Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA, DU LỊCH CỘNG ĐỒNG VÀ TỔNG QUAN VỀ DI SẢN VĂN HÓA CỦA NGƯỜI GIÁY Ở TẢ VAN
1.3. Khái quát về thực trạng phát triển du lịch tại xã Tả Van hiện nay
Xã Tả Van có diện tích khoảng 7033ha, Tả Van Giáy phía đông giáp với Bản Pho, Hầu Thư Ngài của xã Hầu Thào. Phía tây giáp với Tả Van Mông của xã Tả Van và Lò Lao Chải của xã Lao Chải. Phía nam giáp Giàng Tà Chải Mông của xã Tả Van và phía Bắc giáp với Lò Lao Chải và Lý Lao Chải của xã Lao Chải. Tả Van Giáy là trung tâm của xã Tả Van.
Đặc điểm địa hình của Tả Van Giáy: Phía trước của làng là con suối chảy từ xã San Xả Hồ qua xã Lao Chải rồi đi qua làng Tả Van Giáy. Con suối đó ngày nay người nơi xa hoặc báo chí gọi là con suối “Mường Hoa”; còn phía sau của làng là núi thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Tả Van Giáy chạy dài theo sườn đồi và dọc suối với chiều dài khoảng 3km, chiều rộng tính từ bờ suối đến giáp Tả Van Mông là khoảng 1km. Tả Van cách trung tâm Sa Pa 8km về phía Đông Nam, nằm sát trục đường giao thông chính giữa Sa Pa và Bản Dền nên phương tiện giao thông có thể đi tới tận trung tâm xã. Bản Tả Van có địa thế đẹp, lưng dựa vào núi, trước mặt quang, thoáng với cánh đồng lúa ruộng bậc thang trên sườn đồi. Ngang mặt là con đường trục chính từ Sa Pa đi xuống đến Thanh Phú và thông ra Bến Đền. Vị trí đó thuận tiện cho Tả Van Giáy phát triển du lịch đáp ứng nhu cầu của cư dân và khách du lịch.
Dân tộc chính của xã Tả Van là tộc người Giáy, và bên cạnh đó có hơn 20 hộ dân tộc người Hmông sống cùng thành một xóm riêng, trong số dân tộc Giáy có người nguồn gốc là người Kinh, Hán, Nùng từ đời trước, nay đã Giáy hóa và họ cũng tự nguyện khai nhận là người Giáy từ hai ba đời nay, trên sổ sách cũng như phong tục tập quán (văn hóa) thì làng “Mướng Và” chỉ có 2 tộc người là tộc người Giáy và Hmông còn Kinh, Hán, Nùng đã không còn thể hiện văn hóa riêng của tộc người mình nữa, kể cả trong cúng tổ tiên, lễ tết.
Theo khảo sát toàn xã có 799 hộ bằng 4260 khẩu trong đó có 2025 lao động chiếm 47,5% tổng dân số. Số hộ và nhân khẩu ở đây chủ yếu gia tăng tự nhiên, như chia hộ sinh đẻ, lấy vợ lấy chồng nơi khác, còn gia tăng cơ học từ trước đến nay hầu như chưa được diễn ra.
Ngày nay, xã Tả Van đang trên đà phát triển kinh tế ngành dịch vụ, bằng các hoạt động mua bán và trao đổi các sản phẩm văn hóa. Nói cách khác người dân xã Tả Van đã biết tự khai thác vốn tài nguyên nhân văn là các giá trị di sản văn hóa vốn có của mình trong việc kinh doanh dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, dịch vụ “Homestay - dịch vụ du khách nghỉ tại các hộ gia đình” đang
ngày càng phát triển. Số hộ gia đình tộc người Giáy tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch ngày càng gia tăng, qua đó đem lại nguồn thu không nhỏ, góp phần vào việc phát triển kinh tế của địa phương.
