Chương 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA CỦA NGƯỜI GIÁY NHẰM PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG
2.4. Thực trạng quản lý di sản văn hóa người Giáy ở Tả Van
2.4.1. Thực trạng quản lý văn hóa với vấn đề phát triển du lịch bền vững ở Tả Van
Có thể nói, du lịch cộng đồng đã mang lại nguồn thu đáng kể, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo (cho dù nhiều mô hình mới chỉ ở dạng dự án thí điểm). Nhưng nếu địa phương không vào cuộc, có định hướng sản phẩm rõ ràng, không quan tâm đầu tư nguồn vốn đúng mức thì hiệu quả sẽ không cao.
Xã Tả Van phát triển mô hình du lịch cộng đồng từ khá sớm và hằng năm thu hút được nhiều lượt du khách trong và ngoài nước, nhưng ngay từ những ngày đầu các sản phẩm, và dịch vụ du lịch tại Tả Van Giáy vẫn na ná giống các bản làng, và địa phương khác thuộc tỉnh Tây Bắc như: Ngủ nhà sàn, thưởng thức ẩm thực, xem văn nghệ… Sản phẩm giống nhau dẫn đến tình trạng bản sắc văn hóa của địa phương đang ngày càng bị lai tạp, những nét hay, nét riêng biệt đặc sắc của di sản văn hóa, ẩm thực của địa phương bị mai một dần. Và quan trọng hơn là không có điểm nhấn để thu hút du khách.
Du lịch cộng đồng Tả Van hiện nay vẫn chưa đi vào quy hoạch cụ thể và rõ ràng. Mặt khác, các nhà quản lý chưa phối hợp nghiên cứu rồi hướng dẫn người dân bản địa hiểu sâu hơn về bản sắc riêng của văn hóa tộc người và vẻ đẹp tài nguyên du lịch tự nhiên… để từ đó xây dựng thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, không trùng lặp.
Khảo sát thực tế cho thấy, để thu hút được du khách tham gia du lịch cộng đồng thì người dân địa phương phải giữ nếp sinh hoạt truyền thống của địa phương, ví như truyền thống canh tác nông nghiệp, phát triển nghề thủ
công, giữ nét đẹp trao đổi sản phẩm canh tác, chăn nuôi… tại các chợ phiên.
Theo TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho rằng: Du lịch cộng đồng tuyệt đối không nên phát triển ồ ạt, chuyển quá nhanh sang dịch vụ du lịch, cả làng làm du lịch, người người làm dịch vụ. Vì như vậy sẽ mất "gốc" của tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, du khách không tìm thấy nét đẹp tự nhiên họ sẽ không đến [30].
Du lịch là một ngành kinh tế khá nhạy cảm. Tuy nhiên, phát triển du lịch cộng đồng ở Tả Van chưa có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực như:
Cuộc sống cư dân bản địa, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt, khí hậu… Mặt khác, du lịch cộng đồng ngày nay thực sự không còn là mô hình do người dân thực hiện và vì cuộc sống của người dân. Người dân chưa thật sự được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch cộng đồng.
2.4.2. Thực trạng quản lý các hoạt động di sản văn hóa với vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch
Cùng với sự gia tăng của khách du lịch nên các dịch vụ cũng như các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch ngày càng mở rộng.
Trước kia ở Tả Van chỉ có dịch vụ nhà nghỉ nhưng hiện nay trên địa bàn xã Tả Van có thêm các loại hình dịch vụ và sản phẩm từ các di sản văn hóa như:
Dịch vụ nghỉ tại các hộ gia đình– Homestay (văn hóa nhà ở của người Giáy với phát triển du lịch hiện nay).
Dịch vụ phục vụ ăn uống (văn hóa ẩm thựcvới phát triển du lịch).
Dịch vụ bán hàng (đồ lưu niệm, thổ cẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ thủ công truyền thống, thuốc Bắc, dược liệu, nhạc cụ dân tộc,..).
Dịch vụ biểu diễn văn nghệ phục vụ nhu cầu của khách du lịch (nghệ thuật diễn xướng với hoạt động du lịch hiện nay).
