Chương 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG TẠI NHÀ VĂN HÓA XÃ NÔNG THÔN MỚI Ở HUYỆN THỌ XUÂN
2.2. Tổ chức các dạng thức sinh hoạt cộng đồng
2.2.2. Hoạt động câu lạc bộ, đội - nhóm
Đây là dạng thức quan trọng nhất ở nhà văn hóa, biểu hiện rõ nét nhất mối liên hệ gắn kết cộng đồng thông qua việc quy tụ các cá nhân có cùng nguyện vọng, sở thích hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí.
Hoạt động câu lạc bộ hay đội, nhóm vừa đáp ứng nhu cầu giải trí, vừa khơi dậy những giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của mỗi người dân, đồng thời, góp phần xây dựng và bồi đắp những giá trị tốt đẹp của con người. Câu lạc bộ là hình thức tập hợp nhiều người trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị hoặc trong xã hội tự nguyện tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, vui chơi giải trí…
Hình thức tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ là không thể thiếu và rất phổ biến ở vùng nông thôn, mà chủ yếu là các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật sinh hoạt tại nhà văn hóa xã. Tùy theo địa bàn dân cư, tập quán, tín ngưỡng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, trình độ, nghề nghiệp, sở thích, lứa tuổi… khác nhau mà ở đó hình thành nên các câu lạc bộ, như: câu lạc bộ hát với nhau, câu lạc bộ dân ca, thơ, âm nhạc, ,… và các tổ, nhóm khác. Việc thành lập câu lạc bộ tại các địa phương sẽ làm cho hoạt động ở đây thêm phong phú, phù hợp với nhu cầu lợi ích của từng đối tượng cụ thể, tạo môi trường cho những người tham gia có khả năng và năng khiếu được bộc lộ, phát triển.
Trao đổi với ông Đỗ Đình Tám - Trưởng phòng VHTT huyện Thọ Xuân, chúng tôi được biết: “từ khi thực hiện chương trình Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đến nay, các nhà văn hóa xã được cấp ủy, chính quyền các cấp đầu tư kinh phí và trang thiết bị nên thu hút rất nhiều người dân đến vui chơi, giải trí nên công tác tuyên truyền tiến bộ rỏ rệt, nhiều tổ, nhóm, câu lạc bộ được thành lập thu hút được người dân đến sinh hoạt” [Tài liệu phỏng vấn năm 2017 tại phòng VHTT huyện Thọ Xuân].
Ông Hoàng Lộc Ninh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện chia sẻ: “người dân đến đây tham gia sinh hoạt với nhiều hoạt động khác nhau như vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và tham gia các câu lạc bộ, tổ, nhóm. Có rất nhiều đối tượng như các lão thành cách mạng, các thanh niên, các phụ nữ, trẻ em trong và ngoài xã. Như các ông lão thành, các cụ ông, cụ bà đến đây vào buổi sáng để tập dưỡng sinh, thanh niên, nam nữ thì tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, học tập các lớp trồng trọt, chăn nuôi …và tham gia các câu lạc bộ được hoạt động trong nhà văn hóa xã” [Tài liệu phỏng vấn năm 2017 tại phòng trụ sở UBND huyện Thọ Xuân].
Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương (lần thứ 5, khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” Đảng bộ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện chấp hành rất nghiêm túc trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Câu lạc bộ “Hát với nhau nghe”, tuy mới thành lập được 5 năm nay đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc của người dân các xã nông thôn mới ở Thọ Xuân, cũng là sân chơi cho những người yêu ca hát, những người “máu lửa” sẵn sàng tham gia vào các đoàn đi hát đám cưới, lễ hội để thỏa niềm đam mê. Câu lạc bộ ra đời đáp ứng đúng nhu cầu của số đông người yêu âm nhạc và được hưởng ứng rất nhiệt tình.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, thanh niên xã Xuân Giang cho biết: “tối thứ 6 hàng tuần bà con ngồi chật kín người, có nhiều người từ các xã, khác đến tham gia. Họ có tặng hoa và vỗ tay nhiều lắm. Anh còn cho biết không chỉ phục vụ người dân trong xã, câu lạc bộ còn tổ chức nhiều hội thi hát với nhau nhân ngày lễ, tết trong năm, nên thu hút rất nhiều người yêu ca hát từ các xã, huyện bạn đến tham gia. Nhiều giọng hát trở thành gương mặt quen thuộc trên sân khấu được khán giả chào đón tích cực, tặng hoa và những tràng pháo tay nồng nhiệt. Sân chơi đã tạo được thói quen lành mạnh cho người dân, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần và phát triển phong trào văn hóa - văn nghệ. Còn góp phần bồi dưỡng rất nhiều “cây văn nghệ” cho địa phương
” [Tài liệu phỏng vấn năm 2017 tại xã Xuân Giang].
