CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HOÀ GIẢI THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM
2.2. Quy định pháp luật về tổ chức hoà giải thương mại
2.2.2. Quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức hoà giải thương mại
Một là, quyền cung cấp dịch vụ hoà giải. Hoạt động cung cấp dịch vụ hoà giải bao gồm việc tiếp nhận vụ việc đến việc sắp xếp để tiến hành giải quyết tranh chấp như hỗ trợ chỉ định hoà giải viên theo yêu cầu của các bên. Cần hiểu rằng việc cung cấp dịch vụ hoà giải là quyền của tổ chức hoà giải thương mại, do đó các tổ chức này có thể tiếp nhận hoặc từ chối tiếp nhận vụ việc theo yêu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết tranh chấp, quyền tự chấm dứt hoạt động hoà giải của tổ chức hoà giải thương mại là chưa rõ ràng, do đó nếu các bên không có thoả thuận rõ ràng hoặc trong Quy tắc tố tụng không quy định thì cần áp dụng các quy định chung của Bộ luật tố tụng dân sự (2015) về đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp này, mà không có các quy định cụ thể tại Nghị định 22/2017/NĐ-CP. Tổ chức hoà giải thương mại có quyền tiến hành thu thù lao và các khoản thu hợp pháp khác có liên quan đến hoạt động hoà giải thương mại.
Hai là, quyền thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến hoà giải thương mại. Theo đó, tổ chức hoà giải thương mại có quyền tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên thương mại. Tổ chức hoà giải thương mại cũng có quyền xây dựng tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại và quy
trình xét chọn, lập danh sách, xóa tên hòa giải viên thương mại trong danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức mình.
Ba là, quyền đối với hoà giải viên thương mại thuộc tổ chức mình. Đây là quyền mà Nghị định 22/2017/NĐ-CP không đề cập tới. Mối quan hệ giữa các hoà giải viên thương mại với tổ chức hoà giải thương mại bản chất cũng là quan hệ hợp đồng lao động. Do đó, tổ chức hoà giải thương mại cũng có quyền của một chủ sử dụng lao động đối với người làm việc cho mình. Tuy nhiên, điểm đặc thù của nghề hoà giải là các hoà giải viên không thực sự lao động thường xuyên trong tổ chức, mà chỉ thực hiện công việc theo chỉ định của tổ chức hoặc của khách hàng. Vì vậy, việc pháp luật không có ghi nhận mức độ quyền hạn của tổ chức hoà giải đối với hoà giải viên thương mại thuộc tổ chức đó cũng sẽ gây ra khó khăn trong quá trình thi hành luật.
Về nghĩa vụ, tổ chức hoà giải thương mại có các nghĩa vụ cơ bản sau:
Một là, nghĩa vụ đối với các bên tranh chấp. Nghị định 22/2017/NĐ-CP không tập trung quy định nghĩa vụ của tổ chức hoà giải đối với các bên tranh chấp, mà chủ yếu sẽ được căn cứ vào Quy tắc hoà giải và thoả thuận hợp đồng với các bên. Nghị định chỉ có một nội dung liên quan đến nghĩa vụ của tổ chức hoà giải thương mại là phải “lưu trữ hồ sơ, cung cấp thông tin về kết quả hoà giải theo yêu cầu của các bên tranh chấp” tại điểm e khoản 2 Điều 24.
Hai là, nghĩa vụ đối với hoà giải viên thương mại. Tổ chức hoà giải có trách nhiệm trả thù lao và các chi phí khác cho hòa giải viên thương mại. Bên cạnh đó, tổ chức hoà giải thương mại còn có nghĩa vụ như một chủ thể quản lý về mặt chuyên môn và nhân sự đối với hoà giải viên. Quan hệ giữa tổ chức hoà giải thương mại với hoà giải viên thương mại cần dựa trên sự thoả thuận hợp đồng.
Ba là, một số nghĩa vụ khác về mặt chuyên môn trong hoạt động cung cấp dịch vụ hoà giải thương mại. Tổ chức hoà giải thương mại cần ban hành quy tắc đạo đức và ứng xử của hòa giải viên thương mại; xây dựng, ban hành và công bố công khai Quy tắc hòa giải, mức thù lao hòa giải. Hiện nay, Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế Việt Nam là tổ chức đi đầu trong việc thiết kế các điều khoản
trong Quy tắc hoà giải theo thủ tục hoà giải do Trung tâm trọng tài cung cấp dịch vụ; tiếp đó là Quy tắc hoà giải độc lập của Trung tâm hoà giải Việt Nam mới được ra mắt vào ngày 29/05/2018. Tuy nhiên, việc sử dụng các Quy tắc hoà giải này vẫn còn khá mới, thông tin thực tiễn triển khai xây dựng các quy tắc, quy chế của trung tâm hoà giải tại Việt Nam vẫn chưa được thống kê.
