Tốc độ máu lắng và nồng độ Hs-CRP

Một phần của tài liệu nhận xét hiệu quả của streptokinase trong điều trị tràn dịch màng phổi do lao vách hóa tại trung tâm hô hấp (Trang 53 - 57)

Tốc độ máu lắng và nồng độ Hs-CRP là những xét nghiệm phản ánh tình trạng viêm cấp. Trong TDMP cả máu lắng và Hs-CRP đều tăng.

* Tốc độ máu lắng: Chúng tôi thấy 56,7% bệnh nhân có máu lắng giờ thứ nhất trên 50mm. Tỷ lệ bệnh nhân có máu lắng giờ thứ nhất trên 50 mm trong NC của chúng tôi cao hơn Trần Văn Sáu (1996) là 39%, nhưng thấp hơn NC của Trương Huy Hưng (2004) là 82,2%. Theo chúng tôi máu lắng chỉ có tác dụng theo dõi tiến triển của bệnh và trong một số trường hợp giúp gợi ý đến nguyên nhân gây bệnh.

* Nồng độ Hs-CRP: Nghiên cứu của các tác giả nước ngoài thường không sử dụng nồng độ CRP huyết tương đơn độc mà thường phối hợp với định lượng nồng độ CRP trong DMP và tỷ số giữa nồng độ CRP DMP với huyết tương.

Chierakul và CS (2004) thấy nồng độ CRP trong DMP và huyết tương ở bệnh nhân TDMP do lao cao hơn có ý nghĩa so với bệnh nhân TDMP do nguyên nhân ác tính (5,46 ± 0,45 mg/dL và 10,69 ± 0,95 mg/dL so với 1,27 ± 0,35 mg/dL và 4,97 ± 0,88 mg/dL, p < 0,001) [32].

Elsammak và CS (2007) cũng thấy nồng độ CRP huyết thanh và tỉ số giữa nồng độ CRP dịch màng phổi/huyết thanh ở nhóm TDMP do lao cao hơn ở nhóm TDMP ác tính hoặc TDMP dịch thấm [41].

Chúng tôi chỉ định lượng được CRP trong huyết tương. Kết quả nồng độ Hs-CRP trung bình là 6,7 ± 4,57 mg/dL. Trong đó 96,7% bệnh nhân có nồng độ Hs-CRP dưới 15 mg/dL.

4.1.9. Xét nghiệm dịch màng phổi

4.1.8.1. Phản ứng Rivalta và nồng độ protein

Tất cả bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi đều có phản ứng Rivalta dương tính và nồng độ protein DMP trên 30 g/L. Nồng độ protein DMP trung bình là 54,4 ± 5,1 g/L. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự các nghiên cứu về TDMP do lao vách hóa.

Kwak và CS (2004) nghiên cứu trên 43 bệnh nhân thấy nồng độ protein DMP trung bình là 62 ± 3,9 g/L [47].

Kết quả nghiên cứu của Viedma và CS (2006) nồng độ protein DMP trung bình là 51,3 ± 6,2 g/L [72].

4.1.8.2. Tế bào dịch màng phổi

Theo y văn dịch màng phổi trong TDMP do lao thường có nhiều lympho bào. Tỷ lệ lympho bào của DMP trên 90% có giá trị gợi ý đến nguyên nhân do lao [18].

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận được 60% trường hợp DMP nhiều lympho bào. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự kết quả của Trần Hoàng Thành (2009) là 59,84% trường hợp lao màng phổi có nhiều lympho bào trong DMP [20].

4.1.8.3. AFB và PCR-TB dịch màng phổi * Nhuộm soi tìm AFB

Kết quả soi tìm AFB trong dịch màng phổi có sự khác nhau giữa các tác giả trong và ngoài nước. Các NC trong nước về TDMP do lao thường không tìm thấy AFB trong DMP trong khi tỷ lệ soi thấy AFB là khoảng 7,9% - 27,5% theo các tác giả nước ngoài [9], [14], [18], [26], [50], [71].

Trong nghiên cứu của chúng tôi không có bệnh nhân nào được chẩn đoán dựa vào kết quả xét nghiệm AFB trong DMP, kết quả này cũng tương tự như nghiên cứu của các tác giả trong nước.

