Các lý thuyết vận dụng trong quản lý

Một phần của tài liệu Luan van quản lý di sản văn hóa của người giáy ở tả van nhằm phát triển du lịch cộng đồng (Trang 22 - 28)

Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA, DU LỊCH CỘNG ĐỒNG VÀ TỔNG QUAN VỀ DI SẢN VĂN HÓA CỦA NGƯỜI GIÁY Ở TẢ VAN

1.1. Khái niệm và lý thuyết

1.1.2. Các lý thuyết vận dụng trong quản lý

Cùng với các nguồn lực kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, quốc phòng an ninh…văn hóa với hạt nhân cơ bản là phẩm chất, trí tuệ và những giá trị sáng tạo của con người cũng là một nguồn lực nội sinh quan trọng, quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước. Việc nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa cũng như có những cơ chế, chính sách hợp lý để phát triển nguồn lực này là những yêu cầu, điều kiện cần thiết để văn hóa phát huy được sức mạnh to lớn của mình, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Trong thời đại kinh tế thị trường ngày nay tạo nên mối đe dọa to lớn đối với nền văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số. Nhiều nhà nghiên cứu và quản lý đang lo ngại về việc nhiều yếu tố văn hóa truyền thống sẽ bị biến đổi, mất mát trong quá trình phát triển kinh tế thị trường. Những lo ngại đó không phải không có căn cứ khi thực tế nhiều nét văn hóa của các dân tộc đã bị thị trường tác động mạnh và biến đổi theo chiều hướng tiêu cực, văn hóa bị thị trường hóa, bị bán rẻ cho những lợi nhuận trước mắt. Như nhiều lễ hội, nhiều sinh hoạt văn hóa của người Giáy cũng như nhiều dân tộc thiểu số đã và đang rơi vào tình trạng như vậy. Tuy nhiên, nếu nhìn ở một góc độ khác, lạc quan và tin tưởng vào năng lực ứng biến của con người, năng lực hòa nhập của cộng đồng, thì vẫn có nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của tộc

người lại trở thành một nguồn lực, một động cơ để phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa truyền thống.

Nguồn lực văn hóa là các tri thức dân gian đó là các truyền thống lâu đời, các kinh nghiệm, thực tiễn sống của một cộng đồng liên quan đến môi trường tự nhiên, xã hội, đời sống, tư duy của cộng đồng đó. Tri thức bản địa bao gồm các loại trí khôn, kinh nghiệm, phong tục, lề thói ứng xử, các bài học của một cộng đồng. Tri thức bản địa được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ người này qua người khác, thông qua truyện kể, huyền thoại, văn học dân gian, các nghi lễ, lễ thức, tập quán, lề thói, quy định, luật tục, v.v….” (Hà Hữu Nga, 2009).

Người Giáy ở Tả Van là cộng đồng còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống. Người Giáy sinh sống chủ yếu ở Tả Van Giáy I, Tả Van Giáy II là hai thôn nằm trung tâm xã, Đây cũng là Dân tộc có số hộ tham gia hoạt động du lịch cộng đồng nhiều nhất. Riêng người Kinh sống chủ yếu ở khu vực trung tâm xã và chủ yếu làm nghề buôn bán tạp hóa, quán ăn…

Trải qua mấy trăm năm sinh sống ở đây, người Giáy đã sáng tạo ra một hệ thống tri thức dân gian phong phú, mang dấu ấn đặc trưng tộc người trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên, quan hệ con người, xã hội, văn hóa và quá trình sản xuất kinh tế. Hiểu theo nghĩa rộng, hệ thống tri thức dân gian của người Giáy gồm các thiết chế xã hội, thiết chế văn hóa, đặc trưng văn hóa như các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, tổ chức sản xuất, kinh nghiệm sản xuất, quan hệ xã hội, trí tuệ và kỹ năng sinh tồn…

