1. Đánh giá các nghiên cứu trong nước và ngoài nước về các vấn đề liên quan đến đề tài
1.4. Đánh giá các nghiên cứu về các giải pháp hoàn thiện pháp luật về hoà giải thương mại ở Việt Nam
Thứ nhất, các nhà khoa học cũng đã nêu quan điểm về việc cần thiết phải hoàn thiện pháp luật giải quyết tranh chấp trong nền kinh tế thị trường, thể hiện nổi bật ở các luận án tiến sỹ như luận án tiến sỹ “Giải quyết tranh chấp kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam” của TS. Đào Văn Hội (Trường Đại học Luật Hà Nội, 2003), luận án “Xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế đối với các quan hệ thương mại trong giai đoạn hiện nay ở nước ta” của Dương Quỳnh Hoa, đề tài khoa học như Đề tài Khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện pháp luật và thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng tư pháp” do GS.TS. Lê Hồng Hạnh làm chủ nhiệm (Viện Khoa học pháp lý, tháng 12/2010).
Thứ hai, một số nhà nghiên cứu đã đưa các quan điểm khác nhau về việc xây dựng một văn bản pháp luật về hoà giải thương mại như: Xây dựng Luật hoà giải thương mại trong luận án “Xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế đối với các quan hệ thương mại trong giai đoạn hiện nay ở nước ta” của Dương Quỳnh Hoa; xây dựng Luật về thương lượng, trung gian và hoà giải trong đề tài Khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện pháp luật và thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng tư pháp” do GS.TS. Lê Hồng Hạnh làm chủ nhiệm (Viện Khoa học pháp lý, tháng 12/2010) gắn với yêu cầu là tạo ra những sự tương thích cần thiết với các quy tắc phổ biến trong pháp luật và thực tiễn giải quyết tranh chấp theo phương thức ngoài tố tụng tư pháp ở các nước và nhất là trong thực tiễn thương mại quốc tế; tạo những mối liên kết giữa những phương thức giải quyết tranh chấp được quy định trong đó với phương thức trọng tài và phương thức tố tụng tư pháp…” [32, tr.131- 132]; xây dựng Luật về các biện pháp giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng điều chỉnh phương thức giải quyết tranh chấp trọng tài và hoà giải tư nhân với các nội dung về tổ chức hoà giải, hoà giải viên và thủ tục công nhận hoà giải viên, quy trình hoà giải, các vấn đề pháp lý khác liên quan đến hoạt động hoà giải [34, tr.60] trong chuyên đề “Hoàn thiện cơ chế hoà giải ở Việt Nam, bài học từ kinh nghiệm các nước” của tác giả Lê Thị Hoàng Thanh (Thông tin Khoa học pháp lý, Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, Số 9&10/2012); ban hành Pháp lệnh giải quyết tranh chấp kinh tế bằng thương lượng, hoà giải; thành lập các trung tâm hoà giải các tranh chấp kinh tế, định ra các tiêu chuẩn đối với hoà giải viên và tuyển chọn các hoà giải viên trong bài tạp chí “Giải quyết tranh chấp kinh tế theo phương thức thương lượng, hoà giải” (Tạp chí Luật Học, Đại học Luật Hà Nội, Số 1/2004), PGS.TS Trần Ngọc Dũng; xây dựng một đạo luật chung về hoà giải là Luật hoà giải [52, tr.55] trong bài tạp chí “Hoà giải tranh chấp kinh doanh, thương mại – Kinh nghiệm quốc tế và một số gợi mở đối với Việt Nam”, trên Tạp chí Nhà nước và pháp luật (Số 7 (255)/2009); ban hành một đạo luật về các biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế, trong đó quy định về các biện pháp giải quyết tranh chấp đó là thương lượng, hoà giải và trọng tài…trước mắt là ban hành Nghị định về hoà giải thương mại của tác
giả Nguyễn Thị Minh trong bài tạp chí “Hoà giải thương mại- Thực trạng hoạt động và xu hướng phát triển tại Việt Nam” trên tạp chí Dân chủ và pháp luật (Bộ Tư pháp, Số chuyên đề pháp luật về hoà giải/ 2012).
