CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HÒA GIẢI THƯƠNG MẠI VÀ PHÁP LUẬT VỀ HÒA GIẢI THƯƠNG MẠI
1.1. Những vấn đề lý luận về hoà giải thương mại
1.1.2. Phân loại hoà giải thương mại
1.1.2.1. Theo hình thức hoà giải thương mại
Dù có thể được gọi tên rõ ràng hay không thì các quốc gia trên thế giới khi quy định về hoà giải thương mại, đều ghi nhận hai hình thức hoà giải theo tư cách của tổ chức hoà giải (quy chế) hoặc hoà giải theo tư cách cá nhân (vụ việc). Ví dụ như Luật hoà giải Đức hay Luật hoà giải Singapore tuy không có định nghĩa về hai loại hoà giải này nhưng đều có những nội dung pháp luật có liên quan bằng việc có những quy định về chủ thể cung cấp dịch vụ hoà giải. Theo quy định pháp luật hiện hành, Việt Nam công nhận hai hình thức hoà giải thương mại bao gồm: Hoà giải thương mại quy chế và hoà giải thương mại vụ việc.
Hoà giải thương mại quy chế: Là hình thức giải quyết tranh chấp tại một tổ chức hoà giải thương mại và theo quy tắc hoà giải của tổ chức đó. Tại Việt Nam, khi các bên lựa chọn hình thức hoà giải thương mại quy chế, các bên có thể lựa chọn một Trung tâm hoà giải thương mại hoặc Trung tâm trọng tài có đăng ký hoạt động hoà giải thương mại. Tổ chức hoà giải thương mại là một pháp nhân có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Tổ chức hoà giải có danh sách hoà giải viên, có trụ sở, có cơ cấu tổ chức (đứng đầu là Chủ tịch), quy tắc hoà giải và quy tắc đạo đức và ứng xử của hoà giải viên thương mại. Do đó, khi các bên tranh chấp lựa
chọn hoà giải tại tổ chức hoà giải thương mại, các bên sẽ lựa chọn các hoà giải viên trong danh sách của Trung tâm, giải quyết tranh chấp trên cơ sở quy tắc hoà giải của Trung tâm và sẽ được thụ hưởng những hỗ trợ khác từ Trung tâm.
Ưu điểm của việc sử dụng hoà giải thương mại quy chế là các bên sẽ được tổ chức hoà giải có những hỗ trợ chuyên nghiệp từ danh sách hoà giải viên với những thông tin và sự đảm bảo về tư cách của hoà giải viên này, tới quy tắc quy trình hoà giải và các hỗ trợ về hành chính, tư vấn khác. Tuy nhiên, nhược điểm của hoà giải thương mại quy chế đó là các bên có thể sẽ phải chịu sự chi phối cao hơn từ phía tổ chức hoà giải như: Phải tuân thủ quy tắc hoà giải của tổ chức, nếu các bên muốn một quy trình thủ tục khác thì tổ chức hoà giải có thể từ chối giải quyết tranh chấp;
chấp nhận chi trả chi phí cho vụ tranh chấp được xác định từ phía tổ chức hoà giải bằng một biểu phí cố định.
