Chương 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG TẠI NHÀ VĂN HÓA XÃ NÔNG THÔN MỚI Ở HUYỆN THỌ XUÂN
2.3. Đặc điểm của sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa các xã nông thôn mới ở huyện Thọ Xuân
2.3.1. Mở rộng không gian, thời gian hoạt động nhà văn hóa
Về không gian: nếu không gian hoạt động của nhà văn hóa mang tính khép kín, tại chỗ ở một địa điểm và chủ yếu diễn ra trong thời gian rỗi nhất định như lúc trước, thì hoạt động của nhà văn hóa xã nông thôn mới sẽ “mở rộng” cả không gian trong, ngoài địa phương và hoạt động cả trong thời gian rỗi lẫn thời gian tất yếu.
Ví dụ: Trong tổ chức sự kiện, các ngày lễ, kỷ niệm, hội thi, liên hoan cấp huyện, tỉnh… nhà văn hóa xã hoàn toàn chủ động việc tổ chức hoạt động bất cứ thời gian nào theo yêu cầu và các hoạt động được diễn ra ở bất cứ không gian nào, bất cứ địa phương nào mà không bị ràng buột bởi một không gian như câu lạc bộ - nhà văn hóa.
Về thời gian: lúc trước hoạt động chủ yếu trong thời gian rỗi nhưng từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới đến nay nhà văn hóa xã có thể tổ chức hoạt động vào bất cứ lúc nào cả thời gian rỗi và thời gian tất yếu theo yêu cầu và không phụ thuộc vào thời gian nhất định. Chính đặc điểm này, tạo nên tính đặc thù nổi bật của tổ chức sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa xã theo
phương châm “mọi người làm việc, mình làm việc - mọi người nghỉ việc, mình vẫn làm việc”.
Như vậy, thời gian hoạt động của nhà văn hóa được mở rộng và diễn ra cả thời gian rỗi và thời gian tất yếu, trong đó, thời gian rỗi vẫn được xem là chủ yếu để tổ chức các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sáng tạo và hưởng thụ của mọi đối tượng đến tham gia hoạt động tại nhà văn hóa.
Nhiệm vụ của nhà văn hóa là cần nghiên cứu điều kiện thời gian rỗi và thời gian tất yếu của từng nơi, từng đơn vị và mức độ, nhu cầu hoạt động của từng đối tượng để xây dựng kế hoạch và tiến hành hoạt động với nhiều phương pháp, biện pháp, hình thức với các phương tiện thích hợp, nhằm tạo điều kiện thu hút, tác động giáo dục và đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hoá của mọi đối tượng đến tham gia hoạt động tại nhà văn hóa hoặc đưa các hoạt động văn hoá đến với những đối tượng đã xác định của nhà văn hóa.
Theo ông: Nguyễn Ngọc Thức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thọ Xuân cho biết: “ngoài hoạt động nhà văn hóa mở rộng không gian, thời gian thì hoạt động nhà văn hóa thời gian tới được vận hành theo phương thức xã hội hoá, vận động quần chúng, dựa trên cơ sở tự nguyện, tự giác và sở thích của đối tượng” [Tài liệu phỏng vấn năm 2017 tại huyện Thọ Xuân].
2.3.2. Phát huy tính tự nguyện, tự giác của người dân trong tổ chức sinh hoạt cộng đồng
Trong quần chúng, nhu cầu hưởng thụ văn hoá, nhu cầu hoạt động rỗi thì ai cũng có, nhưng không giống nhau và bộc lộ như nhau (cả về tham gia hoạt động văn hoá và sở thích văn hoá). Bởi vì, hoạt động văn hoá không phải là “nghề” sinh sống của họ; còn sở thích văn hoá thì do tâm lý điều khiển chứ không ai có quyền ép buộc và họ cũng không bị bất cứ ràng buộc nào.