Trong nhiều năm qua, dưới tác động của đô thị hóa và sự phát triển du lịch mà người Giáy ở Tả Van đang thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại hóa và thị trường hóa. Nền kinh tế của họ đang chuyển đổi nhanh chóng, nhiều hoạt động kinh tế mới xuất hiện và đời sống vật chất của người dân được nâng cao, người dân ngày càng tiếp cận với cuộc sống hiện đại hơn. Có nhiều nguyên nhân tác động đến quá trình chuyển đổi này, trong đó có việc

người dân bản địa đã khéo léo ứng dụng các tri thức dân gian của họ vào việc phát triển kinh tế hàng hóa để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Người Giáy ở Tả Van còn giữ được nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống tộc người đặc trưng từ ăn mặc, sản xuất, sinh hoạt văn hóa lễ hội như tết truyền thống, lễ hội Roóng Poọc, đám cưới, đám tang… Trong mỗi sinh hoạt văn hóa lại chứa đựng cả một hệ thống tri thức dân gian về lịch sử, văn hóa tộc người. Với tính cách nhanh nhạy, cởi mở trong tiếp xúc với khách nên họ rất biết cách thu hút du khách qua các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Nhiều du khách đến với người Giáy để được chứng kiến và trải nghiệm về văn hóa tộc người qua những nét văn hóa của họ. Đó cũng là cơ sở cho các hoạt động dịch vụ du lịch tại nhà của người Giáy. Tại đây, khách du lịch được cùng ăn, cùng ở với người bản địa, trò chuyện để tìm hiểu về văn hóa của họ. Có những khách nước ngoài đã ở lại hàng tháng để khám phá những điều mới mẻ từ người Giáy. Chính vì vậy nên, dù cùng sinh sống trong cùng một xã nhưng người Giáy chiếm ưu thế hơn trong hoạt động du lịch tại nhà so với người Hmông ở bên cạnh vì họ biết vận dụng tri thức văn hóa tộc người vào việc kinh doanh hơn. Càng ngày, hoạt động du lịch tại nhà càng phát triển hơn ở người Giáy, Điều này chứng tỏ sức thu hút của hoạt động kinh tế này đối với người dân bản địa, một nguồn thu nhập từ hoạt động này khá lớn và giữ vị trí quan trọng đối với cuộc sống của những hộ gia đình tham gia.

Tuy nhiên, bên cạnh làm cho một số tri thức dân gian phát triển mạnh mẽ hơn, bổ sung vào kho tàng tri thức của người Giáy nhiều kinh nghiệm mới, yếu tố mới thì kinh tế thị trường đã tác động tiêu cực đến nhiều yếu tố văn hóa truyền thống, làm mất mát và mai một nhiều tri thức dân gian. Nhiều ngành nghề thủ công nghiệp truyền thống bị hạn chế hay bị mất do không cạnh tranh được như nghề làm chạm bạc. Nhiều sinh hoạt văn hóa như lễ hội Roóng Poọc… cũng

thay đổi và không còn giữ được vị trí và vai trò liên kết cộng đồng như trước nữa. Nhiều sản phẩm vì chạy theo thị hiếu thị trường cũng làm thay đổi mô típ, chất lượng và giá trị văn hóa tộc người bị giảm như thổ cẩm, thuốc tắm… Bên cạnh thị trường hóa văn hóa còn có quá trình Kinh hóa lối sống, Tàu hóa hàng hóa, nó tác động mạnh đến đời sống văn hóa người dân tộc Giáy hiện nay.

Có thể nói, bên cạnh nguồn lực, “sức mạnh cứng” là kinh tế, quốc phòng, khoa học - kỹ thuật… văn hóa với những ưu thế và sức mạnh riêng cũng đang phát huy được những thế mạnh tiềm ẩn có khả năng điều hòa,

“điều tiết” sự phát triển bền vững của đất nước. Nguồn lực văn hóa ngày nay đang tỏ rõ ưu thế vượt trội, bởi những mục tiêu tốt đẹp mà nó mang lại là những giá trị chân, thiện, mỹ, những khát vọng hòa bình, giúp con người xích lại gần nhau, cùng nhau chống lại cái ác, cái xấu để xây dựng một thế giới hòa bình, tất cả vì hạnh phúc của con người.