Hoà giải thương mại vụ việc: Là hình thức giải quyết tranh chấp do hoà giải viên thương mại được các bên lựa chọn, hoà giải viên giải quyết vụ tranh chấp với tư cách độc lập và không trực thuộc tổ chức hoà giải. Khi các bên tranh chấp cùng lựa chọn hình thức hoà giải thương mại vụ việc, các bên sẽ chọn những hoà giải viên thương mại với tư cách cá nhân mà không thông qua bất kỳ tổ chức nào. Đối với hình thức hoà giải này, các bên có thể áp dụng quy trình được pháp luật quy định hoặc áp dụng một quy tắc của một tổ chức hoà giải cụ thể hoặc tự thoả thuận xây dựng một thủ tục phù hợp. Ưu điểm của hoà giải vụ việc là các bên ít chịu sự chi phối từ một pháp nhân, mà làm việc trực tiếp với một hoặc một số hoà giải viên theo nhu cầu của mình. Tuy nhiên, chính việc không có một tổ chức đứng ra để giải quyết vụ tranh chấp, nên tính chuyên nghiệp có khả năng không được đảm bảo dẫn đến việc các bên mất thêm thời gian và chi phí mà lại không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Trong thực tế, các bên tranh chấp có thể cân nhắc những ưu và nhược điểm của từng hình thức hoà giải thương mại để lựa chọn một giải pháp hoà giải phù hợp cho mình. Hình thức hoà giải quy chế sẽ khá phù hợp với những vụ tranh chấp có yếu tố phức tạp do các bên sẽ có được sự hỗ trợ từ phía một tổ chức chuyên nghiệp
với những quy trình, quy tắc đã được xây dựng sẵn, hỗ trợ lựa chọn hoà giải viên và các hỗ trợ về mặt thông tin, thủ tục khác nếu cần. Hình thức hoà giải vụ việc có thể phù hợp với vụ tranh chấp không quá phức tạp, hoặc các bên muốn tiết kiệm chi phí hoặc đơn giản là vụ tranh chấp có yếu tố đặc thù mà hoà giải viên các bên muốn lựa chọn không nằm trong danh sách của bất kỳ tổ chức hoà giải nào.
1.1.2.2. Theo phương pháp hoà giải
Việc phân loại hoà giải theo phương pháp hoà giải nhằm xác định cách thức mà hoà giải viên sử dụng đối với mỗi vụ việc hoà giải. Các loại hoà giải được gọi tên dưới đây không được chuyển hoá vào các quy định pháp luật. Hiện nay, một số phương pháp hoà giải được nhắc đến nhiều như: Hoà giải dàn xếp (settlement mediation), hoà giải tạo điều kiện thuận lợi (facilitative mediation), hoà giải đánh giá (evaluative mediation) và hoà giải chuyển đổi (transformative mediation) [87, tr.
101-102].
Hoà giải dàn xếp (settlement mediation): Hay còn gọi là hoà giải thoả hiệp (compromise mediation), là phương pháp hoà giải mà theo đó hoà giải viên sẽ khuyến khích các bên thoả hiệp được mâu thuẫn chung để đạt được thoả thuận hoà giải thành. Hoà giải viên sẽ dựa vào nhận thức của mỗi bên để thúc đẩy các bên tìm ra giải pháp giải quyết tranh chấp. Trong mô hình hoà giải này, hoà giải viên có thể là luật sư hoặc người quản lý mà không nhất thiết là hoà giải viên chuyên nghiệp (không nhất thiết phải có kinh nghiệm về trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hoà giải, kỹ năng và kỹ thuật hoà giải). Vai trò chính của hoà giải viên là thuyết phục các bên đặt vị trí của mình vào bên kia để cùng thoả hiệp. Đối với phương pháp hoà giải này, thủ tục hoà giải rất đơn giản, sự can thiệp của hoà giải viên vào việc giải quyết tranh chấp là khá thấp.
Hoà giải tạo điều kiện thuận lợi (facilitative mediation): Là phương pháp hoà giải mà các bên được khuyến khích đàm phán dựa trên những nhu cầu và lợi ích hơn là dựa vào các quy định pháp luật cứng nhắc. Hoà giải viên sẽ điều khiển quá trình hoà giải, giữ vai trò duy trì giao tiếp có tính chất xây dựng giữa các bên, nâng cao nỗ lực thương lượng và khuyến khích đạt được thoả thuận. Theo đó, hoà giải
viên tập trung tìm hiểu các vấn đề mâu thuẫn mà các bên có thể không nhìn ra được để giúp các bên đạt được thoả thuận giải quyết vấn đề [109, tr.5]. Hoà giải viên giữ vai trò tiến hành quá trình hoà giải, duy trì việc đối thoại của các bên, nâng cao nỗ lực đàm phán và khuyến khích các bên đạt được thoả thuận. Nếu như trong hoà giải dàn xếp, hoà giải viên không nhất thiết là hoà giải viên có kinh nghiệm, thì đối với hoà giải tạo điều kiện thuận lợi, hoà giải viên phải là chuyên gia nắm vững quy trình và kỹ thuật hoà giải, nhưng cũng không bắt buộc phải là người có kiến thức về vấn đề tranh chấp. Trong phương pháp này, mức độ can thiệp của hoà giải viên vào vụ tranh chấp cũng khá thấp, đặc biệt là về vấn đề chuyên môn, do đó các bên cần có sự nỗ lực đàm phán với nhau.