Từ nhiều năm qua, vào ngày 10 và 11/2 Âm lịch hàng năm, người dân ở xã Xuân Trường và các vùng lân cận lại đổ về khu vực chùa Tạu (xã Xuân Trường) để xem những “nghệ nhân nông dân” diễn Trò Xuân Phả trong lễ hội cùng tên nhằm tôn vinh và lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc mà cha ông đã để lại. Mỗi dịp như thế, xã Xuân Trường lại tưng bừng và náo nhiệt đúng với không khí của một ngày hội. Để rồi qua những lần tổ chức thường niên như thế, hiện nay ở xã Xuân Trường ai ai cũng biết múa Trò Xuân Phả.
Theo nghệ nhân Bùi Văn Hùng, Trò Xuân Phả được trao truyền bằng việc các cụ cao niên dạy lại người trung niên và từ bậc trung niên chuyển giao tới các bạn thanh thiếu niên, thiếu nhi và các cháu nhỏ. Bên cạnh đó, những người như nghệ nhân Hùng chẳng hạn, luôn phổ biến ý nghĩa của Trò Xuân Phả đến tất cả mọi người, đó là bản sắc, là giá trị văn hóa mà không dễ gì nơi nào có được, các thế hệ phải cố gắng giữ lấy. Nhiều năm gắn bó và trăn trở với những điệu múa trong Trò Xuân Phả, ông Hùng cho biết, sự đặc biệt ở Trò Xuân Phả là các “vũ công” nam có những động tác phóng khoáng, tay chân mở rộng, khỏe, thể hiện “trong nhu có cương, trong cương có nhu”
với nhiều động tác múa, tuyến múa, đội hình múa, làm tôn nên sắc thái văn hóa lúa nước, vẻ duyên dáng, tinh tế, kín đáo nhưng cũng rất mạnh mẽ của người Việt.
Trong năm điệu múa của Trò Xuân Phả, có ba điệu mà người diễn phải dùng mặt nạ, đó là điệu Chiêm Thành, Hoa Lang và Tú Huần. Cũng vì yếu tố này mà nhiều người cho rằng, Trò Xuân Phả có nét tương đồng với điệu Cheoyongmu (múa mặt nạ) của Hàn Quốc. Tuy nhiên, Trò Xuân Phả lại mang tính dân gian Việt Nam rõ nét. Đặc biệt, trò Chiêm Thành và Hoa Lang người múa chỉ ngậm mặt nạ nửa mặt bởi một chốt gỗ vào miệng. Trò Ai Lao có voi, hổ, chúa tể, người hầu và mười quân đội mũ rễ si, quấn phá ngang vai, chân quấn xà cạp, tay cầm xênh tre. Chúa Lào (đội mũ cánh chuồn, áo thụng xanh chàm), hai bên có lính bảo vệ (mười quân). Cả đoàn đi trong tiếng xênh tre được gõ nhịp liên hồi, biểu hiện sức mạnh các chàng trai đi săn đầy sức mạnh nhưng cũng rất mềm mại, uyển chuyển. Đối với Trò Ngô Quốc sẽ có hai vị tiên, ông chúa và mười quân trang phục nón lính, áo màu xanh lam, tay cầm mái chèo.
Mở đầu có người bán thuốc, người bán kẹo và thầy địa lý múa một đoạn ngẫu hứng rồi nhường chỗ cho hai nàng tiên và đoàn quân đi ra. Đoàn này múa quạt và khăn, tiếp đó múa mái chèo...
Có thể nói, Trò Xuân Phả là một trong những di sản văn hóa phi vật thể hiếm của xứ Thanh nói riêng và cả nước nói chung. Một số nhà nghiên cứu văn hóa ở nước ta nhận định, Trò Xuân Phả có những nét khá giống một “lễ hội hóa trang” của người phương Tây, tuy nhiên Trò Xuân Phả lại mang đậm yếu tố cung đình và dân gian Việt trong từng điệu múa. Với những điệu múa độc đáo, có sự pha trộn yếu tố cung đình và dân gian mang đầy tính chất ước lệ, nhưng Trò Xuân Phả cũng rất huyền bí, lộng lẫy, phản ánh quan niệm thẩm mỹ của dân tộccũng như của người nông dân nơi nó được sinh ra.
