CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HOÀ GIẢI THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM
2.4. Quy định pháp luật về vai trò của Nhà nước đối với hoạt động hoà giải thương mại
2.4. Quy định pháp luật về vai trò của Nhà nước đối với hoạt động hoà giải thương mại
2.4.1. Về nội dung quản lý Nhà nước đối với hoạt động hoà giải thương mại Thứ nhất, Chính phủ giao thẩm quyền quản lý thống nhất về hoà giải thương mại cho Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về hòa giải thương mại trong phạm vi cả nước, có những nhóm nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Nghị định 22/2017/NĐ-CP với một số nội dung cơ bản:
- Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoà giải thương mại: Soạn thảo, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật về hòa giải thương mại; ban hành và hướng dẫn sử dụng thống nhất các mẫu văn bản, giấy
tờ trong lĩnh vực hòa giải thương mại. Theo đó, Bộ Tư pháp đã soạn thảo/ ban hành Thông tư số 02/2018/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 22/2017/NĐ-CP về các biểu mẫu trong hoà giải thương mại.
- Quản lý thủ tục hành chính đối với tổ chức hoà giải thương mại, các đơn vị phụ thuộc của Trung tâm hoà giải thương mại bao gồm: Cấp, thu hồi Giấy phép thành lập của Trung tâm hòa giải thương mại; cấp, thu hồi Giấy phép thành lập của chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam; chấp thuận việc thay đổi nội dung Giấy phép thành lập của Trung tâm hòa giải thương mại; chấp thuận việc thay đổi nội dung Giấy phép thành lập của chi nhánh của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam; bổ sung hoạt động hòa giải thương mại cho Trung tâm trọng tài. Các giấy tờ này được quy định trong Biễu mẫu ban hành kèm Thông tư số 02/2018/TT-BTP.
- Đảm bảo thủ tục, thông tin về hoà giải viên thương mại, tổ chức hoà giải thương mại: Công bố danh sách hòa giải viên thương mại, danh sách tổ chức hòa giải thương mại trên toàn quốc. Bộ Tư pháp nắm thông tin về hoà giải thương mại vụ việc thông qua việc đăng ký làm hoà giải thương mại vụ việc và danh sách hoà giải viên quy chế thông qua thủ tục thông báo danh sách hoà giải viên thương mại do Trung tâm hoà giải gửi Bộ Tư pháp công bố. Thủ tục pháp lý đối với hoà giải vụ việc và quy chế ở Việt Nam chưa được thống nhất.
- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về hòa giải thương mại. Về vấn đề này, Bộ Tư pháp có chế độ kiểm soát hoạt động thông qua việc cấp phép, cấp đăng ký và chế độ sổ theo dõi hợp đồng lao động, sổ theo dõi hoạt động hoà giải thương mại, sổ theo dõi hoà giải viên thương mại, sổ theo dõi phí hoà giải thương mại. Tuy nhiên chế độ sổ theo dõi này chỉ áp dụng cho loại hoà giải quy chế.
Thứ hai, Chính phủ phân cấp thẩm quyền cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý hoà giải thương mại ở địa phương.
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) được phân cấp là cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động
hoà giải thương mại ở địa phương, với sự trợ giúp của Sở tư pháp với các nội dung như:
- Thực hiện thủ tục hành chính trong việc đăng ký hoạt động, đăng ký thay đổi nội dung hoạt động, thu hồi các Giấy đăng ký hoạt động của các tổ chức hoà giải, chi nhánh của các tổ chức hoà giải tại thuộc phạm vi tỉnh;
- Quản lý hoà giải viên thương mại, được phân cấp trong việc tiếp nhận đăng ký, lập và xóa tên hòa giải viên thương mại vụ việc khỏi danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc của Sở; cập nhật, công bố danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc, tổ chức hòa giải thương mại trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp; rà soát, thống kê, báo cáo số liệu về hòa giải viên thương mại hàng năm tại địa phương;
- Tiến hành kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về hoạt động hòa giải thương mại tại địa phương theo thẩm quyền;
- Thực hiện phối hợp, báo cáo cho cơ quan cấp trên về hoạt động hòa giải thương mại tại địa phương định kỳ hàng năm và khi có yêu cầu.
