Vai trò của hoà giải thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ luật học hoàn thiện pháp luật về hoà giải thương mại ở việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 56 - 62)

CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HÒA GIẢI THƯƠNG MẠI VÀ PHÁP LUẬT VỀ HÒA GIẢI THƯƠNG MẠI

1.1. Những vấn đề lý luận về hoà giải thương mại

1.1.3. Vai trò của hoà giải thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam hiện nay

Từ văn kiện ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong thư gửi Tổng thư ký Liên hiệp quốc (tháng 12/1946) rằng Việt nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực [59]. Trước năm 1986, Việt Nam cũng đã thực thi chính sách mở cửa bằng các kết quả cụ thể như trở thành thành viên chính thức Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trở thành thành viên Liên hiệp quốc, trở thành thành viên chính thức ngân hàng thế giới (WB), gia nhập Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) v.v. Kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), Việt Nam với tư duy đổi mới kinh tế từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đưa

đất nước tới với nhiều cơ hội và thách thức mới trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. Văn kiện Đại hội Đảng lần VII (1996) chính thức đề cập tới hoạt động hội nhập với nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới. Từ đó, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng được Việt Nam quan tâm và khẳng định chủ trương từ Đảng và Nhà nước. Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, ký kết Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ năm 2000, trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2007. Hiện nay Việt Nam cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với mức độ cam kết ngày càng sâu và rộng mà một số FTA quan trọng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Khi mở cửa thị trường kinh doanh, các nhà đầu tư trong và ngoài nước có những cơ hội mới nhưng cũng sẽ có khả năng nảy sinh những tranh chấp. Việc đa dạng hoá nhiều phương thức giải quyết tranh chấp trong thị trường cũng chính là một bước để nâng cao tính hấp dẫn của thị trường kinh doanh tại Việt Nam. Hơn nữa, theo Biểu cam kết mở cửa thị trường dịch vụ với WTO, Việt Nam đã cam kết:

Sau 3 năm kể từ khi gia nhập, không hạn chế hiện diện thương mại tại Việt Nam đối với dịch vụ trọng tài và hoà giải các tranh chấp thương mại giữa các thương nhân.

Cho tới thời điểm này, chưa có một số liệu chính xác về mức độ sử dụng hoà giải thương mại tại Việt Nam, nhưng nếu tiếp cận hoà giải như một loại dịch vụ chuyên nghiệp thì có thể khẳng định đây là một loại dịch vụ rất mới mẻ. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam hiện nay, hoà giải thương mại có những vai trò cơ bản như sau:

Mt là, hoà giải thương mại góp phần nâng cao mức độ đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho các thương nhân tại thị trường Việt Nam.

Quyền được lựa chọn hình thức và phương thức giải quyết tranh chấp là một trong những phân quyền của quyền tự do kinh doanh. Đối với các đặc thù của tranh chấp kinh doanh thương mại, việc giải quyết tranh chấp đòi hỏi những yêu cầu như:

“Phải đảm bảo quyền tự định đoạt ở mức độ cao cho các nhà kinh doanh trong việc

giải quyết tranh chấp; việc giải quyết tranh chấp phải được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi; hạn chế tới mức tối đa sự gián đoạn của quá trình kinh doanh; bảo đảm dân chủ trong quá trình giải quyết tranh chấp; bảo vệ uy tín, bí mật cho các nhà kinh doanh” [14, tr.35]. Hoà giải thương mại có đầy đủ những đặc tính để đáp ứng những đòi hỏi cho những nhà kinh doanh trong việc giải quyết tranh chấp của mình. Trong mối tương quan so sánh với trọng tài thương mại, cũng là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Toà án, thì hoà giải thương mại có tính tự định đoạt cao hơn, cũng sẽ có thể có chi phí thấp hơn. Khi lựa chọn hoà giải thương mại, các bên sẽ hạn chế được nguy cơ bị gián đoạn kinh doanh như các quy trình tố tụng như trọng tài thương mại hay Toà án. Do đó, hoà giải thương mại là một phương thức đảm bảo rất tốt quyền tự do kinh doanh của thương nhân.

Phát triển hoà giải thương mại cùng trọng tài thương mại thúc đẩy sự cạnh tranh trong dịch vụ giải quyết tranh chấp. Một trong những vai trò của Nhà nước là điều tiết thị trường dịch vụ, ghi nhận những ngành nghề có tiềm năng phát triển và mang lại lợi ích cho xã hội. Việc ghi nhận phương thức hoà giải thương mại là cần thiết, đáp ứng đúng đòi hỏi của thị trường. Thực chất, “hiện nay một số Trung tâm trọng tài thương mại tại Việt Nam cũng đã cung cấp dịch vụ hòa giải tại Trung tâm khi có yêu cầu nhưng thường là thủ tục trong tố tụng trọng tài vì chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện” [9, tr.5], vì thế việc ghi nhận chính thức hoà giải thương mại là phù hợp với thực tiễn.

