Chương 2: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA Ở HUYỆN THẠCH THÀNH TỪ NĂM 2010 ĐẾN NAY
2.1. Hệ thống tổ chức quản lý di tích lịch sử - văn hóa
2.1.5. Ban Quản lý di tích cơ sở
Căn cứ Quyết định số 2060/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh
Thanh Hóa [34], UBND huyện Thạch Thành đã có công văn số 1092/UBND- VHTT ngày 10 tháng 12 năm 2015 về việc thành lập, kiện toàn Ban quản lý di tích cấp xã, thị trấn. Việc thành lập mới Ban quản lý di tích được căn cứ quy định tại điểm 3 Điều 3 của Quyết định số 2060/2013/QĐ-UBND nêu trên.
Đến nay, các xã, thị trấn có di tích xếp hạng đều đã được thành lập Ban quản lý di tích. Trên địa bàn huyện có 12 Ban quản lý di tích (trong đó 11 Ban cấp xã và 01 Ban cấp huyện; Ban quản lý di tích cấp huyện trực tiếp quản lý 02 di tích cấp quốc gia, đó là: di tích Chiến khu Ngọc Trạo và di tích Hang Con Moong). Bên cạnh đó, toàn bộ các cán bộ văn hóa địa phương có di tích xếp hạng được tập huấn phổ biến các văn bản của nhà nước liên quan đến lĩnh vực quản lý di tích. Hầu hết các Ban quản lý di tích đều hoạt động có hiệu quả, góp phần gìn giữ, bảo vệ, phát huy tốt giá trị của di tích.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện Thạch Thành còn tồn tại một số mô hình quản lý di tích khác nhau, việc quản lý, bảo vệ còn có bất cập, dẫn đến tình trạng khai thác, phát huy giá trị di tích LSVH chưa thực sự hiệu quả.
Hầu hết chính quyền địa phương cấp xã nơi có di tích được xếp hạng các cấp tỉnh đều thành lập ban quản lý di tích trên địa bàn, với các mô hình: Ban quản lý có sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, thôn, đại diện đoàn thể và người trụ trì, chủ sở hữu di tích; Ban Khánh tiết/Tổ bảo vệ di tích do nhân dân bầu ra, có sự tham gia của đại diện đoàn thể, nhân dân thôn và người trụ trì hoặc chủ sở hữu di tích…
Một số Ban quản lý di tích hạn chế về cơ cấu tổ chức các phòng ban, biên chế cán bộ…, do đó rất khó khăn trong việc quản lý, đào tạo đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu, công tác nghiên cứu khoa học, hoạt động nghiệp vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tuyên truyền về di sản, hợp tác trong lĩnh vực di sản,
Đội ngũ lãnh đạo Ban quản lý di tích còn yếu về trình độ chuyên môn, thiếu hiểu biết về di tích và pháp luật về di tích. Một số đơn vị có biểu hiện lúng túng trong quản lý các khoản thu từ di tích như tiền giọt dầu, tiền công đức và các hiện vật do các tổ chức, cá nhân cung tiến, còn xảy ra hiện tượng chưa phân rõ chức năng quản lý giữa Ban quản lý di tích và người trực tiếp trông nom di tích (nhà sư, ông từ…), nảy sinh nhiều phức tạp trong công tác quản lý, trong công tác thu chi. Tại một số nơi còn có tình trạng di tích không có nguồn thu nên ít được quan tâm chăm sóc.
Sự tham gia của lãnh đạo cấp xã và đại diện các đoàn thể ở địa phương một số nơi, đã buông lỏng quản lý để cho cộng đồng và những người trực tiếp được cộng đồng cử trông nom di tích tự động, tùy tiện tu bổ, tôn tạo di tích sai quy định, đặc biệt là quản lý việc xây dựng cơi nới các hạng mục của di tích không tuân thủ các quy định của pháp luật để mất cắp cổ vật, giới thiệu sai lệch nội dung di tích, vệ sinh môi trường ở di tích chưa tốt…Những tồn tại, hạn chế vừa nêu đã ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý và khả năng giáo dục truyền thống tại các di tích.
Thực trạng trên đòi hỏi phải nghiên cứu xây dựng nguyên tắc và đề xuất một số giải pháp kiện toàn mô hình quản lý di tích để tăng cường hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc nói chung và di tích LSVH trên địa bàn huyện Thạch Thành nói riêng.
Liên hệ với hệ thống tổ chức quản lý di tích LSVH trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc, Tỉnh Thanh Hóa, hiện nay huyện Vĩnh Lộc có 65 di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia (Trong đó có 1 di sản văn hóa Thế giới cũng là di tích cấp Quốc Gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia). Riêng đối với di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ ở Vĩnh Lộc năm 2007 đã thành lập Ban quản lý di tích Thành Nhà Hồ. Năm 2010, chủ tịch UBND tỉnh ký Ban quản lý di tích Thành
Nhà Hồ thành Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Thành Nhà Hồ, gồm 1 giám đốc, 02 phó giám đốc và 7 biên chế, 8 cán bộ hợp đồng. Trung tâm trực thuộc Sở văn hóa Thông tin, nay là Sở văn hóa thể thao và du lịch Thanh Hóa. Đây là một điều thuận lợi cho công tác quản lý di tích tại huyện Vĩnh Lộc. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc vẫn chưa thành lập ban Quản lý di tích cấp huyện riêng mà hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm. So với huyện Thạch Thành, Việc thành lập 1 ban quản lý Chiến khu Du kích Ngọc Trạo có quy chế và kế hoạch cụ thể,dù có những hạn chế về số lượng nhân sự và trình độ chuyên môn, xong cũng tạo sự thuận lợi cho công tác điều hành và quản lý được hiệu quả. Thực tế thì Di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong vẫn cần thành lập 1 Ban quản lý di tích riêng, có cơ cấu tổ chức và quy chế nhất định, đáp ứng với tính chất và vai trò, giá trị của di tích cấp quốc gia đặc biệt.
2.2. Thực trạng hoạt động của hệ thống quản lý di tích lịch sử - văn hóa ở huyện Thạch Thành