2.4.2. Về sự hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động hoà giải thương mại
Quy định hiện hành tại Nghị định số 22/2017/NĐ-CP không phản ánh vai trò hỗ trợ của Nhà nước trong hoạt động thương mại ở cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương, mà chỉ thực hiện ở cấp Trung ương là Bộ Tư pháp. Theo đó, Bộ Tư pháp có trách nhiệm thực hiện các biện pháp hỗ trợ và quy hoạch tổng thể phát triển hoạt động hoà giải thương mại trong cả nước. Hai nội dung hỗ trợ cơ bản được Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp bao gồm các nội dung hỗ trợ về thông tin, mạng lưới và phát triển nghiệp vụ hoà giải. Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý chung, sẽ nắm được đầy đủ thông tin về hoạt động hoà giải thương mại trong cả nước như tổ chức hoà giải thương mại, hoà giải viên thương mại, số lượng và kết quả của các vụ việc hoà giải thương mại, các vướng mắc trong việc thực hiện hoạt động hoà giải thương mại và các đề xuất từ các chủ thể trong hoạt động giải quyết tranh chấp này. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoà giải
thương mại, hướng dẫn nghiệp vụ về hòa giải thương mại, thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hòa giải thương mại (Điểm đ, điểm g khoản 1 Điều 42 Nghị định 22/2017/NĐ-CP).
Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (2015), thì cơ quan Toà án sẽ có hoạt động công nhận kết quả hoà giải thành ngoài Toà án khi đáp ứng các điều kiện và tuân theo trình tự thủ tục tại Bộ luật này. Đây cũng được coi là một hoạt động hỗ trợ từ phía Nhà nước để nhằm cụ thể hoá chính sách về cải cách tư pháp và phát triển giải quyết tranh chấp ngoài Toà án, giúp các bên tham gia hoà giải thương mại nói riêng có cơ hội chắc chắn hơn về hiện thực hoá kết quả hoà giải của mình.
Tuy nhiên, hiện nay các quy định về vai trò của Nhà nước đối với hoạt động hoà giải cho thấy, việc quản lý hành chính vẫn còn nặng nề, chưa chú trọng vào các biện pháp hỗ trợ và thúc đẩy. Quy định hiện hành còn chưa có quy định về các tổ chức xã hội-nghề nghiệp trong lĩnh vực hoà giải thương mại.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
1. Về mặt hình thức, hoà giải thương mại được ghi nhận tại Điều 317 Luật thương mại (2005) và đã được cụ thể nội dung tại Nghị định 22/2017/NĐ-CP. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên của Việt Nam điều chỉnh quan hệ hoà giải giữa hoà giải viên thương mại (độc lập) với các bên tranh chấp cũng như quy định về tư cách pháp lý của chủ thể hoà giải trong thị trường Việt Nam. Nội dung của Nghị định 22/2017/NĐ-CP cơ bản đã làm rõ được bản chất của hoà giải thương mại, xác định tư cách pháp lý cho chủ thể hoà giải, quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên tham gia vào quan hệ hoà giải thương mại, vấn đề quản lý Nhà nước trong hoạt động hoà giải. Tuy nhiên, mặt hạn chế của Nghị định 22/2017/NĐ-CP là vẫn sử dụng phương thức quản lý và phương pháp, nội dung điều chỉnh quan hệ hoà giải tương tự như đối với trọng tài, trong khi đây là hai phương thức có nhiều điểm khác biệt nhau.
Bên cạnh hai văn bản trên, Bộ luật tố tụng dân sự (2015) cũng dành Chương XXXIII về “Công nhận kết quả hoà giải thành ngoài Toà án” để ghi nhận thủ tục về công nhận giá trị pháp lý cho kết quả hoà giải thành, trong đó có hoà giải thương mại. Đây là cơ sở quan trọng, tạo tiền đề và thuận lợi cho phương thức hoà giải thương mại được các bên tranh chấp tin tưởng và sử dụng.
2. Mặc dù đã có sự nỗ lực trong việc ban hành và xây dựng nội dung pháp lý về hoà giải thương mại, vấn đề này vẫn còn có nhiều hạn chế. Nhà nước vẫn tập trung vào việc quy định các vấn đề về quản lý hành chính đối với tổ chức hoà giải, hoà giải viên mà chưa thực sự quan tâm tới các chính sách đảm bảo chất lượng, khuyến khích và thúc đẩy các chủ thể này cung cấp dịch vụ hoà giải cho thị trường.
Mặc dù quá trình làm luật đã có sự tham khảo Luật mẫu UNCITRAL và các quốc gia phát triển khác về hoà giải, nhưng Nghị định 22/2017/NĐ-CP vẫn còn nhiều bất cập cần có sự hướng dẫn rõ ràng hơn. Do đó, để đảm bảo đúng chủ trương là tạo điều kiện và khuyến khích hoà giải thương mại phát triển, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hoà giải thương mại dưới cả hai góc độ xây dựng hình thức pháp luật và hoàn thiện nội dung pháp luật.