Hai là, hoà giải thương mại góp phần giảm tải gánh nặng cho hệ thống Toà án.

Việc phát triển hoà giải thương mại là một giải pháp tốt để “giảm tải công việc xét xử cho hệ thống Toà án, tiết kiệm chi phí xã hội” [9, tr.2]. Hoà giải thương mại phát triển, tạo thêm một sự lựa chọn cho thương nhân khi có tranh chấp xảy ra, hạn chế các vụ kiện tranh chấp thương mại tại Toà án, tránh lãng phí thời gian, công sức và tài chính cho cả thương nhân và Nhà nước. Theo số liệu được công bố bởi Toà án nhân dân tối cao, số lượng án kinh tế trên cả nước ở các cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm đều có chiều hướng tăng đều theo từng năm, trong đó vào năm 2013,

số lượng án sơ thẩm là gần 15000 vụ, án phúc thẩm là gần 1200 vụ, án giám đốc thẩm là hơn 120 vụ [Phụ lục, Biểu 1, Biểu 2, Biểu 3, tr. 183-185]. Số liệu cho thấy số lượng các vụ việc được giải quyết tại Toà án các cấp hiện nay là rất lớn, dẫn đến tình trạng quá tải và chậm trễ trong hoạt động xét xử. Hơn nữa, theo một khảo sát được tiến hành bởi Toà án Tối cao thì, hiện nay nhu cầu hoà giải tại Toà án cũng khá cao:

Số lượng các vụ án mà Thẩm phán đã hòa giải trong 1 tháng ít nhất là một vụ, số lượng Thẩm phán đã hòa giải nhiều hơn một vụ trong một tháng là khá lớn, trong đó 22,1% Thẩm phán hòa giải được 4 vụ; 18,4%

Thẩm phán hòa giải được 3 vụ; 16,3% Thẩm phán hòa giải được 2 vụ;

chỉ có 16% Thẩm phán hòa giải được 1 vụ. Đặc biệt có 27,2 % các Thẩm phán hòa giải được trên 4 vụ/tháng, cá biệt có những Thẩm phán hòa giải trên 10 vụ/tháng [68, tr.5].

Tuy nhiên, ngay cả việc thực hiện hoà giải tại Toà án cũng gặp nhiều khó khăn dẫn đến hiệu quả hoà giải không được như mong đợi, xuất phát từ nhiều lý do như:

71,7% Thẩm phán cho rằng thái độ bất hợp tác của các đương sự là yếu tố đầu tiên; 42,8% Thẩm phán cho rằng kỹ năng của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân còn hạn chế; 37,2% Thẩm phán cho rằng Thẩm phán, Thư ký Tòa án thiếu trách nhiệm; 33,9% Thẩm phán cho rằng kết quả hòa giải không đáp ứng được mong đợi của các đương sự, 29,4% Thẩm phán cho rằng trình độ của Thẩm phán, Thư ký Tòa án chưa tốt; 12,2%

Thẩm phán cho rằng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hòa giải còn thiếu thốn; 8,9% Thẩm phán cho rằng kết quả hòa giải không đạt được mục tiêu Thẩm phán đề ra. Ngoài ra 20,6% Thẩm phán được hỏi cho rằng ngoài những nguyên nhân nêu trên còn một số nguyên nhân khác ảnh hưởng đến việc hòa giải không có kết quả như: do trình độ dân trí thấp, các đương sự đưa ra ý kiến trái chiều nên không thể hòa giải được

hoặc quyền lợi của họ đối nghịch cũng là một yếu tố không thể hòa giải [68, tr.46].

Việc tiếp tục nghiên cứu và phát triển hoà giải ngoài Toà án sẽ hạn chế được những nhược điểm đó, cũng như hạn chế việc kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp tại cơ quan tố tụng và giúp các bên đạt được thoả thuận một cách triệt để.

Ba là, hoà giải thương mại là một công cụ giúp Nhà nước thực hiện chính sách hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển kinh tế bền vững.

