cấu ―vừa/vừa mới/mới … đã …‖, nhưng tần số mới kết hợp với đã cao hơn hai từ kia. Ví dụ như:

(43) Quả vậy, trẻ con vừa học nói đã được cha mẹ, anh chị bày cho cách xưng hô, thế nhưng đến lớn đến già vẫn còn sai sót. [Phong tục Việt Nam. Tân Việt.

Internet]

(44) Và cả ngay khi vừa mới đặt vấn đề xong người ta đã trả lời bằng một lời phủ nhận. [Phân tâm học nhập môn. Sigmund Freud. ebooks.vdcmedia.com.59]

(45) Người mẹ từ khi mới thụ thai đã chú ý xem trong bà con, họ hàng, làng xóm nhà ai có con cái bụ bẫm, hay ăn chóng lớn, ít khóc ít quấy, ao ước sắp tới con mình đẻ ra cũng được như thế thì xin một cái áo, hay cái quần, cái tã cũ của đứa bé về sửa sang lại để dùng cho con mình. [Phong tục Việt Nam. Tân Việt.

Internet]

(46) Có những đôi trai gái mới chỉ gặp nhau trên một đoạn đường, đã vội đính ước, tính chuyện vuông tròn, thậm chí họ đã biết rõ cả ―Ngọn nguồn lạch sông‖ ! ! ! Đành rằng cũng có trường hợp ―Một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên duyên‖, song thành công là cá biệt, thất bại là phổ biến. [Phong tục Việt Nam. Tân Việt. Internet]

(47) Ngay trong một gia đình anh cả đã có con, mà chú út chưa ra đời: hiện tượng

―Em bú chị dâu, cháu bú bà ― là chuyện bình thường trong xã hội cũ, chỉ mới qua hai đời đã có sự chênh lệch 1 đời, vậy thì trong họ hàng qua nhiều đời, chênh lệch dăm ba đời không có gì là lạ. [Phong tục Việt Nam. Tân Việt.

Internet]

3.3.2.2 Sự khác nhau

Trước mới thường có những từ chỉ khoảng thời gian như lúc, khi, hồi, hai từ kia ít thấy có tường hợp như vậy. Để làm rõ vấn đề, dưới đây ta sẽ cho các ví dụ cụ thể:

(48) Nhưng chỉ khi mới dự định bắt tay vào một việc nào quan trọng và to tát thôi

thì cũng chẳng có ích gì vì bạn chưa hề biết mình sẽ phải đi về những hướng nào. [Phân tâm học nhập môn. Sigmund Freud. ebooks.vdcmedia.com.59]

(49) Sự thực là ta phải đồ rằng đứa bé lúc mới ra đời chẳng có gì là dễ chịu cả.[Phân tâm học nhập môn. Sigmund Freud. ebooks.vdcmedia.com.59]

(50) Và trong cơn khát cháy cổ đó, anh chợt nghĩ vợ mình ở nhà hồi mới sinh con, mẹ nói lấy nước tiểu con nít uống làm phép. [Tuổi Trẻ. 2003-12-16]

Ngoài ra, sau từ ―chỉ‖, chỉ được kết hợp với mới để nhấn mạnh tính chất quá sớm của thời gian, hoặc quá ít của số lượng, mức độ. Ví dụ như:

(51) Chúng ta chỉ mới đi những bước đầu chập chững trong công việc tìm hiểu ý nghĩa của các triệu chứng, chúng ta phải tạm hài lòng với những kết quả thu lượm được và chỉ tiến dần về phía những điều chưa biết. [Phân tâm học nhập môn. Sigmund Freud. ebooks.vdcmedia.com.59]

(52) Tôi quan sát lớp học, cô giáo trông rất trẻ, như chỉ mới ngoài 20. [Tuổi Trẻ.

2003-12-15]

Nếu muốn biểu thị việc gì xảy ra cách thời điểm không lâu, thậm chí rất gần, và đồng thời đứng trước các động từ như nói, kể, trình bày … Ta thường dùng vừa.

Ví dụ như:

(53) Cạnh những trường hợp vừa kể, trong đó ý nghĩa của sự lỡ lời hiện ra rõ ràng, còn có những trường hợp lỡ lời không có ý nghĩa gì cả và do đó trái hẳn với những điều chúng ta chờ đợi. [Phân tâm học nhập môn. Sigmund Freud.

ebooks.vdcmedia.com.59]

(54) Nhưng sự thực không phải như thế vì điều chúng ta vừa nói chỉ áp dụng cho rất ít giấc mơ. [Phân tâm học nhập môn. Sigmund Freud.

ebooks.vdcmedia.com.59]

(55) Những hiện tượng mà tôi vừa trình bày có thể có vẻ kỳ lạ trước mắt các bạn.

[Phân tâm học nhập môn. Sigmund Freud. ebooks.vdcmedia.com.59]

Tóm lại, 1) Trước mới thường có những từ chỉ khoảng thời gian như lúc, khi, hồi; 2) sau từ ―chỉ‖, chỉ được kết hợp với mới; 3) nếu biểu thị việc gì xảy ra cách

thời điểm nói không lâu, và đồng thời đứng trước các động từ như nói, kể, trình bày thì thường dùng vừa.

3.3.3 So sánh ý nghĩa ngữ dụng của vừa, vừa mới, mới

Vì nhập ba từ này vào kho ngữ liệu, chỉ mới đã có hơn một nghìn kết quả, nên để tiện việc thống kê tần số sử dụng trong lĩnh vực báo chí và KHXH của ba từ này, ta thêm được ngay ở đằng sau của ba từ này. Và tiêu chuẩn thống kê là:

chúng làm phó từ và có nét nghĩa là chỉ thời gian cách thời điểm nói không lâu.

Khi nập vừa được, mới được, vừa mới được vào, và lần lượt tìm kiếm trong lĩnh vực KHXH và báo chí, có bảng như sau:

Bảng 2. 6. Tần số sử dụng của “vừa được, vừa mới được, mới được” trong lĩnh vực KHXH và báo chí

Tần số xuất hiện

Lĩnh vực Vừa được Mới được Vừa mới được

KHXH 9 4 0

Báo chí 9 4 1

Nguồn thông tin lấy từ kho ngữ liệu Vietlex

Tổng tần số phù hợp với tiêu chuẩn thống kê của vừa được là 18, của mới được là 8, của vừa mới được là 1, như vậy, ta có thể kết luận rằng: khi biểu thị ý nghĩa thời gian xảy ra cách thời điểm không lâu, trong văn viết, người Việt hay dùng vừa, rồi đến mới, ít khi dùng vừa mới.

Một phần của tài liệu SO SÁNH các từ ĐỒNG NGHĨA TIẾNG hán và TIẾNG VIỆT TRONG LĨNH vực CHÍNH TRỊ, xã hội và ỨNG DỤNG TRONG VIỆC dạy TIẾNG VIỆT CHO học VIÊN TRUNG QUỐC (Trang 72 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)