Chương 3: NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA CỦA NGƯỜI GIÁY Ở TẢ VAN NHẰM PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG
3.2. Phương hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý di sản văn hóa của người Giáy ở Tả Van nhằm phát triển du lịch cộng đồng
3.2.4. Nghiên cứu, phát huy bản sắc văn hóa tộc người Giáy từ đó xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù và hấp dẫn
Sản phẩm du lịch là tổng thể các loại hình dịch vụ, hàng hóa do người kinh doanh du lịch cung cấp cho du khách, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Sản phẩm du lịch bao gồm các thành phần hữu hình (đồ lưu niệm, món ăn…) và vô hình (thái độ ân cần, niềm nở,…).
Phát triển sản phẩm giá trị cao, độc đáo và sáng tạo, phát huy lợi thế so sánh vùng là giải pháp bền vững. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có và phát triển đa dạng hóa sản phẩm mới, có giá trị kinh tế cao như sau:
Đối với sản phẩm hiện có
Đánh giá lại hiệu quả của toàn bộ sản phẩm du lịch hiện đang được cung cấp phục vụ khách du lịch thông qua đánh giá sự hài lòng của du khách về sản phẩm, hiệu quả kinh tế cho đầu tư phát triển loại sản phẩm đó thông qua một số tiêu chí như: chất lượng, giá cả, mẫu mã, hình dáng sản phẩm, thái độ phục vụ, mức độ quan tâm của du khách đến với sản phẩm, mức chi tiêu đối với sản phẩm…
Phân loại sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, định vị sản phẩm chủ lực, sản phẩm bổ sung, sản phẩm thay thế để làm căn cứ phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý, hỗ trợ công tác quy hoạch, định hướng thu hút đầu tư nhằm khai thác tối đa hiệu quả các nguồn lực.
Tổ chức đan xen các hoạt động du lịch với nhau phù hợp theo mùa, theo sự kiện nhằm khai thác hợp lý nguồn lực, hạn chế sự quá tải dẫn đến suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường.
Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy là một loại hình sản phẩm du lịch đặc thù, mang tính độc đáo, có giá trị văn hóa cao. Lượng du khách về Tả Van trong những ngày hội này rất đông. Để duy trì và nâng cao chất lượng chương trình, một sản phẩm đặc thù, Tả Van cần có sự đầu tư nhiều hơn nữa về công tác quảng bá về lễ hội; phát triển các hoạt động trải nghiệm cho du khách tham gia lễ hội; làm tốt công tác thu gom rác thải, an ninh trật tự…
Đẩy mạnh Phát triển du lịch Homestay, đây là sản phẩm có thế mạnh tại địa phương đã được hình thành khá sớm nhưng khai thác chưa thật sự hiệu
quả với xã Tả Van. Du lịch homestay không phải đơn thuần là ăn, ở mà chủ nhà sẽ đóng vai trò hướng dẫn viên giới thiệu các phong tục, tập quán, về phong cảnh thiên nhiên cũng như các sản phẩm dịch vụ khác đồng thời là một người bạn tâm tình với du khách. Với lợi thế như hiện nay, Tả Van có khả năng phát triển loại hình này tốt hơn. Để phát triển loại hình này cần học tập kinh nghiệm một số địa danh phát triển sản phẩm du lịch này tốt như tỉnh Hà Giang; Mai Châu - Hòa Bình; và Mộc Châu - Sơn La…
Phát triển sản phẩm mới trên cơ sở phát huy di sản
Tổ chức cuộc thi ý tưởng phát triển về sản phẩm du lịch từ di sản văn hóa mang tính độc đáo, sáng tạo để lựa chọn danh mục sản phẩm du lịch tiềm năng cho du lịch cộng đồng tại địa phương.
Hình thành và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đảm bảo lợi thế cạnh tranh, sản phẩm chủ lực của địa phương. Tổ chức khu phố mua sắm hàng lưu niệm, phố ẩm thực đêm để đáp ứng nhu cầu du khách lưu trú. Loại hình này cần được tổ chức, hiệu quả nhằm quảng bá và góp phần phong phú cho sản phẩm du lịch. Tổ chức các sự kiện du lịch, các hoạt động văn hóa – thể thao mang tính cộng đồng và các hoạt động khác tại địa phương định kỳ theo (tháng, quý, ngày lễ hội) và có chất lượng như: thi hát giao duyên, thi múa khèn, tái hiện trích đoạn đám cưới người Giáy, thi ném còn, thi kéo co, thi cày ruộng, và hoạt động trải nghiệm “một ngày làm nông dân”.... để thu hút sự quan tâm và trải nghiệm của du khách.
Xã hội hóa và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hướng tới sản phẩm có giá trị cao, tạo được lợi thế so sánh so với các địa phương khác trong cả nước, tăng sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch thu hút du khách, tạo nhiều công ăn việc làm, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.