Không chỉ gìn giữ khu biệt ở địa phương, trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, dưới sự quan tâm của chính quyền sở tại, Trò Xuân Phả đã được “thoát ly”
để góp mặt trong nhiều sự kiện văn hóa - xã hội lớn của tỉnh Thanh Hóa và cả nước. Những sự kiện lớn như: Chào Thiên niên kỷ mới (năm 2000), Festival Huế 2004, 100 năm Sầm Sơn huyền thoại, Lễ hội truyền thống Lam Kinh (ngày 21 và 22/8 âm lịch hàng năm)... Trò Xuân Phả luôn hiện diện như một phần không thể thiếu. Lần gần nhất, trong sự kiện thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới, trong các tiết mục văn hóa nghệ thuật của ngày lễ đón mừng, Trò Xuân Phả cũng vinh dự được chọn biểu diễn.
Qua những lần xuất hiện ấy, Trò Xuân Phả đã đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước, tranh thủ được thời cơ để quảng bá nét văn hóa đặc sắc của địa phương cũng như Việt Nam đến với cộng đồng.
Bên cạnh đấy, tại các xã nông thôn mới huyện Thọ Xuân, không chỉ các câu lạc bộ thể dục thể thao phát triển mạnh, mà Câu lạc bộ thơ, gồm những “nhà thơ” không chuyên nhưng đã ra mắt nhiều tập thơ tình quê mang đậm ý nghĩa ca ngợi quê hương đổi mới, là “sân chơi” tao nhã của những người yêu thơ, yêu văn hóa - nghệ thuật.
Theo ông Lê Công Thể, Chủ tịch Hội người cao tuổi huyện Thọ Xuân cho biết: “Câu lạc bộ văn nghệ của người cao tuổi ở các xã duy trì thường
xuyên các buổi sinh hoạt. Câu lạc bộ thơ là nơi thỏa mãn được nhu cầu sáng tạo và biểu diễn của người cao tuổi” [Tài liệu phỏng vấn năm 2017 tại huyện Thọ Xuân].
Từ phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, nhiều hội viên đã trở thành nòng cốt trong các hội thi, hội diễn, phục vụ các sự kiện, ngày lễ, kỷ niệm của các địa phương. Phong trào luyện tập văn nghệ, thể thao, văn chương đã và đang sôi nổi ở làng quê còn nhiều khó khăn nhưng giàu truyền thống văn hóa. Trong những năm qua, hội viện người cao tuổi trên địa bàn các xã đã tích cực tham gia vào các phong trào thi đua, sản xuất và đã phát huy được vai trò “đầu tầu” gương mẫu trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững trật tự an ninh chính trị tại các địa phương.
Người cao tuổi là lớp người có uy tín và vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội, là người có công sinh thành, nuôi dạy con cháu, hình thành nhân cách, phát triển giống nòi, giáo dục lý tưởng và truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ trẻ.
Hiện nay, Hội người cao tuổi tại 22 xã xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới có trên 1000 hội viên, sinh hoạt tại nhà văn hóa các xã. Ông Lê Công Thể còn cho biết thêm: “Hội còn phối hợp với Công an huyện về phòng, chống tội phạm, ma túy giai đoạn (2015 - 2020), từ đầu năm đến nay, tại các xã xây dựng nông thôn mới, Hội người cao tuổi đã phối hợp tổ chức 45 lớp tuyên truyền, tập huấn cho 2658 lượt hội viên cao tuổi tham gia”. Hình thức tuyên truyền đa dạng được phổ biến qua các buổi hội thảo, tuyên truyền thông qua các tổ an ninh, tổ thanh tra nhân dân, tổ hòa giải, lồng ghép với các cuộc họp tổ nhân dân tự quản và qua các buổi sinh hoạt Hội… Qua đó, Hội đã tích cực phòng ngừa, phát hiện, tố giác các loại tội phạm, tệ nạn xã hội gắn với thực hiện tốt phong trào “Tuổi cao - gương sáng”. Với uy tín và tinh thần nêu gương, nhiều hội viên tích tham gia vận động con cháu, nhân dân hiến đất,
ngày công lao động để làm đường giao thông, góp phần đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mớitại huyện Thọ Xuân.