Một số hoạt động khác (Dịch vụ dẫn khách; Dịch vụ tham gia vận chuyển khách; sinh hoạt văn hóa với nhu cầu trải nghiệm của du khách).
- Di sản văn hóa nhà ở của người Giáy với phát triển du lịch hiện nay Bản Tả Van Giáy, nằm gọn trong lòng thung lũng Mường Hoa thơ mộng. Bên dòng suối Mường Hoa uốn lượn rì rầm chảy ngày đêm, những nếp nhà nhỏ của bà con dân tộc Giáy tựa lưng vào núi nằm quây quần bên nhau ấm cúng. Đó là điều đặc trưng của một cộng đồng vốn có cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên này. Điều đó cũng phần nào tạo ấn tượng và thu hút được sự quan tâm của rất nhiều du khách.
Trong các loại hình dịch vụ hiện có ở Tả Van thì dịch vụ Homestay - nghỉ lưu trú tại nhà dân là phát triển và đem lại nguồn thu nhiều nhất. Dịch vụ này bắt đầu xuất hiện từ năm 1998 - 1999 được xã công nhận từ năm 2007 và đến nay hệ thống các nhà nghỉ không ngừng tăng mạnh qua các năm. Năm 2008 trong xã mới có 15 hộ kinh doanh dịch vụ này, đến năm 2009 đã tăng 2,27 lần lên đến 34 nhà. Năm 2010 là 42 nhà nghỉ, tăng 8 nhà nghỉ so với năm 2009. Lý do khách du lịch lựa chọn các hộ gia đình người Giáy làm địa điểm lưu trú qua đêm là do ngôi nhà của người Giáy độc đáo, thoáng mát, sạch sẽ, sinh hoạt tiện lợi, ăn ở vệ sinh và đảm bảo, cách cư xử của người Giáy dễ gây thiện cảm và tạo cho du khách một không gian thân thiện, hòa đồng khiến du khách muốn được tìm hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nhà là nơi sống, làm việc, sinh hoạt thường nhật của mọi thành viên gia đình nên cũng giống như nhiều dân tộc khác, người Giáy rất thận trọng khi làm nhà. Theo quan niệm của người Giáy, đất và hướng nhà là 2 yếu tố vô cùng quan trọng, là điều kiện quyết định sự thành bại của gia chủ. Để chọn đất làm nhà, người Giáy thường nhờ đến sự giúp đỡ của các thầy mo. Sau khi cầu khấn thần linh, thầy mo sẽ tìm mảnh đất phù hợp với gia đình, dòng họ đó. Chọn nơi làm nhà, bao giờ người Giáy cũng quan tâm đến nguồn nước.
Họ thường cư trú ở các thung lũng, tập trung sống tại khu vực ven sông suối, bên cạnh ý nghĩa tâm linh là nơi mát mẻ, an bình, họ còn có điều kiện canh tác, trồng lúa nước, làm nương rẫy... Sau khi chọn được đất, với người Giáy, dựng nhà cần phải chú ý chọn hướng. Họ quan niệm làm nhà đúng hướng sẽ đem đến tài lộc, hạnh phúc... cho mọi thành viên. Ông Sần Cháng, bậc cao niên ở bản Tả Van Giáy, cho biết: Đằng trước nhà phải thoáng. Đằng sau nhà phải có chỗ tựa, thường là tựa vào núi. Nếu nhà ở bãi đất bằng phẳng thì ít nhất đằng sau lưng, ở xa xa cũng phải có núi. Người ta kiêng nhất là có núi đá hoặc hòn đá to chắn đằng trước.
Từ nguồn vật liệu sẵn có trong tự nhiên, bà con dân tộc Giáy thường dựng nhà bằng 2 loại nguyên liệu: gỗ hoặc lấy cây vầu, cây nứa chẻ ra rồi đan lại và lấy đất trộn rơm trát lên đó làm tường. Nhà đất hay nhà gỗ phụ thuộc vào mức độ khá giả của mỗi gia đình. Ông Sần Cháng cho biết: Chọn gỗ thì trước hết cây đó không phải là cây bị sét đánh, cây không có tổ quạ trên ngọn, không được cụt ngọn. Người ta kị những cây thế này, người ta không lấy. Lấy làm thứ khác thì được nhưng không lấy để làm cột nhà. Gỗ thì bất kỳ gỗ nào cũng được.