Nhiều tác giả giải thích có sự khác nhau về tỷ lệ soi thấy AFB trong DMP giữa các NC vì TDMP do lao ở người trẻ thường là lao tiên phát, TDMP chỉ là hậu quả của phản ứng quá mẫn với kháng nguyên vi khuẩn lao trong DMP, trong khi TDMP do lao ở người cao tuổi thường là lao tái hoạt động do vỡ các hang lao nằm sát màng phổi giải phóng các vi khuẩn lao vào trong khoang màng phổi. Việt Nam là nước có tỷ lệ mắc lao cao, phần lớn các bệnh nhân còn trẻ nên tỷ lệ soi thấy AFB trong DMP thấp.

* PCR-TB

Khi xem xét kết quả PCR-TB của dịch màng phổi chúng tôi nhận thấy có sự khác nhau rất lớn giữa các nghiên cứu. Tỷ lệ PCR-TB DMP dương tính dao động trong khoảng 6% đến 84%. Sự khác nhau này có lẽ liên quan đến điều kiện, tiêu chuẩn chất lượng của từng phòng xét nghiệm. Một số tác giả còn cho rằng trong DMP có những chất ức chế dẫn tới PCR-TB âm tính.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự kết quả của Phạm Thị Mỹ Dung và CS (2009) do cùng được làm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Bảng 4.1. Kết quả xét nghiệm PCR-TB DMP của một số nghiên cứu

Tác giả Cỡ mẫu Tỷ lệ dương tính Phạm Thị Mỹ Dung và Trần Hoàng Thành (2009) [7] 127 32,3 Trần Anh Đào và CS (2009) [6] 43 6,1 Đỗ Quyết và CS (2010) [17] 70 78,6 Nguyễn Đình Tiến và CS (2011) [21] 33 75,8 Phạm Thị Phương Nam và CS (2011) [14] 62 83,87 Dil-Afroze và CS (2006) [39] 48 66,7% Franciele Rosso và CS (2011) [61] 150 42,9 Chúng tôi 30 36,7

4.1.8.4. Kết quả nuôi cấy DMP

Trong nghiên cứu của chúng tôi có 3 bệnh nhân có kết quả nuôi cấy lao dương tính, 2 bệnh nhân có kết quả MGIT và Lowenstein cùng dương tính, 1 bệnh nhân chỉ có kết quả Lowenstein dương tính. Tỷ lệ nuôi cấy lao dương tính trong nghiên cứu của chúng tôi là 10%.

Nghiên cứu của Trần Văn Sáu (1996) thấy tỷ lệ nuôi cấy DMP dương tính là 6,32% [18].

Kết quả nuôi cấy vi khuẩn lao trong DMP theo các nghiên cứu trong nước thường thấp hơn các nghiên cứu của nước ngoài nhất là những nghiên cứu trong những năm gần đây.

Baumann (2007) nghiên cứu trên 7549 bệnh nhân TDMP do lao tại Mỹ trong vòng 10 năm, kết quả cho thấy 47,9% bệnh nhân có kết quả nuôi cấy DMP dương tính [26].

Lai (2012) nghiên cứu trên 51 bệnh nhân TDMP do lao thấy tỷ lệ nuôi cấy DMP dương tính là 43% [50].

4.1.9. Phản ứng Mantoux

70% bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi có phản ứng Mantoux dương tính, trong đó chủ yếu dương tính nhẹ. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Kết quả phản ứng Mantoux của một số nghiên cứu trong và ngoài nước như sau:

- Trần Văn Sáu (1996) thấy 89% bệnh nhân có phản ứng Mantoux dương tính [18].

- Phạm Thị Mỹ Dung và Trần Hoàng Thành (2009) NC trên 81 BN TDMP do lao thấy tỷ lệ phản ứng Mantoux dương tính là 46,9% [7].

- Tỷ lệ phản Mantoux dương tính trong nghiên cứu của Chung (2011) trên 51 bệnh nhân là 73% [34].

Một phần của tài liệu nhận xét hiệu quả của streptokinase trong điều trị tràn dịch màng phổi do lao vách hóa tại trung tâm hô hấp (Trang 53 - 57)