Mục đích cuối cùng của hoà giải là hướng đến một kết quả hoà bình, đôi bên cùng có lợi và gìn giữ quan hệ đối tác. Do đó, trong bối cảnh sân chơi chung với các thương nhân nước ngoài, việc giải quyết tranh chấp không đối đầu là một yếu tố cần thiết để thúc đẩy hợp tác kinh tế, hội nhập toàn cầu. Hiện nay, hoà giải cũng như các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Toà án là xu hướng chung của thế giới, đặc biệt trong các tranh chấp thương mại quốc tế. Giải quyết tranh chấp ngoài Toà án có tính chất mềm dẻo và linh hoạt, khác với việc giải quyết tranh chấp tại Toà án có tính chất quyền lực Nhà nước. Hơn nữa, đối với tố tụng tại Toà án, hệ thống pháp luật của các quốc gia có tính biên giới cao, các tranh chấp có yếu tố quốc tế giải quyết tại Toà án của một trong các quốc gia tranh chấp cũng nảy sinh nhiều vấn đề hạn chế như về hệ thống pháp luật, ngôn ngữ. Tuy nhiên, hoà giải thương mại lại là một phương thức giải quyết tranh chấp có tính hội nhập cao vì đây là phương thức hướng đến sự đàm phán của các bên mà không hoàn toàn căn cứ vào phân xử đúng sai theo pháp luật, các rào cản về pháp lý, ngôn ngữ sẽ được giảm thiểu. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, khi mà các quốc gia lớn như Mỹ, Đức, các quốc gia trong khu vực như Singapore đều có chính sách khuyến khích thúc đẩy sử dụng hoà giải trong các tranh chấp thương mại cũng như lần lượt ban hành Luật về hoà giải, thì Việt Nam cũng cần ghi nhận và phát triển hoà giải để đảm bảo tính tương thích về hàng rào pháp lý với các nước đối tác. Điều này cũng thể hiện sự sẵn sàng hội nhập của nước ta.

Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO được hơn 10 năm, việc thực thi chính sách mở cửa thị trường thương mại dịch vụ theo đúng cam kết là

việc cần thiết. Hơn nữa, đứng trước bối cảnh hội nhập mới với những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) với nhiều cam kết sâu hơn như Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định mang tính khu vực như Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) đều hướng tới việc xây dựng thị trường dịch vụ các quốc gia mang tính đa dạng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích phát triển dịch vụ phi biên giới. Việc xây dựng và phát triển hoà giải thương mại sẽ là một giải pháp tốt để giúp Nhà nước duy trì một thị trường kinh doanh ổn định, bền vững và giảm thiểu những xung đột tại Việt Nam. Hay nói cách khác, với bản chất là một cơ chế giải quyết tranh chấp không mang tính quyền lực Nhà nước thì hoà giải thương mại có thể được coi là một công cụ giúp cho Nhà nước thực hiện tốt chính sách hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ những yếu tố trên, có thể thấy rằng phát triển hoả giải thương mại ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là khá triển vọng. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc phát triển phương thức hoà giải thương mại càng đem lại những lợi ích tích cực, điển hình như việc tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam bằng cách thức đa dạng hoá các phương thức giải quyết tranh chấp. Hơn nữa, đây cũng là một cách tạo cho các thương nhân Việt Nam (thường là yếu thế hơn về kinh nghiệm và kiến thức pháp lý) có thêm cơ hội đàm phán về các mâu thuẫn trong kinh doanh với thương nhân nước ngoài mà không phải bước vào một vụ kiện pháp lý. Dịch vụ hoà giải thương mại sẽ là một loại dịch vụ tiềm năng trong thị trường bởi tính thân thiện cũng như là một giải pháp nhanh chóng, tiết kiệm với các thương nhân, giúp các tranh chấp được giải quyết một cách dễ dàng và thuận lợi. Tuy nhiên, môi trường lý tưởng để phát triển hoà giải thương mại là khi xã hội đạt đến một trình độ nhất định về văn hoá trong kinh doanh cũng như trình độ hiểu biết về pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật. Kiến thức về pháp luật sẽ giúp các bên tranh chấp hiểu được quyền lợi và trách nhiệm cơ bản của mình, từ đó để có những thái độ, cư xử đúng đắn trong quá trình giải quyết tranh chấp. Do đó, hoà giải thương mại chỉ thực sự mang lại hiệu quả cao khi các bên tranh chấp có sự tương

thích về mặt trình độ cũng như văn hoá ứng xử trong kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật. Việc Nhà nước thiết lập một khung pháp lý phù hợp, đẩy mạnh về số lượng và chất lượng của hoà giải viên thương mại cũng là điểm mấu chốt cho sự phát triển của hoà giải thương mại ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ luật học hoàn thiện pháp luật về hoà giải thương mại ở việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 56 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)