Quy định về quyền và nghĩa vụ của hoà giải viên thương mại

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ luật học hoàn thiện pháp luật về hoà giải thương mại ở việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 88 - 92)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HOÀ GIẢI THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM

2.1. Quy định pháp luật về hoà giải viên thương mại

2.1.2. Quy định về quyền và nghĩa vụ của hoà giải viên thương mại

2.1.2.1. Quyền và nghĩa vụ của hoà giải viên thương mại trong hoạt động chuyên môn nghề nghiệp

Trước khi Nghị định 22/2017/NĐ-CP ra đời, hoạt động hoà giải các tranh chấp thương mại vẫn tồn tại, tuy nhiên tư cách của người hoà giải không được quy định cụ thể trong văn bản pháp lý ở nước ta. Với việc quy định các tiêu chuẩn và thủ tục để quản lý hoà giải viên thương mại như hiện nay đã cho thấy hoà giải viên thương mại được coi là một loại chủ thể hành nghề chuyên nghiệp. Với vai trò hoà giải chuyên nghiệp, hoà giải viên thương mại có các quyền trong phạm vi nghề nghiệp của mình như được bảo vệ các quyền lợi trong hoạt động nghề nghiệp, được tham gia vào các tổ chức, hiệp hội về nghề nghiệp, được tham gia vào các hoạt động đào tạo và bồi dưỡng.

Tuy nhiên, về vấn đề này, pháp luật hiện hành không có các quy định rõ ràng, mà chỉ có nhắc đến khi quy định về tổ chức hoà giải thương mại có quyền tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng hoà giải cho hoà giải viên thương mại. Hoạt động này mới chỉ được coi là quyền của tổ chức hoà giải, không phải là hoạt động bắt buộc hay được Nhà nước có chính sách khuyến khích, và cũng không áp dụng được cho các hoà giải viên vụ việc hoạt động độc lập. Mặc dù Nhà nước cũng có những quy định nhằm định hướng sự phát triển nghề nghiệp cho hoà giải viên như việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển hoà giải thương mại, hướng dẫn nghiệp vụ về hoà giải (Điểm đ khoản 1 Điều 42 Nghị định 22/2017/NĐ-CP) nhưng các quy định này cho đến nay vẫn chưa được hiện thực hoá bằng các văn bản và hoạt động thực tế cụ thể hơn. Ở Việt Nam cũng chưa có những tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực hoà giải, do đó, hoạt động này còn chưa có sức lan toả.

Với vai trò là chủ thể có chuyên môn tham gia vào vụ tranh chấp, hoà giải viên thương mại cũng cần tuân theo các quy tắc, thủ tục hoà giải được quy định bởi Nhà nước, Trung tâm hoà giải (đối với hoà giải viên thương mại quy chế). Trong trường hợp có các quy tắc hành nghề, quy tắc ứng xử và đạo đức thì hoà giải viên cũng cần tuân thủ. Một trong những quốc gia có quy định khá chặt chẽ về Quy tắc tiêu chuẩn đạo đức cho hoà giải viên là Úc. Theo đó, theo quy định của NMAS thì hoà giải viên cần tuân thủ các tiêu chuẩn về tính trung lập và công bằng, tính tự quyết, thủ tục công bằng, sự tự nguyện, sự bảo mật và thẩm quyền.

Về mặt thủ tục pháp lý với Nhà nước, quy định hiện hành của Việt Nam có cơ chế kiểm soát tiêu chuẩn hành nghề của hoà giải viên thương mại theo hai cách: Trung tâm hoà giải chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn chất lượng hoà giải viên thương mại của cơ sở mình; hoặc Sở tư pháp nơi hoà giải viên thương mại cư trú hoặc tạm trú (đối với người nước ngoài) sẽ kiểm soát chất lượng tiêu chuẩn hoà giải viên thương mại theo quy định pháp luật đối với hoà giải viên vụ việc. Theo đó, để trở thành hoà giải viên vụ việc, hoạt động độc lập, Sở tư pháp sẽ căn cứ vào hồ sơ, trong đó bao gồm các thông tin và chứng minh về bằng cấp và thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo. Nếu đáp ứng các tiêu chuẩn của hoà giải thương mại, tên của hoà giải viên thương mại vụ

việc sẽ được Sở tư pháp ghi vào Danh sách hoà giải viên thương mại vụ việc và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Sở. Nghị định 22/2017/NĐ-CP cũng có quy định về việc xoá tên hoà giải viên thương mại vụ việc nếu không còn đủ tiêu chuẩn theo quy định pháp luật. Từ những quy định quản lý Nhà nước đối với hoà giải thương mại này có thể thấy rõ cơ chế chuyên nghiệp hoá nghề hoà giải thương mại ở Việt Nam hiện nay.

2.1.2.2. Quyền và nghĩa vụ của hoà giải viên thương mại trong hoạt động giải quyết tranh chấp

Như đã phân tích tại Chương 1 về đặc điểm pháp lý của hoà giải thương mại, hoà giải viên thương mại là chủ thể không thể thiếu trong quan hệ hoà giải thương mại.