Chiều cao ngôi nhà của người Giáy tính từ nền đất đến xà ngang thường là 1,8m trở lại, còn chiều rộng nhà khoảng 9 - 10m. Người Giáy làm nhà 3 gian, mỗi gian có những ý nghĩa nhất định. Ông Mã Quang Lù, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã, giải thích: Nhà người Giáy thường làm thành 3 gian. 4 vỉ cột này chia nhà thành 3 gian. Thường thường gác xép chỉ làm ở 2 gian ngoài, gian giữa để thông thoáng. Trước đây thời các cụ ở gian giữa thường làm 6 cột, nhưng bây giờ chỉ làm 4, 5 cột thôi. Thường cột giữa nhà phải chạm tận đất, nhưng bây giờ bỏ bớt cột cái đó đi.
Gian giữa là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, tiếp khách, được coi là nơi trang nghiêm nhất.Các dịp lễ, Tết, các ngày giỗ, mọi người mới quây quần ăn cơm
tại đây. Ông Sần Cháng cho biết: Nhà phải có gác xép, nếu không có gác xép thì không phải là nhà của người Giáy (Người Giáy gọi là cái lầu). Ở bếp đựng 1 số đồ dùng trong bếp, còn lại các đồ đạc khác như thóc lúa, gạo thịt tất cả đều để trên lầu như một cái kho. Nếu có khách thì có thể dọn đi để cho khách ngủ trên đó cũng được.
Buồng của các thành viên trong gia đình ở các gian bên cạnh gian giữa.
Nếu nhà có nhiều con dâu, thì buồng của vợ chồng con cả sẽ nằm ở phía mặt trời lặn, buồng của con dâu tiếp theo nằm ở phía mặt trời mọc. Ông Sần Cháng giải thích: Buồng con dâu phải ở gian bên gần với bếp lò, để sáng con dâu dậy sớm làm bếp. Còn gian bên trong để người già ở thì có thể dậy muộn hơn một chút.
Sắp xếp như thế để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt gia đình. Trước đây, bếp thường nằm ở gian bên trong ngôi nhà của người Giáy, nhưng ngày nay, nhiều gia đình người Giáy đã làm bếp đun nấu riêng, độc lập với nhà.
Nhà truyền thống của người Giáy thường có 3 cửa: cửa chính ở gian giữa để ra vào, một cửa ra nhà bếp, một cửa nằm ở trong buồng mở ra phía đằng sau nhà. Gian giữa được làm thụt vào so với 2 gian bên, cửa sổ ở hai gian này có kích thước chỉ khoảng 20x40cm. Ông Sần Cháng lí giải: Cửa ra nhà bếp để ra vào khi cần tránh những việc không được đi vào gian chính. Người Giáy kiêng xách thịt tươi sống đi qua cửa chính, phải đi từ đằng cửa bếp. Phụ nữ mới đẻ không được đi cửa chính nếu đứa trẻ chưa được ra mắt tổ tiên.
Người dân tộc Giáy thời các cụ gia đình nào cũng ngủ đệm bông lau, đệm bông lau, tiếng Giáy gọi là “xứa bọoc lau”, từ lâu đã là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình người Giáy, là thước đo nết chịu thương chịu khó, ấp ủ ước vọng về tổ ấm gia đình của thiếu nữ Giáy. Như đã thành nếp, thiếu nữ Giáy đến tuổi cập kê đều phải biết tự làm đệm bông lau “Người con gái Giáy ai cũng biết làm đệm bông lau. Dù nhà chồng không có yêu cầu bao nhiêu đệm, gối, nhưng cô gái cũng phải tính sao cho vừa. Vì thế, đệm bông
lau đẹp và đủ là cách người ta đánh giá tấm lòng, nết ăn ở của cô gái với nhà chồng”. Bởi vậy, khi về nhà chồng, người ít thì mang theo 4-5 cặp đệm nằm, chưa kể đệm ngồi, gối; còn người nhiều có khi lên tới chục cặp đệm. Đệm bông lau vì thế trở thành một nét đẹp văn hóa của người Giáy, cũng tiêu biểu như khăn Vuông, và các bộ trang phục Giáy vậy. Trước cửa chính của ngôi nhà, đồng bào Giáy còn treo mắc những quả còn bằng vải đủ màu sắc để trang trí cho ngồi của mình. Đây là một nét đẹp văn hóa của dân tộc Giáy. Ngôi nhà truyền thống là nơi lưu giữ những nếp sinh hoạt truyền thống cũng như thể hiện cuộc sống thường nhật của bà con người Giáy ở xã Tả Van.