Thứ ba, một số tác giả cũng đưa ra các kiến nghị cụ thể về xây dựng nội dung pháp luật về hoà giải thương mại như: “Cần có cơ chế hỗ trợ tư pháp đối với việc giải quyết các tranh chấp theo hướng kết quả hoà giải có thể được toà án có thẩm quyền công nhận để đảm bảo khả năng thi hành trên thực tế… các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án công nhận thoả thuận hoà giải theo thủ tục giải quyết việc dân sự” (Bài tạp chí “Hiệu lực của thoả thuận hoà giải trong giải quyết tranh chấp thương mại” trên Tạp chí Dân chủ và pháp luật (Số 8(221)/2010 của Nguyễn Bích Thảo) [52, tr.21], vấn đề thực thi điều khoản hoà giải, đảm bảo tính bảo mật của hoà giải, thực thi thoả thuận hoà giải (bài tạp chí “Hoà giải trong thương mại và phát triển phương thức hoà giải trong thương mại ở Việt Nam”, tạp chí Nghiên cứu lập pháp (Số 10 (195), tháng 5/2001 của tác giả Lưu Hương Ly) [44, tr.47]; đề xuất về việc không cần sự hỗ trợ hoặc can thiệp của Toà án, pháp luật không nên quy định cứng nhắc về trình tự hoà giải mà các trung tâm hoà giải sẽ có quy tắc hoà giải riêng, đề xuất thành lập một tổ chức hoà giải hạt nhân thử nghiệm như Viện hoà giải thương mại trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước về trọng tài (tác giả Nguyễn Thị Minh trong bài tạp chí “Hoà giải thương mại- Thực trạng hoạt động và xu hướng phát triển tại Việt Nam trên Tạp chí Dân chủ và pháp luật số chuyên đề về hoà giải năm 2012) [56, tr.142], hoặc thành lập một trung tâm hoà giải thương mại thí điểm được giám sát, bảo trợ bởi Bộ Tư pháp hoặc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (“Pháp luật về hoà giải thương mại và một số khuyến nghị hoàn thiện” của tác giả Nguyễn Bá Bình, Nguyễn Thị Anh Thơ trên tạp chí Nghiên cứu lập pháp (Số 3+4 (283+284) tháng 2/2015) [50], ngoài ra một số quan điểm đề xuất về giá trị của biên bản hoà giải thành được công nhận bởi Toà án hoặc được công nhận như phán quyết trọng tài.
Thứ tư, một số đề xuất nhấn mạnh vào sự hỗ trợ của Nhà nước đối với hoà giải thương mại để phương thức này được phát triển hơn như: Thành lập Hội đồng Cố
vấn về Phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng tư pháp của Việt Nam và hỗ trợ từ các tổ chức xã hội (Đề tài Khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện pháp luật và thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng tư pháp” do GS.TS. Lê Hồng Hạnh làm chủ nhiệm, Viện Khoa học pháp lý, tháng 12/2010); đề xuất biên soạn, phát hành tài liệu về các vụ tranh chấp kinh tế đã được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về giải quyết tranh chấp kinh tế bằng thương lượng, hoà giải cho các cán bộ của doanh nghiệp và cho các hoà giải viên (Bài tạp chí “Giải quyết tranh chấp kinh tế theo phương thức thương lượng, hoà giải” trên Tạp chí Luật Học, Đại học Luật Hà Nội, Số 1/2004 của tác giả Trần Ngọc Dũng) [71, tr.16];
nâng cao năng lực của các thiết chế giải quyết tranh chấp thay thế, tăng cường sự tham gia của các thiết chế hỗ trợ trong quá trình giải quyết tranh chấp như sự hỗ trợ từ các cơ quan tư pháp, các cơ quan bổ trợ tư pháp; tăng cường nhận thức của doanh nhân và xã hội về các phương thức giải quyết tranh chấp (luận án “Xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế đối với các quan hệ thương mại trong giai đoạn hiện nay ở nước ta” của Dương Quỳnh Hoa) [19, tr.173-180].
Qua nghiên cứu các đề xuất về hoà giải thương mại của các công trình khoa học trên, nghiên cứu sinh nhận thấy những vấn đề sau cần được tiếp tục nghiên cứu:
Thứ nhất, tiếp tục đưa ra đề xuất về các giải pháp tổng thể trong việc xây dựng pháp luật cũng như các yếu tố khác để thúc đẩy hoà giải thương mại phát triển ở Việt Nam.
Thứ hai, các đề xuất hoàn thiện pháp luật ở các luận án tiến sỹ, đề tài khoa học đi trước chủ yếu đặt trong bối cảnh chưa có Nghị định số 22/2017/NĐ-CP. Nghiên cứu sinh nhận thấy một số bài tạp chí sau này đã có những đề xuất có giá trị tham khảo và áp dụng thực tiễn, luận án sẽ tiếp tục kế thừa các kết quả nghiên cứu đó và phát triển thêm các luận cứ để tiếp tục đưa ra các giải pháp cụ thể hơn.