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam với những đặc trưng tiêu biểu dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, cùng những chính sách, chiến lược phát triển văn hóa phù hợp, kịp thời của Đảng, Nhà nước; sự chung lòng, chung sức của hàng triệu con người Việt Nam, chúng ta có quyền hy vọng ở tương lai không xa, nền văn hóa Việt Nam sẽ phát triển rực rỡ, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng - một “sức mạnh mềm” trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

1.1.2.2. Lý thuyết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch Bảo tồn di sản được hiểu như là các nỗ lực nhằm bảo vệ và giữ gìn sự tồn tại của di sản theo dạng thức vốn có của nó. Phát huy di sản có nghĩa là những hành động nhằm đưa di sản văn hóa vào trong thực tiễn xã hội, coi đó như là nguồn nội lực, tiềm năng góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội, mang lại những lợi ích vật chất và tinh thần cho con người, thể hiện tính mục tiêu của văn hóa đối với sự phát triển của xã hội.

Quan điểm bảo tồn nguyên vẹn, theo Gregory J.Ashworth, thì được phát triển đầu tiên từ những năm 50 của thế kỷ XIX. Quan điểm bảo tồn nguyện vẹn này được khá nhiều học giả ủng hộ, đặc biệt các nhà bảo tồn, bảo tàng trong lĩnh vực di sản văn hóa. Những người theo quan điểm Bảo tồn nguyên vẹn cho rằng, những sản phẩm của quá khứ, nên được bảo vệ một cách nguyên vẹn, như nó vốn có, cố gắng phục hồi nguyên gốc các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cũng như cố gắng cách ly di sản khỏi môi trường xã hội đương đại. Họ cho rằng, mỗi di sản chứa đựng những giá trị văn hóa - xã hội nhất định mà không phải lúc nào thế hệ hiện tại có hiểu biết một cách cụ thể để có thể phát huy những giá trị ấy một cách thích hợp. Hơn nữa, những giá trị văn hóa ấy luôn biến đổi theo thời gian do những tác động của xã hội hiện tại và sẽ tạo nên những lớp văn hóa khác không trùng nghĩa với lớp văn hóa mà thế hệ trước chuyển giao cho thế hệ sau, vì thế, có thể làm cho các thế hệ sau nữa không thể truy nguyên được những giá trị di sản đang tồn tại.

Chính vì như vậy, những người theo quan điểm này cho rằng, do chúng ta chưa có đủ thông tin, trình độ hiểu biết để có thể lý giải giá trị của các di sản văn hóa, chúng ta nên giữ nguyên trạng những di sản này để khi có điều kiện, các thế hệ tiếp nối có thể xử lý, giải thích và tìm cách kế thừa, phát huy di sản một cách tốt hơn.

Với quan điểm bảo tồn trên cơ sở kế thừa thì được các học giả nước ngoài hiện nay quan tâm nhiều hơn và là một xu thế khá phổ biến khi bàn đến di sản.

Có thể kể đến như Alfrey, Putnam, Ashworth và P.J. Larkham xem di sản như một ngành công nghiệp và cần phải có cách thức quản lý di sản tương tự với cách thức quản lý của một ngành công nghiệp văn hóa với những logic quản lý đặc biệt, phù hợp với tính đặc thù của các di sản. Hoặc các nhà nghiên cứu Anh, Mỹ như Boniface, Fowler, Prentice,… thì cho rằng không thể không đề cập đến phát triển du lịch trong vấn đề bảo tồn và phát huy di sản. Cách tiếp cận của các