Việc lựa chọn làm nhà trên các bãi đất bằng phẳng ở giữa thung lũng, ven con suối Mường hoa uốn lượn rì rầm chảy ngày đêm. Đã tạo nên một bản Tả Van thơ mộng với những nếp nhà nhỏ của bà con dân tộc Giáy tựa lưng vào núi, nằm quây quần bên nhau ấm cúng xung quanh những bãi đất rộng và những thửa ruộng bậc thang xanh mơn mởn, tất cả tạo nên một bức tranh có bố cục hài hòa như có sự sắp đặt từ trước. Đồng thời cũng tạo nên không gian tiện lợi cho các sinh hoạt mang tính cộng đồng, các lễ hội dân gian,… phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng. Nhiều du khách đến với Tả Van thấy rất hứng thú và vui vẻ chia sẻ như sau:
Anh Nguyễn Huy Hoàng (35 tuổi, Từ Liêm - Hà Nội) chia sẻ: Bản thân tôi thấy ngôi nhà của người Giáy khá hay và tiện lợi với thiết kế hai lầu ở hai bên và để trống gian giữa. Ngôi nhà tạo không gian thoáng mát, thoải mái và đặc biệt là có một cái gì đó rất mộc....
Chị Trần Thị Phương Thảo (32 tuổi, P.Bãi Cháy – TP.Hạ Long), Sở thích của tôi là đi du lịch, tôi cũng may mắn được đi khá nhiều nơi như Bản Lác – Mai Châu, Mộc Châu – Sơn La và đi qua một số tỉnh Tây Bắc khác.
Hầu hết các bản đều là nhà Sàn kiểu Tày – Thái, kiểu nhà này chỉ ngủ trên sàn và dưới sàn họ để các công cụ lao động, đồ đạc, thậm chí có cả vật nuôi...
dịp này tôi mới tới bản Tả Van và thấy ngôi nhà người Giáy rất hay. Hay ở chỗ là nhà của người Giáy cũng làm sàn hai bên, ở gian giữa để trống nên rất thoáng, đồng thời dưới sàn người Giáy lại biết đan tre nứa để quây bao quanh làm không gian sinh hoạt chung của cả gia đình và tiếp khách chứ không phải để công cụ lao động và vật nuôi. Như vậy vừa tận dụng được diện tích cho các thành viên trong gia đình sử dụng làm buồng ngủ vừa có gian giữa tiếp khách, trên sàn là không gian riêng cho khách ngủ, và đặc biệt hơn cả là ngôi nhà sạch sẽ và thoáng mát không như dân tộc khác...
Bà Phạm Thị Gấm (66 tuổi, Ba Đình - Hà Nội), Đây là lần thứ hai tôi được quay lại với bản người Giáy. Lần đầu tiên tôi cùng đoàn lên công tác được ở nhờ trong ngôi nhà của ông Vàng A Sẩu (trưởng bản người Giáy).
Lần ấy cả đoàn chúng tôi được chủ nhà cho ngủ hết trên gác, các thành viên trong nhà đều ngủ trong các buồng bên dưới, ngôi nhà ấy có gác hai bên.
