4.1.7.1 Vị trí và mức độ tràn dịch
Theo y văn TDMP do lao thường gây ra tràn dịch mức độ trung bình với tỷ lệ gặp bên phải nhiều hơn bên trái. Trong NC của chúng tôi 63,3% bệnh nhân tràn dịch ở mức độ trung bình; 50% gặp ở bên phải; 46,7% gặp ở bên trái, có một trường hợp TDMP cả hai bên.
Kết quả của chúng tôi tương tự với kết quả của Chung (2008) tính trung bình diện tích TDMP trên phim XQ là 54,55 ± 23,4% [33].
Viedma (2006) thấy mức độ tràn dịch ít, trung bình và nhiều là tương đương nhau (tỷ lệ lần lượt là 31,3%; 31,3% và 37,4%) [72].
4.1.7.2. Tổn thương nhu mô phổi
Trong nghiên cứu của chúng tôi X-quang phổi thẳng phát hiện 3 bệnh nhân có tổn thương nhu mô phổi phối hợp. Mười sáu bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính ngực có 6 bệnh nhân có tổn thương nhu mô trong đó có 1 bệnh nhân có tổn thương trên phim X-quang. Tổng cộng có 8 (26,7%) bệnh nhân có tổn thương nhu mô phổi phối hợp trong nghiên cứu của chúng tôi. Các tác giả khác khi nghiên cứu về TDMP do lao vách hóa không đề cập đến vấn đề này. Khi so sánh với các nghiên cứu về TDMP do lao không vách hóa, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ phát hiện tổn thương nhu mô phổi trên phim X-quang của chúng tôi thấp hơn nhiều đặc biệt khi so sánh với các tác giả nước ngoài.
Theo một số tác giả trong nước 22,2% đến 47% bệnh nhân TDMP do lao có tổn thương nhu mô trên phim X-quang ngực [10], [14]. Hee Joung Kim (2006) X-quang ngực phát hiện 67% bệnh nhân có tổn thương nhu mô [45].
Tỷ lệ phát hiện tổn thương nhu mô phổi trên phim X-quang phổi của chúng tôi thấp vì lí do: những tổn thương nhu mô nằm sát với vùng tràn dịch bị dịch màng phổi che lấp. Tình trạng vách hóa, dày màng phổi cũng ảnh hưởng đến việc đánh giá hình ảnh X-quang phổi. Có 16 bệnh nhân được chụp
phim cắt lớp vi tính ngực, những bệnh nhân này được chụp phim sớm khi mới vào viện do đó tổn thương nhu mô phổi cũng bị che lấp bởi DMP và nhu môi phổi xẹp. Chúng tôi cho rằng với những bệnh nhân TDMP do lao chỉ nên chụp CT khi khi đã tháo hết DMP.