Theo Báo cáo Hoạt động 6 tháng đầu năm 2017 của Ban quản lý Du lịch cộng đồng xã Tả Van cho biết đầu năm 2017 xã đã kiện toàn lại BQLDLCĐ với 7 thành viên. Đồng chí Chủ tịch làm trưởng ban, Trưởng Công an xã làm phó ban, thành viên gồm: Công chức Văn hóa - Xã hội, Công chức Tài chính - Kế toán xã, Trưởng thôn, Công an viên, Hộ kinh doanh có uy tín.
BQLDLCĐ xây dựng lịch trực, phân công thành viên luân phiên thường trực tại ban để tiếp nhận giải quyết công việc hàng ngày và đăng ký khai báo lưu trú qua đêm cho khách du lịch.
Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân đăng ký lưu trú cho khách du lịch; thực hiện nghiêm việc kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; không tham gia đeo bám, chèo kéo khách du lịch, lang thang, bán hàng rong và ăn xin.
Lượng khách đến Tả Van không ngừng tăng qua các năm. Theo số liệu báo cáo tổng kết năm 2008, 2009, 2010 của xã Tả Van - Sa Pa - Lào Cai và số liệu do ban quản lý du lịch cộng đồng xã Tả Van cung cấp cho thấy:
Bảng 1.1. Thống kê lƣợng khách đến Tả Van (2008 – 2010) Năm Lƣợng khách đến Tả Van
(Người)
Lƣợng khách nghỉ qua đêm tại Tả Van (Người)
2008 52.543 7.200
2009 81.000 10.000
2010 90.054 18.740
[Báo cáo tổng kết năm của Ban quản lý du lịch cộng đồng xã Tả Van, cung cấp (2017)].
Qua bảng thống kê thì lượng khách đến Tả Van không ngừng tăng qua các năm. Năm 2008 lượng khách đến Tả Van là 52.543 người, năm 2009
lượng khách đã tăng 1.54 lần so với năm trước lên 81.000 người. Năm 2010 lượng khách tăng lên 90.054 người so với năn 2009 tăng 1.23 lần, so với năm 2008 tăng 1.71 lần. Sự gia tăng này rất đáng mừng nhưng đồng thời với nó yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động du lịch cộng đồng ngày càng cần thiết để thu nhiều hơn lượng khách đến với Tả Van.
Số lượng khách đến xã Tả Van và đăng ký lưu trú tại gia luôn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt từ năm 2010 đến 6 tháng đầu năm 2017 lượng khách tăng rất cao. Trong 6 tháng đầu năm 2017 số lượt khách tham quan là người Việt Nam và khách người nước ngoài đến tham quan du lịch và nghỉ qua đêm trên địa bàn xã ước tính khoảng 38.000 lượt khách với 14 quốc tịch. Tăng hơn 3000 lượt khách so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể tính từ ngày 01/01/2017 đến 15/6/2017 tổng lượt khách đến Tả Van ước đạt: 38.000 lượt.
Trong đó khách đăng ký lưu trú qua đêm 5.691 lượt (Khách quốc tế: 4.485 lượt ; Khách nội địa: 1.206 lượt). Doanh thu từ kinh doanh dịch vụ lưu trú tại gia (Homestay) 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt: 398.370.000đ (Ba trăm chín mươi tám triệu ba trăm bảy mươi nghìn đồng chẵn).
Bảng 1.2. Thống kê số lƣợt khách đến Tả Van (2016 - 6 tháng đầu năm 2017)
Đối tƣợng khách Năm (lƣợt)
2016 6 tháng đầu năm 2017
Khách nội địa 11.200 11.000
Khách quốc tế 26.500 27.000
[Báo cáo tổng kết năm của Ban quản lý du lịch cộng đồng xã Tả Van, cung cấp (2017)].