Gác sát nhà bếp ông chủ nhà bảo bên đấy để thóc và khoai lang, gần với nhà bếp để không sợ bị ẩm mốc. Còn gác bên nhà bếp thì để củi và thịt treo, lạp xườn và các đồ cần hơi khói làm khô... Từ lúc ấy tôi nhận thấy sự sắp xếp và thiết kế ngôi nhà người Giáy rất hay và hợp lý. Lý do hôm nay tôi về lại đây là tôi đặc biệt thích và ấn tượng những người Giáy chất phát, hòa đồng thân thiện và mến khách, đợt ấy cứ buổi tối đến chúng tôi lại được ngồi nướng khoai lang, làm cơm lam và nướng mấy miếng lạp xườn nhâm nhi chén rượu gạo và nghe những câu chuyện cổ Giáy từ ông Sẩu...
Ngày nay, ngôi nhà sàn của người Giáy được phát huy khai thác để đáp ứng nhu cầu của du khách trước sự phát triển của du lịch. Ngôi nhà người Giáy với thiết kế nhà sàn 3 gian thông thoáng, dưới lầu hai gian bên trong ngôi nhà được chia thành các buồng riêng biệt cho các thành viên trong gia đình, trên lầu từ việc dùng để làm kho chứa thóc lúa, và các loại đồ đạc trong gia đình… nay người dân dọn dẹp sạch sẽ để dành riêng cho khách ngủ nghỉ, điều đó tạo không gian
riêng giữa gia chủ và du khách, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tân trang để đón khách du lịch ngủ tại gia.Trước đây thời các cụ ở gian giữa thường làm 6 cột, nhưng bây giờ chỉ làm 4 hoặc 5 cột. Thường cột giữa nhà phải chạm mặt đất, nhưng bây giờ bỏ bớt cột cái đó đi, và nhà bếp cũng được người dân làm riêng biệt độc lập để gian giữa ngôi nhà có không gian rộng hơn thuận tiện cho các sinh hoạt chung giữa gia chủ và du khách. Bên cạnh đó người dân cũng làm các công trình vệ sinh riêng biệt, cải thiện cơ sở vật chất chăn; màn; giường; đệm; bàn ghế... đầy đủ sạch sẽ đảm bảo phục vụ nhu cầu tối thiểu của khách du lịch.
Tuy nhiên, hiện nay trên giấy tờ đứng tên là các gia đình người Giáy đứng ra kinh doanh, nhưng thực tế rất nhiều nhà nghỉ là của người Kinh từ nơi khác đến thuê lại để thực hiện kinh doanh. Trong quá trình phỏng vấn và điều tra qua một số hộ thì được biết các hộ đến thuê nhà để kinh doanh hầu hết đều là có cơ sở ở nơi khác, có đầu mối tour, lượng khách nghỉ tại các hộ này thường cao hơn so với các hộ người Giáy kinh doanh từ 1,5 - 2 lần, ngoài ra họ còn nấu đồ ăn uống phục vụ khách nên nguồn thu nhập so với người Giáy làm cao hơn từ 2 - 3 lần. Như vậy lợi nhuận thu về chủ yếu vào tay những người thuê nhà còn người Giáy địa phương thì được hưởng rất ít trong khi nguồn vốn phải bỏ ra để đầu tư trang thiết bị; cơ sở vật chất rất nhiều.
Hiện nay số lượng người nơi khác đến thuê nhà của người Giáy để kinh doanh ngày càng nhiều (cả nhà nghỉ và bán hàng, chủ yếu là người kinh ở Sa Pa và các nơi khác đến). Theo kết quả điều tra trên địa bàn xã hiện nay có 5 nhà nghỉ của người Giáy, 3 cửa hàng bán đồ thổ cẩm, 7 cửa hàng bán hàng tạp hóa của người Giáy là do người kinh ở Sa Pa cũng như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa,... và Yên Bái lên thuê để kinh doanh. Họ thường kết hợp với các công ty du lịch đón khách từ Hà Nội, Sa Pa,... và đưa về nhà nghỉ, mua hàng của họ nên càng ngày lượng khách đến các hộ gia đình của người Giáy đứng ra kinh doanh ngày càng ít. Như dịch vụ homestay, trên đăng ký và