Mối quan hệ giữa hoà giải viên với các bên tranh chấp có tính dịch vụ do có hoạt động chi trả thù lao, nhưng nội dung mối quan hệ là việc hoà giải viên trợ giúp các bên dàn xếp được mâu thuẫn của mình. Với tư cách là chủ thể cung cấp dịch vụ hoà giải, hoà giải viên thương mại có các quyền và nghĩa vụ như sau:

* Về các quyền của hoà giải viên thương mại:

Hoà giải viên có quyền chấp nhận hoặc từ chối thực hiện hoạt động hòa giải thương mại (Điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 22/2017/NĐ-CP). Hoà giải thương mại là một hoạt động có tính chất tự nguyện, nguyên tắc này không chỉ được áp dụng cho các bên tranh chấp, mà còn áp dụng cho hoà giải viên. Không ai có quyền ép buộc hoà giải viên tham gia giải quyết các vụ tranh chấp. Do đó, khi các bên tranh chấp lựa chọn hoà giải viên, hoà giải viên này có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận lời đề nghị này. Tuy nhiên, quyền này của hoà giải viên thương mại đặt ra vấn đề, nếu hoà giải viên quy chế tại một trung tâm hoà giải cụ thể, thì hoà giải viên có quyền chấp nhận hoặc từ chối thực hiện hoạt động hoà giải theo sự phân công của trung tâm hoà giải hay không? Đây là điểm mà Nghị định 22/2017/NĐ-CP còn chưa làm rõ, có khả năng gây ra nhiều cách hiểu khác nhau trên thực tế. Nếu tình huống này xảy ra trong thực tế, thì sẽ tuỳ thuộc vào Quy chế của trung tâm và sự thoả thuận trong hợp đồng giữa trung tâm hoà giải với hoà giải viên.

Hoà giải viên có quyền từ chối cung cấp thông tin liên quan đến vụ tranh chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật (Điểm b khoản 1 Điều 9 Nghị định 22/2017/NĐ-CP). Bên cạnh đó, việc bảo mật thông tin về tranh chấp cũng được coi là nghĩa vụ của hoà giải viên đối với các bên (Điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị định 22/2017/NĐ-CP). Quy định này về quyền của hoà giải viên nhằm hướng tới sự đồng bộ với nguyên tắc bảo mật trong thủ tục hoà giải.

Hoà giải viên có quyền yêu cầu các bên tranh chấp tôn trọng các thoả thuận (ba bên) trong quá trình giải quyết tranh chấp; yêu cầu các bên trình bày đúng sự thật, các tình tiết của tranh chấp, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ tranh chấp (Điểm a khoản 2 Điều 13 Nghị định 22/2017/NĐ-CP); đưa ra đề xuất phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp (Khoản 3 Điều 14 Nghị định 22/2017/NĐ-CP).

* Về nghĩa vụ của hoà giải viên thương mại

Trong quá trình tham gia vụ việc hoà giải, hoà giải viên có trách nhiệm thực hiện thủ tục hoà giải theo sự thoả thuận của các bên hoặc quy định của trung tâm hoà giải.

Trước hết, hoà giải viên có nghĩa vụ phải thông báo cho các bên về thẩm quyền của mình đối với vụ tranh chấp. Phạm vi quyền của hoà giải viên bao gồm phạm vi về loại vụ việc mà hoà giải viên tham gia giải quyết, phạm vi hỗ trợ của hoà giải viên đối với vụ việc. Hoà giải viên cũng cần thông báo cho các bên tranh chấp về vấn đề thù lao và chi phí trước khi tiến hành hoạt động hoà giải. Với vai trò bên thứ ba hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp, hoà giải viên thương mại cần hoạt động một cách vô tư, khách quan và trung thực, tôn trọng thoả thuận của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Để loại trừ các yếu tố có khả năng ảnh hưởng tới sự khách quan và vô tư của hoà giải viên đối với vụ việc, hoà giải viên không được đồng thời đảm nhiệm vai trò đại diện hay tư vấn cho một trong các bên, không đồng thời là trọng tài viên đối với cùng vụ tranh chấp đang hoặc đã tiến hành hoà giải, trừ khi các bên có thoả thuận khác.

Trong quá trình giải quyết tranh chấp, hoà giải viên biết được các thông tin về vụ việc, khách hàng thì cũng không được phép tiết lộ, trừ trường hợp được các bên tranh chấp đồng ý bằng văn bản (Khoản 1 Điều 10 Nghị định 22/2017/NĐ-CP). Bên cạnh

đó, hoà giải viên cũng cần giữ vai trò độc lập, thái độ vô tư, khách quan và trung thực trong quá trình giải quyết tranh chấp cho các bên. Để đảm bảo sự độc lập khách quan này, hoà giải viên không được đồng thời đảm nhiệm vai trò đại diện hay tư vấn cho một trong các bên, không đồng thời là trọng tài viên đối với cùng vụ tranh chấp đang hoặc đã tiến hành hoà giải, trừ khi các bên có thoả thuận khác (Điểm đ khoản 2 Điều 10 Nghị định 22/2017/NĐ-CP).

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ luật học hoàn thiện pháp luật về hoà giải thương mại ở việt nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 88 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)