nhà khoa học này sống động hơn, quan tâm di sản văn hóa để phát triển du lịch, để khẳng định tính đa dạng trong sáng tạo của con người. Còn các tác giả như Corner và Harvey cũng cho rằng việc quản lý di sản cần đặt dưới một cách tiếp cận toàn cầu hóa. Ngoài ra, các tác giả như Moore và Caulton cũng cho rằng cần quan tâm làm thế nào lưu giữ được các di sản văn hóa thông qua cách tiếp cận mới và phương tiện kỹ thuật mới. Nhìn chung, quan điểm lý thuyết này dựa trên cơ sở mỗi di sản cần phải được thực hiện nhiệm vụ lịch sử của mình ở một thời gian và không gian cụ thể. Khi di sản ấy tồn tại ở thời gian và không gian hiện tại, di sản ấy cần phát huy giá trị văn hóa - xã hội phù hợp với xã hội hiện nay và phải loại bỏ đi những gì không phù hợp với xã hội ấy.

Với quan điểm thứ nhất là đóng gói các sản phẩm văn hóa cần được bảo vệ trong môi trường khép kín để tránh mọi tác động bên ngoài làm phương hại đến chúng. Khuynh hướng này mang lại một số kết quả rất đáng quan tâm. Nhờ các hoạt động bảo tồn đó, trong nhiều năm qua, chúng ta đã lưu giữ được nhiều sắc thái văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, văn hóa nói chung trong đó có văn hóa phi vật thể luôn gắn bó với đời sống, con người, với môi trường xã hội. Do đó, nó luôn biến đổi để phù hợp với mọi thay đổi của cuộc sống. Bởi vậy, bảo tồn theo khuynh hướng này bộc lộ hạn chế là làm khô cứng các sản phẩm văn hóa.

Với quan điểm thứ hai là quan điểm thả nổi. Sản phẩm văn hóa nào có sức sống mãnh liệt, có giá trị, có nền tảng vững chắc do được chắt lọc, chưng cất, được thử thách qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử sẽ có nhiều cơ hội và lợi thế tự khẳng định mình nhiều hơn. Điều đó phụ thuộc vào các tiêu chí và hệ giá trị. Bởi vậy, khi chúng ta sử dụng hệ giá trị hôm nay làm thước đo sự thay đổi các sản phẩm văn hóa truyền thống, khuynh hướng thả nổi sẽ đẩy nhanh quá trình làm biến dạng các tiêu chí và chuẩn mực vốn đã được định hình từ lâu. Những sản phẩm văn hóa truyền thống tuy mang đậm nét đặc thù

nhưng khi đặt trong hệ quy chiếu mới nếu không được điều chỉnh sẽ khó có cơ hội tồn tại lâu dài.

Rõ ràng là cả hai quan điểm trên đều xuất phát từ cách hiểu máy móc, siêu hình, thiếu cái nhìn biện chứng về khái niệm bảo tồn. Chỉ có thể hiểu một cách đầy đủ và đúng nghĩa khi đặt hoạt động bảo tồn trong mối quan hệ với phát huy. Ngoài việc lưu giữ để không mất đi các giá trị văn hóa, bảo tồn còn phải biết lựa chọn trong các hiện tượng đang có nguy cơ bị mất đi, những yếu tố, những khả năng tiềm ẩn để làm cho chúng tồn tại cùng với sự phát triển đi lên của cuộc sống. Mục đích sâu xa của bảo tồn là đưa di sản văn hóa vào cuộc sống để phát huy giá trị của chúng. Quan điểm trên cần phải được nhìn nhận một cách linh hoạt.

Nói tóm lại là bảo tồn di sản văn hóa cần phải đi kèm với khai thác, phát huy giá trị của nó trong đời sống. Mặt khác, việc bảo tồn cần phải quan tâm đến những đặc điểm xã hội trong từng thời điểm cụ thể, tức là phải lựa chọn để bảo tồn những gì phù hợp với thời đại. Chỉ có như vậy, hoạt động bảo tồn mới có ý nghĩa và có tính khả thi mà không trở thành lực cản đối với sự phát triển của xã hội.

Một phần của tài liệu Luan van quản lý di sản văn hóa của người giáy ở tả van nhằm phát triển du lịch cộng đồng (Trang 22 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(153 trang)