Bốn là, một số nghĩa vụ nhằm phục vụ hoạt động quản lý hành chính Nhà nước. Tổ chức hoà giải thương mại phải tiến hành lập, công bố danh sách hòa giải viên thương mại, gửi danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức mình cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hòa giải thương mại đăng ký hoạt động trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động hoặc kể từ ngày quyết định bổ sung hoạt động hòa giải thương mại cho Trung tâm trọng tài có hiệu lực hoặc kể từ ngày có thay đổi về danh sách hòa giải viên thương mại. Danh sách hoà giải viên thương mại gửi Bộ Tư pháp công bố được lập theo mẫu số 21/TP-HGTM ban hành kèm theo Thông tư số 02/2018/TT-BTP bao gồm các thông tin của hoà giải viên thương mại: Họ và tên, năm sinh, giới tính, quốc tịch, Số chứng minh nhân dân/ Hộ chiếu/ Thẻ căn cước công dân, ngày và nơi cấp, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (đăng ký tạm trú, thường trú đối với người nước ngoài), điện thoại liên lạc, và nghề nghiệp. Trong quá trình hoạt động, nếu có bổ sung hoà giải viên thương mại thì tổ chức hoà giải thương mại cũng cần phải báo cáo Bộ Tư pháp. Theo Thông tư số 02/2018/TT-BTP thì tổ chức hoà giải thương mại cũng cần lập sổ theo dõi hoạt động hoà giải thương mại, sổ theo dõi hoà giải viên thương mại, sổ theo dõi thù lao hoà giải thương mại theo các Mẫu số 22/TP-HGTM, số 23/TP-HGTM và số 24/TP-HGTM. Các thông tin này phục vụ việc lưu trữ về thông tin trong tổ chức hoà giải. Tuy nhiên, căn cứ của việc lập sổ theo dõi các nội dung này lại không được quy định rõ tại Nghị định 22/2017/NĐ-CP, ngoài việc tổ chức hoà giải có nghĩa vụ lưu trữ hồ sơ, cung cấp thông tin về kết quả hoà giải theo yêu cầu của các bên tranh chấp hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Điểm e khoản 2 Điều 24 Nghị định 22/2017/NĐ-CP). Tổ chức hoà giải thương mại phải thực hiện việc báo cáo về tổ chức và hoạt động hoà
giải thương mại cho Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở của tổ chức hoà giải thương mại, chi nhánh, văn phòng đại diện tổ chức hoà giải thương mại tại Việt Nam theo mẫu tại Thông tư số 02/2018/TT-BTP (Mẫu số 17/TP-HGTM và mẫu số 18/TP-HGTM) (Điều 5 Thông tư 02/2018/TT-BTP). Theo đó, nội dung thông tin báo cáo bao gồm thông tin về tổ chức như thông tin Chủ tịch tổ chức hoà giải, số lượng hoà giải viên, nghề nghiệp của hoà giải viên, số lượng các nhân viên khác, số lượng và thông tin chi nhánh và văn phòng đại diện; thông tin về hoạt động của tổ chức hoà giải thương mại như số vụ việc đã tiếp nhận, số vụ việc đã giải quyết, số vụ việc hoà giải thành, các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, số liệu thu và chi của tổ chức hoà giải và tự đánh giá về kết quả hoạt động của tổ chức hoà giải. Bên cạnh đó, tổ chức hoà giải cũng sẽ được đưa ra các đề xuất, kiến nghị đối với cơ quan Nhà nước. Ý nghĩa của hoạt động báo cáo này không chỉ phục vụ công tác quản lý hành chính Nhà nước mà còn phục vụ cho công tác theo dõi, rà soát, cập nhật tình hình thực tế để Nhà nước có sự điều chỉnh, hỗ trợ phù hợp với hoạt động hoà giải thương mại.
Ngoài các quyền và nghĩa vụ kể trên, tổ chức hoà giải thương mại có các quyền và cần tuân thủ các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ của tổ chức hoà giải thương mại.