Vì vậy, loại hình hoạt động nhà văn hóa nào họ thấy hay, thấy thích thì họ sẽ tự giác, tự nguyện tham gia hoặc ngược lại. Điều quan trọng trong các
dạng thức sinh hoạt cộng đồng ở nhà văn hóa phải đáp ứng được nhu cầu của từng nhóm xã hội. Do vậy, khác với giáo dục nhà trường vận hành theo định chế nghiêm khắc, hoạt động giáo dục của nhà văn hóa phải vận hành theo định chế thoải mái, bằng phương thức vận động dân chủ hoá, dùng những biện pháp “kích cầu” để kích thích tinh thần tự nguyện, tự giác, khơi dậy và khích lệ phát triển nhu cầu hoạt động và sở thích văn hoá của mọi lớp công chúng để thu hút họ đến với các hoạt động của nhà văn hóa.
Có thể thấy các câu lạc bộ là hoạt động “xương sống” của nhà văn hóa, sự hình thành các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao trên địa bàn các xã nông thôn mới huyện Thọ Xuân những năm qua đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Dù chỉ mang tính nghiệp dư, nhưng phong trào văn hóa, văn nghệ đã làm thỏa mãn nhu cầu, đáp ứng sở thích, đam mê của nhiều người, qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân trên địa bàn.
Qua những buổi hoạt động văn hóa, văn nghệ của xã thấy hết được niềm hứng khởi, vui tươi của người dân khi trực tiếp tham gia các câu lạc bộ, được hòa mình vào không khí sinh hoạt văn hóa lành mạnh sau những giờ lao động miệt mài, vất vả trong công việc. Ngoài ra, nhiều câu lạc bộ đã làm tốt công tác xã hội hóa, thu hút được các nguồn lực ủng hộ (con em quê hương, doanh nghiệp) để mua sắm trang phục biểu diễn, nhạc cụ, duy trì sinh hoạt và tham gia các hội thi các cấp.
2.3.3. Phổ biến kiến thức và hướng dẫn phát triển kinh tế cho người dân Ngoài các sinh hoạt cộng đồng của người dân như: sinh hoạt các câu lạc bộ, sinh hoạt vui chơi, giải trí về mặt tinh thần,nhà văn hóa xã còn là nơi để người dân cùng nhau phổ biến những kiến thức khoa học và tiến bộ kỹ thuật của mình.
Ở đây họ khai thác được tiềm năng, lợi thế của vùng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo các nội dung sau: Trong những buổi sinh hoạt các tổ, nhóm của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các xã thường lồng
ghép phổ biến tiến bộ kỹ thuật thâm canh, tăng vụ cây trồng, kỹ thuật chăn nuôi các loại gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản, phổ biến kỹ thuật làm VAC, VACR thích hợp với từng địa phương; kỹ thuật bảo quản và sử dụng cây và giống vật nuôi có năng suất cao, ổn định, có phẩm chất tốt; công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, lâm sản, thủy hải sản cho nông dân để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh tốt;
hướng dẫn nông dân sử dụng có hiệu quả phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.
Theo bà Bùi Thị Nga, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: “Có rất nhiều mô hình, như mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình sản xuất rau theo hướng VietGAP, mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAHP được các xã ở huyện Thọ Xuân nỗ lực phát triển, nhằm sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chuỗi giá trị hang hóa và tăng thu nhập cho người dân” [Tài liệu phỏng vấn năm 2017 tại huyện Thọ Xuân].
Thông qua những buổi sinh hoạt tổ, nhóm về phổ biến kiến thức làm kinh tế tại nhà văn hóa các xã đã giúp cho người dân mạnh dạng chuyển dịch sản xuất theo hướng đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi và cùng với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã đưa nông nghiệp ở địa phương có bước phát triển mới.
Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó, cây lúa và mía là hai loại cây trồng chủ lực của huyện, do ảnh hưởng giá cả thị trường nên nguồn thu nhập của người dân rất bấp bênh, cuộc sống đầy khó khăn. Nhưng khoảng vài năm gần đây, người dân thường tập trung tại nhà văn hóa để trao đổi, học tập nhau về thực hiện đề án tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả, bền vững.
Bồi dưỡng và phát triển kỹ năng về kiến thức quản lý kinh tế hộ gia đình cho nông dân, cung cấp những thông tin thị trường cho họ. Qua đó, giúp người nông dân, nâng cao trình độ hiểu biết về kinh tế thị trường và tự chủ vươn lên trong sản xuất, kinh doanh thúc đẩy kinh tế phát triển, từng bước ổn định và nâng cao đời sống.
