Chức năng, nhiệm vụ của nhà văn hóa xã

Một phần của tài liệu Luan van nâng cao chất lượng sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa các xã nông thôn mới ở huyện thọ xuân, tỉnh thanh hóa (Trang 27 - 30)

Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG TẠI NHÀ VĂN HÓA VÀ KHÁI QUÁT VỀ NHÀ VĂN HÓA CÁC XÃ NÔNG THÔN MỚI Ở HUYỆN THỌ XUÂN

1.1. Cơ sở lý luận về sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa

1.1.2. Chức năng, nhiệm vụ của nhà văn hóa xã

Nhà văn hóa là một thiết chế văn hóa nằm trong hệ thống của thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa của nhân dân. Trong hoạt động nhà văn hóa có thể nhận thấy một số chức năng cơ bản là: Chức năng giáo dục XHCN, chức năng giao tiếp, tuyên truyền, chức năng phát triễn năng lực sáng tạo của quần chúng, chức năng đáp ứng nhu cầu về vui chơi giải trí và nghỉ ngơi...

Với không gian hiện có được đầu tư xây dựng, nhà văn hóa chính là nơi tổ chức những hoạt động văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật thông tin cổ động và hoạt động thể dục thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triễn đời sống văn hóa tinh thần và phát triễn thể chất của nhân dân. Tham mưu cho cấp ủy địa phương đối với thực hiện công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT tại địa phương.

Nhà văn hóa tổ chức các hoạt động câu lạc bộ theo ngành nghề và sở thích đối với các đối tượng trong cộng đồng. Nhà văn hóa cũng là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi địa phương đồng thời tổ chức tuyên tuyên truyền phổ biến thời sự, chính sách pháp luật của nhà nước, kịp thời thông tin phổ biến, chuyển giao khoa học kĩ thuật nhằm nâng cao dân trí trong nhân dân.

Nhà văn hóa là nơi tổ chức những hoạt động vui chơi giải trí, các hoạt động văn hóa tập trung theo chủ trương của cấp ủy và chính quyền địa phương, đồng thời tổ chức sơ kết, tổng kết công tác khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc. Là một thiết chế văn hóa cơ bản dung nạp được nhiều nội dung hoạt động của các thiết chế văn hóa như: Nhà hát, rạp chiếu phim, nhà thi đấu TDTT, hội trường, thư viện, trường học..

Trong hệ thống trung tâm văn hóa từ trung ương đến cơ sở xã, thôn, thì nhà văn hóa xã có vai trò đa năng tổng hợp, bởi sự vận hành theo cơ chế nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Hay nói cách khác, nhà văn hóa xã là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của người dân, là nơi điều tiết các giá trị văn hoá.

Cần khẳng định vị trí của đại bộ phận người dân đến đây sinh hoạt văn hoá với nghĩa tích cực bao gồm hàng loạt nhiệm vụ trong nhà văn hóa xã tạo điều kiện cho mục đích ích dụng công cộng không phân biệt trình độ, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp... để tạo nên một cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Trong đó ý nghĩa tinh thần, ý thức tự nguyện tham gia là một yếu tố chung có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Nhà văn hóa xã là một thiết chế văn hóa không thể thiếu trong đời sống xã hội. Như vậy, sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa đã tạo ra môi trường văn hóa, giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách con người, lấy con người làm nhiệm vụ trung tâm, vì vậy, nhà văn hóa xã có các chức năng sau:

Khơi dậy tiềm năng sáng tạo và phát hiện tài năng: các hoạt động văn hóa văn nghệ của nhà văn hóa xã đã tập hợp các cá nhân có cùng sở nguyện phục vụ xã hội.

Sự giao tiếp trực tiếp thông qua các dạng thức sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xã đã kéo những người dân địa phương xích lại gần nhau hơn, cùng chia xẻ những thành công cũng như thất bại trong lao động và cuộc sống.

Giáo dục thẩm mỹ thông qua các hoạt động tuyên truyền cổ động, văn hóa nghệ thuật, câu lạc bộ... giúp cho con người nhận thức đúng về giá trị chân - thiện - mỹ” qua đó ngày càng hoàn thiện nhân cách.

Ngoài ra, các nhà văn hóa xã ở Thọ Xuân còn tăng cường các hoạt động nghệ thuật vì mục đích phát triển giáo dục sự nghiệp văn nghệ quần chúng, khích lệ tài năng sáng tạo văn nghệ quần chúng theo hướng lành mạnh, tiến bộ, trong sáng… Điều này thì hầu như chưa có thiết chế nào có đủ điều kiện để có thể làm được như thiết chế văn hóa.

Với những biện pháp giáo dục trực tiếp như tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, các lớp học năng khiếu nghệ thuật, các hoạt động nhóm sở thích - câu lạc bộ, … đó chính là những ưu thế vượt trội của nhà văn hóa xã nông thôn mới.

Đặc điểm giáo dục thẩm mỹ bằng nghệ thuật của nhà văn hóa xã ở Thọ Xuân: hoạt động giáo dục thẩm mỹ của nhà văn hóa có đủ điều kiện và khả năng để thực hiện đủ toàn bộ các khâu trong quá trình hoạt động văn hóa nghệ thuật khâu sáng tạo, bảo tồn, phân phối và hướng dẫn tiêu dùng những giá trị thẩm mỹ, nhất là những giá trị thẩm mỹ nghệ thuật. Giáo dục thẩm mỹ bằng nghệ thuật của nhà văn hóa thường và chủ yếu dựa vào các hoạt động nghệ thuật “không chuyên” và gắn bó mật thiết với văn nghệ dân gian. Giữ gìn bản sắc dân tộc và bản sắc địa phương: hoạt động nghệ thuật không chuyên và các phong trào văn nghệ quần chúng lại luôn luôn gần gũi và gắn bó với văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc, văn nghệ dân gian.

Do vậy, hoạt động nghệ thuật quần chúng và những nội dung sinh hoạt ở các câu lạc bộ của nhà văn hóa chính là nơi góp phần đắc lực nhất vào việc bảo tồn, truyền bá và tiêu thụ những giá trị văn hoá thẩm mỹ của dân tộc, đồng thời cũng là nơi phát kiến kế thừa, cải tiến nâng lên tầm cao mới những giá trị thẩm mỹ ấy.

Nhờ có đặc điểm này, không những nó góp phần bổ sung đáng kể nguồn giá trị văn hoá thẩm mỹ dân tộc cho các cơ quan văn hoá nghệ thuật chuyên nghiệp, mà điều đáng kể hơn là chính nhờ đó việc giáo dục thẩm mỹ bằng loại hình nghệ thuật quần chúng của nhà văn hóa đã góp phần tích cực vào việc giữ gìn bản sắc truyền thống văn hoá dân tộc và những giá trị thẩm mỹ trong sáng của nhiều dân tộc.

Từ những căn cứ lý luận về những đặc trưng cơ bản của nhà văn hóa là thiết chế giáo dục ngoài nhà trường và nhu cầu thực tiển đã khẳng định: nhà văn hóa là một thiết chế văn hóa không thể thiếu được trong đời sống xã hội nông thôn mới.

Một phần của tài liệu Luan van nâng cao chất lượng sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa các xã nông thôn mới ở huyện thọ xuân, tỉnh thanh hóa (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)