Chương 2: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA Ở HUYỆN THẠCH THÀNH TỪ NĂM 2010 ĐẾN NAY
2.3. Đánh giá kết quả quản lý di tích lich sử - văn hóa ở huyện Thạch Thành
2.3.2. Một số hạn chế
2.3.2.1. Về tổ chức bộ máy quản lý
Đội ngũ cán bộ chuyên môn quản lý di tích LSVH ở cấp huyện còn mỏng, năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế (có thể kể
đến việc: thiếu người có chuyên môn về di tích LSVH, về nghiệp vụ du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên có khả năng, nghiệp vụ du lịch và có kiến thức về lịch sử di tích). Một số cán bộ được phân công nhiệm vụ chưa thực sự đúng với chuyên ngành đã được đào tạo. Tại cấp cơ sở, năng lực cán bộ quản lý di tích còn ở trình độ thấp, làm việc theo kinh nghiệm và thói quen nhiều hơn là vận dụng chuyên môn. Tại một số xã, cán bộ phụ trách văn hoá chỉ làm hợp đồng, chế độ lương thấp, chưa đảm bảo điều kiện cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, một số cán bộ làm việc kiêm nhiệm, nên hiệu quả chưa cao.
2.3.2.2. Về các hoạt động cụ thể
- Công tác tuyên truyền, quảng bá, mặc dù đã được thực hiện, song hiệu quả chưa cao và chưa thực sự đi sâu vào tiềm thức của người dân, đặc biệt là nhận thức của người dân về pháp luật. Người dân vẫn chưa thực sự hiểu và áp dụng các văn bản pháp luật vào công tác bảo tồn di tích. Việc tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng còn thiếu tập trung, thiếu điểm nhấn. Các di tích, nhất là di tích trọng điểm còn thiếu tài liệu tuyên truyền, giới thiệu giá trị LSVH của huyện. Công tác thuyết minh giới thiệu về nội dung di tích cho khách tham quan còn sơ sài, thiếu hấp dẫn.
- Việc lưu trữ các hồ sơ liên quan đến di tích LSVH chưa khoa học, chưa chặt chẽ. Các di tích được xếp hạng cấp tỉnh trước năm 2000 có tình trạng hồ sơ di tích (trong đó có bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích) không rõ ràng, không có sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn như:
Tài nguyên và Môi trường, VHTTDL và các ngành liên quan từ cấp xã đến tỉnh nên hiện nay khó khăn cho việc cắm mốc và xác định ranh giới các khu vực bảo vệ di tích.
- Có nơi, có lúc, chức năng giám sát của các cơ quan chuyên môn không được đề cao, có di tích thiết kế đã được duyệt nhưng sau khi tu bổ vẫn
bị biến dạng, sai lệch về kiến trúc gốc (di tích đền Tam Thánh hay di tích Phố Cát), hoặc kinh phí đã được duyệt để tu bổ, tôn tạo, song không bố trí hoặc huy động được nguồn kinh phí, dẫn đến thực hiện dự án thiếu triệt để, còn tạm bợ, sơ sài. Ở một số địa phương, việc tùy tiện tu sửa không xin phép, không có hồ sơ theo quy định, tự ý bổ sung các đồ thờ, tượng thờ hay xây thêm các công trình phụ trợ trong khu vực di tích mà chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền... đã làm phá vỡ cảnh quan, không gian truyền thống, biến dạng các yếu tố gốc của di tích và làm suy giảm giá trị của di tích.
- Ở nhiều nơi, chính quyền địa phương giao phó di tích cho người cao tuổi hoặc thủ từ, nhà sư trụ trì mà không tổ chức lực lượng trông nom di tích chu đáo nên đã xảy ra tình trạng mất cắp di vật, cổ vật, hiện vật, hay cây cối cảnh quan trong khu di tích. Một số chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, nên vẫn còn xảy ra tình trạng người trông coi di tích để cho người dân tự ý hoạt động trong di tích làm ảnh hưởng đến không gian di tích.
- Công tác quản lý nguồn thu, chi, công đức ở các di tích còn nhiều bất cập do chưa có cơ chế thống nhất quản lý.
- Công tác thanh tra kiểm tra vẫn còn diễn ra với quy mô nhỏ và chưa đồng bộ, thiếu cán bộ có chuyên môn về lĩnh vực di tích nên cũng dẫn đến khó khăn. Đặc biệt, việc phát hiện các sai phạm chủ yếu do người dân cung cấp. Việc cấp sổ đỏ chậm do chưa được quy hoạch dẫn đến việc xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai, xâm hại di tích tại một số nơi trên địa bàn huyện vẫn khó xử lý.
- Sự phối hợp giữa các phòng ban có liên quan đến lĩnh vực văn hóa chưa chặt chẽ, như giữa Phòng Văn hóa và Thông tin với Phòng Tài chính, Tài nguyên, Công an hay các tổ chức đoàn thể… nên hiệu quả phát huy tác dụng quản lý di tích lịch sử chưa cao.