Bằng những việc làm thiết thực, vào những ngày cuối tuần Ủy ban nhân dân các xã phối hợp với các Công ty phân bón, bảo vệ thực vật tổ chức diễn đàn tại nhà văn hóa xã để cùng bà con nông dân nhau trao đổi kinh nghiệp, kỹ năng về trồng trọt, chăn nuôi, qua đó đưa ra những sáng kiến quý báu về quản lý kinh tế hộ gia đình, đồng thời nhà doanh nghiệp thông tin thị trường đến người dân, giúp người dân có thêm kiến thức, thông tin bổ ích cho công việc hàng ngày của mình. Gợi ý, hướng dẫn cách thức hợp tác giữa các hộ nghèo với nhau hoặc các hộ giàu để mở mang ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Từ đó mà phát huy được sức sản xuất của mọi người, mọi nhà làm cho người giàu thì giàu lên, hộ nghèo thì khá hơn, đồng thời đó là một trong những biện pháp hướng tới thu hẹp dần khoảng cách giữa giàu và nghèo.
Bằng cách làm “Lá lành đùm lá rách” người dân ở các địa phương hợp tác, giúp đỡ nhau trong sản xuất, như tạo các loại quỹ để giúp đỡ những hộ không có điều kiện. Đồng thời, sử dụng tối đa các phương tiện truyền thông đại chúng như đài phát thanh, báo chí,... để truyền đạt và đăng tải thông tin đến tận từng gia đình, đặc biệt là thông tin về nội dung cụ thể của các chương trình khuyến nông cho nông dân.
2.3.4. Tuyên truyền giáo dục và đào tạo nghề ở nông thôn
Hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn được thực hiện dưới nhiều hình thức dạy nghề lưu động tại nhà văn hóa xã nông thôn mới. Điểm sáng là đã thu hút người lao động tham gia học nghề, tạo việc làm tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Điển hình trong nhiều năm nay đã thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, tạo việc làm thông qua sự liên kết chặt chẽ giữa người lao động với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện và trong tỉnh.
Trước đây, mặc dù nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cao nhưng số lao động của các xã huyện Thọ Xuân không tham gia làm việc mà đa số có xu hướng đi làm ăn xa ở thành phố
Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… Tuy nhiên, do phải trừ chi phí ăn ở, sinh hoạt những lao động tham gia đi làm ăn xa thu nhập thấp. Do vậy, nếu phát huy được nguồn lực lao động này tại địa phương thì sẽ giúp người lao động có tích lũy hàng tháng khá hơn, nên các xã trong huyện Thọ Xuân đã thực hiện nhiều chính sách thu hút nguồn lao động đi làm ăn xa quay trở về tham gia lao động sản xuất tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhà.
Riêng các lao động nông thôn chưa có tay nghề, các xã trong huyện liên kết mở các lớp đào tạo nghề tại nhà văn hóa xã để người lao động tham gia học nghề sau đó giới thiệu việc làm. Từ năm 2015 đến nay đã mở trên 40 lớp may công nghiệp tại các nhà văn hóa, thu hút trên 2000 người dân tham gia học và được giới thiệu vào làm việc ở các công ty. Ngoài ra, còn mở các lớp nghề chăn nuôi, trồng trọt, sinh vật cảnh. Đặc biệt, các xã mở nhiều lớp đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, nhất là tạo việc làm sau đào tạo đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả và đang được nhân rộng. Hình thức dạy nghề gắn với xây dựng mô hình điểm được huyện áp dụng nhiều năm nay.
Có thể khẳng định, vấn đề đào tạo nghề cho người nông dân tại nhà văn hóa xã là hết sức quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện việc đào tạo nghề ở nông thôn đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ lâu, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường từ mầm non đến bậc phổ thông trung học nhằm phát triển nguồn nhân lực cho tương lai, Ủy ban nhân dân các xã tăng cường công tác đào tạo nghề tại nhà văn hóa xã. Việc đào tạo nghề cho lực lượng lao động ở xã nông thôn là vấn đề cơ bản của việc tổ chức các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Khi đời sống vật chất của các hộ gia đình được ổn định từ những việc làm có thu nhập tốt sẽ là nền tảng vững chắc để họ tham gia hoạt động sáng tạo, giao lưu và giải trí tại nhà văn hóa xã.