Ngoài ra, còn tổ chức các loại hình câu lạc bộ tại nhà văn hóa xã như: “ cờ tướng, thơ ca, dưỡng sinh”… Điển hình câu lạc bộ dưỡng sinh thu hút đông đảo hội viên tập luyện, qua đó đã thúc đẩy phong trào văn hóa thể thao từng bước đi lên, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe cho mỗi hội viên người cao tuổi.
Hoạt động của Câu lạc Xây dựng gia đình hạnh phúc: Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của gia đình, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ đã triển khai nhiều mô hình giúp chị em phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, trong đó nổi bật là mô hình câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc tại các xã nông thôn mới đem lại hiệu quả thiết thực.
Được triển khai từ năm 2015, đến nay mô hình này được các cấp hội phụ nữ nhân rộng ra các xã, xây dựng được 50 câu lạc bộ tại 22 xã, thu hút tên 1.850 cặp vợ chồng tham gia. Định kỳ 1 tháng sinh hoạt một lần, câu lạc bộ phối hợp với Trạm y tế các xã, Ban Tư pháp, Công an xã, Công an huyện Thọ Xuân tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền tới các thành viên với nhiều nội dung phong phú, đa dạng theo các chuyên đề: tuyên truyền các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trang bị những kiến thức về phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, phổ biến những văn bản pháp luật như: Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em …Đồng thời, lồng ghép các nội dung học tập và tham quan các mô hình điểm về phát triển kinh tế... với nhiều hình thức phù hợp, “buổi sinh hoạt nào cũng thu hút đông đảo các cặp vợ chồng tham gia, tạo ra không khí rất sôi nổi, vui vẻ”. Thông qua các buổi sinh hoạt, nhiều chị em phụ nữ đã nhận ra vai trò của chính bản thân mình trong việc “giữ lửa” hạnh phúc gia đình.
Theo bà Mai Thi Mùi, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: “Việc thành lập câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc và sinh hoạt định kỳ, tập trung tại các nhà văn hóa ở các xã, giúp nhiều chị em phụ nữ đã nhận ra vai trò của chính bản thân mình trong việc “giữ lửa” hạnh phúc gia đình. Mọi hội viên phụ nữ đều giải quyết êm thấm trong gia đình, học nhiều lớp nấu ăn, dinh dưỡng, chăm sóc cho chồng, con, vun vén tình cảm gia đình hơn” [Tài liệu phỏng vấn năm 2017 tại huyện Thọ Xuân].
Cùng với việc thường xuyên sinh hoạt lồng ghép, thay đổi cách thức hoạt động phù hợp, đã thực sự phát huy hiệu quả. Đến nay, không chỉ nhận thức và chú trọng xây dựng gia đình mình hạnh phúc, các thành viên còn là
“hạt nhân nòng cốt” trong việc tuyên truyền cho các hội viên khác tham gia, từ đó tình trạng bạo lực gia đình giảm hẳn, các gia đình êm ấm, hòa thuận, vui vẻ nên xã luôn bình yên, ai nấy đều rất phấn khởi.
Bên cạnh việc trang bị kiến thức, câu lạc bộ còn tích cực khai thác nguồn vốn cho các thành viên vay để phát triển kinh tế gia đình tăng thu nhập cải thiện cuộc sống. Hoạt động gây quỹ dưới hình thức vận động các thành viên đóng góp. Tính đến nay tổng quỹ lên tới hơn 1.050 triệu đồng, dùng để chi phí khi sinh hoạt, thăm hỏi khi các thành viên ốm đau, hoặc có người thân qua đời, động viên các cháu có thành tích cao trong học tập, ngoài ra còn tổ chức các buổi giao lưu với câu lạc bộ các xã với nhau để học hỏi kinh nghiệm.
Chính Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc đã gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, sống có văn hóa, yêu thương nhau, có trách nhiệm với gia đình hơn, đồng thời xây dựng mối đoàn kết tình làng nghĩa xóm. Hoạt động của Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn các xã nông thôn mới của huyện Thọ Xuân đã góp phần quan trọng trong xây dựng gia đình theo 4 tiêu chí
“No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua
“Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.