Mục đích du khách đến du lịch tại Tả Van của khách nội địa và quốc tế có sự khác nhau và cũng có sự chênh lệch. Qua tài liệu cung cấp của BQLDLCĐ từ công tác điều tra xác xuất ý kiến của khách du lịch với 100 bảng hỏi tại Tả Van ta cho thấy:
Bảng 1.3. Thống kê mục đích khách du lịch đến với Tả Van
Mục đích Khách nội địa Khách quốc tế Người % Người %
Ngắm cảnh 28 93.33 65 92.86
Thưởng thức khí hậu 18 60.00 6 8.57
Tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Giáy 5 16.67 18 25.71
Nghỉ dưỡng 4 13.33 1 1.43
Học tập, nghiên cứu 5 16.67 6 8.57
Mục đích khác 1 3.33 3 4.29
[Căn cứ vào bảng hỏi điều tra thông tin từ khách du lịch trên địa bàn xã Tả Van tháng 3 - 4 năm 2016]
Qua việc tổng hợp và phân tích bảng hỏi nhận thấy: Hầu hết khách nước ngoài đến Tả Van đều là lần đầu tiên và mục đích chính của họ là đến để ngắm cảnh (92.86%); tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc (25.71%). Còn khách du lịch nội địa họ đến Tả Van chủ yếu là ngắm cảnh và thưởng thức khí hậu (93.33% và 60%), một số tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc kết hợp với việc học tập và nghiên cứu (16.67%).
Xã Tả Van ngày nay đã có những thành tích đáng kể trong việc thực hiện khai thác kinh doanh dịch vụ Du lịch Cộng đồng. Tuy nhiên, việc gìn giữ và sử dụng các giá trị di sản văn hóa của tộc người Giáy trở thành sản phẩm du lịch chưa hiệu quả. Ngoài các hộ gia đình người Giáy, hiện nay cũng có nhiều doanh nghiệp, và các cá nhân từ nơi khác đến thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại xã Tả Van, và làm cho du lịch cộng đồng nay bị xáo trộn và nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa các cá nhân; doanh nghiệp với cộng đồng địa phương trong lợi ích từ du lịch đem lại. Từ việc quản lý kế hoạch, chính sách phát triển du lịch của chủ thể quản lý chưa hiệu quả làm cho xã Tả Van phát triển một cách ồ ạt, không theo một quy hoạch nhất định. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp làm cho xã Tả Van ngày càng bị đô thi hóa, những ngôi nhà truyền thống đang dần bị phá dỡ và thay vào đó là những mẫu nhà xây bê tông khung cứng, những
ngôi nhà khung sắt lợp mái tôn hiện đại. Hơn nữa những lối sinh hoạt thường nhật truyền thống của cộng đồng đang bị xáo trộn và thay đổi theo thị trường kinh tế, đó cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến các giá trị di sản văn hóa ngày càng bị mai một, vốn văn hóa ngày càng bị nghèo nàn và lai tạp, quang cảnh thiên nhiên bị phá hoại một cách trầm trọng, điển hình là ruộng bậc thang bị phá ở mức báo động đỏ. Điều đó làm cho các giá trị di sản văn hóa, các sản phẩm du lịch đặc thù vốn thu hút được nhiều sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước đến với xã Tả Van dần bị mất giá trị.
Tiểu kết
Di sản văn hóa là sự kết tinh của trí tuệ, tình cảm, truyền thống qua các thế hệ. Giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành nhân cách con người Việt Nam, với tư cách là nguồn nhân lực quan trọng trong đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Bên cạnh đó các giá trị di sản văn hóa cũng góp phần không nhỏ trong sự phát triển các sản phẩm dịch du trong ngành du lịch đất nước Việt Nam.
Người Giáy cư trú tại xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã có lịch sử trên 200 năm cùng nhiều giá trị di sản văn hóa. Đó là những nét riêng biệt, cổ xưa tại đây với những ngôi nhà truyền thống, những bộ trang phục đặc trưng. Đặc biệt hơn, đó là cảnh quan văn hóa của làng, với dòng suối Mường Hoa thơ mộng, cùng với đó là những cánh đồng lúa nước hình bậc thang trải dài trên những sườn núi bao quanh làng cùng với những làn điệu múa truyền thống, những câu hát giao duyên, tất cả những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm du lịch văn hóa, du lịch làng bản nơi đây. Bên cạnh đó những giá trị di sản văn hóa của tộc người Giáy cũng góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế dịch vụ du lịch cộng đồng của làng bản nói riêng và mục tiêu phát triển du lịch toàn tỉnh Lào Cai nói chung.
Chương 2