Chương 3: NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ
3.2. Định hướng phát triển sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa xã nông thôn mới
Sinh hoạt cộng đồng của người dân tại các nhà văn hóa nông thôn mới đã phát huy được tính truyền thống, tính đoàn kết, tính cộng đồng của người dân nên việc quản lý Nhà nước về văn hóa và đối với thiết chế văn hóa cơ sở trong bối cảnh hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa diễn ra ngày càng sâu rộng, đang là vấn đề rất cấp bách đặt ra trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Xuất phát từ thực trạng quản lý nhà nước về văn hóa và đối với thiết chế văn hóa cơ sở ở tỉnhThanh Hóa cũng như tại huyện Thọ Xuân, việc định hướng phát triển văn hóa cũng như thiết chế văn hóa cơ sở là vấn đề phức tạp đặt ra; cần dự báo được thời cơ và thách thức, tiềm năng và lợi thế, nhu cầu và khả năng đáp ứng, tần suất tham gia và hưởng thụ các giá trị văn hóa của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, quy hoạch và tạo hành lang pháp lý phù hợp để hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở hoạt động hiệu quả nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn xã hội ở địa phương đặt ra.
Tiếp nối Nghị quyết của Đảng bộ các nhiệm kỳ trước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thọ Xuân lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2015 – 2020 nêu rõ:
“Phát triển phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, củng cố, nâng chất và phát triển các danh hiệu văn hóa. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng đi đôi với củng cố các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, các trung tâm văn hóa. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa” [17].
Trên cơ sở đó, nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện Thọ Xuân cũng nhấn mạnh, phải quan tâm đầu tư và nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa công lập trên địa bàn huyện, chú ý vùng đồng bào dân tộc,
tôn giáo để thu hút đông đảo các đối tượng nhân dân tham gia hưởng thụ và sáng tạo văn hóa cơ sở. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, quan tâm đến chất lượng các danh hiệu văn hóa, đổi mới công tác thông tin tuyên truyền cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ, kỷ niệm. Hướng việc cưới, việc tang thực hiện nếp sống văn minh và quản lý tốt các hoạt động lễ, hội. Trong đó đặc biệt chú ý đến xây dựng mới, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa hiện có trên địa bàn huyện.
Để hiện thực hóa chiến lược về phát triển văn hóa, nhất là đối với hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn Thọ Xuân, Ủy ban nhân dân huyện ban hành Quyết định số 1825/QĐ - UBND ngày 10 tháng 8 năm 2014 về phê duyệt đề án: “Phát triển văn hóa của huyện Thọ Xuân”, trong đó chú trọng phát triển văn hóa của người dân; xây dựng, củng cố và phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, tạo điều kiện để người dân nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động và sáng tạo văn hóa; nâng cao chất lượng phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, làng văn hóa, xã văn hóa, tạo nền tảng vững chắc để phát triển văn hóa cơ sở lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững.
Mục tiêu cụ thể của huyện Thọ Xuân là đến năm 2020: hoàn thành 100% việc xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã, thôn; từng bước hoàn thiện Trung tâm văn hóa - Thể thao xã; phấn đấu có 80% nhà văn hóa, khu thể thao xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trước mắt cần quan tâm xây dựng thiết chế: Đài truyền thanh, thư viện, phòng truyền thống, các câu lạc bộ, nhà tập luyện và thi đấu thể thao, sân tập ngoài trời. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khai thác, quản lý và phát huy hiệu quả Trung tâm văn hóa - Thể thao xã. Thiết chế văn hóa ở thôn, xóm khi
xây dựng mới và củng cố nâng chất phải đảm bảo diện tích theo quy định, phát triển hệ thống nhà văn hóa - khu thể thao phải gắn với phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng hạt nhân văn hóa, thể thao làm nồng cốt để duy trì hoạt động, thực hiện tốt vai trò tự quản địa phương. Như vậy, trong quá trình thực hiện mục tiêu về hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở thìvấn đề đặt ra là phải thực hiện song hành hai nhiệm vụ là xây dựng mới và cải tạo,nâng cao chất lượng hoạt động cái hiện có.
Hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở là một bộ phận quan trọng trong hệ thống thông tin của cả nước, là công cụ tuyên truyền và vận động sắc bén tại cơ sở của Đảng và Nhà nước, đồng thời là nơi hưởng thụ sáng tạo và bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa của các vùng miền.
Quản lý hoạt động văn hóa và quản lý thiết chế văn hoá cần được nhận thức đầy đủ sát với thực tiễn trong đó vấn đề quan trọng là chỉ đạo hoạt động của các nhà văn hóa cũng như chú trọng tổ chức các hình thức hoạt động các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng trong điều kiện hiện nay. Nhất là nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội về giáo dục văn hóa và sức ép từ sự gia tăng nhu cầu vui chơi giả trí không chỉ trên địa bàn huyện Thọ Xuân mà còn với các địa phương khác trong cả nước.
Nhà văn hóa cần được nhìn nhận là một xu thế giáo dục mới ngoài nhà trường với những ưu điểm sẵn có, cũng như cần có những thay đổi nhất định để bắt kịp xu hướng mới trong các hoạt động tại chỗ ở cộng đồng dân cư.
Ngoài chức năng chuyển tải, thông tin của cả hệ thống chính trị và sinh hoạt chính trị tại xã, thôn, tổ dân cư, các hoạt động của nhà văn hóa cần chuyển hóa các nội dung giáo dục vào những hình thức dễ tiếp nhận, lồng ghép vào những hoạt động giải trí hấp dẫn.
Người tham gia vào các hoạt động vừa tự cân bằng lại mình sau thời gian học tập và làm việc đồng thời lại có thể sẵn sàng tiếp nhận thêm những
thông tin mới. Đây cũng chính là nơi bảo tồn tốt nhất những giá trị văn hóa của cộng đồng và xây dựng nếp sống văn minh, phát huy tiềm năng sáng tạo của người dân tại cộng đồng dân cư.
Trong những năm tới, hoạt động của các thiết chế văn hóa cũng như hoạt động của các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng ở các xã Nông thôn mới huyện Thọ Xuân cần xác định là chủ thể cung cấp và tổ chức các hoạt động và dịch vụ văn hóa tại xã thôn, tổ dân cư mà đối tượng phục vụ là các tổ chức chính trị tại xã hội tại địa phương cũng như các tầng lớp nhân dân có nhu cầu về mọi phương diện: Học, đọc, nghe, xem, sáng tạo và sử dụng, tiêu dùng những sản phẩm, giá trị văn hóa. Trong hoạt động của nhà văn hóa cần đảm bảo theo nhu cầu của thị trường, có “cung” và “cầu” phục vụ nhu cầu của công chúng tại các xã, thôn. Hình thức hoạt động giải trí phong phú, đa dạng nhất là hoạt động TDTT, giữ gìn và bảo vệ sức khỏe ngày càng chiếm lĩnh ưu thế tại các nhà văn hóa xã, thôn phù hợp với nhiều lứa tuổi nhằm thỏa mãn nhu cầu của người dân trong cộng đồng dân cư.
Nhà văn hóa ở cơ sở tổ chức những dịch vụ văn hóa dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ thông tin ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đồng thời thực hiện việc tuyên truyền và quảng cáo các dịch vụ cho những doanh nghiệp trên địa bàn, làm được điều này sẽ tăng thêm nguồn kinh phí bổ sung cho việc trang bị, củng cố thêm cơ sở vật chất và điều kiện hoạt động trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Vì vậy rất cần có một cơ chế quản lý nhà văn hóa ở cơ sở phù hợp.