Hoà giải chuyển đổi (transformative mediation): Là phương pháp hoà giải theo đó các bên được khuyến khích giải quyết vấn đề vướng mắc với thái độ và mục đích nhằm cải thiện mối quan hệ. Hoà giải viên là chuyên gia trong việc tư vấn pháp lý (counseling), tâm lý học, xã hội học (psychology or social work) có kiến thức để nhận biết được nhận thức và cảm xúc của các bên trong mâu thuẫn. Hoà giải viên cần tìm được các nguyên nhân thực sự làm các bên có tranh chấp để từ đó giúp các bên tháo gỡ nhằm hướng đến một giải pháp để phục vụ việc giữ vững quan hệ đối tác. Ở phương pháp hoà giải này, mục đích chính không hẳn là phải đưa ra được một thoả thuận cuối cùng (settlement) mà chủ yếu nhấn mạnh vào việc đưa ra các giải pháp (resolution) nhằm cải thiện mối quan hệ giữa các bên. Thậm chí, bất kỳ một quyết định nào cũng có thể bị hoãn lại cho đến khi mối quan hệ của các bên được cải thiện. Phương pháp này thường có thể kéo dài hơn và cũng có thể được kết thúc mà không có thoả thuận cuối cùng. Phương pháp hoà giải này cũng có thể phù hợp với các vụ việc hoà giải hôn nhân, gia đình, lao động hoặc là hoà giải tranh chấp thương mại với nhu cầu của các bên là gìn giữ mối quan hệ đối tác.
Hoà giải đánh giá (evaluative mediation): Là phương pháp hoà giải mà các bên được khuyến khích đạt được thoả thuận theo những quyền và nghĩa vụ được quy định bởi pháp luật. Hoà giải viên cần căn cứ vào các quyền và nghĩa vụ pháp lý, cung cấp thông tin, lời khuyên và thuyết phục các bên, mang những kiến thức
chuyên môn để áp dụng vào nội dung hoà giải, hoà giải viên cũng cần có khả năng dự đoán kết quả hoà giải dựa trên diễn biễn vụ tranh chấp. Do đó, phương pháp hoà giải này đòi hỏi hoà giải viên cần có kiến thức chuyên sâu về vấn đề tranh chấp, không nhất thiết có kinh nghiệm về kỹ thuật hoà giải. Hoà giải viên trong phương thức hoà giải đánh giá can thiệp khá sâu vào vụ tranh chấp, mô hình khá giống với trọng tài. Đây cũng là một nhược điểm của hoà giải đánh giá khi mà sự phân biệt về vai trò của hoà giải viên và trọng tài viên trong trọng tài là không rõ nét. Tuy nhiên ưu điểm của hoà giải đánh giá là kết quả hoà giải thường rất gần với cách xử lý của Trọng tài hay Toà án, nhưng lại được tiến hành với phương pháp rất mềm dẻo.
Qua bốn cách thức hoà giải trên đây có thể thấy, tuỳ vào mục đích của các bên và thái độ của họ đối với tranh chấp mà có thể lựa chọn hoà giải viên với phương pháp tiến hành hoà giải phù hợp mà không nhất thiết phải tuân theo các trình tự thủ tục phức tạp từ pháp luật. Cách phân loại hoà giải theo tiêu chí này chủ yếu chỉ tồn tại trong giới học thuật và thực tiễn hành nghề. Pháp luật không có các quy định về các phương pháp hoà giải theo tiêu chí này. Đứng từ góc độ nghiên cứu, việc phân loại này là cần thiết để làm rõ vai trò và mức độ can thiệp của hoà giải viên đối với vụ tranh chấp. Tuy nhiên, xét từ khía cạnh pháp luật, việc phân loại hoà giải thương mại kiểu này không có nhiều ý nghĩa.