Quy định về thực hiện kết quả hoà giải

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ luật học hoàn thiện pháp luật về hoà giải thương mại ở việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 129 - 132)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HOÀ GIẢI THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM

2.3. Quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp bằng hoà giải thương mại

2.3.5. Quy định về thực hiện kết quả hoà giải

Kết quả hoà giải có thể là việc giải quyết tranh chấp thành công hoặc không thành công. Trường hợp hoà giải không thành, tranh chấp giữa các bên chưa được giải quyết, các bên vẫn có thể tiến hành hoà giải lại hoặc tiếp tục sử dụng những phương thức giải quyết tranh chấp khác. Trường hợp hoà giải thành (một phần hoặc toàn bộ các tranh chấp đã phát sinh), các bên cần nghiêm túc thực hiện những thoả thuận đó. Vấn đề thi hành kết quả hoà giải thành cũng có nhiều quan điểm trái chiều: Một là, thoả thuận hoà giải thành là một hợp đồng mới, giá trị hiệu lực là ràng buộc với các bên; nếu một bên không thực hiện hoặc có vi phạm thì bên kia có quyền khởi kiện như một hợp đồng; hai là, thoả thuận hoà giải thành có giá trị thi hành bắt buộc như một bản án khi Toà án ra quyết định công nhận thi hành; nếu theo quan điểm này, pháp luật cần có sự phối hợp giữa văn bản pháp luật về hoà giải với văn bản pháp luật về tố tụng dân sự và thi hành án; ba là, thoả thuận hoà giải thành có giá trị thi hành đương nhiên (thi hành nhanh) mà không cần có sự công nhận của Toà án, trường hợp này đặt ra vấn đề phải có cơ chế tại Luật thi hành án dân sự cho phù hợp. Theo đó, quan điểm kết quả hoà giải thành có giá trị thi hành đương nhiên mà không cần sự công nhận của Toà án là khuyến nghị của UNCITRAL (Điều 14 Luật mẫu UNCITRAL năm 2002, Điều 15 Luật mẫu sửa đổi 2018) quy định: “Nếu các bên đạt được thoả thuận hoà giải thành để giải quyết tranh chấp, thì thoả thuận hoà giải đó có hiệu lực bắt buộc đối với các bên và có thể đưa ra thi hành”. Theo phân tích tại Bản thảo hướng dẫn việc ban hành và sử dụng Luật mẫu UNCITRAL về hoà giải thương mại (A/CN.9/514 phần 77), UNCITRAL có giải thích rằng quy định này nhằm tăng tính hấp dẫn của thoả thuận hoà giải, áp dụng chế độ thi hành nhanh và coi thoả thuận này như một phán quyết trọng tài.

Bên cạnh đó, nhằm tránh sự can thiệp của Toà án vào việc xem xét nội dung của thoả thuận hoà giải hoặc mất hàng tháng, hàng năm để công nhận cho thi hành thoả thuận. Bên cạnh đó, khi thoả thuận hoà giải thành có giá trị thi hành nhanh thì sẽ đề

cao được tính độc lập của phương thức giải quyết tranh chấp bằng hoà giải thương mại.

Tại Việt Nam, Bộ luật tố tụng dân sự (2015) lần đầu tiên có quy định về công nhận thoả thuận hoà giải ngoài toà án (Chương XXXIII), cho thấy Việt Nam đang đi theo hướng quan điểm thứ hai, đó là để thoả thuận hoà giải có giá trị thi hành bắt buộc, các bên phải yêu cầu Toà án ra quyết định công nhận kết quả hoà giải thành.

Theo đó, để công nhận kết quả hoà giải thành ngoài Toà án, các điều kiện bao gồm:

Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải (trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý); một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận; nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba (Điều 417). Có thể thấy, các điều kiện để Toà án công nhận thoả thuận hoà giải thành chỉ bao gồm các điều kiện liên quan đến các chủ thể của tranh chấp mà không hướng đến các điều kiện đối với hoà giải viên thương mại. Như vậy, nếu các bên đã đáp ứng các điều kiện như trên, thì trong trường hợp các bên lựa chọn một hoà giải viên thương mại không đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định 22/2017/NĐ-CP thì Toà án có ra quyết định công nhận kết quả hoà giải thành hay không? Nếu chỉ áp dụng quy định tại Điều 417 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Toà án không có căn cứ để không công nhận kết hoà giải. Như vậy, các quy định của Nghị định 22/2017/NĐ-CP về tiêu chuẩn của hoà giải viên thương mại đã không còn nhiều ý nghĩa, bởi dù có lựa chọn hoà giải viên thương mại không đủ tiêu chuẩn thì kết quả hoà giải thành vẫn sẽ có thể được công nhận. Tuy nhiên nếu áp dụng thêm cả Điều 416 về Công nhận kết quả hoà giải thành ngoài Toà án “Kết quả hòa giải vụ việc ngoài Tòa án được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận là kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải” thì thấy rằng việc

Toà án từ chối công nhận kết quả hoà giải thành bởi hoà giải viên không đủ tiêu chuẩn cũng là có căn cứ, mặc dù không trực tiếp.

Về mặt thủ tục, căn cứ Điều 418 và Điều 419 Bộ luật tố tụng dân sự (2015), người yêu cầu công nhận kết quả hoà giải thành phải gửi đơn kèm theo văn bản về kết quả hoà giải thành đến Toà án trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày các bên đạt được thoả thuận. Đây là thời gian hợp lý để các bên có cơ hội yêu cầu công nhận kết quả hoà giải thành bởi Toà án, trên cơ sở đó được cưỡng chế thi hành kết quả hoà giải thành nếu một bên không tự nguyện thi hành. Nếu quy định một khoảng thời gian dài hơn thì có khả năng sẽ kéo dài vụ việc cũng như gây khó khăn cho cơ quan Toà án. Đơn yêu cầu công nhận kết quả hoà giải thành phải bao gồm các nội dung:

- Ngày, tháng, năm làm đơn;

- Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;

- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;

- Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);

- Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;

- Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.

- Tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức đã tiến hành hoà giải;

- Nội dung, thoả thuận hoà giải thành yêu cầu Toà án công nhận

Toà án có thể công nhận hoặc không công nhận kết quả hoà giải thành nếu không đáp ứng các điều kiện nêu trên. Tuy nhiên, việc Toà án không công nhận kết quả hoà giải thành không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hoà giải này (Khoản 6 Điều 419 Bộ luật tố tụng dân sự 2015). Quy định này được hiểu rằng, việc Toà án không công nhận kết quả hoà giải không có nghĩa sẽ dẫn đến việc thoả thuận hoà giải bị huỷ hay các bên không được phép thi hành thoả thuận này.

Các bên vẫn sẽ thi hành thoả thuận dựa trên cơ sở tự nguyện và tự đảm bảo. Tuy nhiên, chỉ khi thoả thuận hoà giải thành được Toà án công nhận mới thuộc diện được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự. Quyết định công nhận hay không công nhận kết quả hoà giải thành có hiệu lực thi hành ngay và bắt buộc, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ luật học hoàn thiện pháp luật về hoà giải thương mại ở việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 129 - 132)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)